bieu tinh lon phan doi cai cach he thong tu phap o ba lan
Hàng nghìn người tập trung biểu tình ở Warsaw. (Nguồn: EPA)

Những người biểu tình cho rằng kế hoạch cải cách là để xây dựng "chính quyền độc tài," đi ngược lại các quy định của Hiến pháp và phá hoại nền pháp quyền của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, tuần trước Hạ viện Ba Lan do các nghị sỹ đảng PiS chiếm đa số đã thông qua các dự luật cải cách hệ thống tư pháp với nhiều nội dung gây tranh cãi.

Theo quy định mới, việc nghỉ hưu hay tái bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án Tối cao phải có sự chấp thuận của Bộ Tư pháp. Cơ quan này cũng được gia tăng quyền hạn trong việc bổ nhiệm người đứng đầu các tòa án cấp quận và Tòa Phúc thẩm.

Nhiệm kỳ của 15 thành viên Hội đồng Thẩm phán quốc gia (KRS), được thành lập theo quy định Hiến pháp với nhiệm vụ đảm bảo sự độc lập của tòa án và các thẩm phán, sẽ bị rút ngắn và việc thay thế nhân sự do Hạ viện quyết định.

Các đảng đối lập chỉ trích chương trình cải cách hệ thống tư pháp trên là nhằm gia tăng quyền hạn của Bộ Tư pháp và làm giảm tính độc lập của hệ thống tòa án nước này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro khẳng định cải cách hệ thống tư pháp là nhằm phục vụ nền dân chủ và người dân. Hệ thống tư pháp sẽ được trang bị “các công cụ nhằm giải quyết các vấn đề bất thường ngày càng gia tăng.”

Các chương trình cải cách tư pháp ở Ba Lan không chỉ gây tranh cãi, bất bình trong nước mà còn tạo ra mâu thuẫn giữa Ba Lan với Liên minh châu Âu.

Chính phủ Ba Lan cũng đã bị Ủy ban châu Âu chỉ trích gay gắt về việc cải cách Tòa án Hiến pháp trước đó./.