Phát triển sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam
5ha của 22 hộ tham gia mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên được thực hiện trên địa bàn huyện Đại Từ |
Với 2 sản phẩm là: Phú Đinh Trà và Tuất Thoi Trà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Ocop 4 sao, từ năm 2021 đến nay, HTX trà Tuất Thoi ở xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ đã tham gia thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ. Đến nay, toàn bộ 5ha tham gia mô hình đủ điều kiện để được cấp chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Toàn bộ sản phẩm của 22 hộ tham gia mô hình đều được hợp tác xã thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đây là mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên được thực hiện trên địa bàn huyện Đại Từ.
Bà Đào Thị Thoi, Giám đốc HTX trà Tuất Thoi, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ cho biết: "Năm nay là năm thứ 3 chúng tôi đạt được sản lượng, tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ. Đây là một quá trình dài, vất vả, nhưng chúng tôi rất vui".
Để khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn hữu cơ, tỉnh đã hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến, hỗ trợ giá giống… Nhưng đến nay, hầu như các hộ dân chưa chủ động xây dựng các mô hình sản xuất chè hữu cơ. Do trên thị trường, sản phẩm chè hữu cơ vẫn bị đánh đồng với các sản phẩm sản xuất thông thường. Thực tế này khiến cho người trồng chè còn dè dặt, chưa mạnh dạn sản xuất chè theo phương thức này.
Ông Nguyễn Viết Thuật, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên cho biết: "Sản xuất chè hữu cơ năm đầu tiên sản lượng có sụt giảm, sang năm thứ 2 sản lượng tăng khoảng 15%. Hiện nay sản lượng của chúng tôi tăng khoảng 25%. Chúng tôi mong muốn các cơ quan, ban ngành tiếp tục quan tâm, truyền thông tốt để người tiêu dùng phân biệt được chè hữu cơ".
Để tăng diện tích chè sản xuất hữu cơ, bên cạnh thực hiện các mô hình điểm, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân của các cấp, ngành chức năng là rất cần thiết.
Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên: "Năm 2023 chúng tôi tiếp tục xây dựng kế hoạch để xây dựng các mô hình sản xuất chè hữu cơ. Tuy nhiên sự hỗ trợ của nhà nước chỉ có mức độ nhất định. Trong vai trò là một đơn vị chuyển giao kỹ thuật, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông cũng như hệ thống khuyến nông các cấp sẽ tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động bà con cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, nhận thức được để chuyển đổi sang chè hữu cơ".
Sản xuất hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-40% so với sản xuất chè theo phương thức truyền thống. Vì vậy, việc tiếp tục hỗ trợ người dân triển khai mô hình sản xuất này sẽ góp phần khuyến khích người dân nhân rộng diện tích chè hữu cơ để hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững trên địa bàn tỉnh./.