Trách nhiệm lớn - quyết tâm cao trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát
Căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng sau cơn bão số 3 vừa qua |
Căn nhà cấp 4 được xây dựng đã gần 50 năm của gia đình bà Nguyễn Thị Cử, ở xóm Vạn Già, xã Bảo Lý bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nhất là sau cơn bão số 3 vừa qua, do bị ngập úng nhiều ngày, căn nhà bị hư hỏng và không thể khắc phục. Trong khi bà Cử lại là hộ nghèo, neo đơn, cuộc sống trông chờ vào trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Nhưng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình bà là một trong số những hộ dân được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, cuộc sống theo đó cũng sẽ vơi đi những khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Cử, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình xúc động: "Tôi muốn xây cái nhà mới cho bớt khổ, để có chỗ che nắng che mưa... Cảm ơn Đảng và Chính phủ đã hỗ trợ cho tôi".
Suốt nhiều năm qua, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được các cấp, ngành trong cả nước quan tâm triển khai. Đặc biệt, với mục tiêu chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, một phong trào thi đua lớn đã được phát động từ tháng 4/2024. Trên tinh thần đó, huyện Phú Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp. Đồng thời thực hiện rà soát, thẩm định, kiểm tra, lập hồ sơ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân với sự chung tay của cả cộng đồng.
Ông Bùi Xuân Trung Bí thư Đảng ủy xã Bảo Lý, huyện Phú Bình cho biết: "Chúng tôi trước hết là thành lập Ban chỉ đạo và phân công thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp đến tận các xóm cùng với các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận xóm tổ chức đi rà soát, đến các hộ gia đình kiểm tra điều kiện thực tế, từ đó đánh giá, họp ban chỉ đạo để sàng lọc những trường hợp có đủ các điều kiện, đủ các tiêu chí để báo cáo nhanh đối với Thường trực Ban chỉ đạo của huyện".
Phú Bình quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng nguồn nội lực của địa phương. |
Quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Phú Bình nói riêng, cả nước nói chung còn vướng phải không ít khó khăn như: nhiều hộ dân đang vướng mắc về đất đai, quy hoạch; chưa có kinh phí đối ứng để xây mới, sửa chữa nhà ở… Để tháo gỡ những khó khăn này, Ban Chỉ đạo của huyện đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong triển khai; từng thành viên Ban Chỉ đạo, người được phân công phụ trách địa bàn nắm chắc tình hình từng hộ theo đúng biểu tiến độ đã ban hành; chủ động, khẩn trương, trách nhiệm, tích cực trong giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai cho các hộ dân… Qua kết quả rà soát, bổ sung, huyện Phú Bình có 48 hộ dân cần xây mới, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó có 15 hộ xây mới, còn lại là sửa chữa. Trên cơ sở số lượng nhà cần sửa chữa, xây mới và khả năng huy động nguồn lực của địa phương, huyện sẽ bố trí trên 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bà Nguyễn Thị Hợp, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình chia sẻ: "Tôi gửi lời cảm ơn Trung ương, tỉnh, huyện và xã Tân Hòa. Tôi rất cảm ơn và tôi rất vui sướng bây giờ tôi có nhà mới không bị dột nữa".
Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Bình: "Để chung tay xóa nhà dột nát trong trong toàn tỉnh, Phú Bình là địa phương không xin nguồn của tỉnh. Phú Bình sẽ bằng nguồn nội lực của địa phương để thực hiện. Đến thời điểm này cơ bản các nguồn lực cho việc sửa chữa và xây nhà mới trong tổng số các nhà dột nát mà Phú Bình đã rà soát đều đã đảm bảo".
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, với quyết tâm cao nhất, thể hiện trách nhiệm chăm lo cho người nghèo, Phú Bình phấn đấu đến trước ngày 31/3/2025, toàn huyện thực hiện xong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân./.