Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Dự án trồng hoa Ly công nghệ cao được triển khai trong vụ đông - xuân trên địa bàn xã Tân Kim đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân

Trước thực trạng diện tích lúa kém hiệu quả, huyện Phú Bình đã có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng hoa Ly. Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp Chi Huệ là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phú Bình hỗ trợ trồng và chăm sóc hoa Ly ứng dụng công nghệ cao với trên 30.000 cây. Trong những ngày giáp tết nguyên đán Tân Sửu, việc tiêu thụ hoa ly ra thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận đã giúp tổ hợp tác mang về nguồn thu đáng kể.

Anh Đặng Văn Chi, Giám đốc Tổ hợp tác Hoa Chi Huệ, huyện Phú Bình phấn khởi chia sẻ: “Được sự quan tâm của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phú Bình chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chúng tôi đã xây dựng mô hình nhà lưới, hệ thống tưới tự động, giảm được nhiều nhân công và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đặc biệt, có thể điều chỉnh được thời gian sinh trưởng của cây hoa”.

Năm 2021, Dự án trồng hoa Ly công nghệ cao được triển khai trong vụ đông - xuân trên địa bàn xã Tân Kim với 3 hộ tham gia, trồng 12.000 cây/600m2 áp dụng công nghệ cao và 12.000 cây/600m2 theo phương pháp truyền thống làm đối chứng. Tham gia Dự án này, các hộ dân được tập huấn kiến thức kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Ly ứng dụng công nghệ; hỗ trợ kinh phí mua phân bón và giống hoa; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hạ tầng khu trồng hoa. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là gần 880 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 350 triệu đồng, còn lại là người dân đối ứng.

Bà Bùi Thị Hợp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phú Bình cho biết: “Chúng tôi đã triển khai các lớp tập huấn, lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật được người dân hưởng ứng. Mô hình hoa Ly được chúng tôi áp dụng xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tự động đem lại hiệu quả lớn”.

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Phú Bình đã chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm

Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu gắn với tiêu thụ sản phẩm cũng được ngành nông nghiệp và nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình quan tâm. Với mục tiêu sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, năm 2017, hợp tác xã Hoa, rau củ quả an toàn Bình Minh

được thành lập. Từ việc trồng rau, củ quả theo hướng VietGap, 100% thành viên của Hợp tác xã đã thoát nghèo. Bình quân mỗi năm, mỗi xã viên thu về từ 60-75 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc hợp tác xã Hoa, rau củ quả an toàn Bình Minh, huyện Phú Bình cho biết: “Mong muốn lớn nhất là sản phẩm hợp tác xã làm ra được tiêu thụ thông qua các cửa hàng lớn. Như vậy thì kinh tế của bà con sẽ tốt hơn và tiêu thụ sẽ ổn định hơn”.

Huyện Phú Bình là một trong những địa phương chuyển đổi mô hình cây trồng có hiệu quả. Nhờ chuyển đổi hợp lý mà giá trị và sản lượng cây trồng trên địa bàn huyện luôn tăng theo các năm. Tính đến năm 2020, diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang cây trồng khác đạt 272 ha.

Huyện phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 130 triệu đồng/ha, đến 2030 là 150 triệu đồng/ha. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc thay đổi tư duy của người dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của ngành nông nghiệp để nông dân được tiếp cận nhiều hơn với các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững.