Đội ngũ này có sự tham gia của hàng chục nhân viên, mở rộng hoạt động thu thập dữ liệu và sẵn sàng bước vào “cuộc đọ sức” đang nóng lên trên khắp nước Mỹ.

chien luoc doi moi va co xe tam ma cua ong trump truoc bau cu 2020
Brad Parscale, quản lý đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump. Ảnh: CNN.

Chiến lược đổi mới

Nơi làm việc mới của họ được cải thiện khá nhiều. Không có đường ống dẫn hay dây điện lộ thiên trên trần nhà, không còn “bức tường xấu hổ” trưng bày hình ảnh các đối thủ như năm 2016. Nhân viên được làm việc trong văn phòng được thiết kế đẹp đẽ, hiện đại thay vì văn phòng thô sơ với bàn ghế nhựa trước đây. Đội ngũ này cũng đang huy động và chi tiêu một khoản tiền kỷ lục cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump ở giai đoạn hiện tại.

Nhìn chung, nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Trump hoàn toàn khác biệt so với nỗ lực trước đây của ông để bước vào Nhà Trắng. Có lẽ sự khác biệt lớn nhất là mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông với Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC). Khác với quan hệ đối tác gượng gạo, được củng cố trong giai đoạn nước rút trước Ngày bầu cử năm 2016, đội ngũ tranh cử của ông Trump và RNC giờ giống như một thực thể thống nhất. Theo một thỏa thuận chưa từng có tiền lệ được thông báo hồi đầu năm 2019, hai bên nhất trí phối hợp chung trong các nỗ lực gây quỹ, thực hiện chiến dịch vận động và chia sẻ nơi làm việc. RNC sẽ chi trả và cung cấp phần lớn cơ sở hạ tầng còn đội ngũ của ông Trump sẽ chỉ đạo các hoạt động tranh cử.

Theo hai quan chức cấp cao trong đội ngũ tranh cử, Ủy ban tái bầu cử chung của ông Trump và RNC đã sẵn sàng cho cuộc đua với kế hoạch cài cắm các nhân vật điều hành ở tất cả các bang chiến địa vào đầu mùa hè năm nay. Điều đó đã tạo ra một chiến dịch tái tranh cử Tổng thống không giống với bất cứ đối thủ nào ở giai đoạn đầu. Cần phải nhắc lại rằng ông Trump đã đệ đơn tái tranh cử Tổng thống vào năm 2020, chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức ngày 20/1/2017, điều mà không một Tổng thống tiền nhiệm nào từng thực hiện. Các cựu Tổng thống Barack Obama George W. Bush cũng nộp đơn tái tranh cử nhưng phải sau hơn 2 năm nắm quyền.

Theo CNN, bằng cách bước vào cuộc đua sớm như vậy, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã quyên góp được số tiền hợp lệ trị giá hàng triệu USD. Ngoài việc trang trải cho các chi phí vận động tranh cử, một phần trong số này còn dùng để hỗ trợ các cộng sự của ông Trump đang bị cuốn vào cuộc điều tra của Quốc hội và liên bang. Trong khi Đảng Dân chủ mới chỉ bắt đầu khởi động để tham gia cuộc đua thì các trợ lý trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump cho biết họ đã ngồi trên một “chiếc xe tam mã”.

Nhân vật cầm cương

Chịu trách nhiệm chính cho các hoạt động tái tranh cử của Tổng thống Trump là chuyên gia kỹ thuật số Brad Parscale, 43 tuổi. Ông từng là một người thiết kế website tự do, trước khi đầu quân cho tập đoàn Trump Organization vào năm 2011 và sau đó nổi bật trong vai trò giám đốc kỹ thuật số trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016. Sự giúp sức của Parscale trong lĩnh vực truyền thông là một trong những nguyên nhân chính giúp tỷ phú địa ốc đánh bại cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Kể từ khi được Tổng thống Trump lựa chọn là người quản lý đội ngũ tranh cử của ông vào năm 2018, Brad Parscale đã âm thầm phát triển một tổ chức tái bầu cử với cơ cấu hiện đại, được thúc đẩy bởi cách tiếp cận lấy dữ liệu làm trung tâm, phản ánh nền tảng công nghệ số của Parscale. Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, Parscale cho biết, giờ đây ông đang có một lợi thế cực kỳ quan trọng mà ông chưa từng có vào năm 2016: “Chúng tôi đã có Tổng thống của nước Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và chúng tôi biết mình sẽ đi đâu”.

Tuy nhiên, công việc của Parscale giờ đây sẽ khó khăn hơn bởi Tổng thống Trump đang có tỷ lệ ủng hộ thấp, không những vậy ông còn vướng vào nhiều cuộc điều tra liên quan đến vấn đề thu nhập, công việc kinh doanh, giao dịch tài chính hay bê bối tình ái.

Để giúp ông Trump giành chiến thắng, Parscale cần phải huy động được đội ngũ nòng cốt những người ủng hộ trung thành với ông. Đội ngũ tranh cử đã chuyển sự chú ý sang Rust Bell – tức khu vực đông bắc nước Mỹ nơi ông Trump từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Theo dự kiến, họ sẽ tổ chức một cuộc tuần hành của những người ủng hộ ông Trump tại Michigan trong tuần này. Ngoài việc phân tích dữ liệu, xúc tiến hoạt động, gây quỹ và quảng bá hình ảnh, đội ngũ tranh cử của ông Trump còn có nhiệm vụ thu thập ý kiến, cảm nhận của cử tri về Tổng thống đương nhiệm.

Vượt qua thách thức chính ngay trong Đảng Cộng hòa

Theo một cuộc thăm dò dư luận, cứ 10 nghị sỹ Cộng hòa thì có tới 9 người cho biết họ ủng hộ công việc của Tổng thống Trump. Dù vậy vẫn có suy đoán rằng chính đảng Cộng hòa sẽ là nơi đặt ra thách thức đầu tiên với việc tái tranh cử của Tổng thống Trump bởi trong nội bộ đảng này đang xuất hiện nhiều rạn nứt hơn bất cứ thời kỳ nào khác.

Đã có một số nhân vật thuộc đảng Cộng hòa quyết định tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, như cựu thống đốc bang Massachusetts Bill Weld theo trường phái ôn hòa hay cựu thống đốc bang Ohio, ông John Kasich- người đã cạnh tranh với ông Trump năm 2016, luôn được coi là một lựa chọn tiềm năng của đảng Cộng hòa để thay thế ông Trump. Ngoài các nhân vật kể trên, thống đốc tiểu bang Maryland Larry Hogan cũng được xem là một ứng viên có khả năng đối đầu với Tổng thống. Điều này cho thấy sự phản đối ông Trump ngay trong chính đảng Cộng hòa ngày càng gay gắt.

Bất chấp thách thức nêu trên, xét về cấp độ quốc gia, sự đoàn kết giữa đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa đang gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Tổng thống Trump và Đảng này vẫn cùng chung chí hướng. Chủ tịch RNC Ronna McDaniel đã quyết liệt bảo vệ ông Trump, thậm chí lên án gay gắt Thượng nghị sĩ bang Utah, ông Rom Romney sau khi ông này viết bài bình luận chỉ trích Tổng thống Trump. RNC sau đó cũng lựa chọn Tommy Hicks – một doanh nhân tại Texas và là bạn thân con trai cả của ông Trump, làm đồng chủ tịch.

Trong khi một bộ phận của đội ngũ tranh cử tập trung giải quyết các thách thức chính thì những bộ phận khác cùng với RNC tập trung xây dựng và thúc đẩy các hoạt động bầu cử. Dưới sự điều hành của giám đốc chính trị Chris Carr, đội ngũ này đang có kế hoạch triển khai nhân viên tại các bang chiến địa vào đầu mùa hè năm nay, trước khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chính thức đề cử ứng viên Tổng thống. Theo đó, họ sẽ thuê những giám đốc điều hành nhỏ để quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump tại các bang trên. Việc triển khai này sẽ cho phép đội ngũ tranh cử lôi kéo sự ủng hộ của những cử tri trung lập.

Mức chi tiêu kỷ lục

Sau cùng, tài chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Tất cả các công việc trên sẽ khó mà thực hiện được nếu đội ngũ tranh cử của ông Trump không huy động được một số tiền kỷ lục. Đội ngũ này cùng các ủy ban liên kết đã thu về gần 130 triệu USD trong hai năm qua. Điều đó mang lại cho họ lợi thế lớn về mặt tài chính giúp đẩy mạnh sự cạnh tranh tại nhiều bang hơn so với năm 2016.

Theo CNN, Siêu ủy ban hành động chính trị (Super PAC) và America First Action - một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ ông chủ Nhà Trắng đã huy động được thêm 75 triệu USD nữa. Cả hai tổ chức này đều liên kết chặt chẽ với Tổng thống Trump và do các cựu trợ lý của ông điều hành. CNN cho biết, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2018, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã chi 23 triệu USD, vượt quá số tiền Tổng thống Trump và RNC huy động được trong thời gian đó. Họ đã đầu tư 1/3 số tiền thu được vào quảng cáo để thu thập dữ liệu và thu hút sự ủng hộ cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữ nhiệm kỳ.

Còn theo dữ liệu do công ty truyền thông Bully Pulpit Interactive công bố, kể từ đầu năm đến nay, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã chi 3,5 triệu USD quảng cáo trên Facebook, 1 triệu USD cho Google, gần gấp đôi số tiền chi cho việc quảng bá trực tuyến của các ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ gộp lại./.