Nâng cao giá trị chè từ chương trình OCOP
Mô hình trồng, sản xuất trà sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và tiêu chuẩn UTZ của Hợp tác xã Tâm Trà Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên |
Là đơn vị có 2 sản phẩm chè là Nhất đinh trà và chè Tôm nõn được công nhận đạt 4 sao thuộc chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2020, thời gian qua Hợp tác xã Tâm Trà Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên đã hướng đến sự khác biệt của những sản phẩm. Tâm Trà Thái sử dụng mô hình trồng, sản xuất trà sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và tiêu chuẩn UTZ.
Chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Không chỉ đạt danh hiệu mà chúng tôi cho rằng phải là đạt chất lượng thực sự. Đó là khi được khách hàng đánh giá đó có sản phẩm trà sạch, các chỉ tiêu xét nghiệm đều đạt chuẩn”.
Cũng là đơn vị sản xuất các sản phẩm từ cây chè, Hợp tác xã chè an toàn Nguyên Việt, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ được thành lập từ năm 2011. Hiện nay, diện tích 25ha sản xuất chè của 31 thành viên đều được sản xuất theo hướng hữu cơ và đã được công nhận VietGap. Từ hướng đi này, Hợp tác xã đã được công nhận 2 sản phẩm là Trà móc câu và Trà Tôm nõn đều đạt 4 sao thuộc chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2020.
Sản phẩm trà của Hợp tác xã Nguyên Việt đạt tiểu chuẩn 4 sao thuộc chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2020. |
Bà Uông Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Nguyên Việt, Xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ cho biết hướng đi tiếp theo là: “Đạt 2 sản phẩm OCOP như thế rồi thì chúng tôi cũng đang định hướng đẩy mạnh về chất lượng về bao bì, mẫu mã, tham gia các kết nối, phối hợp với các sở, ngành để tiếp cận các thị trường để đưa ra nước ngoài”.
Nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của cây chè, nâng cao chất lượng, thương hiệu, đưa sản phẩm vươn xa, tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” giai đoạn 2019-2025; trong đó, hỗ trợ các Hợp tác xã nâng cấp và hoàn thiện các phẩn phẩm theo hướng gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng, điều chỉnh sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và đáp ứng tiêu chí OCOP cấp tỉnh, cấp Quốc gia.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Sản phẩm được xếp hạng sao thì nó đều qua các mức đánh giá, qua các tiêu chí sơ bộ tiêu chí Quốc gia bao gồm: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề xúc tiến thương mại,v ấn đề tem mác, mẫu mã và sản xuất; Nghĩa là tổng hợp của sản phẩm mà được công nhận OCOP này đảm bảo nó mang đầy đủ các tiêu chí để làm bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng tốt nhất”.
Có thể nói rằng, các sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm OCOP từ cây chè nói riêng là sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương. Khi chất lượng các sản phẩm được nâng cao, thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng lớn. Đây là tiền đề giúp người dân, nhất là người dân vùng trồng chè nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững./.