Thương mại điện tử giúp ngành bán lẻ Việt Nam phát triển
Bán hàng đa kênh kết hợp giữa truyền thống và bán hàng trực tuyến (còn gọi là thương mại điện tử) đã trở thành xu thế ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để thương mại điện tử phát triển xứng với tiềm năng sẵn có và thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam thì vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết.
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có hơn 54% dân số sử dụng Internet cùng lượng lớn người sử dụng các thiết bị thông minh được xem là thị trường tiềm năng để phát triển thương mại điện tử.
Thương mại điện tử đưa ngành bán lẻ đến gần hơn với người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong năm 2015, doanh thu của thương mại điện tử ở Việt Nam đã đạt 4,7 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2012, tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 30%/năm. Những con số này cho thấy, các nhà bán lẻ đã và đang thích nghi với khuynh hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động.
Một số doanh nghiệp bán lẻ lớn như FPT, Hapro, Vingroup, Viettel, Nguyễn Kim đang tận dụng các yếu tố mới vào hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả cao.
Bà Trịnh Vân Hoa, Giám đốc cấp cao của Trung tâm thương mại điện tử Nguyễn Kim cho biết, để tăng doanh thu, đơn vị này tập trung vào thương mại điện tử và kinh doanh bán lẻ đa kênh, đồng thời tìm kiếm những giải pháp mua sắm tiện lợi nhất cho khách hàng. Với phương pháp này đã giúp doanh thu năm nay của tập đoàn tăng từ 2-3 lần so với năm ngoái.
“Hiện tại Nguyễn Kim tập trung vào những kênh mua sắm trên điện thoại thông minh, tốc độ tăng trưởng hiện tại của Nguyễn Kim là gấp vài lần so với năm 2015 trên thiết bị di động. Đó là tiêu chí và định hướng của công ty sắp tới, muốn đưa những trải nghiệm không chỉ cho khách hàng ở khu vực thành thị và tiến tới đáp ứng cho những khách hàng nông thôn khi mà khách hàng không có phương tiện cũng như khả năng đến thành thị mua sắm các chủng loại hàng hóa”, bà Hoa cho biết.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dự báo, đến năm 2020, doanh thu tiếp thị trực tuyến sẽ đạt 1,8 tỷ USD, tăng gấp 5,5 lần năm 2015. Đây là tiềm năng to lớn của thương mại điện tử đối với ngành bán lẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thành Công, Trưởng phòng cấp cao của Công ty Nielsen, bên cạnh những tiện ích mà thương mại điện tử mang lại vẫn còn không ít khó khăn phải giải quyết như phải đồng nhất thông tin giữa thị trường thực và ảo để người tiêu dùng lựa chọn và tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Nhà bán lẻ phải thay đổi chiến lược về giá để bảo đảm mức giá tốt nhất, tiến đến dần thay thế thói quen mua sắm truyền thống bằng thương mại điện tử.
“Quy mô của thị trường Việt Nam còn tương đối nhỏ, cách tiếp cận của các nhà bán lẻ với các kênh thương mại điện tử nhiều người tham gia thị trường nhưng chưa có sự ổn định và bền vững… Hiện nay dành nhiều khuyến mãi nhưng giá trị thực, giá trị đối với người tiêu dùng khác chưa được đáp ứng trọn vẹn. Có 4 yếu tố nhưng hiện nay các nhà bán lẻ mới chỉ tập trung được 1 yếu tố là khuyến mãi và sau đó họ không quay lại. Chính các nhà đầu tư bị mất rất nhiều vốn”, ông Phạm Thành Công chỉ rõ.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, một trong những khó khăn đối với thương mại điện tử hiện nay là việc thanh toán. Phần lớn người tiêu dùng dù mua hàng trực tuyến nhưng vẫn nhận hàng rồi trả tiền tại chỗ. Lượng người mua thanh toán sau khi nhận hàng chiếm 90% tổng doanh thu; thanh toán qua Internetbanking/thẻ tín dụng/thẻ ATM chiếm 15%.
Điều này xuất phát từ niềm tin của người tiêu dùng đối với việc mua hàng trực tuyến, mua hàng online. Theo bà Loan, muốn phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, mấu chốt là phải thay đổi được nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
“Không thể nào có một hình thức bán lẻ đơn thuần như bán lẻ trực tuyến hoặc chỉ bán lẻ ở các cửa hàng thực. Xu thế của thế giới đang là bán hàng đa kênh để đáp ứng xu hướng và đáp ứng trải nghiệm của người tiêu dùng. Thương mại điện tử có rất nhiều ưu việt, tuy nhiên đối với nhiều người tiêu dùng và khách hàng vẫn mong muốn là họ được nhìn thấy, được trải nghiệm, được cảm nhận sản phẩm đó hay dịch vụ. Tuy nhiên, hình thức bán hàng đa kênh sẽ đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, của khách hàng trong thời đại mới”, bà Loan nhận định.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 50% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.
Điều này thể hiện ở con số lạc quan về sự phát triển của thương mại điện tử qua ngày mua sắm “online Friday” mới đây. Nếu năm 2015 có 2.000 doanh nghiệp tham gia thì năm nay con số này đã tăng lên 3.000 doanh nghiệp. Với sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử, hy vọng đây sẽ mảnh đất tốt của ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai./.