Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xây dựng gồm 6 chương với 45 điều, quy định cụ thể về: Các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV; chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân; ngân sách, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV...

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật cho thấy, các chính sách về hỗ trợ DNNVV quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV và các văn bản pháp luật liên quan thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chính sách và tổ chức thực hiện hỗ trợ DNNVV còn một số hạn chế, bất cập về chính sách, về tổ chức thực hiện. Những hạn chế đã làm cho những chính sách và chương trình hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ phát triển của cộng đồng DNNVV. Trong khi đó, các DNNVV rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tích cực vào việc tạo ra việc làm và thu nhập, đóng góp vào quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tạo ra một nền kinh tế năng động và hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành Luật nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Đồng thời, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV cũng nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, ở nhiều quốc gia, DNNVV đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu (EU)… và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV. Do đó, công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của các quốc gia và đã được các quốc gia này luật hóa từ nhiều thập kỷ trước thông qua việc sớm ban hành các đạo luật cơ bản về hỗ trợ DNNVV hoặc doanh nghiệp nhỏ nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này phát triển và đổi mới sáng tạo, đóng góp ngày càng cao trong nền kinh tế.

“Vì vậy, để giải quyết những hạn chế, bất cập và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và khu vực trong hỗ trợ DNNVV, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới”, Tờ trình nêu quan điểm.

Tờ trình cũng cho biết, mục tiêu xây dựng luật là nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV.

Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV; nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DNNVV.

Tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.

Quan điểm xây dựng Luật là: Cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX) ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hỗ trợ DNNVV phù hợp với nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, bảo đảm không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực nhà nước chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV và thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV được lựa chọn theo quy định của pháp luật. Các nội dung, biện pháp hỗ trợ DNNVV phải dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp tăng trưởng về chất lượng và quy mô…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật Hỗ trợ DNNVV khẳng định sự nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật hỗ trợ DNNVV; đồng thời khẳng định hồ sơ dự án Luật cơ bản tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành quy phạm pháp luật.