Khi đến nhà bà Lê Thị Tán chúng tôi được bà cho biết: Do hoàn cảnh gia đình đông con, ruộng vườn ít, trước đây, trong xóm cứ chỗ nào đất bỏ hoang bà lại tận dụng trồng lúa, trồng khoai. Từ năm 1990, thấy phần diện tích đất thuộc lòng đập Đầm Ương, thuộc xóm Yên Mễ, xã Hồng Tiến bồi đắp, bỏ hoang không ai canh tác, tiếc đất bà Tán cùng một số hộ ra đó trồng lúa. Từ đó đến năm 2015, gia đình bà liên tục sử dụng, không có tranh chấp với ai. Đến cuối năm 2015, khi Nhà nước có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy thì toàn bộ khu vực Đầm Ương, thuộc xóm Yên Mễ nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án, trong đó có diện tích bà Tán đang canh tác.

Những tưởng khi Nhà nước thu hồi, phần diện tích gia đình bà đang canh tác sẽ được chi trả bồi thường, thế nhưng khi mà lần lượt các hộ canh tác ở những thửa đất bên cạnh đều được nhận tiền đền bù thì gia đình không thấy thông báo để đo đạc, kiểm, đếm. Thời gian trôi đi, giai đoạn bồi thường cho lô CN7, thuộc dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy cũng đã kết thúc, chủ đầu tư tiến hành việc san lấp mặt bằng. Khi đó, gia đình bà mới phát hiện ra thửa đất số 1270, tờ bản đồ số 10, với diện tích gần 800m2 mà gia đình đang canh tác đã được chi trả bồi thường cho ông Hà Huy Cương, người cùng xóm với số tiền chi trả 212,9 triệu đồng.

bat cap trong boi thuong giai phong mat bang tai xa hong tien thi xa pho yen
Bà Lê Thị Tán cùng con gái tại thửa đất số 1270, tờ bản đồ số 10

Qua tìm hiểu được biết đối với thửa đất số 1270, tờ bản đồ số 10, không chỉ có một mình gia đình bà Tán canh tác mà có cả hộ gia đình ông Hà Văn Nam và bà Lê Thị Thúy ở xóm Yên Mễ cũng có nhận canh tác cùng. Các hộ này đều xác nhận do thửa đất bồi đắp không có bờ, thửa nên mỗi gia đình có sử dụng một phần của thửa đất, những hộ này đều khẳng định cùng canh tác với gia đình bà Tán cho đến khi Nhà nước thu hồi, không có tranh chấp với bất kỳ ai.. Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thúy bức xúc cho biết: “Trong quá trình các gia đình chúng tôi canh tác chưa bao giờ thấy ông Cương canh tác ngày nào trên thửa đất đó vậy mà không hiểu sao khi tra trả bồi thường, thửa đất trên lại được gia đình nhà ông Hà Huy Cương đứng ra nhận tiền”.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã đến gặp ông Phạm Ngọc Dân, nguyên là Trưởng xóm Yên Mễ, người ký tên vào đơn xác nhận việc gia đình bà Tán có canh tác trên thửa đất số 1270. Khi được hỏi về nguồn gốc, ông Dân đã khẳng định việc bà Tán đã có thời gian dài canh tác ở trên thửa đất này, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà UBND xã Hồng Tiến lại xác nhận cho gia đình ông Cương mà không phải là bà Tán, điều này khiến cho ông và các hộ dân cảm thấy bức xúc bởi sự vô lý, bất công. Ông cũng cho biết thêm, thời gian gần đây thấy bà Tán và một số hộ dân liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng, có người trong cấp ủy Chi bộ xóm Yên Mễ đã nhắn tin cho ông động viên bà Tán rút đơn và trả cho gia đình 50 triệu đồng, tuy nhiên khi đề cập vấn đề này gia đình bà Tán đã không đồng ý với đề nghị đó.

bat cap trong boi thuong giai phong mat bang tai xa hong tien thi xa pho yen
Phóng viên Đài PT – TH Thái Nguyên trao đổi với ông Phạm Ngọc Dân

Làm việc với phóng viên, ông Hà Huy Cương cho rằng thửa đất ông đứng ra nhận có nguồn gốc của gia đình, ông giải thích trước đây bố ông là người khai phá và sử dụng. Để phục vụ cho việc đắp nước tưới tiêu, từ năm 1965 xã đã lấy thửa đất của gia đình làm đập trữ nước. Sau này, do có nước kênh của Hồ Núi Cốc đi qua nên nước ở đập không dùng đến nhiều vì vậy thửa đất của gia đình bỏ không, bị bồi lắng. Khi mà các hộ dân đến canh tác ông cũng đã ra nhắc nhở, nhưng các hộ này vẫn cố tình canh tác. Tuy nhiên, được hỏi có giấy tờ để chứng minh nguồn gốc thì ông Cương cũng không đưa ra được bất cứ giấy tờ nào chứng minh thửa đất đó là của gia đình.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này này, sau nhiều lần liên hệ đặt vấn đề làm việc về nội dung trên, chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Hồng Tiến. Người tiếp và làm việc với phóng viên là ông Phạm Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Tiến. Sau khi cung cấp hồ sơ về quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Cường cho biết: “Dựa trên bản tường trình nguồn gốc của gia đình ông Cương nên xã đã xác nhận thửa đất trên cho gia đình,… trong quá trình chi trả, xã đã niêm yết, công khai danh sách, sau khi không có ý kiến thắc mắc nên mới thực hiện các bước chi trả cho ông Cương.”.

Như vậy, qua bản tường trình nguồn gốc sử dụng đất ông Cương khai, thể hiện nguồn gốc là do Nhà nước cấp, nhưng trên thực tế thì thửa số 1270 chưa được Nhà nước giao cho ai cả, trên bản đồ địa chính thể hiện thửa đất trên là đất hoang hóa. Không hiểu vì lý do gì mà UBND xã Hồng Tiến lại xác nhận cho gia đình ông Cương, thể hiện là đất được Nhà nước giao.

Từ việc thiếu trách nhiệm của cán bộ xã dẫn đến việc xác định sai nguồn gốc cho thửa đất 1270, chính vì vậy việc xác minh nguồn gốc đã không phải qua bước lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư, ông Cương đã dễ dàng nhận được số tiền bồi thường GPMB của dự án. Sự việc đã được UBND Thị xã Phổ Yên giao cho UBND xã Hồng Tiến xác minh lại nguồn gốc, song đến thời điểm nay chưa được giải quyết dứt điểm, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.

Với những vướng mắc này, sau khi trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND thị xã Phổ Yên hứa sẽ vào cuộc để thực hiện giải quyết sự việc. Hy vọng với những lời hứa từ phía chính quyền, sự việc sẽ sớm được giải quyết theo quy định đảm bảo đúng quyền lợi cho công dân, tránh phát sinh khiếu kiện kéo dài./.