Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - đã ps cm Cds 7.5
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, trong quý 1, có gần 13.000 lượt yêu cầu của người dân và doanh nghiệp đã được giải quyết.

Chỉ cần có kết nối mạng và 1 chiếc điện thoại thông minh là công dân có thể sử dịch vụ công mức độ 4. Ngồi ở quán cà phê, chị Nguyễn Thị Thùy Dương, ở phường Quang Trung, TP Thái Nguyên đã chuẩn bị đủ hồ sơ để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Hoàn thành việc nộp hồ sơ trực tuyến trên điện thoại chỉ sau vài phút, sau đó, chị Dương chờ tin nhắn thông báo trên phần mềm hoặc email để thực hiện nghĩa vụ tài chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia và sẽ nhận “bìa đỏ” theo đúng thời gian quy định. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ: "Sau khi tôi nộp hồ sơ xong, sau khoảng 15 ngày thủ tục hồ sơ được hoàn thiện; tôi thấy rất tiện lợi khi thấy thông báo thuế cũng không phải ra làm thủ tục mà có thể thanh toán trực tuyến trên dịch vụ công. Tôi thấy Cổng dịch vụ công trực tuyến rất tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, không cần ra 1 cửa mà có thể làm tại nhà vào bất cứ thời gian nào".

Từ đầu tháng 1/2021 đến nay, đã có hơn 13.000 hồ sơ trong lĩnh vực đất đai nằm trong danh mục cấp đổi giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chiếm tỷ lệ lớn nhất. Thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai luôn rất phức tạp. Việc phấn đấu duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; trên 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã góp phần giảm tải áp lực trong công tác quản lý cho nhiều cơ quan, đơn vị.

Ông Đặng Xuân Đài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Thái Nguyên cho hay: "Khi chuyển đổi bằng điện tử, lưu hồ sơ không phải lưu mà lưu trên điện tử hết; chỉ cần nhớ số hồ sơ, số phiếu chuyển thông tin là có thể tìm thấy ngay. Hàng ngày, biên chế giảm đi, nếu không thực hiện chuyển đổi số, không làm điện tử, lượng hồ sơ không biết làm thế nào để kịp".

Ông Kiều Quang Khánh, Giám đốc Văn phòng thủ tục đất đai TP Thái Nguyên cho biết: "Để thực hiện tốt dịch vụ công mức độ 4 trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, đối với cán bộ giải quyết thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước phải được tập huấn đầy đủ, hiểu rõ và thấy được các lợi ích mang lại cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống hạ tầng trang thiết bị phục vụ công tác giải quyết mức độ 4 cũng phải tăng cường; người dân cũng phải được tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận khi người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính".

Từ khi triển khai dịch vụ trực tuyến mức độ 4, doanh nghiệp cũng là đối tượng được hưởng lợi. Trước đây, bộ phận hành chính của Công ty Xăng dầu Bắc Thái phải cử nhân viên đi làm thủ tục, thì nay, các thủ tục đều có thể thao tác trực tuyến, nhận kết quả online hoặc nhận qua đường bưu chính.

Ông Phạm Kiên, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Thái cho biết: "Đối với xăng dầu, có một số giấy tờ trước đây phải nộp trực tiếp như: hồ sơ giá, quyết định giá, thủ tục đủ điều kiện kinh doanh, đăng ký kinh doanh; nhân viên đi nộp hồ sơ phải chờ đợi mất thời gian, đi lại; bây giờ, nộp hồ sơ trực tuyến nhanh, minh bạch hơn".

Dịch vụ công mức độ 4 là mức độ cao nhất cho phép hoàn tất khâu thanh toán điện tử để người dân tiện lợi trong giao tiếp công, có thể hoàn tất hồ sơ từ bất cứ đâu, giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí trong giao dịch. Đây cũng là yếu tố thách thức nhất trong quá trình cải cách chính quyền điện tử từ các bên, cơ quan quản lý, nhà quản lý công và thói quen giao dịch của công dân.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được đặc biệt quan tâm, so với 1,2 năm về trước, tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Thái Nguyên cũng ở mức trung bình thấp. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống thì tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 đạt 100%, 1.231 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã đủ điều kiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công, đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi".

Theo thống kê, trong quý I, hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh đã gửi/nhận trên 38.000 văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền gửi/nhận văn bản và khoảng 3 triệu giờ/quý). Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, cũng trong quý I, có gần 13.000 lượt yêu cầu của người dân và doanh nghiệp đã được giải quyết. Nỗ lực trực tuyến các dịch vụ hành chính công trong đó có dịch vụ mức độ 4 đã thể hiện qua sự hài lòng của người dân. Chỉ số PAPI vừa được công bố ngày 14/4 vừa qua, Thái Nguyên đứng thứ 3 toàn quốc. Trung tâm điều hành thông minh đang hoàn thiện nốt 1 hạng mục còn lại để giúp việc chỉ đạo, điều hành của tỉnh kịp thời, nhanh chóng.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - đã ps cm Cds 7.5
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Đối với Thái Nguyên đang đẩy mạnh về cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 4, chúng tôi đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh với trên 1.200 dịch vụ công mức độ 4; đối với người dân, chúng tôi mong muốn người dân đồng hành cùng chính quyền các cấp trong việc chuyển đổi số, đặc biệt, việc kê khai, tổ chức triển khai thực hiện các nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp trong danh mục dịch vụ hành chính công mức độ 4 của tỉnh Thái Nguyên".

Để đảm bảo trong công tác chỉ đạo, điều hành được thuận tiện, thông suốt và không phụ thuộc vào vị trí địa lý, hiện nay, các đơn vị liên quan nâng cấp, bổ sung phiên bản di động (mobile), dự kiến phiên bản sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2021. Với những giải pháp đồng bộ, đổi mới để nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trong xây dựng Chính quyền điện tử sẽ tạo bước tiến cao hơn trong cải cách hành chính của tỉnh, tạo sự hài lòng, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số khu vực Trung du miền núi phía Bắc./.