Những 'vũ khí' có thể giúp Trump leo thang thương chiến với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Diễn biến leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong tháng 8 đã gieo rắc hoảng sợ cho các thị trường và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Dù vậy, tin xấu hơn là dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tung ra hai đòn tấn công mạnh mẽ bằng cách tuyên bố áp vòng thuế mới lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, "kho vũ khí" của ông vẫn còn dồi dào.
Đòn tấn công uy lực nhất mà Trump có thể thực hiện với Trung Quốc là "vũ khí hóa" USD, đồng tiền dự trữ của thế giới. Trong hàng loạt dòng tweet hôm 8/8, Trump kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm thêm lãi suất và làm suy yếu USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ, phớt lờ một thỏa thuận từ lâu của khối G20 mà Mỹ mới ký lại cách đây ít tuần, trong đó, các nền kinh tế lớn thế giới cam kết không can thiệp giảm giá đồng nội tệ để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của họ.
Bên trong Nhà Trắng, các quan chức có lập trường cứng rắn với Trung Quốc đang vận động Bộ Tài chính can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn đà tăng trưởng chững lại ở khu vực sản xuất của Mỹ.
Mức độ hiệu quả của việc Fed cắt giảm thêm lãi suất hay một hành động can thiệp giảm giá USD vẫn chưa rõ. Quỹ bình ổn hối đoái của Bộ Tài chính Mỹ chỉ có 92 tỷ USD. Thậm chí nếu Fed tham gia hỗ trợ như các lần can thiệp trước đây với nguồn tiền tương đương, con số 180 tỷ USD bơm vào thị trường hối đoái toàn cầu với giá trị giao dịch 5.000 tỷ USD mỗi ngày chỉ tạo ra tác động rất hạn chế. Hơn nữa, một hành động can thiệp như vậy có thể gây hoảng loạn cho các thị trường và gây ra những hậu quả kinh tế dài hạn.
Trong khi Tổng thống Trump và các thị trường đang tập trung vào khả năng can thiệp giảm giá USD, đây không phải vũ khí cuối cùng mà Trump có, theo nhận định từ giới quan chức Mỹ, các cố vấn chính phủ và nhà phân tích. "Ông ấy có rất nhiều biện pháp có thể sử dụng để chống Trung Quốc", Gary Hufbauer, chuyên gia thương mại ở Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói.
Trump có thể sử dụng biện pháp ông yêu thích bấy lâu nay là tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ chưa bị đánh thuế với trị giá khoảng 300 tỷ USD mỗi năm lên 25% sau khi tuyên bố sẽ áp thuế 10% với chúng vào tháng 9.
Biện pháp này có thể làm suy yếu nhân dân tệ, vì vậy sẽ gây tổn hại cho nỗ lực vận động giảm giá USD của Trump. Tuy nhiên, Trump trước đây từng sử dụng lý do biến động tỷ giá như là cái cớ để áp thuế.
Bộ Thương mại Mỹ đang đưa ra một đề xuất cho phép các công ty Mỹ yêu cầu áp thuế có trọng điểm vào những sản phẩm nhập khẩu từ các nước bị cáo buộc phá giá tiền tệ như Trung Quốc. Việc Bộ Tài chính dán nhãn thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc hôm 5/8 đang tạo điều kiện thuận lợi cho đề xuất này và nếu nó được thực hiện, hàng loạt công ty Mỹ có thể tìm kiếm sự bảo vệ bằng cách đề nghị áp thuế trả đũa nhằm vào hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc được hưởng lợi nhờ nhân dân tệ giảm giá.
Ngoài tất cả phương án trên, Hufbauer cho rằng Nhà Trắng cũng có thể dựng thêm nhiều rào chắn đối với đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ hay nhắm đến các nguồn cung năng lượng của Trung Quốc bằng cách thu hồi những biện pháp miễn trừ, cho phép Bắc Kinh tiếp tục mua dầu thô từ Iran và Venezuela.
Hồi cuối tháng 6, Trump nói ông cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei như là một phần của thỏa thuận đình chiến thương mại đạt được trong cuộc gặp giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở hội nghị G20 tại Nhật Bản. Tuy nhiên, thỏa thuận đình chiến này đã bị Trump phá bỏ và Nhà Trắng cũng vừa hoãn quyết định cấp phép cho các công ty Mỹ nối lại kinh doanh với Huawei sau khi Bắc Kinh tuyên bố ngừng mua nông sản Mỹ.
Các quan chức Nhà Trắng lưu ý Tổng thống Mỹ có thể khôi phục những biện pháp hạn chế xuất khẩu và các chính sách khác nhắm đến Trung Quốc vốn đang bị trì hoãn hoặc khi ông nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Một trong các biện pháp đó là bổ sung vào danh sách đen của Bộ Thương mại những công ty Trung Quốc cung cấp các công cụ giám sát ở Tân Cương, nơi nhà chức trách bị cáo buộc giam giữ nhiều người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các "trại cải tạo". Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc này.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đang soạn thảo quy định áp đặt những hạn chế xuất khẩu mở rộng sang sản phẩm từ các ngành công nghệ mới nổi như tự động hóa và trí tuệ nhân tạo bằng cách yêu cầu các công ty Mỹ phải xin giấy phép đặc biệt trước khi xuất khẩu chúng sang các nước như Trung Quốc.
Quy trình cập nhật danh sách các công nghệ bị hạn chế xuất khẩu này đang được tiến hành và có thể hoàn tất vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, các nghị sĩ lưỡng đảng đã đề xuất lên quốc hội Mỹ nhiều dự luật nhắm đến Trung Quốc mà Trump có thể ủng hộ, bao gồm một dự luật gần đây đòi hỏi Fed phải quản lý giá trị đồng USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ và áp thuế nhằm vào vốn đầu tư nước ngoài cũng như tiến hành những biện pháp khác nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ. Một dự luật khác cho phép cấm các nhà cung cấp Mỹ bán hàng cho Huawei và công ty thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc.
Michael Pillsbury, cố vấn của chính quyền Trump, cho rằng dù Tổng thống Mỹ còn nhiều vũ khí để chống lại Bắc Kinh, ông cũng có tầm nhìn thực dụng hơn về Trung Quốc so với các trợ lý và ông vẫn muốn đạt được một thỏa thuận thương mại.
"Điều quan trọng là gửi thông điệp đến ông Tập, chứ không phải hành động khinh suất", Pillsbury nói.
Pillsbury cho rằng sức ép của Trump đã giúp khai thác được một số nhượng bộ ý nghĩa từ Trung Quốc, trong đó có việc Bắc Kinh thành lập các tòa án chuyên phân xử những vụ kiện tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Pillsbury, dàn xếp một thỏa gồm những điều khoản như cho phép các công ty đầu tư Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng rãi hơn hay Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ để đổi lấy một số biện pháp nới lỏng áp thuế từ Mỹ sẽ là điều hợp lý cho cả Trung Quốc và Trump trong giai đoạn đầu. Điều này có thể cho phép hai bên tạm gác lại những chủ đề gai góc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác gần gũi với chính quyền Trump xem đó là bước đi rủi ro, đưa Trump vào một thỏa thuận xấu với Trung Quốc trong ngắn hạn. Một kịch bản có xác suất xảy ra cao hơn là Trump dừng tấn công thương mại Trung Quốc khi tất cả hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ bị áp thuế, đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp một môi trường kinh doanh chắc chắn hơn thay vì tập trung vào việc đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, kịch bản trên còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường. Nếu chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jone giảm 1.000 điểm, điều này có thể không tác động đến Trump nhưng nếu giảm 5.000 điểm, Trump nhiều khả năng phải thay đổi kế hoạch.
Mối quan hệ Mỹ - Trung đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, tạo ra cho các cố vấn "diều hâu" bên cạnh Trump không gian vận động thúc đẩy cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Điều duy nhất đang cản trở họ là thiếu sự phối hợp, theo Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc ở Viện Doanh nghiệp Mỹ.
"Tổng thống đang bực bội với Trung Quốc. Cánh cửa đã mở ra cho những cố vấn chỉ trích Trung Quốc tiến hành hàng loạt hành động nhưng chúng hoàn toàn hỗn độn và không có tính ưu tiên", Scissors nhận định.