Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới
Tiết học của môn tiếng Anh, với các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học được đầu tư, cấp mới đã giúp học sinh nâng cao kỹ năng nói - nghe - đọc - viết |
Một giờ học môn Vật Lý của cô và trò Trường THPT Đồng Hỷ… những ứng dụng STEM đưa vào dạy - học của từng tiết học, giúp học sinh nâng cao khả năng sáng tạo, vận dụng tổng hợp kiến thức tự học, tự nghiên cứu. Còn đối với tiết học của môn tiếng Anh, với các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học được đầu tư, cấp mới đã giúp học sinh nâng cao kỹ năng nói - nghe - đọc - viết trong từng tiết học; việc truyền tải kiến thức của giáo viên theo đó cũng được thực hiện chủ động, hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các trường thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô giáo Phạm Thanh Hằng, Trường THPT Đồng Hỷ, Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi nhận thấy chương trình giáo dục phổ thông mới là một thách thức đối với cả giáo viên lẫn học sinh. Tuy nhiên nó có tính phân loại rất cao. Nhà trường, các giáo viên bộ môn tiếng Anh rất sát sao tư vấn cho các bạn trên lớp xem là bạn nào có năng lực để thi IELTS, bạn nào có năng lực thi các môn ngoại ngữ khác. Bản thân giáo viên cũng sẽ phải tìm tòi soạn lại những cái bộ tài liệu để cho phù hợp với đề thi mới theo chương trình mới".
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ năm học năm học 2020 - 2021 đối với khối lớp 1, thay thế cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Bước vào thực hiện chương trình, toàn ngành gặp nhiều khó khăn do sức ép về sĩ số học sinh/lớp đối với các trường ở khu vực thành thị, địa bàn các khu công nghiệp còn cao; tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, cơ cấu giáo viên các môn chưa bảo đảm xảy ra tại nhiều cơ sở giáo dục… Khắc phục những khó khăn đó, chương trình đã được các địa phương, nhà trường triển khai theo lộ trình quy định. Đến năm học 2024 - 2025, các khối lớp cuối cấp gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12 là khối lớp cuối cùng đồng loạt thực hiện chương trình.
Cô giáo Lưu Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tân Thái, huyện Đại Từ cho biết: "Qua thời gian dạy trong 4 năm vừa rồi đối với cấp trung học cơ sở, chúng tôi cũng thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đúng theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thái Nguyên và cũng đã chọn những bộ sách giáo khoa phù hợp với lứa tuổi học sinh học theo đúng vùng miền".
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ: "Có những lúc có những cái cục bộ, có những đơn vị trường học sẽ thừa hoặc là thiếu giáo viên, trong quá trình ấy chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo huyện tiến hành sắp xếp bố trí đội ngũ giáo viên để đảm bảo được phù hợp và trong quá trình ấy cũng đưa đi để đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là các lớp tập huấn của Sở Giáo dục Đào tạo tổ chức cũng như cấp bộ tổ chức".
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ năm học năm học 2020 - 2021 đối với khối lớp 1, thay thế cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 |
Đến năm học 2024 - 2025, các khối lớp cuối cấp gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12 là khối lớp cuối cùng đồng loạt thực hiện chương trình |
Theo đánh giá của các cán bộ quản lý và giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ ở đầy đủ các môn học. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được thực hiện hiệu quả, phát huy được ưu điểm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; việc đánh giá học sinh được thay đổi theo hướng đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện… Trên cơ sở những thành quả đó, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đầu tư thêm và cải tiến cơ sở vật chất sẵn có; đồng thời đưa ra những phương pháp phù hợp để thực hiện bước chuyển giao những nội dung cần thiết cho học sinh từ cấp tiểu học lên cấp trung học cơ sở và lên cấp trung học phổ thông; các địa phương cũng cần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững,… từ đó góp phần để chương trình tiếp tục đạt kết quả cao và phù hợp với thực tế./.