Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. |
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Người mắc bệnh thường có biểu hiện: sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng...
Bác sỹ Chuyên khoa I Trần Thị Thùy Trang, Phó Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: "Biến chứng hay gặp là biến chứng do giả mạc gây viêm phế quản, xẹp phổi; biến chứng do độc tố của vi khuẩn có thể gây viêm cơ tim; trường hợp nặng nhất có thể gây tử vong cho bệnh nhân".
Là địa phương giáp ranh với huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang nơi vừa ghi nhận ca bệnh bạch hầu. Ngay sau khi có chỉ đạo của Sở Y tế và Trung tâm Y tế huyện Phú Bình, Trạm Y tế xã Kha Sơn đã cho rà soát và lập danh sách các trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là vắc xin có thành phần bạch hầu, qua đó vận động người dân đưa trẻ đến trạm tiêm đầy đủ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.
Bác sỹ Giáp Thị Đạo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi tuyên truyền để nhân dân biết cách phòng bệnh bạch hầu; nếu ai tiếp xúc gần với những ca bệnh đó thì đến trạm khai báo".
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua rà soát đến thời điểm này Thái Nguyên chưa ghi nhận ca mắc. |
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua rà soát đến thời điểm này Thái Nguyên chưa ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh xâm nhập, lây lan trên địa bàn tỉnh, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Ông Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Các biện pháp phòng bệnh chung: giữ vệ sinh, hạn chế tiếp xúc với những trường hợp có những biểu hiện nghi mắc bệnh, hạn chế di chuyển đến các vùng thông báo có ca bệnh. Nếu có các biểu hiện sốt, đau họng, biểu hiện bất thường ở vùng hầu họng thì cần đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và được hỗ trợ kịp thời. Đối với ngành y tế đã triển khai các văn bản để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; quan tâm giám sát, phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện nghi mắc bệnh để xử lý kịp thời".
Bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và gây bùng phát thành dịch. Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, cùng với sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng, mỗi người dân cần có ý thức tự phòng tránh cho bản thân và gia đình để hạn chế thấp nhất khả năng lây lan thành dịch và hạn chế tử vong do dịch./.