Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi, xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên

Tiếng khèn Mông đã theo ông Hoàng Văn Mùi ở xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ ngay từ khi còn nhỏ, vì vậy ông rất yêu thích và am hiểu về loại nhạc cụ truyền thống này. Ông cũng là người duy nhất dạy múa khèn, thổi khèn cho lớp trẻ yêu thích nhạc cụ của dân tộc mình ở xã Văn Lăng. Bằng tâm huyết và trách nhiệm trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của mình, năm 2022, ông đã vinh dự là một trong 64 nghệ nhân trên cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ông Hoàng Văn Mùi, xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ: "Vinh dự là nghệ nhân ưu tú thì mình phải có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ sau, bây giờ tôi đã cao tuổi rồi nhưng lúc nào cũng có cây khèn và thổi khen hằng ngày cho nên tôi luôn mong muốn giữ gìn nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình cho bản thân và thế hệ sau này"

Anh Hoàng Văn Sỉnh, xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ: "Học khèn rất khó, nhưng tôi được các ông, các chú truyền dạy cho nên cũng phải chịu khó thì mới học được, dần dần thì tôi càng say mê và yêu thích"

Câu lạc bộ Hát then của xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, dù không qua trường lớp đào tạo, thế nhưng bằng tình yêu với văn hóa hát then và đàn tính, nhiều năm nay Câu lạc bộ luôn duy trì tập luyện, người biết nhiều dạy người biết ít, cứ thế mỗi thành viên lại truyền dạy lại cho con cháu của mình với mong muốn bản sắc tốt đẹp ấy sẽ được lan truyền và không bị mai một. Đến nay, người Tày ở đây đa phần đã có thể hát được rất nhiều bài hát then.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian hoạt động tích cực góp phần giữ gìn nét văn hóa cổ truyền của dân tộc

Bà Ma Thị Tỏng, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai: "Tôi tự học trên YouTube, sau một thời gian tôi cũng đã biết 1 số điệu Then, tôi cũng truyền dạy cho con cháu của mình"

Không chỉ dừng lại ở việc lưu truyền và truyền dạy, cùng với sự hỗ trợ phát triển các điểm du lịch cộng đồng, chính người dân đã mạnh dạn tham gia làm du lịch. Qua đó không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, mà còn góp phần gìn giữ, lưu truyền và phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của gia đình, của đồng bào dân tộc.

Anh Triệu Tiến Tư, Chủ nhiệm HTX Quân Chu, huyện Đại Từ: "Tôi nhận thấy địa phương có tiềm năng phát triển về du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm văn hóa từ đó chúng tôi cũng thành lập nên hợp tác xã Quân Chu, lấy nền nông nghiệp làm gốc"

Thái Nguyên hiện có 19 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Các bản sắc văn hóa từ ngôn ngữ, phong tục tập quán đến trang phục.. đều được chú trọng bảo vệ. Hiện nay, các địa phương đều có CLB văn hóa, văn nghệ dân gian hoạt động tích cực với nòng cốt là những người am hiểu, trực tiếp nắm giữ tri thức thực hành của dân tộc

Bà Lê Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên: "Trong thời gian tới, Ngành Văn hóa sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh, huy động nâng cao năng lực của các chủ thể văn hóa để tăng cường các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị và văn hóa của dân tộc"

Có thể thấy, cùng với các giải pháp cụ thể và sự quan tâm của chính quyền địa, thì ý thức và trách nhiệm đồng bào các dân tộc chính là yếu tố then chốt, bởi họ chính là chủ thể để bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình./.