Sàng lọc phát hiện sớm - Cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân ung thư
Bà Hà Thị Huê đã sống với căn bệnh ung thư vú được gần 10 năm.

Bà Hà Thị Huê - Tổ dân phố Mãn Chiêm, Hồng Tiến, TP Phổ Yên đã sống với căn bệnh ung thư vú được gần 10 năm. Vào một ngày giữa năm 2013, bất chợt phát hiện trên ngực mình một khối u nhỏ, bà liền đi khám và bác sỹ chẩn đoán mắc ung thư. Sau các liệu trình điều trị tích cực, đến nay bà vẫn sống khỏe mạnh và thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ đồng thời duy trì một cuộc sống lành mạnh.

Bà Hà Thị Huê - Tổ dân phố Mãn Chiêm, Hồng Tiến, TP Phổ Yên cho biết: "Khi phát hiện bệnh phải đi điều trị ngay, tuân theo hướng dẫn của bác sỹ. Về nhà tôi ăn uống hợp lý, tôi tham gia lớp nhảy dân vũ với chị em trong xóm cho tư tưởng thoải mái để chiến thắng bệnh tật"

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy, rất nhiều bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ung bướu, bệnh viện C Thái Nguyên đang hàng ngày, hàng giờ phải chống chọi với căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Khoa học mặc dù đã có nhiều tiến bộ song với những trường hợp mắc ung thư được phát hiện muộn, cơ hội sống sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Sàng lọc phát hiện sớm - Cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân ung thư
Những bệnh nhân nhập viện đa phần đã ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư.

Tiến sỹ Đoàn Văn Khương - Trưởng khoa ung bướu Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: "Ở khoa Ung bưới Bệnh viện C hàng năm số lượng bệnh nhân điều trị khoảng trên 1.000, tỷ lệ phát hiện sớm ít chỉ chiếm 20%. Bệnh nhân được phát hiện sớm thì chất lượng cuộc sống và cơ hội điều trị khỏi cao. Ngược lại, bệnh nhân phát hiện muộn tỷ lệ sống rất thấp, đến viện chủ yếu chuyền hóa chất và giảm đau".

Công tác phòng bệnh và sàng lọc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm được coi là vấn đề then chốt trong việc giảm tỷ lệ mắc và tăng tỷ lệ điều trị khỏi. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động phòng chống ung thư trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho tuyến y tế cơ sở.

Bác sĩ Lê Văn Thái - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai cho biết: "Trung tâm đã thử cán bộ, bác sĩ về bệnh viện C học lớp Xét nghiệm tế bào cơ bản, đây là một trong những kỹ thuật mang lại lợi ích cho cộng đồng, xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ cung của phụ nữ, những cái khối u hạch về tuyến giáp nhằm giúp cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn giảm bớt các khó khăn về tài chính, phát hiện sớm các vấn đề về bệnh tật của mình".

Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu cảnh báo ung thư thường không rõ rệt, đôi khi người bệnh không thấy có biểu hiện gì. Đây là nguyên nhân để Tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi khám định kỳ để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư.

Tiến sỹ Đoàn Văn Khương - Trưởng khoa Ung Bướu Bệnh viện C Thái Nguyên khuyến cáo: "Muốn phát hiện sớm ung thư thì thứ nhất là phải tự mình quan tâm đến sức khỏe của mình, hàng năm phải đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với những người trên 35 tuổi nguy cơ mắc ung thư cao có bất cứ dấu hiệu nào mà có nghĩ đến thư thì nên đi khám sớm".

Việc tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân về phòng bệnh là việc làm cần thiết. Khi người dân có kiến thức, hiểu biết sẽ có cách tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó ngành y tế cũng sẽ có điều kiện sàng lọc bệnh tật và tránh được tình trạng lâu nay 70% số người bệnh ung thư tìm đến bệnh viện ở giai đoạn cuối./.