Cải cách hành chính - mục tiêu để phát triển
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên đã được Sở Giao thông vận tải tỉnh thực hiện nhanh chóng, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. |
Tháng 12/2020, việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên đã được Sở Giao thông vận tải tỉnh thực hiện. Hoạt động này đã làm thay đổi hữu hiệu, tạo sự chuyển biến cơ bản, tăng hiệu quả làm việc, tăng tính minh bạch trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị; giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp, nhận được sự đồng tình cao từ phía người dân.
Anh Nguyễn Mạnh Đinh, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên chia sẻ: "Khi tôi đến làm thủ tục được các cán bộ tiếp đón nhiệt tình hướng dẫn cho tôi các thủ tục làm nhanh chóng, không phải chờ đợi".
Từ khi hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đến nay, Sở Giao thông vận tải đã tiếp nhận gần 30.000 hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, 100% hồ sơ đã được giải quyết trả đúng hạn cho người dân bằng hình thức trả trực tiếp hoặc qua dịch vụ chuyển phát nhanh của ngành Bưu chính.
Anh Đỗ Thanh Sơn, Chuyên viên phòng Quản lý vận tải, phương tiện người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Đối với người dân đến làm thủ tục hành chính, có rất nhiều người chưa hiểu biết nhiều về môi trường này và còn bỡ ngỡ, chúng tôi đã hướng dẫn nhân dân làm sao để thuận lợi nhất như cách lấy số, ghi đơn, hướng dẫn thủ tục để người dân dễ hiểu nhất".
Xác định, cải cách hành chính là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển, ngành Giao thông vận tải đặc biệt quan tâm tuyên truyền cho tổ chức và cá nhân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 do ngành cung cấp. |
Xác định, cải cách hành chính là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển, ngành giao thông vận tải đặc biệt quan tâm đến tiến độ giải quyết, đơn giản hóa, hiện đại hóa việc giải quyết các thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền cho tổ chức và cá nhân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 do ngành cung cấp; rà soát các thủ tục hành chính do ngành cung cấp đảm bảo đến hết năm 2021, sẽ có trên 80% các dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4; nâng cao tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức 3, mức 4 của ngành. Một số dịch vụ công mức độ 4 do ngành cung cấp trên phần mềm chuyển giao của Bộ Giao thông vận tải trong những năm qua liên quan đến lĩnh vực liên vận giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Hồ sơ được nộp trực tuyến và thời gian giải quyết được rút ngắn chỉ còn 2 - 3 ngày (quy định 5 ngày). Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên hồ sơ phát sinh liên vận không nhiều.
Anh Trần Thanh Tùng, Chuyên viên phòng Quản lý vận tải, phương tiện người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Khó khăn ban đầu là do thói quen của người dân, khi họ chưa quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sau khi sử dụng, đa phần đơn vị, tổ chức có người có trình độ về công nghệ thông tin thì đều chuyển sang dịch vụ công trực tuyến. Về ưu điểm, người dân không phải đi lại khi nộp hồ sơ cũng như khi nhận kết quả".
Thực hiện nhiệm vụ này, Sở Giao thông vận tải đã đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các chi bộ trực thuộc và người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác cải cách hành chính; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính ở phòng và đơn vị mình quản lý. Bên cạnh đó, sở đã ban hành các kế hoạch về công tác cải cách hành chính, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, 100% hố sơ công việc đã được cán bộ công chức, viên chức thực hiện trên môi trường điện tử, ký số, mức độ số hóa cao; từng bước tạo nền tảng cho chuyển đổi số giúp thay đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, từng bước khởi tạo và phát triển dữ liệu số chuyên ngành giao thông vận tải, quản lý thu phí thanh toán điện tử, nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động… trên nền tảng hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức độ hài lòng cao nhất. Sở cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 của ngành giao thông vận tải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với chuyển đổi số, ngành giao thông vận tải, ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần đẩy mạnh xã hội sáng tạo, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; từng bước ứng dụng trong điều khiển giao thông, quản lý giao thông hiệu quả, góp phần cải thiện năng lực thông hành của tuyến đường, nâng cao an toàn giao thông, giảm các chi phí liên quan đến tổ chức và điều khiển giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sở Giao thông vận tải luôn lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng, hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước, làm cơ sở để đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; gắn công tác cải cách hành chính với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thi đua, khen thưởng và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.
Dù đã có nhiều chuyển biến trong công tác cải cách hành chính, thời gian qua, ngành giao thông vận tải cũng thẳng thắn nhìn nhận và xác định một số khó khăn, thách thức đối với ngành trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính đó là: việc cải cách tổ chức bộ máy còn chậm, việc cổ phần hóa các đơn vị chưa đạt theo kế hoạch, kinh phí cho hiện đại hóa nền hành chính chưa nhiều, ứng dụng công nghệ thông tin chưa nhiều, được thiết kế trên nhiều nền tảng của tỉnh đầu tư và của Bộ chuyên ngành đầu tư, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa được đồng bộ. Bởi vậy, ngành đã tập trung xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tiếp theo.
Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai các nội dung như: tiếp tục rà soát lại bộ máy, sắp xếp lại cho tinh gọn hơn nữa theo đúng chỉ đạo của tỉnh, theo sắp xếp của nghị quyết mới; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động để ứng dụng các cấp độ 3, 4 của các thủ tục hành chính được nhanh gọn, chính xác. Chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động này, tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan để hỗ trợ cho người dân cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến ngành".
Cùng với những nhiệm vụ và giải pháp như trên, chắc chắn, ngành giao thông vận tải sẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch góp phần hình thành một nền hành chính phục vụ hướng về phía người dân và doanh nghiệp, qua đó tạo một môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Thái Nguyên./.