Cẩn trọng với dịch não mô cầu
Những ngày này, lượng người dân đến tiêm phòng não mô cầu tăng lên rất nhiều so với những ngày trước. |
Những ngày này, lượng người dân đến tiêm phòng não mô cầu tăng lên rất nhiều so với những ngày trước. Trung bình mỗi ngày có từ 50 đến 60 lượt, cao điểm có những ngày lên đến 100 lượt người đến tiêm phòng căn bệnh này.
Chị Nguyễn Diệp Linh, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Các triệu chứng ban đầu tôi tìm hiểu gồm sốt, viêm mũi họng như các bệnh thông thường nên khó phát hiện để đưa trẻ đến viện sớm, nên tôi lựa chọn tiêm vaccine để yên tâm phòng bệnh cho con".
Chị Đỗ Mai Anh, phường Quan Triều, TP Thái Nguyên cho hay: "Tôi nghĩ dịch viêm não mô cầu rất nguy hiểm, nên khi tiêm vaccine cho con tôi thấy yên tâm hơn".
Viêm màng não do não mô cầu được xếp là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với hàng chục ca mắc được ghi nhận mỗi năm. |
Viêm màng não do não mô cầu được xếp là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với hàng chục ca mắc được ghi nhận mỗi năm. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, vì thế rất dễ bùng phát thành dịch bệnh. Đặc biệt, diễn biến bệnh viêm màng não mô cầu rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Phùng Thị Kim Ngân, Bác sĩ trưởng Trung tâm tiêm chủng VNVC Thái Nguyên cho biết: "Bệnh có 2 thể phổ biến là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Trong đó thể nhiễm khuẩn huyết gây tử vong rất nhanh trong vòng 24 giờ từ khi có triệu chứng đầu tiên. Trong khi triệu chứng đầu tiên dễ nhầm lẫn với viêm mũi họng nên dễ bị bỏ lỡ thời cơ can thiệp sớm".
Bệnh não mô cầu xuất hiện quanh năm, có thể bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người. Đối tượng có nguy cơ mắc não mô cầu cao là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người có hệ miễn dịch suy yếu. Bởi vậy, biện pháp tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân, Bác sĩ trưởng Trung tâm tiêm chủng VNVC Thái Nguyên cho biết thêm: "Để phòng bệnh mọi người nên vệ sinh sạch sẽ nơi sống, khử khuẩn các bề mặt, thường xuyên ăn chín uống sôi, rửa sạch tay, tiêm phòng vaccine".
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng bệnh khác như: phế cầu, sởi, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản… để tránh nguy cơ bệnh chồng bệnh hoặc giảm sức đề kháng, từ đó dễ bị vi khuẩn não mô cầu tấn công trong bối cảnh thời tiết phức tạp và nhiều bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như hiện nay./.