Theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Hiển, hiện đã có 4 doanh nghiệp có liên quan đến công trình cầu Ô Rô (thuộc dự án đầu tư xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, bị sập hồi tháng 8/2016) đã chuyển nộp vào ngân sách với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Các công ty đã thực hiện chuyển nộp gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại vận chuyển xây dựng Sử Thành Phú (nhà thầu thi công xây dựng) đã nộp 1 tỷ đồng; Công ty TNHH tư vấn thiết kế Minh Anh (tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán) đã nộp hơn 64 triệu đồng; Công ty TNHH xây dựng TM-DV Minh Long (tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán) đã nộp số tiền hơn 14 triệu đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Phú (tư vấn giám sát thi công xây dựng) đã nộp số tiền hơn 68 triệu đồng.

Trước đó, sau khi xem xét báo cáo của cơ quan chức năng về kết quả giám định nguyên nhân sự cố công trình cầu Ô Rô, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp nói trên phải nộp lại toàn bộ số tiền đã được chủ đầu tư (UBND huyện Ngọc Hiển) thanh toán để khắc phục sự cố công trình.

Theo ấn định của UBND tỉnh Cà Mau, thời gian thu hồi tiền phải hoàn thành trước ngày 12/7/2017. UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Ngọc Hiển chịu trách nhiệm thu hồi số tiền nói trên để nộp vào ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, cho đến nay, trong số 4 doanh nghiệp nói trên, chỉ có 3 doanh nghiệp đã nộp đủ. Còn Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại vận chuyển xây dựng Sử Thành Phú chỉ mới nộp 1 tỷ trong tổng số tiền phải nộp là hơn 5,9 tỷ đồng. Công ty này cũng đã có văn bản xin chia ra nộp nhiều lần.

vu sap cau o ro yeu cau doanh nghiep hoan lai toan bo tien

Hiện trường lúc cầu Ô Rô bị sập vào tháng 8/2016.

Như Dân trí đưa tin, khuya ngày 5/8/2016, cầu Ô Rô dài hơn 84,6 m bắc qua kênh Ô Rô (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) bất ngờ đổ sập 2 nhịp (khoảng 20m).

Theo đánh giá sơ bộ, nguyên nhân xảy ra sự cố sập cầu là do mố A cầu Ô Rô chỉ cách mố B cầu Cái Dày (cũng thuộc dự án này) khoảng hơn 50 m, đường đầu cầu đi trên bãi bồi giữa 2 tuyến kênh có địa chất rất yếu. Hơn nữa, cầu bắc qua kênh Ô Rô chỉ cách ngã ba Đình khoảng 150 m, do sông sâu, nước chảy mạnh nên đường đầu cầu có nguy cơ mất ổn định cao. Với chiều cao khá lớn, khi đường đầu cầu bị sạt lở với khối lượng lớn, đất sẽ đẩy ra phía bờ sông làm mất ổn định và gãy cọc mố, kéo theo sập 2 nhịp cầu và trụ T1.

Cầu Ô Rô được khởi công vào năm 2013 với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Cầu được thông xe vào đầu năm 2016.

Chủ đầu tư công trình cầu Ô Rô là UBND huyện Ngọc Hiển; đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại- Xây dựng Sử Thành Phú (tỉnh Cà Mau) và đơn vị giám sát là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Phú.