Kiểm tra cải cách hành chính góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp
Các đoàn kiểm tra và tổ kiểm tra đột xuất của tỉnh đã triển khai thực hiện công tác kiểm tra cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2021 tại 26 đơn vị cấp xã, cấp huyện và sở, ngành.

Theo đó, tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra với 2 nội dung là kiểm tra cải cách hành chính và kiểm tra nội dung PAPI. Các đơn vị được kiểm tra gồm thị xã Phổ Yên, 2 địa phương là xã Phúc Thuận và phường Ba Hàng; Thành phố Thái Nguyên, xã Cao Ngạn và phường Trưng Vương. Thành phố Sông Công gồm cả phường Bách Quang và Châu Sơn. Huyện Đồng Hỷ gồm cả xã Nam Hòa và Hóa Thượng. Huyện Định Hóa gồm xã Trung Hội và Bình Yên. Huyện Đại Từ gồm thị trấn Quân Chu và Bình Thuận. Đối với cấp xã ở một số địa phương, đoàn công tác cũng đã trực tiếp khảo sát tại 1 số xóm. Đối với cấp sở, ngành, hoạt động kiểm tra được triển khai đối với Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương và Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động cải cách hành chính đã được các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện một cách bài bản, thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời, hồ sơ quá hạn được giảm thiểu, quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai hiệu quả… Tuy nhiên, ở một số cơ sở, người dân vẫn phản ánh về việc thủ tục hành chính còn phức tạp, khó khăn để người dân thực hiện; nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề ô nhiễm môi trường… chưa được giải quyết dứt điểm.

Ông Đoàn Văn Điền, Bí thư Chi bộ 2, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Có những khó khăn của cá nhân từng hộ, cán bộ trong tổ dân phố sẽ phân công đến gặp gỡ, trao đổi, phân tích, động viên và giải thích để cho nhân dân nắm được các ý kiến theo thẩm quyền của tổ dân phố".

Ông Đoàn Văn Dướn, Bí thư Chi bộ Làng Vàng, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên cho hay: "Lĩnh vực đất đai tiếp nhận hồ sơ giải quyết ít, nhân dân đi xa, đông quá, không kịp làm".

Kiểm tra cải cách hành chính góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp
Kiểm tra, đôn đốc, giám sát công tác cải cách hành chính là hoạt động thường xuyên liên tục của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đối với UBND cấp xã, qua kiểm tra hồ sơ và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho thấy: Các địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Trong đó có việc đầu tư nâng xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của công dân. Việc hiện đại hóa nền hành chính từng bước được đẩy mạnh. Hoạt động cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, chú trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, tinh thần thái độ phục vụ được đề cao. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc huy động, quản lý đóng góp tự nguyện tại cộng đồng dân cư, xây dựng công trình công cộng… lấy ý kiến nhân dân và công khai thu chi. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp thu giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của người dân, các đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên, TP Sông Công cho biết: "Chúng tôi thường xuyên đầu tư để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là lĩnh vực đất đai phải làm việc với quyết tâm rất cao, tận tụy, nhiệt tình, chu đáo, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt nhất, giải quyết hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi, không gây phiền hà đối với người dân để người dân hài lòng với công tác cải cách hành chính ở địa phương".

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, hoạt động cải cách hành chính tại các đơn vị, địa phương đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định như: Chưa có sự đột phá nhất định trong công tác cải cách hành chính; sự quan tâm của người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt; sự hài lòng của người dân chưa cao; cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng về công nghệ thông tin; việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ đối với công chức đã được tăng cường, tuy nhiên, hiệu quả còn thấp; một số đơn vị, địa phương còn để hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính quá hạn; việc cung ứng các dịch vụ công còn hạn chế; Chỉ số PAPI chưa thực sự ổn định, tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt ngày càng có xu hướng gia tăng...

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Thông qua kiểm tra công tác cải cách hành chính, các đơn vị, địa phương cần nghiêm túc tiếp thu, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, có giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế; cần tập trung bám sát sự chỉ đạo của tỉnh về công tác cải cách hành chính, đặc biệt là chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025; tiếp tục sắp xếp bộ máy tinh gọn, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện giải pháp cụ thể, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, nâng cao hiệu quả của quản trị và hành chính công, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích; tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trong công tác tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, không để tình trạng hồ sơ quá hạn, nâng cao chất lượng phục vụ tạo sự hài lòng cho người dân".

Những vấn đề tồn tại, hạn chế được đoàn công tác chỉ ra đã được lãnh đạo các địa phương, đơn vị tiếp thu và khẳng định sẽ xây dựng kế hoạch khắc phục những khó khăn hạn chế, tồn tại trong thời gian tới.

Ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên nhấn mạnh: "Về cơ bản, xã Cao Ngạn cũng được đánh giá tốt việc thực hiện; tuy nhiên, đoàn cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân về công tác môi trường, việc thực hiện niêm yết các thủ tục hành chính cần phải đầy đủ các biểu mẫu, công tác soạn thảo văn bản. Chúng tôi sẽ tiếp thu, có kế hoạch cho cán bộ, công chức rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản cũng như việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân, từ đó, giải quyết triệt để ý kiến của nhân dân và phục vụ nhân dân tốt nhất".

Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên thông tin: "Chúng tôi tiếp tục xác định đây là những nhiệm vụ quan trọng để tập trung, do vậy, chúng tôi vừa thông qua chương trình cải cách hành chính trong đó gắn với phát triển kinh tế - xã hội cho cả 5 năm và đồng thời xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính".

Kiểm tra, đôn đốc, giám sát công tác cải cách hành chính là hoạt động thường xuyên liên tục của các cơ quan hành chính nhà nước. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động này, tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ tăng cường phân cấp, tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất, xử lý nghiêm đối với cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân có liên quan vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc./.