Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm thực phẩm trôi nổi trong dịp Tết Trung thu

Ngày 5/9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh về tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trước đó ngày 9/8/2022, Cục An toàn thực phẩm (Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm) đã có công văn về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022. Tuy nhiên đến nay, theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng vẫn có cảnh báo bánh Trung thu “bẩn”, nhập lậu, trôi nổi, không rõ xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm. Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai một số biện pháp đã nêu tại công văn số 1886/ATTP-NĐTT như: Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...

Bên cạnh kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. Trước đó, vào cuối tháng 8/2022, Đội Quản lý thị trường số 13, thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh Trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ sở hữu toàn bộ số hàng trên được xác định là Nguyễn Thị Bích N (SN 1993, quê Quảng Ninh) cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất rất lớn nên đã thu mua các loại bánh Trung thu trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mới sang Nhật Bản làm việc

Theo Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngày 5/9, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Việt Nam đến Nhật Bản làm việc với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Ngài Kato Katsunobu Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của Bộ LĐTBXH Việt Nam với các cơ quan ban ngành của Nhật trong việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong thời gian qua. Trong thời gian qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã rất kiên quyết trong việc xử lý đối với các doanh nghiệp, nghiệp đoàn vi phạm các quy định tiếp nhận thực tập sinh, nhất là đối với các hành vi bạo hành người lao động nước ngoài, không đảm bảo điều kiện làm việc. “Bộ chúng tôi đã áp dụng biện pháp mạnh đó là rút giấy phép, đình chỉ việc tiếp nhận tu nghiệp sinh đối với doanh nghiệp vi phạm, bạo hành tu nghiệp sinh Việt Năm vừa qua”, ngàì Kato Katsunobu nhấn mạnh. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay Nhật Bản là một trong những thị trường lao động ngoài nước được nhiều lao động Việt Nam ưa thích do có điều kiện làm việc tốt, mức thu nhập ổn định, đến nay đã có trên 370 ngàn thực tập sinh trong tổng số gần 500 ngàn người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản làm việc thì Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh tiếp nhận hàng năm và tổng số đang làm việc đã phản ánh lên điều đó. Tuy nhiên, để việc hợp tác giữa hai bên đạt kết quả cao hơn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Bộ trưởng Kato Katsunobu báo cáo Chính phủ Nhật Bản để cùng thống nhất đề xuất một số nội dung có tính đột phá, như: Mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt như dịch vụ nhà hành khách sạn, lái xe buýt,… Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản đẩy mạnh việc tiếp nhận nhân lực chất lượng có kỹ thuật, chuyên môn, kỹ năng và tay nghề cao hướng đến tương lai trở thành cầu nối phát triển các lĩnh vực ngành nghề công nghiệp, dịch vụ…giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam như phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử khác. Thống nhất với những đề xuất từ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Ngài Kato Katsunobu ghi nhận và cho biết sẽ báo cáo Chính phủ, đồng thời, tiến hành phối hợp với các Bộ liên quan của Nhật Bản sớm xem xét việc mở rộng ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam, trao đổi với Bộ Tài chính về đề xuất liên quan đến miễn thuế cư trú và thuế thu nhập cho lao động Việt Nam sang làm việc.

Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận cấp cứu 33 trường hợp tự tử trong kỳ nghỉ lễ

Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận hơn 1.200 trường hợp nhập viện cấp cứu, trong đó có 33 trường hợp tự tử. Về tình hình tai nạn giao thông, 4 ngày nghỉ lễ, Bệnh viện tiếp nhận 244 ca, trong đó có 72 ca chấn thương sọ não. Ngoài ra, Bệnh viện cũng ghi nhận 37 trường hợp tai nạn sinh hoạt; 20 trường hợp đả thương, đâm chém; 15 ca ngộ độc do rắn rết, ong đốt và có đến 33 trường hợp tự tử. Trong những ngày nghỉ lễ, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã thực hiện 184 ca phẫu thuật, sử dụng 435 đơn vị máu, trong đó chiếm cao nhất là ngày 1/9 với 120 đơn vị máu (loại 350ml). Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế đã tiếp nhận 9.755 trường hợp cấp cứu, tai nạn; trong đó có 972 trường hợp do tai nạn giao thông, 1.265 trường hợp tai nạn sinh hoạt, 272 trường hợp đả thương, 49 trường hợp ngộ độc và 7.836 trường hợp do các nguyên nhân khác.

Truy tố 8 bị can gây thiệt hại lớn cho Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng số 4227 truy tố 8 bị can trong vụ án gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh hơn 14,2 tỷ đồng, xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh. Các bị can là lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Minh Khải (Giám đốc), Võ Thị Chinh Nga (Phó Giám đốc), Nguyễn Trí Dũng (Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc), Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức), Phan Thị Bích Hạnh (Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán), Nguyễn Đỗ Nguyên (Trưởng Khoa Tổng hợp), Lương Ngọc Tuấn (Phó Trưởng Khoa Khám mắt). Theo cáo trạng, năm 2018, Bệnh viện Mắt trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh do Nguyễn Minh Khải làm Giám đốc được giao tổ chức thực hiện gói thầu "Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018". Để tổ chức thực hiện gói thầu, ngày 19/1/2018, Nguyễn Minh Khải chủ trì họp và ký Quyết định phê duyệt dự toán gói thầu "Mua sắm Thủy tinh thể nhân tạo đem tiểu năm 2018" gồm 32 phần thầu, có tổng số vốn đầu tư hơn 184 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn từ thu viện phí, quỹ bảo hiểm y tế, dịch vụ khám chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của Bệnh viện. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Với mục đích can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu trên, khi phê duyệt hồ sơ mời thầu tại Quyết định số 34/QĐ-BVM ngày 31/01/2018, bị can Khải đã chỉ đạo bổ sung tiêu chí chấm kỹ thuật "Ý kiến đánh giá của Hội đồng đánh giá hàng mẫu trên mẫu dự thầu", để sau đó sử dụng Hội đồng đánh giá hàng mẫu loại bỏ nhà thầu theo ý muốn của Khải. Sau khi mở thầu, các nhà thầu Codupha, Tâm Hợp, Hào Tín tham gia dự thầu đều đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật tại phần thầu số 19, 24, 28, 29. Với mục đích loại nhà thầu Codupha, cho nhà thầu Tâm Hợp và Hào Tín trúng thầu, Nguyễn Minh Khải ký Quyết định 101/QĐ-BVM, ngày 12/3/2018 thành lập Hội đồng đánh giá hàng mẫu về chuyên môn và kỹ thuật, gồm 13 thành viên; phân công Nguyễn Quốc Toản làm Chủ tịch Hội đồng. Thực hiện chỉ đạo của Khải, các bị can khác đã can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, trong đó Nguyễn Quốc Toản đã chỉ đạo các thành viên Hội đồng đánh giá hàng mẫu sử dụng các tiêu chí đánh giá do Hội đồng xây dựng độc lập theo ý chí chủ quan, không có trong hồ sơ mời thầu như: Mẫu mới chưa sử dụng tại bệnh viện, tại sao không sử dụng tại nước sản xuất, khó qua vết mổ 1.8mm, hai mặt lồi dễ trầy IOL để loại mặt hàng thủy tinh thể của nhà thầu Codupha và đánh giá “Đạt” đối với mặt hàng của nhà thầu Tâm Hợp tại phần thầu số 19, 24, 29 và nhà thầu Hào Tín tại phần thầu số 28. Trên cơ sở biên bản số 01 ngày 08/5/2018 của Hội đồng đánh giá hàng mẫu, Võ Thị Chinh Nga chỉ đạo các thành viên tổ chuyên gia ký báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật ngày 11/5/2018, Phan Thị Bích Hạnh thay mặt bên mời thầu ký Tờ trình số 03/TTr-BMT ngày 14/5/2018, Phí Duy Tiến chỉ đạo thành viên tổ thẩm định ký Báo cáo ngày 01/6/2018, tất cả đều thống nhất với ý kiến đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Hội đồng đánh giá hàng mẫu. Trên cơ sở đó Nguyễn Minh Khải ký Quyết định số 296/QĐ-BVM phê duyệt nhà thầu Tâm Hợp đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của phần thầu số 19, 24, 29; nhà thầu Hào Tín đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của phần thầu số 28; nhà thầu Codupha không đạt yêu cầu về kỹ thuật tại các phần thầu trên mặc dù đều đạt yêu cầu về kỹ thuật tại các phần thầu này. Sau khi nhận được kiến nghị của nhà thầu Codupha về kết quả chấm kỹ thuật, Nguyễn Minh Khải đã tổ chức họp với Hội đồng đánh giá hàng mẫu và các thành viên khác, chỉ đạo, thống nhất lý do trả lời nhà thầu Codupha "Khó đặt qua vết mổ nhỏ 2.2mm, nếu qua được sẽ có hiện tượng trầy xước kính" để giữ nguyên kết quả chấm kỹ thuật đã phê duyệt. Nhà thầu Codupha đã bị loại ở phần đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật sẽ không được đánh giá về tài chính. Võ Thị Chinh Nga cùng các thành viên tổ chuyên gia ký báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính ngày 14/6/2018, chấp thuận giá đối với mặt hàng của nhà thầu Tâm Hợp và Hào Tín, để Nguyễn Minh Khải ký Quyết định số 343/QĐ-BVM ngày 15/6/2018 phê duyệt danh sách nhà thầu Tâm Hợp và Hào Tín trúng thầu. Sau đó, Phan Thị Bích Hạnh cùng các thành viên bên mời thầu ký tờ trình số 04/TTr-BMT ngày 21/6/2018, Phí Duy Tiến cùng các thành viên Tổ thẩm định ký báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 22/6/2018 để Nguyễn Minh Khải ký Quyết định số 358/QĐ-BVM ngày 25/6/2018 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Sau đó, Nguyễn Minh Khải ký các hợp đồng mua thủy tinh thể với Công ty Tâm Hợp, Công ty Hào Tin và thanh toán tiền theo các hợp đồng đã ký, gây thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh số tiền 14,215 tỷ đồng. Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị Tòa án tuyên các bị can liên đới bồi thường số tiền thiệt hại trên. Đối với các nhà thầu trong vụ án, Cơ quan điều tra chưa phát hiện chứng cứ về việc có sự "tác động" tới lãnh đạo bệnh viện để trúng thầu nên chưa có căn cứ xem xét xử lý. Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã làm việc với 11.161 bị hại là người bệnh, trong đó có 1.979 người đề nghị bồi thường thiệt hại.

Ngăn chặn kịp thời vụ mua bán, vận chuyển trái phép 2 kg ma túy đá

Ngày 5/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá chuyên án về ma túy, bắt giữ 1 đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Tang vật thu giữ được là 2 kg ma túy đá cùng một số vật chứng liên quan khác. Theo đó, sau nhiều ngày theo dõi, giám sát, xác minh các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy từ khu vực biên giới của tỉnh Nghệ An, Quảng Bình vào tỉnh Thừa Thiên- Huế, vào 23 giờ 20 phút ngày 3/9, tại cầu Tuần, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đoàn đặc nhiệm số 2 Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt quả tang đối tượng Phan Văn An (sinh năm 1992, trú ở phường 16, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, chỗ ở hiện nay tại chung cư ARAYNA phường Xuân Phú, tỉnh Thừa Thiên- Huế) điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 75 E2 - 02325 vận chuyển trái phép 2 kg ma túy đá, cùng các tang vật có liên quan. Trước đó, trong quá trình thực hiện đấu tranh chuyên án, ngày 27/6, lực lượng này cũng đã bắt 3 đối tượng vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, thu 18.000 viên ma túy tổng hợp, 1 xe ô tô và các tang vật liên quan. Hiện, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đang tiếp tục phối hợp với Đoàn đặc nhiệm số 2 mở rộng điều tra, xác minh làm rõ để chủ động triệt phá toàn bộ đường dây buôn bán ma túy hoạt động xuyên biên giới.

Bạc Liêu: Khởi tố đối tượng để điều tra về hành vi giết người

Ngày 5/9, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thái T (sinh năm 2007, ngụ Phường 1, thành phố Bạc Liêu), để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Theo hồ sơ của cơ quan Công an, Ngô Thái T có quen biết với chị N (sinh năm 2002, hiện đang tạm trú tại nhà trọ trên địa bàn Phường 1, thành phố Bạc Liêu). Vào chiều 28/8, khi nghe tin chị N bị ông T.P là hàng xóm sang nhà có hành vi sàm sỡ, Ngô Thái T đã rủ thêm 2 người chơi chung nhóm, mang theo 2 dao tự chế tìm ông T.P để “xử lý”. Đến nơi, Ngô Thái T dùng dao chém ngay phần cổ ông T.P khiến ông bị thương nặng. Người dân xung quanh phát hiện và tri hô nên nhóm đối tượng lên xe tẩu thoát. Sau khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, ông P đã qua cơn nguy kịch. Vụ án đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Cựu Đại tá Phùng Anh Lê kháng cáo kêu oan trong vụ 'Nhận hối lộ'

Ngày 5/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê (cựu Đại tá, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội) trong vụ án "Nhận hối lộ". Trước đó, trong các ngày từ 12-14/8/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên án phạt 4 bị cáo, trong đó bị cáo Phùng Anh Lê lĩnh 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự. Ba bị cáo còn lại trong vụ án đều là cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ bị tuyên phạt về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” theo quy định tại Điều 378, khoản 1 - Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị phạt 10 tháng 28 ngày tù, bằng thời hạn tạm giam, do đó được trả tự do ngay tại tòa; Vũ Công Ngọc (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị phạt 6 tháng tù treo; Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bị phạt 4 tháng 12 ngày tù, bằng thời gian bị tạm giam, được Tòa ghi nhận đã chấp hành án xong. Sau khi án sơ thẩm tuyên, chỉ riêng bị cáo Phùng Anh Lê làm đơn kháng cáo. Trong đơn, bị cáo Phùng Anh Lê kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bị cáo không có tội và bị kết án oan. Theo bản án sơ thẩm, trong vụ án này, mặc dù được đào tạo trong môi trường công an, nhưng các bị cáo đã vi phạm các quy định của ngành, của pháp luật, dẫn đến phạm tội, vi phạm các nguyên tắc, quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trong, ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc xã hội, cần xử lý nghiêm. Việc truy tố, xử lý nghiêm các bị cáo là cần thiết, nhằm cải tạo giáo dục và phòng ngừa tội phạm nói chung. Trong số các bị cáo, người phải chịu trách nhiệm chính là bị cáo Phùng Anh Lê. Đáng lẽ bị cáo Lê phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng bị cáo với động cơ vụ lợi đã tha trái pháp luật đối tượng Nguyễn Hữu Tài (trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội - là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi). Tại phiên tòa, bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng mình bị oan sai, cáo buộc bị cáo về tội “Nhận hối lộ” là không thuyết phục, bị cáo không nhận tiền hối lộ. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các nhân chứng và người liên quan, căn cứ vào các tài liệu thu thập được trong vụ án…, Hội đồng xét xử khẳng định, việc truy tố bị cáo Phùng Anh Lê là đúng người, đúng tội và không oan. Các bị cáo khác trong vụ án làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi. Họ đã tiếp nhận chỉ đạo trái pháp luật của bị cáo Phùng Anh Lê, thực hiện các mệnh lệnh không đúng pháp luật. Những bị cáo này đã nhận thức được sai phạm, ăn năn hối hận, phạm tội lần đầu, không được hưởng lợi… nên được Hội đồng xét xử xem xét, cho hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tòa cấp sơ thẩm kết luận, quá trình khởi tố điều tra, truy tố các bị cáo, về cơ bản, các cấp tố tụng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục.

Cháy rừng dữ dội ở miền Bắc Kazakhstan

Một đám cháy lớn đang thiêu đốt 428 km2 rừng ở tỉnh Kostanay, miền Bắc Kazakhstan, khiến hàng trăm người phải sơ tán. Theo Bộ các vấn đề khẩn cấp Kazakhstan, đám cháy bùng phát ngày 3/9 và nhanh chóng lan rộng vì thời tiết nóng và gió mạnh. Hỏa hoạn đã khiến 1 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương. Ở vùng định cư Amankaragai tại bìa rừng, lính cứu hỏa đang tiếp tục dập lửa tại các điểm cháy dữ dội. Nhiều tòa nhà và phương tiện đã bị hư hỏng trong hỏa hoạn. Đợt sóng nhiệt kéo dài cũng đã dẫn đến các vụ cháy rừng thiêu đốt nhiều vùng ở nươc Nga láng giềng từ tháng trước.

Động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc: Hơn 7 triệu USD hỗ trợ ứng phó thảm họa

Ngày 5/9, Chính phủ Trung Quốc đã trích 50 triệu NDT (7,25 triệu USD) từ các quỹ khắc phục thảm họa thiên nhiên quốc gia để hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn sau trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên miền Tây Nam nước này. Các quỹ khẩn cấp do Bộ Tài chính và Bộ Quản lý các tình huống khẩn cấp đồng điều phối. Những khoản quỹ trên sẽ được phân bổ cho các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và ứng phó thảm họa, hỗ trợ người chịu ảnh hưởng tìm nơi tạm trú, phát hiện sớm những thảm họa thứ phát, sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng vì động đất... Các thiết bị cứu nạn gồm 3.000 lều, 10.000 giường gấp đã được chuyển tới huyện Lô Định nơi được xác định là tâm chấn của trận động đất. Bộ Quản lý các tình huống khẩn cấp đã điều động hơn 1.100 nhân viên cứu hộ và một máy bay trực thăng tới hiện trường trong khi hơn 3.600 nhân viên cứu hộ từ các vùng lân cận cũng trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ. Trận động đất xảy ra ở độ sâu 16 km tại huyện Lô Định, khu tự trị Tây Tạng vào lúc 12h52 (giờ địa phương, tức 11h52 - giờ Việt Nam) ngày 5/9. Một số thị trấn tại tỉnh Tứ Xuyên cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng do lở đất trong khi liên lạc viễn thông tại một số khu vực bị gián đoạn. Rung chấn có thể cảm nhận được ở thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên, cách địa điểm xảy ra động đất khoảng 200 km. Tính đến 18h ngày 5/9, tổng cộng 30 người đã được xác nhận thiệt mạng trong trận động đất.

Na Uy sẵn sàng cung cấp khối lượng lớn khí đốt lớn cho châu Âu

Nhà điều hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt Gassco của Na Uy cho biết đã thiết lập hệ thống xuất khẩu khí đốt để cung cấp lượng năng lượng kỷ lục cho châu Âu, cũng như duy trì cung cấp lượng lớn khí đốt cho châu lục này trong những năm tới. Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, quốc gia Bắc Âu đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu trong năm nay, thậm chí vượt Nga trước khi đường ống Nord Stream 1 ngừng hoạt động vào tuần trước. Hệ thống của Gassco cung cấp khí đốt qua đường ống cho Anh, Đức, Bỉ và Pháp. Trong năm nay, Gassco đã hoãn bảo trì vào mùa Hè để đảm bảo dòng chảy ổn định khi việc cung cấp khí đốt bằng đường ống của Nga bị thu hẹp. Theo số liệu của Gassco, lượng hàng giao trong năm nay đã tăng khoảng 60 terawatt/giờ, tương đương 4,97 tỷ m3 khí đốt. Phát biểu với báo giới, ông Frode Leversund, Giám đốc điều hành (CEO) của Gassco, cho biết mùa Hè này, công ty đã giao lượng hàng thường giao trong những tháng mùa Đông. Theo ông Leversund, Gassco có thể cung cấp lượng khí đốt kỷ lục hằng năm mới, hơn 117 tỷ m3 trong năm 2022, cao hơn so với mức 113,2 tỷ m3 của năm ngoái. Theo kế hoạch, công ty sẽ tiến hành bảo trì trong tháng 9, có thể khiến sản lượng bị giảm đi, song hệ thống sẽ hoạt động từ 1/10, sẵn sàng chuẩn bị cho mùa Đông. Gassco dự kiến duy trì bảo trì trong 2-3 năm tới nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung cao. Một đường ống mới nối Na Uy với Ba Lan qua Đan Mạch, mang tên Baltic Pipe, dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 10, cũng có thể nâng cao năng lực tổng thể của Gassco. Tháng 5 vừa qua, nhà chức trách Na Uy dự báo tổng sản lượng khí đốt của nước này trong năm 2022 có thể tăng thêm 8% lên 122 tỷ m3.