phong phu cac san pham tu che
Chị Phạm Thị Thu Thanh, chủ tiệm bánh MoKa giới thiệu bánh kem matcha trà xanh.

Anh Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) đón tôi trong cái lạnh của ngày chớm Đông bằng một ấm trà nóng hổi và một đĩa kẹo lạc vừa quen lại vừa lạ. Quen là vì kẹo lạc thì ai cũng biết, nhưng lạ là kẹo có màu xanh cốm vô cùng bắt mắt, đặc biệt hơn là kẹo lạc nhưng có vị trà xanh. Vị trà không đủ để người ăn cảm thấy chát nhưng tạo ra được vị ngọt thanh vô cùng dễ chịu.

Cắn một miếng kẹo, nhấp kèm một ngụm trà, tôi chợt nghĩ và càng khâm phục người đã phát hiện ra sự hoàn hảo khi kết hợp hai thứ đồ ăn và thức uống ấy lại với nhau. Anh Khiêm bộc bạch, anh năm nay đã tròn 50 tuổi nhưng có đến 40 năm anh “ăn, ngủ” với chè. Theo ông bà, bố mẹ lên các nương chè từ bé cho đến tuổi trung niên nhưng anh Khiêm cũng không thấy người làng anh dùng chè để làm gì ngoài đồ uống. Anh có người họ hàng thân thiết sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, nhiều lần anh được nghe giới thiệu về các mặt hàng ở Nhật được làm từ trà xanh và tất nhiên giá bán của các mặt hàng đó cũng cao “ngất ngưởng’. Người ta làm được sao mình lại không, trong khi độ ngon của chè Thái Nguyên ít có nơi nào có được. Câu hỏi ấy cứ xoáy vào tâm trí anh khiến anh không thể “ngồi yên” được.

Cuộc sống bận rộn, không phải ai thích uống trà cũng có thời gian ngồi tráng ấm pha trà rồi đợi trà ngấm để thưởng thức. Để tiết kiệm thời gian, họ hay dùng các loại trà túi lọc. Anh Khiêm nghĩ, vậy tại sao lại không làm trà xanh theo dạng trà túi lọc? Trong khi đó, công đoạn lấy hương, chè bị gãy vụn một lượng đáng kể. Anh đã thử chọn lựa từ số búp chè gãy của một số dòng chè cao cấp đem đóng gói thì thấy chất lượng chè không hề bị giảm so với sản phẩm chính. Vậy là sản phẩm trà xanh túi lọc ra đời. Tiếp đó là sản phẩm bột trà matcha, thị trường bán mỗi kilogam giá vài trăm đến cả triệu bạc. Nguyên liệu thì mình có sẵn, tại sao không làm?

Theo kinh nghiệm của anh Khiêm, lứa chè Đông cuối cùng và lứa chè Xuân đầu tiên sẽ thích hợp làm bột trà matcha nhất, bởi thời điểm này gần như không có nắng. Hiện, anh Khiêm đang sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm bột trà khác nhau và có giá trung bình từ 6 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng/1kg. Chưa dùng lại ở đó, từ bột trà matcha, anh Khiêm quyết định bắt tay vào học hỏi và sản xuất kẹo lạc có thành phần từ trà xanh.

Lý giải cho việc dùng bột trà xanh làm kẹo lạc chứ không phải loại kẹo gì cao cấp khác, anh chia sẻ: Kẹo lạc là món ăn gần gũi với tất cả người Việt Nam, chính vì vậy nó mang tính truyền thống, hơn nữa giá thành lại rẻ có thể phù hợp với tất cả mọi người. Với giá bán tại xưởng là 55 nghìn đồng/hộp có trọng lượng 500gam, 2 năm nay, kẹo lạc trà xanh đã trở thành món quà biếu được nhiều người lựa chọn. Anh Khiêm cũng bật mí, anh đang thử nghiệm để sản xuất “tửu hoa trà” và thấy rất khả thi. Tức là hoa chè sau khi hái về được sấy khô rồi đem ngâm rượu. Rượu này khi uống thử cho vị ngọt nhẹ và có mùi thơm đặc trưng của hoa chè.

Nói đến việc dùng bột trà matcha làm nguyên liệu chế biến đồ ăn, tôi chợt nhớ đến dạo gần đây trên địa bàn T.P Thái Nguyên, nhiều người trẻ tuổi hay mách nhau đặt bánh cho các bữa tiệc sinh nhật lại tiệm bánh MoKa nằm trên đường Lương Ngọc Quyến. Có lần tôi đã từng tò mò hỏi về đặc điểm thu hút các bạn trẻ của loại bánh đó và được biết. Đó là loại bánh có màu xanh cốm, trên bề mặt bánh được trang trí như những bông tuyết xanh phủ lên.

Tìm hiểu về điều các bạn trẻ kháo nhau, tôi được chị Phạm Thị Thu Thanh, chủ tiệm bánh MoKa cho biết: Thứ các bạn trẻ hay ví như bông tuyết xanh đó chính là bột trà matcha đặc biệt, được kiểm định khắt khe về độ an toàn và đặc biệt là không thấm nước nên luôn tơi xốp. Thời gian gần đây, giới trẻ rất ưa chuộng loại bánh được trang trí như vậy. Ngoài trang trí bên ngoài, bột trà còn được sử dụng làm một thành phần của cốt bánh. Với loại bánh này, 90% thành phần của bánh là trà xanh. So với những chiếc bánh cùng loại được làm bằng vani, cacao và bột socola truyền thống, giá của một chiếc bánh làm bằng bột trà matcha thường cao hơn khoảng 50 nghìn đồng (một chiếc bánh kem tại MoKa có giá dao động từ 150 - 200 nghìn đồng). Những người ở độ tuổi từ 18 đến 25 lựa chọn bánh trà xanh nhiều hơn cả. Nếu như 3 năm trước mới có một vài khách hàng biết tới bánh kem trà xanh thì đến nay lượng bánh làm từ bột trà đã chiếm khoảng 20% trong tổng số lượng bánh được bán ra của cửa hàng.

Bột được làm từ trà xanh ngày cành trở thành nguyên liệu phổ biến trong chế biến thực phẩm như: Trà sữa, trà xanh không độ, chè giải khát, thạch rau câu, mỳ tôm… Không chỉ có vậy, trên thị trường cũng ngày càng xuất hiện nhiều các mặt hàng tiêu dùng có thành phần từ cây chè như nước rửa chén, bát; kem đánh răng; sữa tắm; sữa rửa tay…

Đa dạng hóa các sản phẩm từ chè là xu thế tất yếu, điều này không chỉ giúp người sản xuất và kinh doanh chè có thêm nhiều cơ hội gia tăng giá trị kinh tế mà còn góp phần tạo ra nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên có lợi cho sức khỏe. Tôi cảm thấy thích thú trước những phát hiện của anh Khiêm và cho rằng những liên tưởng, dự liệu của anh trong tương lai không phải là điều gì quá xa vời.

Anh kể, có lần anh đem đổ bã chè vào cái bát đầy dầu mỡ và phát hiện ra bã chè có thể loại bỏ được hết dầu mỡ bám trên đĩa. Lại có lần tiện nồi nước trà xanh uống còn dư, đem ra tráng bát, kết quả chẳng những bát đĩa sạch “kin kít” mà nước chè còn khử sạch được cả mùi tanh của thức ăn. Trong tương lai, anh nghĩ có thể chiết xuất ra một loại nước rửa bát từ phụ phẩm của cây chè và thị trường của những sản phẩm thiên nhiên đó sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước. Muốn vậy anh và 29 hộ gia đình thành viên khác trong Câu lạc bộ Sản xuất chè hữu cơ ở Khe Cốc đã tạo ra được vùng nguyên liệu rộng 10ha. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu an toàn cho tất cả các sản phẩm mà anh Khiêm và người dân Khe Cốc đang hướng đến./.