Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và Cải cách hành chính
Toàn cảnh buổi làm việc.

Trước khi bắt đầu buổi làm việc, Tổ công tác và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà truyền thống Tỉnh ủy, nhân dịp 75 năm Ngày Quốc khánh 2/9 và tiến hành khảo sát việc triển khai thực hiện các nội dung này của tỉnh tại Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương và Trung tâm hành chính công của tỉnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã thông tin nhanh kết quả phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, tỉnh cũng luôn coi trong và xem việc đẩy mạnh cải cách hành chính là “chìa khóa” trong sự thành công đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, thực hiện Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ; 6/6 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua trục liên thôg văn bản quốc gia, văn bản điện tử 4 cấp hành chính; xử lý công việc trên môi trường điện tử, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác chuẩn hóa chế độ báo cáo mới chỉ là bước đầu và hầu hết các tỉnh chưa triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của địa phương theo thời hạn nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, công tác cải cách hành chính đã được địa phương quan tâm, nhất là đầu tư hạ tầng để kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Công dịch vụ công quốc gia; đồng bộ trạng thái, kết quả xử lý hồ sơ và tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; chỉ số cải cách hành chính PAR Index và chỉ số hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS Index có sự cải thiện và xếp thứ hạng khá so với cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực các địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ rướng Chính phủ; Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp tốt với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các thủ tục liên quan đến thể chế, cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ kỹ thuật nhằm hỗ trợ các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phấn đấu trong năm 2020 các địa phương sẽ hoàn thành 100% văn bản gửi, nhận điện tử và có ít nhất 30% dịch vụ công trên Dịch vụ Công Quốc gia, góp phần tạo ra sự minh bạch trên tinh thần Chính phủ, Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới đồng chí đề nghị các tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm giữ tăng trưởng dương, trong đó Thái Nguyên phải là trung tâm dẫn dắt, đầu tầu tiên phong trên các lĩnh vực nhất là cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử trong nhóm các tỉnh Miền núi phía Bắc.