Tham gia thảo luận có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, ĐBQH Đoàn Thái Nguyên. Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá X, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001. Đến nay, sau 10 năm thực hiện, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, tạo ra khuôn khổ pháp lý để duy trì trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa những hành vi trục lợi trong lĩnh vực bảo hiểm. Bên cạnh đó, Luật kinh doanh bảo hiểm cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nên cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiến và thông lệ quốc tế. Nội dung sửa đổi, bổ sung gồm 3 nhóm vấn đề, liên quan đến 10 nội dung tại 16 điều, trong tổng số 129 điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận cơ bản nhất trí với dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó có một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật chưa được rõ, chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Liên quan đến nội dung cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đồng tình với ý kiến trong dự thảo Luật quy định nguyên tắc, giao cho Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, quy định đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát được các dich vụ bảo hiểm qua biên giới được an toàn, đồng thời cũng đảm bảo để các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước ổn định và phát triển trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thị Nga cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm. Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng một số khái niệm cần phải có sự giải thích rõ và chặt chẽ hơn như: hệ số tín nhiệm, quy định đấu thầu hợp tác và cạnh tranh có đặc thù riêng như thế nào mà phải quy định riêng tại Luật này mà không thực hiện theo Luật đấu thầu và Luật cạnh tranh hiện hành, quỹ dự trữ và quỹ bảo vệ người được bảo hiểm...để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm về và đưa ra những quyết định phù hợp khi thảo luận và thông qua Luật. Về nội dung liên quan đến thanh tra chuyên ngành, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị nên cân nhắc thêm về quy định đối với thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm vỉ tổ chức của Thanh tra Bộ, Ngành là vấn đề phức tạp, bên cạnh đó cũng sẽ tạo nên sự chồng chéo và trùng lắp về mặt tổ chức cũng như về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm và của Cục quản lý giám sát bảo hiểm.

Đình Hải
(Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên)