Trung Đông 2017: Mâu thuẫn cũ đan xen khủng hoảng mới
Những bất đồng cũ, mới đan xen có những lúc tưởng như đã đẩy khu vực tới miệng hố của “chiến tranh”. Song những tia sáng hòa bình nhen nhóm tại Syria hay Iraq đã khiến cộng đồng quốc tế, giới chuyên gia kỳ vọng vào một năm 2018 tươi sáng hơn, hy vọng các bên có thể nắm bắt cơ hội để Trung Đông không còn là một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới nữa.
Jerusalem đang trở thành vấn đề nóng nhất tại Trung Đông dịp cuối năm 2017. Ảnh: AP |
Những ngày cuối năm không yên bình…
“Thùng thuốc súng, thuốc nổ” là cụm từ thường được dùng để nói về những mâu thuẫn, bất ổn lâu nay tại Trung Đông. Gần đây, cụm từ này được truyền thông quốc tế sử dụng nhiều hơn, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trải qua hàng nghìn năm xung đột, với những câu chuyện lịch sử gây tranh cãi giữa 3 nền tôn giáo lớn trên thế giới là Do thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo.
Chủ quyền Jerusalem lại một lần nữa làm dậy sóng cộng đồng người Hồi giáo khắp nơi trên thế giới. Các cuộc biểu tình diễn ra hàng ngày suốt 3 tuần qua, phản đối sự công nhận của Tổng thống Mỹ, từ Đông Jerusalem (nơi người dân Palestine hy vọng sẽ là thủ đô trong tương lai của mình), hay Dải Gaza (nơi lực lượng vũ trang Hamas đang chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Israel) cho đến các quốc gia Hồi giáo Arab như Ai Cập, Jordan, Lebanon, Iran,… rồi lan sang các quốc gia Hồi giáo châu Á như Malaysia, Indonesia….
Người Hồi giáo trên khắp thế giới xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ tại các quốc gia sở tại trong sự giận dữ, thậm chí một số người còn có hành vi quá khích như đốt cờ Israel và Mỹ, không ngần ngại đụng độ với lực lượng an ninh, nhằm bảo vệ thánh địa lớn thứ 3 của mình (sau Mecca và Madina tại Saudi Arabia).
Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Bởi trước đó, hồi tháng 7 năm nay, cũng tại Jerusalem, một làn sóng biểu tình lớn đã diễn ra nhằm phản đối Chính phủ Israel đặt máy dò kim loại tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa – hành động mà phía Palestine coi là động thái muốn kiểm soát hoàn toàn Đông Jerusalem của Israel. Không lâu sau đó, giới chức Israel đã phải “nhượng bộ”, gỡ bỏ các máy dò kim loại nhằm xoa dịu căng thẳng.
Đối với quyết định của Mỹ lần này, cộng đồng quốc tế, trong đó có cả các đồng minh phương Tây và ở khu vực đều đang sử dụng rất nhiều kênh ngoại giao để làm dịu căng thẳng, song tất cả tới nay đều thất bại. Nếu như đối với Mỹ, yêu cầu nước này rút lại sự công nhận đơn phương là bài toán bất khả thi, thì đối với Israel lại càng khó hơn.
Thậm chí, khi có được sự công nhận của Mỹ, quốc gia này đã ngay lập tức thúc đẩy dự luật “Jerusalem to lớn hơn”, trong đó có kế hoạch xây dựng thêm hàng trăm nghìn ngôi nhà định cư tại Đông Jerusalem – điều sẽ khiến cho cuộc khủng hoảng Jerusalem càng thêm trầm trọng.
Thùng thuốc súng thực sự nằm ở đâu?
Tuy nhiên, việc coi vấn đề Jerusalem như “mồi lửa” cho thùng thuốc súng Trung Đông chỉ là cách so sánh để thấy được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.
Trên thực tế, chênh lệch về tiềm năng quân sự giữa Israel và Palestine khó có thể tạo ra một cuộc xung đột vũ trang giữa 2 nước. Còn các cường quốc trong khu vực như Saudi Arabia, Ai Cập (đồng minh của Mỹ) - luôn ủng hộ Palestine trong vấn đề này cũng không thể gạt lợi ích quốc gia sang 1 bên để tiến hành một hành động quân sự chống lại Israel (cũng là một đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực).
Vậy thùng thuốc súng Trung Đông thực sự nằm ở đâu? Chính là ở những căng thẳng ngày một gia tăng giữa hai “kình địch” trong khu vực là Iran và Saudi Arabia cùng các đồng minh của hai quốc gia này.
Từ những mâu thuẫn tôn giáo trong quá khứ giữa hai dòng chính của Hồi giáo là Sunni (Saudi Arabia) và Shiite (Iran), cộng với sự tranh giành ảnh hưởng ngày một lớn đã đẩy quan hệ hai nước đến bên bờ xung đột trong năm 2017 và có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới.
Không chỉ dừng lại ở việc cắt đứt quan hệ với nhau như trong năm 2016, Iran và Saudi Arabia đã lôi kéo đồng minh vào cuộc khủng hoảng có thể nói là “tồi tệ” nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh giữa Qatar với Ai Cập và 3 quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain. Với những cáo buộc tương tự nhằm vào Iran trước đó, 4 nước Arab cũng đã chỉ trích Qatar hỗ trợ khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trong khu vực.
Bác bỏ hoàn toàn những điều kiện để nối lại quan hệ từ 4 nước Arab như cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar đã chọn xích lại gần hơn với hai quốc gia này vừa nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia và tạo liên minh chống lại ảnh hưởng của Saudi Arabia.
Nếu như, trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, hai bên đều tỏ ý nỗ lực hàn gắn quan hệ với trung gian hòa giải của nhiều nước phương Tây và khu vực dù không mang lại kết quả.
Thời gian gần đây, những nước này lại tỏ ra “không mấy mặn mà” trong việc giải quyết khủng hoảng mà thay vào đó là việc ký nhiều hợp đồng vũ khí quân sự “khủng”, trị giá nhiều tỷ USD với Mỹ và một số nước phương Tây.
Dù đều khẳng định, giải pháp quân sự sẽ không được tính đến, song rõ ràng cả hai bên đang tính đến các biện pháp “răn đe” cho một giải pháp “tồi tệ” nhất. Lebanon và Yemen cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Iran và Saudi Arabia.
Ảnh minh họa: AP |
Từ năm 2015 đến nay, cuộc nội chiến tại Yemen vẫn tiếp diễn với những diễn biến khó lường giữa lực lượng Chính phủ được Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu hỗ trợ với phiến quân Houthi (được cho là do Iran hậu thuẫn). Các cuộc giao tranh giữa 2 bên đã khiến quốc gia nghèo nhất Trung Đông này lâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới với nạn đói và dịch bệnh hoành hành.
Mới đây, phiến quân Houthi đã bắn tên lửa đạn đạo hướng vào lãnh thổ Saudi Arabia nhằm đáp trả sự can thiệp quân sự của cường quốc khu vực này vào Yemen. Tuy nhiên không giống như trước đây, lần này, Mỹ và Saudi Arabia chỉ đích danh Iran cung cấp tên lửa cho nhóm phiến quân và đang cố gắng thúc đẩy một biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào nước này tại Liên Hợp Quốc.
Vấn đề Yemen là cũ, song cao trào của những căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia liên quan cuộc khủng hoảng này đã hiện rõ hơn bao giờ hết trong năm 2017. Tuy nhiên, phải đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Lebanon bùng phát hồi tháng 11 vừa qua, căng thẳng giữa hai “đối thủ” trong khu vực mới bị đẩy đến bên bờ vực của xung đột.
Ngày 4/11 vừa qua, việc Thủ tướng Lebanon tuyên bố từ chức, với cáo buộc Iran đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực đã khiến giới phân tích lo ngại quốc gia Trung Đông này sẽ trở thành một Yemen thứ 2. Tuy nhiên, “mồi lửa xung đột” này nhanh chóng được dập tắt nhờ sự trung gian hòa giải của các quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực như Mỹ, Pháp và Ai Cập, mục đích là để “không xuất hiện thêm một cuộc xung đột mới” tại một khu vực “vốn đã có quá nhiều bất ổn”.
Bên cạnh các cuộc khủng hoảng mới, năm 2017 cũng chứng kiến sự bế tắc trong giải quyết những vấn đề cũ của khu vực như tiến trình hòa giải giữa 2 Đảng phái chính của Palestine là phong trào Fatah và Hamas, cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya, tình trạng tham nhũng, cuộc khủng hoảng di dân hay nhân đạo….
Tia sáng “hòa bình” từ cuộc chiến chống khủng bố
Những mâu thuẫn, bất đồng cũ bùng phát trong năm 2017 tại Trung Đông kéo theo một số cuộc khủng hoảng mới, khiến cho bức tranh toàn cảnh khu vực “ảm đạm” hơn trước.
Điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh này không gì khác chính là các chiến thắng “vang dội” trước tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng tại Iraq và Syria với sự hỗ trợ của Nga và Liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Dù các bên mà Nga và Mỹ ủng hộ là khác nhau, song chiến thắng cuối cùng trước IS tại 2 quốc gia Trung Đông này đang là điều cần nhắc đến trước mắt.
Chính phủ Iraq hồi đầu tháng này (9/12) đã tuyên bố kết thúc chiến dịch chống IS với việc giải phóng khu vực cuối cùng do IS kiểm soát trên lãnh thổ của quốc gia này, chỉ 2 ngày sau khi giới chức Nga tuyên bố, không còn vùng lãnh thổ nào tại Syria nằm dưới quyền kiểm soát của IS.
Hiện giới chức Iraq đã bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước với những khoản vay quốc tế trị giá hàng chục tỷ USD, đồng thời nối lại các hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Còn tại Syria, các đảng phái đối lập đã gấp rút bước vào giai đoạn đối thoại. Dự kiến, các vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 1 tới.
Dù cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, dù công cuộc tái thiết đất nước và hòa giải dân tộc tại Iraq và Syria vẫn còn nhiều chông gai, song cộng đồng quốc tế vẫn hy vọng có thể tạo ra một bức tranh Trung Đông sáng sủa hơn, với sự đóng góp quan trọng của các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Nga và Mỹ.
Dẫu vậy, chìa khóa chính vẫn nằm trong tay của các nhà lãnh đạo khu vực này để gạt bỏ những bất đồng cũ, đoàn kết cùng ngồi lại giải quyết các vấn đề nội bộ khu vực, để người dân Arab tại Trung Đông có thể chào nhau bằng một từ “Salam” theo đúng nghĩa của nó là “Hòa bình”./.