COVID-19: Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện biến thể phụ XBB của Omicron

Nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện trên 526 bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từ ngày 1/7-25/12/2022. Trong đó, 67% (tương ứng với 353 ca) bệnh nhân có tải lượng virus phù hợp và được giải mã gene. Các nhà nghiên cứu thu nhận 336 bộ gene SARS-CoV-2, chiếm 95% trong tổng số 353 mẫu được đem đi phân tích. Kết quả định danh cho thấy, trong 6 tháng cuối năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh lưu hành chủ yếu là biến thể Omicron, chỉ có một chủng Delta ghi nhận vào tháng 7/2022. Nhóm nghiên cứu cho biết có sự dịch chuyển từ biến thể phụ BA.5 của Omicrion (trong các tháng 7,8,9/2022) sang biến thể phụ BA.2.75 (bao gồm biến thể phụ BN.1) trong 3 tháng cuối năm. "Sự dịch chuyển theo thời gian giữa các biến thể phụ của Omicron từ BA.5 sang BA.2.75 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp với xu hướng chung của thế giới," nhóm nghiên cứu nhận định. Kết quả còn ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB vào tháng 12/2022 nhưng ở tỷ lệ thấp. Cụ thể là 3/52 trình tự giải mã vào tháng 12, chiếm 5,7%. XBB là biến thể phụ của Omicron hay còn gọi là chủng BA.2.10, được phát hiện trên thế giới từ tháng 8/2022. Sau đó, XBB đã phát triển thêm các biến thể phụ bao gồm XBB.1 và XBB.1.5. Dựa vào diễn biến dịch COVID-19 thời gian qua và kết quả điều tra huyết thanh vào tháng 9, nhóm nghiên cứu nhận định, tình hình COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh đang được kiểm soát tốt. Qua đó, thể hiện vai trò của vaccine trong việc bảo vệ bệnh nhận nặng và tử vong. Việc tầm soát biến thể của virus SARS-CoV-2 tiếp tục được nhóm nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho chương trình ứng phó đại dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh./.

Bắc Giang: Bắt 5 đối tượng thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 98-06D

Ngày 4/1, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng là lãnh đạo, đăng kiểm viên Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 98-06D tại thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang để điều tra, làm rõ hành vi nhận hối lộ. Sau một thời gian nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện vi phạm ở Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 98-06D tại thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang. Cụ thể, ngày 29/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh triệu tập, làm việc với lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên Trung tâm đăng kiểm trên. Kết quả cho thấy, từ tháng 3/2021 đến nay, lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên của Trung tâm có hành vi vòi vĩnh, nhận tiền của chủ phương tiện xe cơ giới đến kiểm định để bỏ qua một số lỗi xe ôtô đến kiểm định và cấp giấy đăng kiểm. Cùng ngày, các đối tượng gồm Thân Văn Hòa, Trần Văn Quyền, Trần Văn Nam, Nguyễn Ngọc Tuyến đều là Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 98-06D và Trương Ngọc Tân, nhân viên đăng kiểm của Trung tâm này đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh xin đầu thú, khai nhận hành vi nhận hối lộ trong quá trình đăng kiểm với số tiền nhiều tỷ đồng. Bước đầu, nhóm đối tượng này thừa nhận đã thống nhất thu tiền hối lộ của chủ các phương tiện có lỗi để bỏ qua và cấp giấy đăng kiểm đạt với mức thu từ 100.000-500.000 đồng, đặc biệt có trường hợp lên đến tiền triệu. Số tiền trên sau đó được chia nhau theo tỷ lệ thỏa thuận đã thống nhất từ trước. Cũng trong ngày 29/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng liên quan và thu giữ hơn 500 triệu đồng cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án như máy tính, sổ sách, tài liệu ghi chép có liên quan. Hai đối tượng liên quan trong vụ án đã nộp hơn 1,4 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Ngày 3/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã ra lệnh tạm giam đối với 5 bị can trên. Các lệnh và quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang phê chuẩn. Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về việc tăng cường công tác nắm tình hình trong lĩnh vực phương tiện cơ giới đường bộ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng Cảnh sát kinh tế), Công an tỉnh đã phát hiện một số xe ôtô đưa đón công nhân bị đục số khung, số máy nhưng vẫn được đăng kiểm, lưu hành. Qua xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 98-06D là đơn vị thuộc Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Nam (địa chỉ tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) có biểu hiện sai phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đang điều tra, mở rộng vụ án./.

Kiến nghị ban hành chính sách đặc thù với Chương trình giáo dục phổ thông mới

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai đổi mới chương trình, sách khoa khoa giáo dục phổ thông cho thấy, ngành Giáo dục đã bước đầu đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành phù hợp với định hướng, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Hướng dẫn xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại các địa phương đáp ứng được cơ bản yêu cầu. Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc dạy - học, kiểm tra đánh giá, đáp ứng được cơ bản yêu cầu của chương trình mới. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ rõ một số vấn đề tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai liên quan đến sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Theo đó, sách giáo khoa được biên soạn còn một số nội dung chưa phù hợp như dùng từ địa phương, ngữ liệu chưa hay, thông tin chưa phù hợp với học sinh. Do Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 về việc không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện), việc biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử, dịch sách giáo khoa sang sách chữ nổi Braille theo bộ sách này chưa thực hiện được. Việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, môn ngoại ngữ 2 và các chương trình môn ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh còn chậm so với các môn học khác. Việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương còn chậm, muộn, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là thiếu giáo viên Tiểu học, thiếu giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp Trung học Phổ thông. Chất lượng đội ngũ không đều, nhất là ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Tình trạng thiếu trường lớp vẫn xảy ra, đặc biệt ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Một số địa phương thực hiện dồn ghép cơ sở giáo dục một cách cơ học hoặc xây dựng trường chưa đủ tiêu chuẩn, mua sắm thiết bị dạy học chưa đảm bảo tiến độ. Để tháo gỡ các tồn tại trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị một số giải pháp nhằm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả. Đối với Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị các cơ quan khi thẩm định phương án phân bổ dự toán ngân sách hằng năm bảo đảm tiêu chí phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo để đảm bảo tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục theo Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội, Luật Giáo dục 2019; chi đầu tư phát triển tách riêng ngành Giáo dục để đảm bảo tối thiểu tổng chi theo quy định. Đối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025 (ưu tiên miền núi, biên giới, hải đảo, các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh). Quốc hội xem xét, ban hành chế độ đặc thù phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Tổng Giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù

Tin 24h ngày 4/1/2023
Các bị cáo nghe chủ tọa tuyên án.

Sau hai tuần xét xử và nghị án, sáng 4/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1969, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) 16 năm tù về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng," 14 năm tù về tội "đưa hối lộ." Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nhàn là 30 năm tù. Bị cáo Trần Mạnh Hà (sinh năm 1971, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị tòa tuyên phạt 13 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng," 12 năm tù về tội "Đưa hối lộ." Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Hà là 25 năm tù. Bị cáo Trần Đình Thành (sinh năm 1955, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) bị tòa tuyên phạt 11 năm tù; bị cáo Đinh Quốc Thái (sinh năm 1959, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai) bị phạt 9 năm tù về cùng tội "Nhận hối lộ." Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (sinh năm 1967, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị tuyên phạt 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ." Tổng hợp hỉnh phạt chung đối với bị cáo Vũ là 19 năm tù. Bị cáo Bồ Ngọc Thu (sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ." Bị cáo Trịnh Huy Cường (sinh năm 1975, Trưởng Phòng Quản lý xây dựng-Sở Xây dựng Đồng Nai, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng Đồng Nai) bị phạt 30 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng." Các bị cáo còn lại bị tòa tuyên phạt về cùng tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Hoàng Thị Thúy Nga (sinh năm 1975, Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) 12 năm tù, Phan Minh Trí (sinh năm 1979, Trưởng Phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Đồng Nai) 6 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1960, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn Xây dựng Đồng Nai - nay là Trung tâm Tư vấn quy hoạch kiểm định xây dựng Đồng Nai) 4 năm 6 tháng, Đỗ Văn Sơn (sinh năm 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế) 6 năm tù...

Lạm dụng corticoid tự điều trị cúm, nữ bệnh nhân 37 tuổi suy đa tạng

Ngày 4-1, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại đây đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 37 tuổi, ở Hà Nội, bị viêm phổi bội nhiễm, suy đa tạng do lạm dụng corticoid tự điều trị cúm. Cuối tháng 10-2022, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ngứa họng, ho, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân nên đã tự điều trị hạ sốt bằng corticoid (medrol 16 mg/ngày). 3 ngày sau tình trạng không cải thiện, sốt cao kéo dài kèm khó thở nhiều, phải thở ôxy sau đó thở máy. Bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khi nhập viện, tình trạng bệnh nhân rất nặng, sốt cao liên tục, sốc nhiễm khuẩn nặng, ôxy máu giảm rất thấp. X-quang phổi mờ trắng xóa cả 2 bên phế trường, test nhanh cúm B dương tính. Điều đặc biệt là mặc dù nhiễm cúm nhưng tình trạng nhiễm vi khuẩn trên xét nghiệm rất cao kèm theo đó là số lượng bạch cầu giảm trầm trọng. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng virus, thở máy và lọc máu hấp phụ. Do bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hồi sức, các bác sĩ phải tiến hành can thiệp ECMO. Trong quá trình 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy với ôxy liều cao, do suy giảm khả năng đề kháng, nữ bệnh nhân này rất nhạy cảm với các vi sinh vật trong bệnh viện và phải điều trị nhiều đợt kháng sinh, kháng nấm. Ngày 3-1, sau hơn 2 tháng nằm điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân được ra viện. Tuy nhiên, các tổn thương phổi sau đó có thể sẽ còn tồn tại và cần phải theo dõi trong thời gian dài. Bác sĩ Cường cho biết việc lạm dụng corticoid diễn ra thường xuyên ở Việt Nam trong điều trị nhiễm cúm và các bệnh xương khớp (được trộn lẫn trong các thành phần thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc). Triệu chứng giảm bạch cầu rất hay gặp ở bệnh nhân nhiễm virus đặc biệt là nhiễm cúm và sốt xuất huyết làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc corticoid ở các bệnh nhân nhiễm virus làm tăng nguy cơ bội nhiễm đặc biệt là các vi khuẩn kháng thuốc.

Bình Thuận: Bắt giam thêm 3 thành viên đoàn kiểm tra liên ngành trong vụ án nhận hối lộ

Chiều ngày 4/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã tiến hành triển khai thực hiện các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt 3 bị can, tạm giam và để điều tra làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 3 bị can gồm: Phạm Minh Thắng, nguyên cán bộ Đội quản lý thị trường số 2, thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Thuận; Nguyễn Anh Phong, cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng huyện Hàm Thuận Nam và Phạm Phú Tưởng, cán bộ Chi cục thuế khu vực huyện Hàm Thuận Nam-Hàm Thuận Bắc để điều tra làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Các Quyết định, Lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Các bị can Phạm Minh Thắng, Nguyễn Anh Phong và Phạm Phú Tưởng là các thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hàm Thuận Nam do Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận chủ trì. Đoàn công tác này đã tiến hành kiểm tra việc tàng trữ đất sét tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Mai Bình Thuận, hộ kinh doanh Đức Thành, hộ kinh doanh sản xuất gạch Rạng Đông II. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành này đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được phân công để lập hồ sơ hạ thấp khối lượng đất sét mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Mai và hai hộ kinh doanh trên tàng trữ không có nguồn gốc hợp pháp so với thực tế gây thất thoát tài sản nhà nước. Vụ việc bị người dân phát hiện và tố giác. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Nam đã thụ lý đơn tố giác và tiến hành điều tra phát hiện các thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành có dấu hiệu của tội nhận hối lộ. Ngày 16/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hàm Thuận Nam và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hàm Thuận Nam đã thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trần Văn Thăng, quyền đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 và 2 kiểm soát viên của đội là Bùi Viết Mạnh và Ngô Minh Phúc. Cùng ngày 16/9, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ký các Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 5 cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2, thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Thuận, gồm Trần Văn Thăng, quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cùng với 4 kiểm soát viên thị trường Đội Quản lý thị trường số 2 là Bùi Viết Mạnh, Ngô Minh Phúc, Phạm Minh Thắng và Nguyễn Hoàng Chương.

Bé trai 10 tuổi rơi ống trụ bê tông đã tử vong

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp vừa thông tin, đến thời điểm này, cơ quan chức năng tại hiện trường xác định bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã tử vong. Chiều tối 4/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chia sẻ với báo chí về tình hình cứu nạn và thông tin xác định về em bé 10 tuổi gặp nạn. Theo ông Bửu, đến thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng tại hiện trường đã xác định bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã tử vong. Ông Bửu cho biết thêm, xác định như vậy là do nhiều cơ quan cùng đánh giá, đưa ra dựa vào thời gian bé gặp nạn, tình trạng rơi vào ống cống có độ sâu…. Hiện cơ quan chức năng đang tìm mọi cách đưa bé trai lên mặt đất để gia đình lo hậu sự. Được biết, trước khi thông tin với báo chí như trên, cha của bé Hạo Nam đã được đưa vào hiện trường làm việc với cơ quan chức năng và chỉ huy công tác cứu hộ - cứu nạn.

Mâu thuẫn trên đường đi, 2 đối tượng vung kiếm chém chết người rồi bỏ trốn

Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an cùng Công an huyện Ba Vì, Công an TP Hà Nội vừa bắt giữ 2 đối tượng dùng kiếm chém khiến 1 người tử vong rồi bỏ trốn vào Lâm Đồng. Danh tính 2 đối tượng được xác định là Trương Văn Hải (SN 1986) và Nguyễn Đình Sang (SN 1991) cùng trú tại huyện Ba Vì. Cụ thể, vào khoảng 17h ngày 26/12/2022, Sang điều khiển xe máy chở Hải đi trên đường với mục đích để trộm cắp tài sản. Quá trình di chuyển, Hải mang theo thanh kiếm dài khoảng 1m. Khi đi đến địa phận thôn 6, xã Ba Trại, nhóm đối tượng gặp anh N.Đ.H. (SN 1990), trú tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì cùng 2 người khác đang đi trên xe máy và xe 3 gác để chở kính. Tuy nhiên, do xảy ra mâu thuẫn nên nhóm đối tượng đã vung kiếm chém khiến anh H. tử vong và chém 1 người khác nhưng may mắn không gây thương tích. Theo khai nhận của Sang, thời điểm gặp nhóm của anh H. Sang có nói: "Anh đi thế nào để em đi" thì bị anh H. to tiếng và mắng. Sau khi tiếp tục di chuyển thì Hải nói: "Quay lại chém cho nó nhớ". Lập tức, Sang đã điều khiển xe quay lại và Hải vung kiếm chém trúng vùng cổ anh H. Mặc dù được đưa vào viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong do vết thương nặng. Sau khi gây án, 2 đối tượng chạy về hướng tỉnh lộ 414 và Hải tiếp tục dùng kiếm đập trúng lưng 1 người khác nhưng may mắn người này không bị thương. Vào cuộc điều tra, lực lượng công an bắt giữ nhóm đối tượng tại huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng).

Tình báo Ukraine cảnh báo sẽ có các tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga

Ông Kirill Budanov, Giám đốc tình báo của Ukraine, cảnh báo Nga sẽ phải hứng chịu những cuộc tấn công mới sâu hơn vào lãnh thổ nước này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài ABC News, khi được hỏi liệu có phải Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công gần đây vào một căn cứ không quân của Nga hay không, Giám đốc tình báo của Ukraine không phủ nhận cũng không nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. “Tôi không thể đưa ra câu trả lời ngay bây giờ cho câu hỏi này. Tôi chỉ có thể trả lời sau khi cuộc xung đột này kết thúc,” ông Budanov nói. Trong những tuần gần đây, Moskva đã nhiều lần cáo buộc Kiev thực hiện các cuộc tấn công vào cơ sở quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một máy bay không người lái của Ukraine đã cố nhắm mục tiêu vào sân bay Engels ở vùng Saratov, căn cứ không quân chiến lược của Nga. Lực lượng phòng không đã bắn hạ chiếc máy bay không người lái này, nhưng các mảnh vỡ đã khiến 3 binh sĩ thiệt mạng. Ngoài ra, quan chức tình báo hàng đầu của Ukraine dự đoán rằng Nga sắp phải đối mặt với các cuộc tấn công khác. Ông Budanov tuyên bố những cuộc tấn công này sẽ nhắm mục tiêu “ngày càng sâu” vào lãnh thổ Nga, đồng thời ám chỉ cuộc tấn công sẽ diễn ra ở Crimea. Ông lập luận rằng bán đảo này là một phần lãnh thổ Ukraine. “Chúng tôi có thể sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào trên lãnh thổ của mình”, ông nói. Crimea đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014. Bên cạnh đó, ông Budanov cũng cảm ơn Mỹ đã hỗ trợ cho Ukraine, yêu cầu Washington tiếp tục viện trợ và cam kết sẽ không mất nhiều thời gian để đạt được kết quả. Đúng đêm Giao thừa ngày 1/1, Ukraine đã sử dụng các hệ thống tên lửa phóng loạt (HIMARS) do Mỹ sản xuất để phá hủy một doanh trại tạm thời tại Makiivka, thành phố thuộc vùng Donetsk ở miền Đông Ukraine mà lực lượng của Moskva đang kiểm soát. Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công đã khiến 89 quân nhân thiệt mạng. Bệ phóng HIMARS sau đó đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công trả đũa. Các lực lượng của Kiev cũng đã nhiều lần sử dụng các hệ thống HIMARS và các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp để nhắm vào các mục tiêu ở khu vực Donbass. Theo chính quyền địa phương, từ tháng 6 đến đầu tháng 12/2022, Ukraine đã tiến hành 185 cuộc tấn công bằng hệ thống HIMARS vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng. Ukraine cũng đã nhiều lần đề nghị Mỹ hỗ trợ vũ khí tầm xa. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington vẫn miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu này vì lo khiến xung đột leo thang. Vào tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng nếu Mỹ cung cấp cho Kiev loại vũ khí này, điều đó sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và khiến Mỹ trở thành “một bên trực tiếp của cuộc xung đột”.

San hô bị tẩy trắng đe dọa sự tồn tại của nhiều loài cá

Tình trạng san hô bị tẩy trắng gia tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm hao hụt nguồn thức ăn của nhiều loài cá, đặc biệt là những loài như cá bướm, vốn phụ thuộc vào nguồn thực phẩm là san hô. Điều này khiến chúng lao vào những "cuộc chiến không cần thiết" để giành giật san hô, khiến năng lượng quý giá bị tiêu hao và có khả năng đe dọa tới sự sống còn của chúng. Trong bối cảnh tương lai của các rạn san hô trên thế giới đang ngày càng bất định do biến đổi khí hậu, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Lancaster (Anh) đã tiến hành nghiên cứu về tác động của hiện tượng san hô tẩy trắng hàng loạt đối với sự sống của 38 loài cá bướm. Theo nhà sinh thái biển Sally Keith, tác giả chính của nghiên cứu, loài cá bướm sống quanh quẩn các rạn san hô chịu ảnh hưởng trước tiên bởi loài cá này ăn san hô, do đó tình trạng tẩy trắng san hô tỷ lệ thuận với số lượng thức ăn mất đi của loài cá sặc sỡ này. Thực tế này đã đẩy nhiều loài cá bướm vào cảnh tranh giành địa bàn san hô. Nhóm nhà khoa học đã so sánh hành vi của loài cá bướm tại 17 rạn san hô ngoài khơi Nhật Bản, Philippines, Indonesia và Đảo Christmas (Australia) từ trước và sau khi xảy ra sự kiện san hô bị tẩy trắng tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 2016. Tình trạng san hô bị tẩy trắng ảnh hưởng đặc biệt đến san hô Acropora, nguồn thức ăn chính của cá bướm, khiến các loài cá bướm khác nhau phải cạnh tranh ngày càng nhiều để tranh giành các loại san hô khác. Khi một con cá bướm muốn báo hiệu cho đối thủ cạnh tranh rằng một mẩu san hô cụ thể là của chúng, chúng sẽ chúc mũi xuống và nâng vây lưng có gai lên. Nếu cách này thất bại, chúng sẽ rượt đuổi nhau cho tới khi một con bỏ cuộc. Nhóm nghiên cứu đã quan sát 3.700 cuộc "đụng độ" giữa các loài cá bướm. Trước sự kiện tẩy trắng san hô, các loài cá bướm khác nhau có thể giải quyết tranh chấp bằng cách sử dụng tín hiệu trong khoảng 28% thời gian. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 10% sau sự kiện trên, cho thấy nhiều "cuộc đối đầu không cần thiết". Chuyên gia Keith lưu ý "việc đưa ra những quyết định sai lầm (của cá bướm) về việc nên chiến đấu với cái gì và đầu tư nguồn năng lượng thực sự quý giá của mình vào đâu có thể âm thầm đưa các loài cá bướm đến bờ vực của nạn đói thực sự”. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo không rõ liệu loài cá này có thể thích nghi đủ nhanh với những thay đổi do quá trình tẩy trắng san hô gây ra hay không. Theo bà Keith, tình trạng này có thể gây tác động dây chuyền giữa các loài và chuỗi thức ăn. Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã thúc đẩy quá trình tẩy trắng san hô hàng loạt khi các đại dương trên thế giới ấm lên. Nghiên cứu mô hình vào năm ngoái đã phát hiện ra rằng ngay cả khi đạt được mục tiêu khí hậu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là khống chế mức tăng của nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C thì 99% các rạn san hô trên thế giới sẽ không thể phục hồi. Trong trường hợp nhiệt độ tăng 2 độ C, tỷ lệ trên sẽ tăng lên 100%.