Người dân Định Hóa vững tin vào cây quế
Sau 4 năm, cây quế bắt đầu cho thu nhập từ việc khai thác lá, tỉa cành giúp các hộ dân có thu nhập khá từ trồng rừng

Ông Lý Văn Cương, dân tộc Dao, xóm Đồng Đình là một trong những hộ đầu tiên ở xã Kim Phượng, huyện Định Hóa trồng quế. Nhờ tích cực chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp, rừng quế của gia đình ông phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Bắt đầu từ năm ngoái, gia đình ông Cương đã có thu nhập tốt từ việc khai thác tỉa lá, cành ở hơn 1ha rừng quế này.

Ông Lý Văn Cương chia sẻ: “Dân ở đây bây giờ chuyển sang trồng quế hết. Được 4 năm là có thể thu lá rồi. Cho nên có thu nhập. Như rừng này, mỗi năm thu được 35 tấn lá quế, trị giá 1.400 đồng/kg. Như vậy, trồng rừng quế bắt đầu cho hiệu quả kinh tế”.

Cũng như ông Cương, anh Hoàng Văn Ngọc, xóm Hương Bảo 3, Quy Kỳ vẫn thường xuyên chăm sóc những cây quế được trồng từ năm 2016. Hiện, đồi quế của anh cũng đã có thể khai thác tỉa lá, cành. Ngoài anh Ngọc, nhiều hộ dân ở xã Quy Kỳ mặc dù không đăng ký từ đầu nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây quế mà đã tự đầu tư giống, phân bón để trồng, góp phần đưa xã Quy Kỳ trở thành một trong những địa phương có diện tích quế lớn nhất ở Định Hóa.

Anh Hoàng Văn Ngọc, xóm Hương Bảo 3, Quy Kỳ, huyện Định Hóa cho biết: “Trong xóm này giờ bớt diện tích cây keo rồi. Tỉnh và huyện đầu tư vốn, cây giống cho hộ dân tham gia dự án trồng quế”.

Ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa khẳng định: “Từ năm 2016 đến nay đã trồng được trên 500 ha quế. Những năm đầu tiên thì có khó khăn nhưng đến nay, đa số người dân đều ủng hộ. Có hộ dân còn tự nguyện trồng cây quế trên diện tích rừng sản xuất của mình”.

Thực tế cây quế đã có mặt ở Định Hóa từ 30 năm trước và được đánh giá là phù hợp với tập quán sản xuất cũng như thổ nhưỡng khí hậu ở địa phương. Tất cả các thành phần từ cây quế như lá, cành, vỏ, thân đều được tận dụng để chế biến thành các sản phẩm phong phú mà ít có loại cây trồng nào có được.

Nhiệm kỳ trước, mục tiêu về phát triển cây quế đã được huyện Định Hóa triển khai hiệu quả, với trên 2.600 ha quế được trồng, đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực. Định Hóa đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 toàn huyện trồng được 10.000 ha quế.

Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa thông tin thêm về mục tiêu này: “Nhiệm kỳ này chúng tôi quyết tâm rất cao. Mỗi năm sẽ trồng trên 1.000 ha, trong đó sẽ tập trung từ 500-600 ha quế. Hiện nay, mật độ trồng 5000 cây quế/ha. Tỉnh sẽ hỗ trợ 2.200 cây, huyện hỗ trợ 1.700 cây, dân đối ứng 1.200 cây. Năm nay chúng tôi đã trồng được 200 ha rồi”.

Trong khi lợi thế đất lâm nghiệp còn nhiều, lại được hỗ trợ về cây giống, vật tư và kỹ thuật thì cây quế đang tiếp tục thu hút được sự quan tâm của người dân Định Hóa. Trong những năm đầu tiên, cây quế chưa thể mang lại thu nhập nhưng lợi ích kinh tế từ năm thứ 4 hoàn toàn vượt trội so với các loại cây lâm nghiệp khác. Do vậy, giảm nghèo và làm giàu cho người dân miền núi ở Định Hóa từ cây quế là hướng đi phù hợp.

Để bà con yên tâm trồng quế, huyện Định Hóa cũng cần khuyến khích đầu tư các cơ sở bao tiêu, chế biến và hạ tầng phục vụ khai thác cây quế, tiếp tục nâng cao hiệu quả từ loại cây trồng này, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.