Cầu Gia Bẩy - Ký ức không phai
Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ tự vệ tiểu khu Gia Bẩy hy sinh trong trận đánh ngày 17/10/1965

Đã 65 năm trôi qua nhưng trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung và người bạn đời là ông Nguyễn Công Nghi ở tổ 12, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên ký ức về ngày 17/10/1965 chưa bao giờ phai. Là một trong số những người có mặt ở sự kiện này với vai trò là y tá của Hợp tác xã Cờ Hồng tham gia cứu thương cho các chiến sĩ thuộc Đại đội tự vệ Hoàng Văn Thụ trong trận đánh bảo vệ cầu Gia Bẩy nhằm đảm bảo cho giao thông được kết nối. Trận chiến quả cảm với nhiều mất mát đau thương khi 15 người trong số 32 cán bộ chiến sĩ thuộc Đại đội tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, nguyên y tá của Hợp tác xã Cờ Hồng chia sẻ: “Thanh niên các bác hồi đó ai cũng có quyết tâm - Thanh niên 3 sẵn sàng, phụ nữ 3 đảm đang, khi Tổ quốc cần thì mình đi bất cứ đâu… một lòng một dạ quyết tâm, nhiều người viết đơn bằng máu để xin đi bộ đội…”.

Cầu Gia Bẩy - Ký ức không phai
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, nguyên y tá của Hợp tác xã Cờ Hồng tham gia cứu thương cho các chiến sĩ thuộc Đại đội tự vệ Hoàng Văn Thụ trong trận đánh bảo vệ cầu Gia Bẩy

Trải qua những năm tháng tuổi trẻ sống cùng mưa bom bão đạn, bà Dung cũng như nhiều thanh niên ở thời điểm đó đã chứng kiến không ít những cuộc chia ly nhưng trong bà và người bạn đời luôn tâm niệm một điều rất giản đơn tiêu biểu cho thế hệ trẻ khi đó.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung Nguyên y tá của Hợp tác xã Cờ Hồng: “Không hiểu sao khi đó bác không thấy sợ gì cả, không hề nghĩ đến cái chết, chỉ nghĩ làm sao để phục vụ được tốt thôi. Không riêng bác, ai cũng thế…”

Ông Nguyễn Công Nghi, nguyên nhân viên Điện lực TP Thái Nguyên nhớ lại: “Sau trận bom ngày 17/10/1965 bác được phân công lên kiểm tra đường dây điện trên đỉnh đồi cầu Gia Bẩy… tuổi trẻ lúc đó không hề nghĩ đến sống hay chết, cứ có bom chỗ nào xong là có mặt các bác ở đó luôn”.

Chia tay gia đình bà Dung chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Đình Kha, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, một trong những nhân chứng còn lưu giữ khá nhiều những thông tin về trận đánh này.

Cầu Gia Bẩy - Ký ức không phai
Ông Nguyễn Đình Kha, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trao đổi với PV

Ông Nguyễn Đình Kha, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thông tin: “Vào ngày 17/10/1965, máy bay Mỹ ném bom khu vực này, dân ở hai bên rất đông, bên dưới là phố Bến Nứa, bên trên là phố Bến Than, đối diện là quả đồi có một Trung đội dân quân để bảo vệ cho TP Thái Nguyên cũng như cầu Gia Bẩy. Trận đó máy bay Mỹ đã ném bom trúng cầu Gia Bẩy… người dân đã hy sinh trong trận bom này rất nhiều, bởi vì sau trận bom thứ nhất mọi người tưởng đã hết nên ra sông để tìm nhau, khi máy bay quay lại ném bom lần 2 thì mất nhiều người hơn”.

Cầu Gia Bẩy như nhân chứng lịch sử được chứng kiến không it đau thương mà quân dân TP Thái Nguyên đã trải qua và cả những đổi thay của thành phố hôm nay. Bên dòng sông Cầu là Bia tưởng niệm 15 chiến sĩ tự vệ tiểu khu Gia Bẩy năm xưa đã hy sinh trong trận đánh ngày 17/10/1965 không chỉ để nhắc nhớ cho thế hệ sau niềm tự hào về trang sử oanh liệt của cha ông mà còn giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay biết giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.