Thiên tai khiến trên 225 triệu người khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải di tản

Theo một báo cáo chung của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Giám sát Di tản nội bộ (IDMC) công bố ngày 19/9, các thảm họa do thiên tai gây ra đã khiến khoảng 225,3 triệu người ở châu Á-Thái Bình Dương phải di tản từ năm 2010 đến năm 2021, chiếm hơn 3/4 số người này trên toàn cầu.Theo một báo cáo chung của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Giám sát Di tản nội bộ (IDMC) công bố ngày 19/9, các thảm họa do thiên tai gây ra đã khiến khoảng 225,3 triệu người ở châu Á-Thái Bình Dương phải di tản từ năm 2010 đến năm 2021, chiếm hơn 3/4 số người này trên toàn cầu. Báo cáo cho thấy châu Á-Thái Bình Dương là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng di tản thiên tai. Khu vực Thái Bình Dương có nguy cơ đối mặt với tình trạng di tản "lớn nhất" so với quy mô dân số của khu vực. Đông Á và Đông Nam Á có số lượng người di tản do thiên tai cao nhất, tiếp theo là Nam Á. Những cơn bão và lũ lụt quy mô lớn, hạn hán, động đất, sóng thần và núi lửa phun trào liên tục khiến hàng triệu người phải di tản mỗi năm trên khắp khu vực rộng lớn là nơi sinh sống của hàng tỷ người này. Theo Trưởng nhóm chuyên đề về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu của ADB Noelle O'Brien, quy mô di tản ngày càng tăng. Bà O'Brien cho rằng tình trạng di tản do thiên tai đang làm xói mòn thành quả phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và đe dọa sự thịnh vượng lâu dài của khu vực. Bà cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường các chính sách và hành động về quản lý rủi ro thiên tai để đảm bảo khu vực này không thụt lùi về các mục tiêu phát triển đã đề ra. Báo cáo thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đối với thực trạng người dân phải di tản thiên tai. Theo báo cáo, các tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên rõ ràng và được dự báo sẽ làm gia tăng quy mô cũng như số lượng người phải di tản, khi tần suất và cường độ của các thảm họa thiên tai tác động đến an ninh lương thực và gây khan hiếm nước. Giám đốc IDMC Alexandra Bilak cho biết thảm họa thiên tai đang gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều quan trọng là hàng triệu sinh mạng bị đe dọa bởi thảm họa về di tản không thể khắc phục được trong mỗi năm.

Tạm giữ phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống liên quan đến hành vi nhận tiền

Ngày 19/9, Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã ra quyết định tạm giữ đối với phóng viên Phùng Thanh Bình, công tác tại Báo Sức khỏe và Đời sống để tiến hành điều tra, làm rõ những vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Ngày 16/9/2022, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn tố cáo của đại diện lãnh đạo Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ, trụ sở tại phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ về việc Phùng Thanh Bình, công tác tại Báo Sức khỏe và Đời sống yêu cầu đưa 200 triệu đồng để gỡ bài đăng liên quan đến Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ trên trang mạng xã hội (Fanpage) “Báo chí điều tra”. Công an tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Phòng An ninh điều tra và Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an tiến hành xác minh, làm rõ.

Tìm thấy thi thể thuyền viên mất tích trong vụ chìm tàu trên vùng biển Cát Bà

Trung tá Nguyễn Thế Cừ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Bà (Bộ đội Biên phòng Hải Phòng) cho biết, thi thể thuyền viên Trần Văn Bảo đã được lực lượng cứu nạn tìm thấy lúc 11 giờ 30 phút ngày 19/9. Đây là thuyền viên bị mất tích trong vụ chìm tàu ngày 18/9, trên vùng biển cách đảo Cát Bà khoảng 3 hải lý về hưởng Đông Nam. Khi gặp nạn, trên tàu có 3 người, gồm: anh Lê Quang Hợp (sinh năm 1978, đăng ký thường trú tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) là thuyền trưởng; ông Phạm Văn Giang (sinh năn 1963, đăng ký thường trú tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) và Trần Văn Bảo (sinh năm 2004, nam, đăng ký thường trú tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là con trai ông Trần Văn Quân. Ngày 18/9, tàu NB-8133 chở 1.000 tấn tro than (dùng để san lấp mặt bằng) từ Cẩm Phả (Quảng Ninh) về Thái Bình đến khu vực vùng biển cách đảo Cát Bà khoảng 3 hải lý về hưởng Đông Nam thì đâm phải cồn đá, bị thủng mũi tàu, nước tràn vào khiến tàu có nguy cơ chìm. Các thuyền viên đã nỗ lực khắc phục sự cố. Ông Trần Văn Quân đề nghị Đồn Biên phòng Cát Bà hỗ trợ lực lượng ứng cứu khẩn cấp. Ngay sau khi nhận được thông tin, Đồn Biên phòng Cát Bà đã điều động 1 tàu, 2 xuồng, 7 cán bộ, chiến sĩ ra khu vực hiện trường tìm kiếm, ứng cứu. Đến khoảng 5 giờ 30 phút cùng ngày, tổ cứu nạn tiếp cận hiện trường. Lúc này, tàu NB-8133 đã bị lật úp. Thuyền trưởng Lê Quang Hợp và thuyền viên Phạm Văn Giang trôi dạt gần khu vực tàu bị nạn trong tình trạng kiệt sức, tinh thần hoảng loạn. Thuyền viên Trần Văn Bảo mất tích. Đội cứu nạn đã khẩn trương triển khai cứu vớt hai người trôi dạt đưa lên tàu của đơn vị chăm sóc y tế, động viên tinh thần để ổn định tâm lý. Đồn Biên phòng Cát Bà đã huy động 5 phương tiện của đơn vị và của ngư dân đang hoạt động ở khu vực gần hiện trường, tham gia tìm kiếm thuyền viên mất tích. Theo Trung tá Nguyễn Thế Cừ, thi thể nạn nhân Trần Văn Bảo được tìm thấy cách vị trí tàu đắm khoảng 3 Hải lý về hướng Đông Nam. Lúc hơn 13 giờ ngày 19/9, thi thể nạn nhân đã được đưa vào bờ. Đồn Biên phòng Cát Bà cùng các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để bàn giao thi thể nạn nhân về cho gia đình.

Nigeria: 171 người tử vong vì bệnh xuất huyết cấp tính do virus

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 18/9, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria (NCDC) cho biết số người tử vong do sốt Lassa ở nước này từ đầu năm đến nay đã lên đến 171 người, bất chấp các biện pháp của chính phủ nhằm giảm thiểu số ca mắc trên toàn quốc. Trong báo cáo tình hình dịch sốt Lassa mới nhất, NCDC cho biết đã ghi nhận tổng cộng 917 ca mắc và 6.600 ca nghi ngờ đã được báo cáo kể từ đầu năm đến nay. Chỉ tính riêng trong tuần từ ngày 5 - 11/9, có 8 ca mắc mới và 1 ca tử vong. Đến nay, 25/36 bang của Nigeria ghi nhận có ca mắc tại 102 trong số 774 khu vực hành chính địa phương của quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Nhóm tuổi ghi nhận nhiều ca mắc nhất là từ 21 - 30 tuổi. NCDC cho biết tỷ lệ tử vong ở mức 18,6%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 23,3%. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sốt Lassa là bệnh xuất huyết cấp tính do virus gây ra, đặc hữu ở quần thể loài gặm nhấm ở các nước thuộc khu vực Tây Phi. Virus Lassa lây truyền sang người khi tiếp xúc với thực phẩm hoặc vật dụng gia đình bị nhiễm nước tiểu hoặc phân của loài gặm nhấm mang mầm bệnh.

Cảnh báo gia tăng lừa đảo qua tin nhắn mạo danh ngân hàng

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo, tình trạng lừa đảo qua tin nhắn mạo danh ngân hàng lại tiếp diễn với mức độ, tần suất liên tục. Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) đã cung cấp tính năng Tra cứu trên hệ thống Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn). Tính năng này cho phép người dùng tra cứu website và tài khoản ngân hàng có an toàn hay thuộc danh sách được báo cáo là lừa đảo. Danh sách các tài khoản và website được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam báo cáo và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Với tính năng tra cứu website lừa đảo, danh sách các website lừa đảo sẽ hiển thị trên hệ thống với các nội dung: tên website, lĩnh vực lừa đảo (tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, báo chí, dịch vụ trực tuyến...), tình trạng xử lý (đã xử lý/đang xử lý/đang xác minh). Khi truy cập vào tính năng "Tra cứu tài khoản", người dùng sẽ nhìn thấy danh sách các tài khoản được báo cáo đã kiểm duyệt. Các thông tin hiển thị bao gồm thông tin số tài khoản, chủ sở hữu, ngân hàng phát hành cùng với trạng thái "lừa đảo", "an toàn" hoặc "đang xác minh". Khi chọn xem một tài khoản cụ thể, ngoài việc có thể xem các thông tin về tài khoản, người dùng còn có thể xem các bình luận, đánh giá của mọi người về tài khoản này cũng như để lại bình luận và chọn tài khoản này là "an toàn", "lừa đảo", hay "không rõ" theo ý kiến đánh giá. Ngoài tra cứu, người dùng có thể báo cáo các website, tài khoản lừa đảo ngay trên hệ thống. Sau khi cung cấp đủ thông tin, hệ thống sẽ kiểm tra, xác thực sau đó được duyệt và hiển thị trên giao diện tra cứu tài khoản. Trước đó, ghi nhận từ phản ánh của nhiều người dân đến hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656 do Cục An toàn thông tin quản lý, hiện tượng phát tán tin nhắn lừa đảo người dùng truy cập vào các trang web giả mạo các ngân hàng gần đây lại tái diễn. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo còn dùng tin nhắn giả mạo thương hiệu (Fake SMS Brandname) để gửi tin nhắn mạo danh nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nội dung các tin nhắn giả mạo thường thông báo tài khoản của khách hàng đã bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền… với đường dẫn đính kèm yêu cầu người dùng nhập tên tài khoản, mật khẩu, mã xác thực 1 lần (OTP) và làm theo hướng dẫn để khắc phục vấn đề. Các website giả mạo trang thông tin điện tử của ngân hàng được các đối tượng lừa đảo sử dụng để đánh lừa người dùng truy cập có tên miền. Một số tên miền lừa đảo phổ biến như online.acbvnx.com, online.acbonliine.com, acb.vn-ul.top, scb.vn-kr.xyz, scb.vn-scb.xyz, scb.vn-scb.top, scb.vn-eg.xyz, scb.vn-zt.xyz, scb.vn-co.top, scb.vn-cb.xyz, scb.vn-vp.xyz, scb.vn-zl.xyz, techcombank.vn-lt.xyz, vpbank.vn-sc.top, vpbank.vn-ic.top, vpbank.vn-ty.top, vpbank.vn-ty.info...

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo người dùng khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người dùng các dịch vụ ngân hàng cần lưu ý rằng, website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn".

Trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.

Bóc gỡ đường dây sản xuất, mua bán ma tuý số lượng 'khủng' tại Hà Nội

Liên quan đến đường dây này, Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt tạm giam 6 đối tượng để phục vụ công tác điều tra gồm: Nguyễn Khoa Điềm (sinh năm 1996, đăng ký thường trú tại xã Nguyễn Huệ, Đông Triều, Quảng Ninh); Hà Quang Chính (sinh năm 2001) và Lê Xuân Huy (sinh năm 2001), cùng đăng ký thường trú tại thị trấn Triệu Sơn (Thanh Hóa); Dương Văn Trường (sinh năm 2001, đăng ký thường trú tại xã Yên Sơn, Lục Nam, Bắc Giang); Nguyễn Thế Ngọc (sinh năm 2001, đăng ký thường trú tại thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình); Hà Quang Hoàng (sinh năm 2002, đăng ký thường trú tại xã Minh Châu, Triệu Sơn, Thanh Hóa). Các đối tượng nêu trên đều trú tại chung cư mini số 44, ngõ 52, đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tổng số tang vật thu giữ tại phòng 704 số nhà 44 ngõ 52 đường Mỹ Đình của Nguyễn Khoa Điềm là 13,7 kg thảo mộc có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA. Qua thác mở rộng, Nguyễn Khoa Điềm khai nhận số ma túy trên Điềm mua của nam thanh niên sử dụng tài khoản Zalo "Minh Quân", trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Công an quận Nam Từ Liêm đã phối hợp với Công an quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh), xác minh làm rõ đối tượng sử dụng tài khoản Zalo “Minh Quân” có nhân thân là Lê Đức Thịnh (sinh năm 1994, đăng ký thường trú tại xã Hành Trung, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan Công an đã bắt giữ các đối tượng liên quan trong đường dây sản xuất, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy gồm: Trần Công Danh (sinh năm 1993), Võ Văn Mỹ (sinh năm 1997), Phạm Quang Trung (sinh năm 1993), Nguyễn Ngọc Khánh (sinh năm 1988) đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Theo điều tra ban đầu, Cơ quan Công an xác định, từ đầu năm 2022, Lê Đức Thịnh tìm nguồn mua thuốc lá “Tobaco” của một đối tượng sử dụng Zalo “Nguyễn Cường”, mua “Cỏ Mỹ” của một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “Tàn Huy” sau đó mang về bán buôn, bán lẻ cho khách có nhu cầu mua để hưởng lợi. “Tobaco” là các sợi thảo mộc được phơi khô có màu nâu, “Cỏ Mỹ” là các sợi thảo mộc được phơi khô có màu xanh, cả hai loại đều là các chất kích thích hướng thần và gây nghiện. Lê Đức Thịnh đã thuê Nguyễn Ngọc Khánh để giúp việc với nhiệm vụ là quảng cáo “Tobaco” và “Cỏ Mỹ” trên các hội nhóm trang mạng xã hội, nhận đơn hàng của khách, đóng gói sản phẩm và giao hàng cho khách. Thịnh mua “Tobaco” của “Nguyễn Cường” với giá 3.000.000 - 4.000.000 đồng/kg, bán cho khách buôn giá 5.000.000 - 7.000.000 đồng/kg, Thịnh mua “Cỏ Mỹ” của “Tàn Huy” giá từ 3.500.000 - 4.000.000 đồng/kg, bán cho khách buôn giá 5.000.000 - 5.500.000 đồng. Đối với các khách lẻ, Thịnh đóng hàng “Tobaco”, “Cỏ Mỹ” vào các túi zip nhỏ với khối lượng 13 - 15 gam, bán với giá 300.000 đồng/túi. Đối với khách tại TP Hồ Chí Minh, Thịnh sẽ gọi bên vận chuyển, giao hàng thu tiền trực tiếp của khách trong ngày. Đối với khách ở tỉnh, Thịnh bảo Ngọc Khánh đóng gói hàng và chuyển qua đường bưu điện, khách có thể thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc nhận hàng rồi thanh toán cho bưu điện (hình thức nhờ bưu điện thu hộ tiền). Ngọc Khánh sẽ đến bưu điện lấy tiền sau. Mỗi tháng, Thịnh đẩy ra thị trưởng khoảng 40 kg tổng các loại “Tobaco” và “Cỏ Mỹ”, hưởng lợi hơn 100 triệu đồng. Từ ngày 5/8 - 9/9/2022, Thịnh đã chỉ đạo Ngọc Khánh đóng gói chuyển hàng 8 lần qua bưu điện cho Nguyễn Khoa Điềm với tổng khối lượng là 19 kg “Tobaco”. Điềm đã thanh toán 120 triệu đồng cho Thịnh.

Thanh Hóa: Kiến nghị thu hồi gần 100 tỷ đồng chi chưa đúng với người có công

Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố kết luận thanh tra về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thuộc niên độ kế toán từ năm 2019-2021 của tỉnh Thanh Hóa. Kết quả kiểm tra 13.425 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ đang hưởng chế độ chất độc hóa học, phát hiện 2.114 hồ sơ thiếu thành phần hoặc chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để hưởng chế độ. Tổng số tiền phải thu hồi gần 100 tỷ đồng. Huyện Quảng Xương đã có quyết định đình chỉ, thu hồi chế độ trợ cấp 3 trường hợp; tạm dừng chi trả trợ cấp kể từ ngày 1/9/2022 đối với 11 trường hợp là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học do hưởng sai, vắng mặt; chấm dứt chế độ ưu đãi đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 3 trường hợp; đôn đốc 28 trường hợp bổ sung giấy tờ chứng minh có thời gian tham gia kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học để hoàn thiện hồ sơ. UBND huyện đang báo cáo, giải thích cụ thể đối với trường hợp bị đình chỉ, thu hồi, bổ sung chứng cứ theo kết luận thanh tra, không để phát sinh đơn thư khiếu nại vượt cấp. Ông Lê Xuân Bốn, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương cho biết, là một trong 28 trường hợp có giấy tờ vùng miền hoặc giấy tờ vùng miền nghi vấn không đảm bảo pháp lý phải bổ sung theo Kế hoạch 157/KH-UBND huyện Quảng Xương, ông được cán bộ chính sách đến tận nhà giải thích. Gia đình rất ủng hộ chủ trương của Nhà nước và sẽ tìm lại bản gốc giấy xác nhận tham gia hoạt động chiến trường miền Nam để nộp cho Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương chứng thực theo đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương cho biết, huyện rà soát các trường hợp hưởng ưu đãi người có công với cách mạng đã di chuyển nơi thường trú để chuyển hồ sơ và trợ cấp ưu đãi đến nơi mới; đồng thời rà soát các đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Nếu phát hiện trường hợp hồ sơ không đảm bảo điều kiện, địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý, truy thu số tiền các đối tượng con đẻ người hoạt động kháng chiến đã nhận để nộp vào tài khoản của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội... Tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, kết quả rà soát phát hiện 7 trường hợp hưởng sai chế độ. Là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, năm 2014, ông Lê Văn Thuý (Hội Cựu chiến binh phường Đông Thọ) được xét hồ sơ hưởng chế độ chính sách người có công. Sau khi kiểm tra, do thiếu một số giấy tờ, ông Thúy đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa hướng dẫn để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ hưởng chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Ông Lê Văn Thúy cho biết, được sự quan tâm các ban, ngành, ông đã làm thủ tục và giải mã vùng miền người bị nhiễm chất độc hóa học. Đến nay, ông đã hoàn thành hồ sơ theo đúng quy định. Kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ, trong 2.114 trường hợp vi phạm có 696 hồ sơ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn; 579 hồ sơ thiếu điều kiện; 781 hồ sơ thiếu cơ sở cần xác minh lại thông tin; 39 hồ sơ hưởng không đúng mức trợ cấp và 19 hồ sơ cần xem lại kết quả giám định y khoa. Từ khi có kết luận Thanh tra ngày 6/5/2022 đến nay, tỉnh chưa thu hồi được số tiền sai phạm do hưởng sai chế độ. Ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trên là do một số cá nhân, tập thể còn thiếu kinh nghiệm, thiếu trách nhiệm để lọt hồ sơ chưa đảm bảo yêu cầu, chưa đầy đủ điều kiện. Việc xét duyệt hồ sơ và quản lý đối tượng chưa chặt chẽ. Cấp ủy chính quyền, cán bộ làm chính sách còn thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm còn chưa thường xuyên, liên tục nên chưa bảo đảm quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã ban hành hàng trăm quyết định chấm dứt, thu hồi chế độ chính sách ưu đãi người có công và phối hợp với địa phương có các trường hợp hưởng sai để xây dựng kế hoạch thu hồi từng trường hợp nộp ngân sách Nhà nước; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc lập hồ sơ hưởng sai chế độ... Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố vận động đối tượng nộp lại tiền sai qua các thời kỳ vào tài khoản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để khẩn trương, thu hồi số tiền sai phạm.

Phú Yên: Xe ô tô đầu kéo đâm vào vách đá bị lật, tài xế tử vong tại chỗ

Sáng 19/9, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn huyện Tuy An vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến một người chết và một người bị thương. Theo đó, vào khoảng 23 giờ ngày 18/9, tại Km 04+150 ĐT643 thuộc thôn Tân Lập, xã An Mỹ, huyện Tuy An, xe ô tô đầu kéo 77H-001.07 kéo theo sơ mi rơ moóc 77R-017.64 đang lưu thông theo hướng Tây - Đông đã đâm vào vách đá rồi bị lật. Xe ô tô này do tài xế Võ Văn Lưu (sinh năm 1989, trú tại thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) điều khiển; trên xe có phụ xe Đỗ Phúc Mến (sinh năm 1999, trú tại xã Cát Tài, huyện Phù Cát, Bình Định). Hậu quả, tài xế Võ Văn Lưu chết tại chỗ, phụ xe Đỗ Phúc Mến bị thương. Xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng, thiệt hại tài sản 100 triệu đồng. Nguyên nhân ban đầu là do lái xe ô tô đầu kéo không chú ý quan sát tự gây tai nạn. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Phú Yên đã đến hiện trường phối hợp với Công an huyện Tuy An đưa người bị nạn đi cấp cứu, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.