Ngoại giao “vạn biến” của Trump khiến đồng minh chủ chốt điêu đứng
Nhật Bản là một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á. Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là khá tốt đẹp. Trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, cả hai đã từng vài lần đi đánh golf cùng nhau, điện đàm tới hơn chục cuộc, chưa kể các cuộc gặp cá nhân. Cả hai đều là những chính trị gia bảo thủ và có chung lập trường cứng rắn với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng ngày 10/2/2017. |
Tuy nhiên, những chính sách ngoại giao của ông Trump ở châu Á thường khiến Nhật Bản thấy bất an. Một minh chứng rõ nhất là những sự kiện xung quanh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018.
Nhật Bản “chóng mặt”
Ông Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group chuyên nghiên cứu về rủi ro địa chính trị cho rằng, thói quen nghĩ gì nói nấy mà không có sự tư vấn của các chuyên gia xung quanh mình của ông Trump có xu hướng ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ lâu dài, và nó tác động không nhỏ tới các đối tác châu Á của Mỹ, trong đó đặc biệt là Nhật Bản.
Nói với Business Insider ngày 26/3, ông Bremmer cho biết: “Quốc gia cụ thể bị ảnh hưởng là Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe đã rất rõ ràng rằng, mối quan hệ tốt nhất, quan trọng nhất của ông là với Mỹ. Ông là người đầu tiên đáp chuyến bay tới thăm ông Trump ngay sau cuộc bầu cử ở Mỹ. Thế nhưng khi quyết định sẽ gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump còn chẳng buồn nói với Nhật Bản”.
Ông Trump đã không hề nói gì với đồng minh Nhật Bản về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, và chỉ thông báo cho Tokyo trong một cuộc điện đàm sau khi các đặc phái viên Hàn Quốc - những người tới Washinhton để “chuyển lời” từ Bình Nhưỡng, công bố thông tin bên ngoài Nhà Trắng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được thông báo về kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ vài giờ sau khi ông nhận được tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với các sản phẩm thép và aliminum nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
“Giờ thì khi Nhật Bản gọi điện và hỏi liệu tôi có biết chút thông tin gì không, tôi đã trả lời rằng, ‘ông ấy thậm chí còn chẳng buồn nói gì với Ngoại trưởng của mình, thì các bạn đừng có hỏi riêng tôi”, ông Bremmer dẫn lời ông Rex Tillerson - ngoại trưởng bị sa thải chỉ vài ngày sau khi ông Trump quyết định sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo ông Bremmer, điều này điều khiến Thủ tướng Abe cảm thấy “khó chấp nhận”, bởi đây cũng là thời điểm không mấy dễ chịu đối với ông. Ở trong nước ông Abe đang vướng phải một vụ bê bối liên quan đến việc bán đất công. Theo đó, tổ chức giáo dục tư nhân Moritomo Gakuen đã mua được một khu đất 9.000 m2 với giá 1,2 triệu USD, chỉ bằng 1/10 giá của khu đất tương tự gần đó. Các cáo buộc cho rằng, Moritomo Gakuen nhận được sự ưu đãi này là vì có mối quan hệ với vợ của ông Abe. Tỷ lệ ủng hộ của ông giảm xuống chỉ còn 30%.
Đồng minh bị “bán đứng”?
Ngoài việc ông Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Nhật Bản một lần nữa dường như lại bị gạt ra khỏi cuộc chơi sau cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Triều ở Bắc Kinh đầu tuần này.
Giới chức Mỹ nói rằng, Nhà Trắng đã nhận được cuộc gọi từ Trung Quốc sáng 27/3, trong khi Hàn Quốc nói rằng, ngày 28/3, họ đã được thông báo bằng chuyến thăm của một quan chức cấp cao của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Nhật Bản được cho là đã đề nghị Trung Quốc cung cấp thông tin về cuộc gặp này.
Theo truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có chuyến thăm Mỹ và gặp Tổng thống Donald Trump vào ngày 18/4. Ông Abe được cho là muốn nhận được lời khẳng định về sự hợp tác Mỹ-Nhật liên quan đến vấn đề Triều Tiên trước khi ông Trump có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Abe dự kiến cũng sẽ đề nghị Nhật Bản nằm ngoài phạm vi tăng thuế nhập khẩu thép và Aluminum của Mỹ.
Những thông tin nhiễu loạn về cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên không phải là lần đầu tiên ông Trump “bán đứng” đồng minh Nhật Bản.
Điều này từng xảy ra với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Thủ tướng Shinzo Abe đã bỏ rất nhiều tâm huyết để vận động các tổ chức nông nghiệp, không chỉ các nông nhân, mà còn cả các ngân hàng nông nghiệp, các quỹ hưu trí, để đối lấy một TPP do Mỹ dẫn đầu. Thế nhưng sau đó, ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP.
Mỹ nói rằng: “Thỏa thuận đó không có lợi gì cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ theo đuổi thỏa thuận song phương với Nhật Bản”. Thế nhưng Nhật Bản lại tuyên bố: “Chúng tôi không muốn đàm phán một thỏa thuận song phương. Chúng tôi sẽ theo đuổi TPP với những nước còn lại”. Ngày 8/3, những nước còn lại trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Canada và Mexico, đã ký thỏa thuận CPTPP./.