Hiệu quả bước đầu của mô hình “Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng”
Mô hình “Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng” của gia đình anh Cam Văn Sơn ở xóm Nho, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai |
Sức khỏe yếu do căn bệnh thiếu máu, anh Cam Văn Sơn (người dân tộc Nùng) - xóm Nho, xã Liên Minh vẫn luôn đau đáu tìm hướng sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Cơ hội đã đến với anh khi mô hình “Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng” được triển khai ở địa phương. Gia đình anh được nhận hỗ trợ vốn và con giống gà. Sau hơn một tháng, đàn gà của anh Sơn phát triển tốt. Dự kiến 2 tháng nữa vào đúng dịp Tết Quý Mão, gia đình anh sẽ có gà thương phẩm cung cấp thực phẩm cho gia đình và xuất bán ra thị trường.
Anh Cam Văn Sơn, xóm Nho, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai tâm sự: “Tiêm phòng đầy đủ, vaccin đầy đủ thì chăn cũng dễ, đem lại hiệu quả kinh tế. Trước mắt cũng đã phát triển, bán được thì cũng có được khoản tiền, cải thiện bữa ăn trong gia đình”.
Ngoài việc hỗ trợ con giống, thức ăn, để giúp các hộ dân thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, các cán bộ của Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã tập huấn, hỗ trợ trực tiếp các hộ dân thực hiện mô hình. Cán bộ Thú y của dự án còn tiếp nhận, bảo quản và tiêm phòng vacin cho gà theo lịch quy định để đảm bảo đàn gà sinh trưởng, phát triển hạn chế tối đa dịch bệnh.
Anh Triệu Đức Công, xóm Khuôn Đã, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai cho biết: “Được hỗ trợ giống gà, hỗ trợ cám, tiêm định kỳ, cán bộ thú y vào tiêm giúp cho”.
Anh Nguyễn Văn Diễn, Cán bộ Thú y xã Liên Minh, huyện Võ Nhai: “Trong tiêm phòng được hỗ trợ 4 loại Vacin phòng, ngăn ngừa các bệnh theo độ tuổi của gà”.
Cán bộ Thú y xã Liên Minh, huyện Võ Nhai hướng dẫn tiêm phòng |
Sau một thời gian triển khai, mô hình này không chỉ cải thiện thu nhập, dinh dưỡng cho bữa ăn mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Qua mô hình nuôi gà ri tại địa phương, các hộ dân đã biết chăn nuôi đúng kỹ thuật, tiêm chủng vắc xin, sử dụng thuốc điều trị bệnh trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, huyện Võ Nhai: “Chúng tôi cũng đã chọn hộ, đặc biệt là các hộ nghèo và hộ đặc biệt khó khăn trong xã. Chúng tôi nhận 3.000 con mà trong đó có 30 hộ tham gia. Trước khi nhận dự án, chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan tập huấn khoa học kỹ thuật đặc biệt là cách chăm sóc con gà, đến nay 30 hộ nhận được con giống 1 tháng nhưng gà phát triển rất nhanh, rất tốt”.
Mô hình “Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng” sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu tiếp tục được quan tâm, duy trì thêm 1 đến 2 chu kỳ tái sản xuất, khi kinh tế các hộ đã bớt khó khăn, có vốn và kinh nghiệm để có thể tự tin vươn lên thoát nghèo./.