Tin 24h ngày 22/11/2024
Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho hai phi công điều khiển máy bay Yak-130
Trung tướng Phạm Trường Sơn thăm hỏi, động viên thượng tá Nguyễn Hồng Quân (Chủ nhiệm bay). Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN |
Quyết định nêu rõ, hai phi công được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì "Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc". Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (21/11/2024).
Trước đó, ngày 6/11/2024, Trung đoàn Không quân 940 tổ chức Ban bay huấn luyện ngày tại sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ban bay, gồm các đồng chí chỉ huy cất, hạ cánh, phi công, các thành phần bảo đảm hậu cần - kỹ thuật và lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã làm tốt công tác chuẩn bị và thực hiện nhiệm vụ bay theo kế hoạch. Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn trực tiếp thực hành kíp bay điều khiển máy bay Yak-130 số hiệu 210D.
Khi hoàn thành nhiệm vụ, điều khiển máy bay về sân bay để hạ cánh thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật, thả càng không ra, các phi công đã khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp để cứu máy bay nhưng bất khả kháng. Chỉ huy bay đã lệnh cho phi công nhảy dù. Trong khoảnh khắc rất ngắn, máy bay ở độ cao thấp, rơi rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các phi công đã bình tĩnh, dũng cảm điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư và nhảy dù an toàn, không gây thiệt hại.
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Thư khen ngợi, biểu dương lãnh đạo, chỉ huy cơ quan chức năng các cấp trong Quân chủng Phòng không - Không quân đã chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng; biểu dương Trường Sĩ quan Không quân, Trung đoàn 940 và các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Ban bay đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức chỉ huy bay chặt chẽ, xử lý kịp thời, linh hoạt tình huống xảy ra.
Đặc biệt, Đại tướng Phan Văn Giang khen ngợi Đại tá Nguyễn Văn Sơn và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân với trình độ, kinh nghiệm huấn luyện dày dạn và bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao đã bình tĩnh, tự tin, không sợ hy sinh, xác định đúng thời cơ, xử lý kịp thời tình huống bất trắc trên không. "Việc làm đó, thể hiện trình độ huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Phòng không - Không quân và trách nhiệm vì nhân dân, vì Tổ quốc của người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới", Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Thời tiết ngày 22/11: Mưa to diện rộng tại Trung Trung Bộ - Đông Bắc Bộ ngày nắng, đêm không mưa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 22/11 đến đêm 23/11, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100 mm/6giờ).
Đêm qua và sáng sớm ngày 22/11, ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 21/11 đến 3 giờ ngày 22/11 cục bộ có nơi trên 90 mm như: Lộc Tiến (Thừa Thiên - Huế) 114,6 mm, Trà My (Quảng Nam) 90,8 mm, Nghĩa Trung An (Quảng Ngãi) 123,6 mm,…
Ngoài ra, khu vực Hà Tĩnh và Quảng Bình có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 20-40 mm, cục bộ có nơi trên 60 mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trên biển, vùng biển từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực phía Nam của Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác. Sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao từ 3-5 m. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Ngày và đêm 23/11, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-4 m, biển động.
Khánh thành đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới Lạng Sơn
Các đại biểu khánh thành đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới số 962, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy/TTXVN |
Sáng 22/11, lễ khánh thành đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới số 962 đã diễn ra tại xã Quốc Khánh (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn).
Đây là công trình có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
Công trình đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới số 962 có chiều dài trên 1.900m, mặt đường xây dựng bằng xi măng rộng 1,2m thuộc đoạn biên giới do Đồn Biên phòng Pò Mã (Bộ đội biên phòng Lạng Sơn) quản lý. Công trình được xây dựng từ đầu tháng 5/2024 với sự góp sức của trên 1.500 cán bộ, nhân dân huyện Tràng Định và cán bộ, chiến sỹ đơn vị. Tổng kinh phí để hoàn thành đường kiểm tra cột mốc 962 là hơn 1,8 tỷ đồng. Sau hơn 6 tháng thi công ở phần lớn là địa hình núi đá, vách đứng cheo leo phức tạp, công trình đường kiểm tra cột mốc gồm 600 bậc thang lên xuống và cây cầu kiên cố qua suối đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn luôn là đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua của toàn lực lượng Biên phòng. Đơn vị đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, mang tính linh hoạt và sáng tạo, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, ý nghĩa thiết thực để quản lý, bảo vệ biên giới, giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Trong đó có việc xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới tỉnh Lạng Sơn. Đây là cách làm mới, sáng tạo từ thực tiễn; huy động sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và rộng khắp của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và nhân dân nhiều địa phương.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn thông tin, 2 năm qua, bằng nguồn n1gân sách của địa phương và chủ trương "xã hội hóa", Lạng Sơn đã huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân quyên góp, ủng hộ được trên 40 tỷ đồng, hàng trăm tấn vật liệu, trên 30.000 ngày công lao động để xây dựng thành công 189 con đường kiểm tra cột mốc bằng bê tông. Đó là những con số thật sự rất ấn tượng, thiết thực và ý nghĩa.
Hà Nội: Mở phòng trưng bày giúp người dùng nhận biết hàng thật, tránh hàng giả
Nhiều người dân đến tham dự tại phòng trưng bày. |
Sáng 22/11, tại số 62 Tràng Tiền (Hà Nội), Tổng cục Quản lý thị trường đã mở cửa Phòng trưng bày hàng thật, hàng giả.
Đây là lần thứ 14 Phòng trưng bày của Tổng cục mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu thông tin, các dấu hiệu nhận biết hàng thật-hàng giả đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trên thị trường, qua đó giúp người tiêu dùng chủ động trang bị kiến thức về sản phẩm, giúp bảo vệ bản thân và gia đình.
Với chủ đề “Hiểu hàng thật - tránh hàng giả", phòng trưng bày phân chia thành 2 khu vực, với trên 450 sản phẩm, thuộc 5 lĩnh vực, ngành hàng chính, gồm: Thời trang; Hóa mỹ phẩm; thực phẩm; trang thiết bị nhà bếp; đồ điện tử. Trong đó, nổi bật là các thương hiệu đến từ các nước như: Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.
Điển hình như: bộ mỹ phẩm chăm sóc da của Daiichi Sankyo, Khóa YKK; Giầy dép ASICS, quần áo HUMAN MADE, UniQLo, Mũ bảo hiểm, dầu nhớt Honda của Nhật Bản. Bộ mỹ phẩm Innisfree, Laneige của Hàn Quốc. Bộ dụng cụ, thiết bị nhà bếp như dao, đũa, thìa, dĩa thương hiệu Zwilling của Đức hay nước yến của Việt Nam…
Phần lớn các sản phẩm trưng bày đều có đối chứng thật - giả nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, nhận diện, qua đó trang bị thêm kiến thức cho bản thân khi mua sắm, tránh mua phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Theo bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục, “Hiểu hàng thật - tránh hàng giả” là chủ đề xuyên suốt của Tổng cục Quản lý thị trường nhằm hưởng ứng có hiệu quả Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái đã được Chính phủ chấp thuận theo đề xuất của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam từ năm 2007. Phòng trưng bày được tổ chức với kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam hiểu được những thông tin cơ bản về hàng hóa, từ đó tránh mua phải những sản phẩm gian lận trên thị trường, góp phần bảo vệ bản thân và gia đình.
Phòng trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan tự do từ ngày 22/11 đến hết ngày 29/11/2024. Thời gian mở cửa từ 9 giờ - 17 giờ hàng ngày.
Hà Giang: Khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng sát hại bố mẹ
Ngày 22/11, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Giang cho biết đơn vị vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Vương Văn Thiêng (sinh năm 1987, trú thôn Nậm Than, xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) để điều tra, làm rõ về hành vi giết người.
Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 18/11, Vương Văn Thiêng đi làm về đến nhà thấy ông V.V.T (sinh năm 1964) cùng bà S.T.H (sinh năm 1962) là bố, mẹ đẻ đang ngồi trên giường nói chuyện.
Do mâu thuẫn, bực tức trong sinh hoạt gia đình, Thiêng và ông T đã có lời qua tiếng lại. Sau đó, Thiêng đã lấy chai xăng vẩy vào người bố mẹ rồi cầm bật lửa bật lên để đe dọa. Tuy nhiên, hành động này khiến lửa bùng phát, cháy vào người ông T, bà H.
Thấy vậy, Thiêng lao vào dập lửa. Sau khi dập lửa xong, Thiêng bỏ lên đồi cây đến khoảng 16 giờ cùng ngày thì quay về nhà. Do vết thương quá nặng, đến ngày 19/11, cả ông T và bà H đều tử vong.
Hành vi của Vương Văn Thiêng đã đủ yếu tố cấu thành tội "giết người" quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.
Xung đột Nga - Ukraie tiếp tục đẩy giá dầu leo thang
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng vào chiều ngày 22/11, khi xung đột ở Ukraine có chiều hướng gia tăng và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc xung đột toàn cầu tiềm tàng.
Trong phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 10 xu Mỹ, tương đương 0,1%, lên 74,33 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 13 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 70,23 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chuẩn phổ biến nhất thế giới đang hướng tới mức tăng 4% cho cả tuần, đạt kỷ lục tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 9/2024. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 21/11, giá của dầu Brent Biển Bắc và dầu WTI đều tăng 2%.
Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Nước này cho biết đang sản xuất khoảng 9 triệu thùng dầu mỗi ngày, bất kể những khó khăn do lệnh cấm nhập khẩu mà phương Tây áp dụng làm hạn chế sản lượng và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, nhiều khả năng sẽ duy trì lệnh cắt giảm sản lượng.
Theo một số nguồn tin từ OPEC+, nhóm này có thể một lần nữa trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng tại cuộc họp ngày 1/12 tới do nhu cầu dầu toàn cầu vẫn yếu.
Quy mô sản xuất lớn tại các cường quốc về dầu mỏ, đi kèm với nguồn dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng lên, củng cố cho dự báo dư thừa nguồn cung dầu trong năm 2025.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ duy trì quanh ngưỡng 70-85 USD/thùng. Theo lý giải của chuyên gia Daan Struyven, công suất dự phòng cao làm hạn chế đà tăng của giá dầu, nhưng sự điều tiết về giá của OPEC+, đi kèm với nguồn cung dầu đá phiến tạm chững lại sẽ giúp giới hạn khả năng giảm giá dầu.
Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị đang có nguy cơ gia tăng. Ukraine đã cảnh báo về khả năng thực hiện hành động quân sự liên quan tới cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các quốc gia Trung Đông dự kiến sẽ chặt chẽ hơn dưới thời chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Vì vậy, trong nửa đầu năm 2025, không loại trừ khả năng giá dầu Brent sẽ vượt qua ngưỡng 85 USD/thùng.
Một số nhà phân tích dự báo tồn kho dầu Mỹ sẽ tăng lên trong tuần tới. Hôm 21/11, Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - đã công bố các biện pháp chính sách mới để thúc đẩy thương mại, bao gồm hỗ trợ nhập khẩu hàng hóa năng lượng. Động thái này xuất hiện giữa bối cảnh lo ngại về nguy cơ áp thuế quan của ông Trump ngày càng nhiều hơn.
Lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu và hệ quả pháp lý
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và ông Yoav Gallant (trái, phía trước) dự một lễ kỷ niệm tại Mitzpe Ramon, ngày 31/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
ICC đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm cả Gaza.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 21/11 đã phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại các vùng lãnh thổ Palestine, bao gồm cả Gaza.
Lệnh bắt giữ này đánh dấu bước phát triển quan trọng trong nỗ lực buộc Israel phải chịu trách nhiệm về hành vi diệt chủng ở Gaza, hiện đã bước sang năm thứ hai, và sự leo thang bạo lực ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
ICC cho biết, lệnh bắt giữ này liên quan đến "tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh được thực hiện ít nhất từ ngày 8/10/2023 đến ngày 20/5/2024, thời điểm Văn phòng Công tố nộp đơn xin lệnh bắt giữ".
ICC cũng nhất trí bác bỏ các thách thức của Israel đối với thẩm quyền của tòa án theo Điều 18 và 19 của Quy chế Rome – hiệp ước thành lập ICC.
Về các cáo buộc, tòa án cho biết có "cơ sở hợp lý" để tin rằng ông Netanyahu và ông Gallant chịu trách nhiệm hình sự với tư cách đồng phạm trong các hành vi sau: tội ác chiến tranh sử dụng nạn đói như một phương thức chiến tranh; tội ác chống lại loài người bao gồm giết người, đàn áp và các hành vi vô nhân đạo khác.
Ngoài ra, ICC cũng phát lệnh bắt giữ thủ lĩnh cấp cao của Hamas, Mohammed Diab Ibrahim Al-Masri, còn được biết đến với tên gọi Deif. Israel tuyên bố Deif đã thiệt mạng trong một cuộc không kích tại Gaza vào tháng 7, nhưng Hamas chưa xác nhận thông tin này.
Hệ lụy pháp lý đối với thủ tướng Netanyahu và ông Gallant
Theo các chuyên gia, lệnh bắt giữ này khiến ông Netanyahu và ông Gallant bị coi là tội phạm chiến tranh, lần đầu tiên nhằm vào các nhà lãnh đạo của một quốc gia đồng minh phương Tây.
Tuyên bố của ICC đặt ra những thách thức lớn đối với cả 2 nhân vật này, vì 124 quốc gia thành viên của ICC hiện có nghĩa vụ bắt giữ và dẫn độ họ ra xét xử nếu họ đặt chân lên lãnh thổ của những quốc gia này.
Danh sách các quốc gia bao gồm một số đồng minh thân cận nhất của Israel ở phương Tây, những nước đã cung cấp vũ khí và bảo vệ ngoại giao để Israel tiến hành các hành vi bạo lực chống lại người Palestine như Anh, Canada, Úc, Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Hà Lan và Na Uy.
Các quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Croatia, Séc, Phần Lan, Hungary, Bồ Đào Nha và Ba Lan cũng thuộc diện này.
Một số quốc gia lớn khác ký Quy chế Rome bao gồm Hy Lạp, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Nigeria, Mexico, Kenya, Colombia và Brazil.
Ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ, quốc gia đã rút khỏi Quy chế Rome năm 2002 và không có nghĩa vụ pháp lý phải hành động chống lại ông Netanyahu và Gallant.
Tuy nhiên, ICC nhấn mạnh rằng dù các quốc gia không phải thành viên không có nghĩa vụ pháp lý, họ vẫn được "khuyến khích" thực thi các lệnh bắt giữ, vì tòa án không có cơ chế thực thi trực tiếp.
Các đồng minh của Israel sẽ chịu áp lực lớn
Giáo sư luật Gerhard Kemp nhận định quyết định của ICC là đáng chú ý trên nhiều khía cạnh và gây áp lực lớn lên các quốc gia đã ủng hộ Israel bất chấp sự chỉ trích quốc tế về hành vi diệt chủng ở Gaza.
Ông Kemp nói "Quyết định này tái khẳng định ICC có thẩm quyền xét xử các tình huống tại Palestine, bác bỏ các thách thức của Israel, đồng thời đưa ra các quan sát quan trọng về bản chất của cuộc xung đột, như việc áp dụng luật nhân đạo quốc tế. Nó cũng nhấn mạnh sức nặng của các bằng chứng".
Quan trọng hơn, ICC khẳng định rằng vị trí chính thức của một cá nhân không phải là rào cản cho việc thực thi lệnh bắt giữ hoặc xét xử tại tòa, kể cả các quan chức cấp cao như Thủ tướng Israel.
Ông Kemp nhấn mạnh, tương tự như trường hợp của ông Omar Al-Bashir (Sudan) và Tổng thống Vladimir Putin (Nga), lệnh bắt giữ này sẽ tạo ra thách thức lớn về ngoại giao và chính trị đối với các quốc gia thành viên ICC, đặc biệt là ở phương Tây như Đức và Anh, ông Kemp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng các quốc gia thành viên ICC thường gặp khó khăn chính trị trong việc tuân thủ nghĩa vụ, như từng thấy ở Nam Phi và Jordan (không bắt giữ Al-Bashir) hay gần đây là Mông Cổ (không bắt giữ tổng thống Putin).
Ông dự đoán các quốc gia châu Âu và các đồng minh truyền thống của Israel sẽ sớm chịu áp lực lớn để đưa ra quan điểm liệu họ có thực thi lệnh bắt giữ này nếu có cơ hội hay không.
Trong một diễn biến liên quan, nhiều nước châu Âu lên tiếng sẽ tuân thủ phán quyết của ICC. Ngày 21/11, khi được hỏi về một lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với các quan chức cấp cao của Israel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố nước này sẽ tuân thủ mọi phán quyết của các tòa án quốc tế. Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nêu rõ: "Điều quan trọng là ICC phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thận trọng. Tôi tin tưởng rằng tòa án sẽ tiến hành vụ án dựa trên các tiêu chuẩn xét xử công bằng cao nhất".
Ngoại trưởng Thụy Điển Maria Malmer Stenergard khẳng định Thụy Điển và EU ủng hộ công việc quan trọng của tòa án và bảo vệ sự độc lập và toàn vẹn của tòa án. Bà cho biết thêm, các cơ quan thực thi pháp luật của Thụy Điển quyết định bắt giữ các đối tượng trên lãnh thổ Thụy Điển căn cứ theo phán quyết của ICC.
Còn Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đánh giá lệnh bắt giữ của ICC là một bước đi "đầy hy vọng" và cực kỳ quan trọng trong việc đưa các nhà chức trách Israel phạm tội diệt chủng đối với người Palestine ra trước công lý.
Ngoài ra, các nước Hà Lan, Thụy Sĩ, Ireland, Italy và Tây Ban Nha đều cam kết sẽ thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình liên quan đến Quy chế Rome và luật pháp quốc tế./.