Đồng thuận làm nông thôn mới
Báo NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.
Ông Dương Văn Phúc |
- Những kết quả mà huyện đạt được sau hơn 8 năm xây dựng NTM là gì, thưa ông?
Xây dựng NTM là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” tại khu vực nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn.
Từ mục tiêu của Chính phủ, huyện đã tích cực triển khai thực hiện với nhiều hình thức, nhiều giải pháp. Đến nay, sau hơn 8 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực.
Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang; kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Từ đó, phong trào xây dựng NTM đã được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp.
Tính đến thời điểm hiện tại, huyện có 3/21 xã đạt chuẩn NTM; 2/21 xã được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, xã Phú Túc (đạt 16 tiêu chí), An Phước (đạt 15 tiêu chí); 3 xã đạt 13 tiêu chí, 6 xã đạt 12 tiêu chí, 3 xã đạt 11 tiêu chí, 3 xã đạt 10 tiêu chí và 1 xã đạt 9 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân của các xã trên địa bàn huyện đạt 12,9 tiêu chí/xã.
- Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn của huyện trong quá trình xây dựng NTM?
Bất kỳ một địa phương nào khi thực hiện chủ trương nào đó đều có những mặt thuận lợi, khó khăn nhất định và huyện Châu Thành cũng vậy.
Thuận lợi theo tôi, trước hết là sự quan tâm lãnh chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre; cùng với sự sâu sát của Thường trực Huyện ủy, HĐND huyện; sự hỗ trợ kịp thời của các Sở, ban, ngành tỉnh và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan trong huyện; sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân.
Từ đó đã tạo khí thế sôi nổi, tích cực trong phong trào xây dựng NTM; nhiều cơ chế, chính sách cho phong trào xây dựng NTM đã được các cơ quan chức năng tỉnh, huyện ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vì vậy, đã tạo điều kiện rất thuận lợi trong công tác triển khai, thực hiện xây dựng NTM.
Về khó khăn, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, trong công tác xây dựng NTM vẫn còn một số vướng mắc như cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn còn yếu kém, nhu cầu đầu tư cho các xã là rất lớn.
Trong khi việc phân bổ vốn hàng năm của ngân sách tỉnh còn ít, nguồn ngân sách huyện, xã còn hạn chế, việc huy động sức dân gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình; SX nông nghiệp chủ yếu theo hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ; tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra tại các khu dân cư, các trại chăn nuôi; đời sống của người dân còn thấp, nên việc huy động vốn để xây dựng NTM không được thuận lợi.
- Được biết huyện Châu Thành có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp. Để góp phần đưa huyện nhà phát triển hơn nữa trong thời gian tới, thì địa phương cần vạch ra hướng đi vững chắc, có lộ trình phù hợp. Bản thân là Chủ tịch UBND huyện, ông có định hướng gì về vấn đề này?
Châu Thành có diện tích tự nhiên là 22.482ha, với khoảng 175.000 người, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 15.795ha, chiếm 70,26%. Điều này cho thấy nền kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính.
Mục tiêu mà huyện Châu Thành hướng đến là SX nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị |
Thực trạng cho thấy, việc phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng của huyện thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kinh tế của huyện vẫn phát triển chậm, tốc độ tăng trưởng chưa đều; năng lực cạnh tranh còn yếu; quy mô SX còn nhỏ lẻ, mang tính cá nhân, hộ gia đình; lao động SX phục vụ ngành nông nghiệp chủ yếu là lao động ngoài tuổi và chưa qua đào tạo.
Chỉ phát triển nông nghiệp bền vững mới đưa lại một nền nông nghiệp tăng trưởng, phát triển nhanh và ổn định; từ đó có cơ hội tăng thu nhập cho người nông dân; đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo đó, huyện đã đưa ra 3 nhóm giải pháp chính:
Thứ nhất, phát triển nông nghiệp bền vững về kinh tế. Trong đó, tập trung sử dụng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực. Tổ chức, huy động tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào SX nông nghiệp. Chú trọng củng cố và đẩy mạnh hình thức hoạt động kinh tế tập thể như HTX, THT, kết hợp với hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.
Song song đó, huyện sẽ tập trung nguồn vốn các chương trình để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như hệ thống thủy lợi, đê bao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông thôn….Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, nhất là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin vào nông nghiệp.
Hướng đến việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; các sản phẩm nông nghiệp phải đạt chất lượng, tập trung theo qui mô, tăng sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Thứ hai, phát triển nông nghiệp bền vững về xã hội. Trước tiên tăng cường đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho lao động nông thôn và đội ngũ cán bộ phụ trách nông nghiệp nông thôn. Triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi qui mô lớn nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn và giảm bớt các nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội có liên quan và sự cần thiết để đầu tư các công trình nông nghiệp phục vụ cho đời sống của người dân nông thôn.
Sản xuất trái cây sạch, góp phần tạo dựng được vị thế sản phẩm trên thị trường khó tính |
Thứ ba, khai thác hợp lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước đúng mức nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tang cường SX, sử dụng phân hữu cơ làm tăng độ màu mỡ cho đất, xử lý nguồn nước, canh tác theo hướng sạch là điều mà huyện quan tâm trong SX nông nghiệp. Song song đó, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV phải nằm trong danh mục cho phép, nhằm đạt chất lượng sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sống.
Xin cảm ơn ông!
Thời gian tới, huyện sẽ phấn đấu đạt chuẩn NTM cho 2 xã nữa. Đến năm 2020 có 5/21 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Tập trung hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn NTM xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hướng đến xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2019-2020. Tập trung thực hiện 4 tiêu chí cơ bản trong xây dựng NTM, gồm tiêu chí số 2, 10, 17, 19. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã cơ bản đạt 4 tiêu chí này. |