Ký ức trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hiển kể lại những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

­Ánh mắt của cựu chiến binh Nguyễn Đình Hiển sáng ngời khi nhắc nhớ lại những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những chàng trai mười tám, đôi mươi đã sát cành cùng nhau sống và chiến đấu tại Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2.

Ngày ấy, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 tiến công trên hướng Đông Nam của thành phố Sài Gòn. Trong đó, Sư đoàn 325 phụ trách hướng thứ yếu của Quân đoàn, đồng thời là hướng vu hồi của chiến dịch. Theo kế hoạch, Sư đoàn sẽ đánh chiếm chi khu quân sự Long Thành, Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, đồng thời mở đường đưa pháo tầm xa bắn phá và khống chế hoạt động đường không của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, hợp với các hướng mũi của Quân đoàn tiến vào nội đô Sài Gòn.

Trận tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành là một trong những trận đánh mở màn của Sư đoàn 325 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hiển, Chiến sỹ Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 kể lại: "Khi đánh vào chi khu quân sự Long Thành thì quân địch dựng những thùng phi chặn đường nhồi mìn bọc pháo vào trong thùng phi, khi xe tăng của quân ta húc vào thùng phi thì bị nổ, cả trung đội ngồi trên xe tăng đó bị hất tung ra ngoài".

Tuy nhiên, nhờ phát huy được sức mạnh tổng hợp của các yếu tố, các lực lượng, nên Sư đoàn 325 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Niềm tự hào của người lính quân đoàn 2 năm ấy chính là tinh thần ý chí chiến đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. 49 năm đã qua, những kỷ vật này vẫn được ông gìn giữ như một chứng tích những năm tháng tự hào nhất của tuổi trẻ.

Ký ức trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hiển chia sẻ về kỉ vật lịch sử được sử dụng trong đánh giặc.
Ký ức trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn
La bàn được sử dụng để định vị trên đường hành quân, xác định mục tiêu.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hiển chia sẻ: "Vật này có người gọi là la bàn, có người gọi là địa bản trong hành quân, trong khi đưa bộ đội vào các trận đánh chúng tôi sử dụng để cắt góc đi gốc phương vị để có thể đi đến điểm đích".

Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, Sư đoàn 325 phát triển xuống căn cứ quân sự Cát Lái. Rạng sáng 30-4-1975. Trung đoàn 101 tiến vào nội đô Sài Gòn chiếm giữ Quận 9, 1 phần Quận 1, hợp điểm cùng cánh quân của Sư đoàn 304, Lữ đoàn xe tăng 203 trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 2 tại Dinh Độc Lập ngay trong buổi trưa ngày chiến thắng.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hiển cho biết: "Từ quận 9 tôi được điều lên trung đoàn để chụp ảnh truyền thống và tuyên truyền, tôi dùng loa binh vận cứ vừa đi vừa phát: đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, quân giải phóng đang tiến vào thành phố đề nghị đồng bào giữ gìn trật tự, tạo điều kiện ủng hộ để quân giải phóng tiến vào thành phố".

11h30’ ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông Việt Nam thống nhất.

Nước mắt người chiến sỹ Nguyễn Đình Hiển đã rơi khi nhìn thấy đất nước hòa bình, thống nhất. Và 49 năm sau, trong hành trình kí ức có hình ảnh của người mẹ thân yêu và những đồng đội đã anh dũng hi sinh ngay trước cửa ngõ Sài Gòn.