Trong một hành động phô diễn sức mạnh đầy rủi ro, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo tấn công tên lửa vào một căn cứ quân sự tại Syria. Bước tiến này không chỉ hoàn toàn đối lập với lập trường tuyên bố trước đây của ông Trump mà còn đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột không thể sớm có hồi kết.

su nguy hiem tu viec thay doi 180 do lap truong ve syria cua ong trump

Không phải không có lý do khi người tiền nhiệm của ông Trump vấp phải sự phản đối của các chính khách trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến các thành viên chính phủ như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lúc bấy giờ, hai thượng nghị sỹ Đảng Cộng hoà John McCain và Lindsey Graham, Tổng thống Pháp Francois Hollande, để cuối cùng quyết định không tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria.

Tại thời điểm đó, Mỹ và thế giới vẫn còn "choáng váng” bởi hai cuộc can thiệp quân sự do Mỹ cầm đầu tại Afghanistan và Iraq và một hoạt động can thiệp quân sự khác tại Libya không phải do Mỹ dẫn đầu song có thể sẽ không diễn ra nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ. Sau nhiều năm oanh tạc, ba chiến dịch can thiệp này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn là sự ổn định ở ba quốc gia này.

Nguyên nhân chính khiến cựu Tổng thống Barack Obama quyết định không can thiệp vào Syria là do Syria chưa đe doạ đến an ninh quốc gia của Mỹ. Mặc dù có đôi lần dao động đặc biệt với lời nhận xét của mình về "làn ranh đỏ”, song vị Tổng thống lần thứ 44 của Mỹ nhìn chung giữ vững quan điểm của mình: cuộc xung đột Syria đơn giản chưa đạt ngưỡng cần thiết để Mỹ tiến hành can thiệp. Nó chưa đe dọa đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

Kiến thiết đất nước Syria - nhiệm vụ bất khả thi

Lập trường của ông Obama trở nên cứng rắn hơn sau khi ông để mình cuốn vào hoạt động can thiệp tại đất nước "xấu số" Libya. Khi đó cựu Tổng thống Obama nhận ra rằng một chiến dịch can thiệp vào một cuộc xung đột thậm chí phức tạp hơn tại Syria đòi hỏi Mỹ hoàn toàn phải đảm trách cả về phương diện chính trị, quân sự và tài chính để giải quyết bài toán hắc bủa của đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Can thiệp vào Syria đòi hỏi không chỉ sức mạnh quân sự lớn mà còn nhiều năm kiến thiết đất nước, một nhiệm vụ khiến nhiều người Mỹ sợ hãi. Và cựu Tổng thống Obama cũng biết rằng người Mỹ vốn chán ngấy với chiến tranh vẫn đang chịu thiệt hại về kinh tế từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, không sẵn sàng ủng hộ cho một cam kết như vậy.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng nhìn nhận vấn đề tương tự cho đến rất gần đây, song đúng như phong cách của mình, ông Trump lên tiếng phản đối hành động quân sự bằng những lời lẽ mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm của mình. Vào năm 2013, đăng đàn trên mạng Twitter, ông Trump đã nhiều lần kịch liệt phản đối hành động can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria. Công bằng mà nói, ông Trump đã từng là người kiên quyết phản đối tiến hành hoạt động quân sự tại Syria.

Ông Trump bất ngờ thay đổi lập trường về vấn đề Syria

Hơn nữa, ông Trump cũng đã nhiều lần ám chỉ sẽ cộng tác với chính quyền Assad để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), lực lượng mà Tổng thống Mỹ cho rằng là mối đe doạ thực sự đối với an ninh quốc gia. Lập trường này nhìn chung phù hợp với chủ đề trong chiến dịch tranh cử "Nước Mỹ trên hết” của ông Trump với tuyên bố nước Mỹ cần phải tập trung vào những vấn đề trong nước và chỉ hành động trên trường quốc tế khi rõ ràng có lợi cho lợi ích quốc gia.

Song rõ ràng toàn bộ tính toán của ông Trump bất ngờ thay đổi sau vụ tấn công bị nghi ngờ sử dụng vũ khí hoá học nhằm vào một thành phố Syria thuộc quyền kiểm soát của phiến quân đã gây thiệt mạng cho nhiều người, trong đó có trẻ em vào đầu tuần này. Vấn đề vẫn là hiện chưa có một kế hoạch nào có tính thuyết phục về cách thức giải quyết tình trạng bế tắc tại Syria.

Thêm vào đó, những thất bại liên tục của ông Trump trong việc thực hiện các chính sách dễ dàng trong nước như cấm nhập cảnh hay cải cách y tế không cho thấy rằng ông Trump được trang bị tốt hơn để giải quyết những vấn đề toàn cầu phức tạp hơn nhiều như cuộc xung đột tại Syria.

Nước Mỹ sẽ phải trả giá đắt?

Phản ứng cảm tính của ông Trump khi nói về "những đứa trẻ thơ xinh xắn” đã bị giết trong vụ tấn công bằng khí đốt tại Syria là có thể hiểu và nhận được sự chia sẻ cùa nhiều người. Song phản ứng về chính trị và quân sự mang tính bốc đồng của ông Trump đưa nước Mỹ vào xung đột là nguy hiểm.

Ông Trump luôn tự hào vì quyết đoán đưa ra các quyết định nhanh, là người không thể dự đoán và là người thay đổi cuộc chơi. Với lợi thế của mình, việc thay đổi "180 độ" về vấn đề Syria hoàn toàn phù hợp với cung cách làm việc của ông Trump. Điều này khiến những nước đối nghịch với Mỹ như Triều Tiên và Iran phải lưu tâm và chứng minh cho nhân dân Mỹ thấy rằng tân Tổng thống Mỹ đang tìm cách xoay chuyển vấn đề mà ông Obama ngừng lại và đẩy những vấn đề gây dậy sóng như cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay cuộc cải cách y tế Mỹ sang một bên. Song cái giá mà nước Mỹ và thế giới có thể phải trả cho hành động này có thể là khá cao./.