Là xã khó khăn gần nhất của huyện Võ Nhai, xã Phương Giao được biết đến là nơi đất cằn sỏi đá. Đất sản xuất ít, lại ở trên vùng núi đá cheo leo hết sức khó canh tác, sản xuất. Gia đình anh Oanh lại neo lao động, anh Oanh đã tìm nhiều hình thức để phát triển kinh tế như: trồng cây ăn quả, nuôi trâu, bò… nhưng tất cả đều không dễ dàng với điều kiện khó khăn như ở Phương Giao. Không để “cái khó bó cái khôn”, anh Oanh là người đưa con dê núi đầu tiên về xã nhà từ những năm 2008.

vuon len lam giau tu nui da 62491
Tổng đàn dê của anh Oanh đã có gần 200 con dê các loại, với giá bán ổn định, mỗi năm gia đình anh thu được số lãi gần 100 triệu đồng.

Ban đầu, con dê sinh sản cũng không dễ dàng để thuần phục, khí hậu lạnh, cộng thêm dịch bệnh đã từng làm anh nản lòng. Nhưng duyên cơ đến với anh khi may mắn được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức.

Anh chia sẻ: "Thời gian qua gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện để vươn phát triển kinh tế, nhưng sau khi được tham gia lớp tập huấn và đặc biệt được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho vay vốn hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, gia đình đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để khởi nghiệp”.

Nhận thấy việc buôn bán dê trên thị trường khá ổn định và cũng không cần phải mất quá nhiều vốn đầu tư, nên từ nguồn vốn hỗ trợ, anh Oanh đã đầu tư mua dê về nuôi trên núi đá chính tại quê hương mình. Anh cho biết: “Về cơ bản dê là con vật ăn tạp, dễ nuôi, tuy nhiên đòi hỏi người nuôi cần cù, chịu khó, sát sao với công việc. Về kỹ thuật làm chuồng trại, người chăn nuôi phải có sự đầu tư, đảm bảo chuồng thông thoáng, tránh dịch bệnh và, gió lùa”.

Anh cho biết thêm: "Cũng giống như các loại vật khác, khâu lựa chọn con giống là hết sức quan trọng. Do dê là loại vật nuôi ăn tạp nên nguồn cỏ sẵn có từ núi đá cũng đã hỗ trợ rất lớn".

Thời gian đầu, khi mới nuôi dê sinh sản anh Oanh gặp rất nhiều khó khăn. Dê con mới sinh hay chết và bị dịch bệnh do thời tiết khắc nghiệt. Nhưng không đầu hàng khó khăn, anh Oanh đã theo học các lớp tập huấn của Hội Nông dân, cùng với đó, nghiên cứu để đưa kiến thức khoa học vào chăn nuôi sản xuất. Từ 6 con dê đầu đàn, đến nay, tổng đàn dê của anh Oanh đã có gần 200 con dê các loại, với giá ổn định trong tiêu thụ, mỗi năm cho gia đình anh số lãi gần 100 triệu đồng.

Nhận thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi dê sinh sản, phù hợp với những hộ gia đình có điều kiện tự nhiên như mình, anh Oanh đã tuyên truyền, vận động các đoàn viên, thanh niên trong thôn cùng tham gia phát triển hình thức chăn nuôi này. Đến nay, xã Phương Giao đã có thêm nhiều hộ chăn nuôi dê với quy mô từ 10 - 20 con/một lứa.

Vui mừng khi kinh tế gia đình phát triển từ mô hình này, anh Lao Văn Từng, xóm Kẽn, nói: “Từ ngày phát triển mô hình chăn nuôi dê theo quy trình anh Oanh truyền đạt, chúng tôi rất phấn khởi, thu nhập khấm khá, không còn khó khăn”.

Đường giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, đất sản xuất kém màu mỡ, lại nhỏ hẹp, manh mún…Tất cả các yếu tố đó đã không ngăn cản được ý chí của những nông dân như anh Oanh vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đó cũng là minh chứng cho việc phát triển kinh tế từ cần cù, sáng tạo cùng việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, với sự giúp đỡ định hướng của các cấp Hội Nông dân./.