Cách đây 70 năm, ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Khối bộc phá với 964 kg thuốc nổ vào lúc 20 giờ 30 phút đã phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1 - vị trí quan trọng ở Điện Biên Phủ, mở đường cho thời khắc lịch sử, 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, ta chiếm Sở Chỉ huy, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.

Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi.

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Chiến dịch, Bác Hồ nói: “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”.

Cuối tháng 01/1954, trước ngày mở màn chiến dịch theo kế hoạch, đánh giá tương quan lực lượng của hai bên cho trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy rằng: Nếu đánh theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì khó mà bảo đảm "chắc thắng”. Vì vậy, sau khi trao đổi với các cố vấn, Đại tướng đã ra quyết định mà theo ông là khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình: Dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Đại tá Trần Ngọc Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Đại tá Trần Ngọc Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Viện nghiên cứu chúng tôi cho rằng, đó là một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử... chúng ta biết là tại hội nghị đấy, sau khi phân tích những ý kiến tranh luận, dân chủ bởi vì chúng ta biết Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một người rất tôn trọng dân chủ, cho đến cuối cùng là có ai dám bảo đảm 100% đánh nhanh, thắng nhanh sẽ bảo đảm chắc thắng hay không, lúc đấy, ông bắt đầu nghĩ những lời căn dặn từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã ủy thác cho ông, thì không ai dám trả lời đảm bảo yếu tố chắc thắng cả.

Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Chiến sĩ Điện Biên Lê Khắc Phấn, Thị trấn Ba Hàng, Thành phố Phổ Yên

Chiến sĩ Điện Biên Lê Khắc Phấn, thị trấn Ba Hàng, thành phố Phổ Yên cho biết: Rút ra thì lính ta cũng hơi buồn là tại sao lại không đánh, sau đó mới được phổ biến bây giờ phải đánh chắc, tiến chắc. Phải đào giao thông hào từ bìa rừng đào cho đến sát cái chỗ hàng rào dây thép của nó.

Bộ Chỉ huy Pháp coi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá”. Để giảm hỏa lực của đối phương, phát huy sức mạnh hỏa lực của ta, ta phải tổ chức xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây, tạo điều kiện cho bộ đội ta triển khai và vận động dưới hỏa lực của đối phương; pháo binh của ta vận chuyển được vào gần để khống chế sân bay; pháo cao xạ đối phó có hiệu quả với không quân Pháp. Bằng chiến thuật trên, ta đã ngăn chặn và đi đến triệt nguồn tiếp tế, chi viện của chúng, làm cho quân Pháp không phát huy được ưu thế của quân đội nhà nghề, trang bị vũ khi hiện đại.

Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Chiến sỹ Điện Biên Trần Văn Thách, phường Đồng Bẩm, Thành phố Thái Nguyên

Chiến sỹ Điện Biên Trần Văn Thách, phường Đồng Bẩm, Thành phố Thái Nguyên cho biết: Muốn đánh thắng thì dứt khoát là phải có con đường để trực tiếp dẫn vào Sở Chỉ huy, chiều cao của nó vào đi được khoảng độ gần 2m và độ sâu, độ dốc của nó thì là 3-4m, để chứa được gần 1 tấn bọc phá.

Để đi đến thắng lợi, chúng ta đã giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó.

Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Đại tá Nguyễn Bội Giong, Văn phòng Tổng Quân ủy (Năm 1954)

Đại tá Nguyễn Bội Giong, Văn phòng Tổng Quân ủy (Năm 1954) cho biết: Lúc bấy giờ đánh theo phương châm mà Bác Hồ trực tiếp nói với Đại tướng là công sự trận địa này hết sức là mạnh, thiết kế rất khoa học, phương tiện dùng ở đây rất hiện đại cho nên là không được coi thường, thế cho nên phải dùng phép nghi binh, tôi cứ làm trận địa công sự, tôi đào đến rất gần, càng gần càng tốt, rồi tôi mới đánh. Tất nhiên là gần nó thì mình cũng phải biết bảo vệ, tức là công sự của mình phải sâu, phải có ngách, ngách ngang ngách dọc.

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi ngời sáng chân lý của thời đại Hồ Chí Minh: Không một thế lực tàn bạo nào có thể vùi dập ý chí, khát vọng độc lập, tự do của một dân tộc có lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước, của một dân tộc biết đoàn kết, chiến đấu dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.