Thái Nguyên: phát triển vùng lúa gạo tập trung gắn với liên kết tiêu thụ
Mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP tạiTP Phổ Yên

Đây là năm thứ 2 Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Phổ Yên phối hợp với Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp an toàn Đầm Mương xã Minh Đức, TP Phổ Yên, liên kết sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10ha, với 40 hộ dân tham gia. Do áp dụng theo quy trình kỹ thuật nên trên đồng ruộng không xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại. Mặt khác, do gieo cấy cùng một thời điểm, cùng một loại giống, tạo thuận lợi trong việc chăm sóc, mở ra hướng sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Đặc biệt, Chi nhánh vật tư nông nghiệp Phổ Yên cam kết thu mua sản phẩm thóc tươi của nông dân với giá cao hơn thị trường khoảng 10%. Sau khi trừ chi phí đầu vào, bà con thu lãi khoảng 26 triệu đồng/ha.

Bà Lê Thị Lý, xóm 12, xã Minh Đức, TP Phổ Yên, Thái Nguyên chia sẻ: “Trước đây khi chúng tôi chưa tham gia dự án thì lúa không được chất lượng cao như bây giờ. Chúng tôi làm giống lúa của vật tư đưa về thấy phát triển tốt, không sâu bệnh nhiều. Chúng tôi thấy rất phấn khởi”.

Ông Trần Văn Thụ, Giám đốc Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: “Năm 2023 chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích theo mô hình liên kết này, vừa giúp bà con nông dân có hiệu quả trong sản xuất, vừa giúp đơn vị đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất gạo đặc sản Phổ Yên đáp ứng cho nhu cầu thị trường ngày càng tăng”.

Thời điểm này, giá phân bón tăng cao nên nông dân tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Do đó, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị sẽ là một trong những giải pháp làm giảm chi phí giá thành sản phẩm, bởi nông dân sản xuất theo phương thức này sẽ giúp đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Trần Đức Long, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ phản ánh: “Giá xăng dầu tăng nên giá gặt cũng tăng, rồi tiền phân bón đều ảnh hưởng đến giá lúa, người dân rất vất vả”.

Thái Nguyên: phát triển vùng lúa gạo tập trung gắn với liên kết tiêu thụ
Áp dụng cơ giới hóa trong liên kết sản xuất lúa

Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 vùng sản xuất lúa gạo tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 60% sản lượng lúa của tỉnh. Tham gia liên kết, bà con được hỗ trợ 50% giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Đặc biệt, bà con nông dân được bao tiêu đầu ra, việc thu mua thóc gạo diễn ra ngay tại ruộng nên không còn phải lo lắng tình trạng “được mùa mất giá”. Nhưng việc liên kết giữa “4 nhà” vẫn còn gặp khó khăn, cần có giải pháp cũng như cơ chế chính sách để mối liên kết này mang lại hiệu quả hơn.

Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền tới các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất theo quy trình VietGaP; hỗ trợ, hướng dẫn, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hỗ trợ cho các tổ chức xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm lúa gạo để tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến thương mại”.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững là yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp, nông dân và ngành nông nghiệp hiện nay. Từ mô hình liên kết sản xuất lúa, người dân đã chú ý hơn đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá. Từ đó, nông dân thêm gắn bó với cây lúa, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao./.