Nghị quyết 84 - Thêm động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Nghị quyết số 84/2020/NQ-CP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 |
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 là chủ trương đầu tiên của Nghị quyết số 84/2020/NQ-CP chính thức có hiệu lực. Đây được cho là giải pháp quan trọng để kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Và kết quả thực tiễn cho thấy, lượng khách hàng đến với các đại lý xe trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tăng lên so với đầu năm. Ông Phạm Duy Hoàng, Đại diện Mitsubishi Thái Nguyên cho hay: "Khi Chính phủ Việt Nam có những động thái hỗ trợ 50% thuế trước bạ cho người dân, ngay lập tức Mitsubishi đã có những chiến lược về phát triển thị phần cũng như đưa ra những sản phẩm mới".
Bên cạnh chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, Nghị quyết 84 cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, nổi bật là các chính sách liên quan đến việc thực hiện các lĩnh vực ngân sách, tài chính, ngân hàng như: Thực hiện giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất; cho gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch COVID-19; giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đặc biệt, Nghị quyết 84 được ban hành, không chỉ các doanh nghiệp lớn hoặc tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ cũng là một trong những đối tượng chính được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này. Trên cơ sở đó, đối với từng chính sách, các ngành chức năng cũng sẽ có những giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với đối tượng thụ hưởng, tình hình và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: "Trong thời gian qua, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên đã rà soát, gửi toàn bộ văn bản đến tất cả các doanh nghiệp để thông báo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị mức độ ảnh hưởng khác nhau sẽ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ khác nhau".
Ông Đào Duy Bẩy, Phó Cục trưởng Cục thuế Thái Nguyên thông tin: "Cục thuế Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 84 tới toàn thể các phòng, chi cục; đồng thời, đổi mới phương thức tiếp nhận xử lý thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử; rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 đảm bảo không thanh tra, kiểm tra chồng chéo, vi phạm Chỉ thị 20 của Chính phủ".
Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Nhờ sự giúp đỡ của ngành Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất vốn vay, giãn nợ đến hạn cho doanh nghiệp, đã giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trở lại".
Một trong những mục tiêu quan trọng được coi là cứu cánh của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, tại Nghị quyết này, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Đối với tỉnh Thái Nguyên, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2020, tổng số thanh toán kế hoạch đầu tư công mới chỉ đạt 1.290 tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, nguồn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 800 tỷ đồng, đạt 25,8%... Với kết quả này, Thái Nguyên nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp của cả nước. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết càng trở nên cấp thiết. Ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Tỉnh Thái Nguyên đã giao 1 lần, giao đủ và giao rất sớm toàn bộ vốn đầu tư công của năm 2020 ngay từ cuối năm 2019; tổ chức chỉ đạo các đơn vị thẩm định cải cách hành chính, thực hiện các thủ tục để thẩm định các dự án khẩn trương nhất; đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tỉnh chỉ đạo quyết liệt coi đây là các tiêu chí đánh giá các địa phương trong việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2020".
Việc triển khai Nghị quyết 84 để hỗ trợ doanh nghiệp là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sau những tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ sẽ thực sự phát huy hiệu quả khi doanh nghiệp có khả năng "đứng dậy" sau khó khăn. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương, mỗi doanh nghiệp cần đổi mới trong tư duy quản trị, phương thức sản xuất, kinh doanh và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để ổn định sản xuất và phát triển./.