Bệnh vảy nến và cách điều trị
Bệnh vảy nến có những dấu hiệu đặc trưng nhưng vẫn có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác như viêm da dị ứng, vảy phấn hồng, nấm da |
Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị dứt điểm và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gây nhiều phiền toái cho người bệnh không chỉ trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến tâm lý. Bệnh vảy nến tuy không được chữa khỏi hẳn, nhưng có rất nhiều cách để kiểm soát căn bệnh này.
Vảy nến là bệnh mạn tính gây viêm trên da, không lây nhiễm. Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch sẽ hoạt động quá mức, tạo ra sự sưng viêm trên cơ thể. Các tế bào khoẻ mạnh được tạo ra nhiều hơn bình thường. Những tế bào thừa sẽ được đẩy lên bề mặt da một cách nhanh chóng. Thông thường, chu kỳ của các tế bào da là khoảng 1 tháng, nhưng ở bệnh nhân vảy nến thì chỉ vài ngày. Anh Nguyễn Văn H (Tên bệnh nhân đã thay đổi) cho biết: Tôi bị nổi mụn lên rồi bị đau, bị đỏ lên, rồi đau rát. Thời tiết càng nóng thì nó phát ra càng nhiều, thời tiết mát thì đỡ hơn. Lúc nào tôi bị phát lên thì lại đi đến bệnh viện để khám và tiêm.
Tại phòng khám chuyên sâu vẩy nến, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị chiếm khoảng 1-2% trong tổng số bệnh nhân điều trị ngoại trú tại bệnh viện. Đa số trường hợp đến khám trong tình trạng vẩy nến thể mảng, vảy nến mủ và viêm khớp. Có những trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện để điều trị tích cực. Các phương pháp điều trị vảy nến hiện nay không giúp làm khỏi bệnh nhưng có thể hạn chế tổn thương, duy trì thời gian ổn định.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên |
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Hiện tại ở Khoa da liễu của Bệnh viện Trung ương chúng tôi đang có sử dụng các chế phẩm sinh học, đây là phương pháp điều trị mới nhất được áp dụng theo quy định của Bộ Y tế. Là thuốc điều trị từ các chế phẩm chính học, các bệnh nhân vẩy nến được hưởng BHXH 50%, sắp tới chúng tôi cũng sẽ triển khai thêm một số loại thuốc nữa, thuốc chế phẩm sinh học cho trẻ em, hiện giờ thì đang dùng cho người lớn, còn chế phẩm sinh học mà cho trẻ em thì cũng có cả những bệnh nhân mà bị vẩy nến nặng thì cũng có thể được chuyển đến đây để điều trị bằng chế phẩm sinh học rất là hiệu quả.
Bệnh vảy nến có những dấu hiệu đặc trưng nhưng vẫn có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh da liễu khác như viêm da dị ứng, vảy phấn hồng, nấm da… Theo các bác sỹ, điều cần nhất là bệnh nhân sau khi phát hiện ra bệnh phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để nhận được sự tư vấn và điều trị phù hợp.