Dừng, đỗ xe: Chuyện không nhỏ
Thành phố Thái Nguyên đang ngày càng gia tăng số lượng xe ô tô. Điều đó dẫn đến tình trạng khó khăn về chỗ đỗ xe.

15h chiều tại đường Nha Trang và đường Nguyễn Du, thành phố Thái Nguyên, không dễ để tìm được chỗ đỗ xe đúng quy định ở thời điểm này. Để tránh ùn tắc và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường, lực lượng chức năng đã lắp đặt các hệ thống biển báo chỉ dẫn, trong đó có khu vực được phép dừng, đỗ xe. Dù vậy, vì nhiều nguyên nhân, nhiều người điều khiển phương tiện vẫn vi phạm.

Anh Đàm Thế Dương, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên tâm sự: “Vì đường chật, thứ hai là lưu lượng ô tô ở Thái Nguyên giờ cũng nhiều rồi. Bây giờ, tìm chỗ đỗ xe đúng quy định cũng khó. Thậm chí là phải đi nhiều vòng tìm chỗ đỗ xe đúng quy định”.

Anh Nguyễn Trí Ba, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Đến điểm đỗ là người ta chỉ chăm chăm vào cái điểm đỗ thôi, còn đằng trước đó là cái biển gì thì người ta không quan tâm, hoặc người ta không để ý đằng trước là cái gì”.

Thậm chí, dù đã đúng quy định, nhưng cách dừng, đỗ xe như thế nào cho lịch sự, không gây phiền toái cho người khác cũng là điều đáng bàn. Bởi thực tế, không ít trường hợp dở khóc, dở cười đã xảy ra.

Dừng, đỗ xe giữa đường… Ngay sau biển cấm… Chắn ngang lối ra, vào của các hộ dân… Thậm chí, tranh chấp chỗ đỗ, gây tiềm ẩn xung đột và tai nạn giao thông… Câu chuyện dừng, đỗ xe chưa bao giờ hết “nóng”.

Anh Đàm Thế Dương, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên cho biết: “Mình đỗ xe rồi, nhưng có người khác đỗ vào sau xe mình. Lắm lúc không tìm thấy chủ xe, mình phải để xe đấy, gọi phương tiện khác đi việc của mình, xong rồi quay lại lấy xe sau”.

Anh Nguyễn Trí Ba, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên thông tin: “Có chỗ đỗ xe mà người ta đỗ cả hai ô, những người sau không còn chỗ để đỗ thì đường nhiên mình sẽ rất khó chịu và bức xúc”.

Ông Hoàng Khắc Điều, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên cho biết thêm: “Ra cửa, cửa nhà mình đây mà họ để xe giữa cửa ra, nói họ mà nọ nói khó nghe quá. Mình rất là không hài lòng chuyện đấy, nhưng người ta lại nói đường của người ta, người ta cứ đỗ. Rất là khó!”

Dường như mọi câu chuyện về việc dừng, đỗ xe vẫn xoay quanh ý thức của những người điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nó còn từ phía những người bị ảnh hưởng bởi việc dừng, đỗ xe thiếu lịch sự hoặc sai quy định. Không ít hình ảnh những chiếc xe bị rạch lên thân, bị sơn xịt đủ loại hình vẽ, hay bị dán băng keo như thế này đã trở thành chủ đề bình luận trái chiều trên mạng xã hội.

Mới đây, sự việc Công ty CP Dược và Vật tư Y tế Thái Nguyên tự ý lắp đặt 4 bục bệ bằng bê tông, xung quanh có hàn sắt đặt trên vỉa hè với mục đích ngăn chặn không cho các chủ phương tiện đỗ xe ô tô trước cửa nhà thuốc của đơn vị, cũng được nhiều người dân phản ánh lên cơ quan chức năng và đã được xử lý theo quy định. Có thể thấy, câu chuyện dừng, đỗ xe không chỉ cần đúng luật mà còn phải có văn hóa.

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Văn Phúc, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Có người có việc gì đấy, người ra không biết rằng, đây là chủ nhà không muốn cho đỗ xe, hoặc có những trường hợp là người ta chưa ra phố, đấy là những người chưa va chạm, người ta không biết về quy định công cộng, thì nhắc nhở là chính thôi, chứ đừng viết lên xe, hay là có va chạm”.

Ông Hoàng Khắc Điều, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên nêu ý kiến: “Đó là văn hóa của người dân, biết nhường nhịn nhau là tốt. Thực ra mình cứ đao to búa lớn thì chẳng giải quyết được gì cả, không tốt”.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Văn hóa đỗ xe phải thực hiện trước hết là đỗ xe đúng quy định pháp luật, chỗ có được đỗ hay không và đỗ như thế nào cho đúng? Ngoài ra, chỗ nào không có biển báo cấm đỗ cấm dừng, tức là không được đỗ trước cửa nhà người ta, đỗ không gây ra ùn tắc, không ảnh hưởng đến vấn đề đi lại… Còn những chỗ có thể trước cửa nhà người ta thì thống nhất với gia đình là đỗ trong thời gian nào đó, chí ít thì viết số điện thoại kẹp trên mặt kính để những người nào có nhắc nhở thì có thể báo để mình chuyển xe đi”.

Dừng, đỗ xe là chuyện nhỏ, nhưng nó sẽ trở thành chuyện lớn nếu mỗi chúng ta không có cách hành xử phù hợp. Bởi vậy xây dựng văn hóa giao thông ngay từ những chuyện nhỏ như dừng, đỗ xe văn minh, không gây phiến toái cho người khác là rất cần thiết, qua đó góp phần đảm bảo mỹ quan và xây dựng nếp sống văn minh đô thị./.