hieu qua tu ho tro phat trien san xuat che
Nông dân xã Hoàng Nông thu hái chè.

Về xã Phú Xuyên (Đại Từ) những ngày này, ở xóm nào chúng tôi cũng thấy những nương chè xuân búp xanh non mơn mởn. Đồng chí Dương Văn Thơm, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Trước đây, mỗi năm bà con thu hái khoảng 6 lứa, nhưng từ khi huyện triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ hệ thống tưới thâm canh chè vụ đông, nhiều diện tích đã cho thu hái 7-8 lứa/năm. Vì thế, sản lượng chè của xã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2013, sản lượng chè búp tươi của xã đạt 1.800 tấn thì đến năm 2018 đã tăng lên trên 2.100 tấn.

Cùng với đó, chè vụ đông có đặc điểm là ít bị sâu bệnh gây hại, chất lượng sản phẩm tốt, có vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ chè rất lớn, giá bán cao hơn chè chính vụ gấp 2-3 lần, nhờ đó thu nhập của bà con cũng khá hơn nhiều. Từ hiệu quả này, nhân dân trong xã tích cực đầu tư mở rộng diện tích chè sử dụng hệ thống tưới tự động để nâng cao năng suất, sản lượng và làm chè vụ đông. Hiện nay, trong xã có trên 60% diện tích chè được lắp đặt hệ thống tưới tự động…

Với chính sách hỗ trợ khoảng 15 triệu đồng/sào đối với những diện tích áp dụng quy trình thâm canh chè đông, hoặc xây dựng hệ thống tưới đơn giản, xây bể chứa nước, giếng khoan và đối với những diện tích xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ mới được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng/ha, hiện nay xã Minh Tiến có hơn 20ha trong tổng số 200ha chè có thể sản xuất thêm vụ đông. Nếu như vụ đông năm 2008, chè ở đây hoàn toàn không cho thu hoạch, bà con sau khi hái xong lứa cuối chè vụ thu là đốn bằng để chờ đến mùa Xuân năm sau chè ra búp mới. Nhưng hiện nay, những nương chè trong xã đã cho thu hoạch quanh năm, đều đặn mỗi năm 7-8 lứa.

Thấy rõ hiệu quả của chương trình hỗ trợ hệ thống tưới chè cho bà con, hàng năm huyện đều triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm, hỗ trợ hệ thống tưới chè vụ đông. Năm 2017, diện tích được hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới chè là trên 136ha, có 74 hộ tham gia tại 16 xã: Tân Linh, Tiên Hội, Phú Cường, La Bằng, Phú Xuyên, Hoàng Nông, Mỹ Yên, Minh Tiến, Lục Ba, Bình Thuận… với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,1 tỷ đồng. Riêng năm 2018, từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện, đã có trên 226ha chè của 1.309 hộ dân thuộc 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được hỗ trợ hệ thống tưới. Nhờ sự hỗ trợ này, các hộ dân sử dụng hệ thống tưới tự động trong sản xuất, thâm canh cây chè ngày càng được nâng lên.

Không chỉ hỗ trợ hệ thống tưới chè, huyện còn hỗ trợ 100% giá giống chè trồng mới nhằm khuyến khích bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống chè từ chè trung du sang các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từ việc hầu hết diện tích chè ở địa phương là chè trung du được trồng lâu năm, già cỗi, năng suất thấp, chất lượng không ổn định, huyện đã dần thay thế bằng các giống chè lai như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… Bình quân mỗi năm huyện trồng được từ 300-500ha chè giống mới thay thế các diện tích chè giống cũ. Năm 2016, toàn huyện trồng mới, trồng thay thế được 500ha chè giống mới, ở trên 7.500 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 6,8 tỷ đồng. Năm 2017, trồng thay thế được 400ha, ở trên 4.400 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ 5,4 tỷ đồng. Năm 2018, trồng được 300ha, ở gần 4.300 hộ, với kinh phí hỗ trợ trên 4,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng chí Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Huyện không ngừng mở rộng diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, huyện có trên 400 trên tổng số hơn 6.300ha chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn này, tập trung ở các xã: La Bằng, Tân Linh, Hùng Sơn, Tiên Hội... Với diện tích này, Đại Từ là địa phương có diện tích chè VietGAP lớn nhất tỉnh

Bên cạnh các chương trình, mô hình hỗ trợ về sản xuất chè, huyện còn thực hiện một số chương trình hỗ trợ bà con trong khâu chế biến chè. Đơn cử nhưviệc hỗ trợ các tổ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: La Bằng, Phú Xuyên, Hoàng Nông mua máy sao chè bằng gas với kinh phí 100 triệu đồng/máy.

Nhờ thực hiện các chương trình, mô hình hỗ trợ sản xuất, chế biến chè từ khâu sản xuất đến chế biến, nên những năm gần đây, bà con trong huyện đã được nâng cao kiến thức về sản xuất, chế biến chè, chè Đại Từ đã không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng. Năm 2018, sản lượng chè búp tươi toàn huyện đạt gần 67.600 tấn, tăng so với năm trước hơn 100 tấn. Thu nhập từ cây chè ngày càng được nâng cao, sản phẩm chè Đại Từ đã ngày càng được nâng cao uy tín, sức cạnh tranh trên thị trường.