49 năm thống nhất đất nước: Nhịp cầu hàn gắn vết thương chiến tranh

Tin 24h ngày 30/4/2023
Xe tăng của Lữ đoàn tăng - thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington, Tiến sỹ Andrew Wells-Dang, lãnh đạo Sáng kiến Hòa giải và Di sản chiến tranh Việt Nam tại Viện Hòa bình Mỹ (USIP), nhấn mạnh một điểm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Mỹ là nền tảng quan hệ ngoại giao nhân dân, bao gồm các mối quan hệ giữa các cựu chiến binh, sinh viên, doanh nhân và các tổ chức phát triển phi chính phủ.

Nhìn vào thời kỳ hậu chiến, Tiến sỹ Andrew Wells-Dang nhận thấy rằng sự tin tưởng và hợp tác giữa nhân dân hai nước đã hình thành từ trước khi Việt Nam và Mỹ đạt được những tiến bộ ngoại giao ở cấp nhà nước. Nhìn chung, hầu hết tất cả hội nhóm chính trị-xã hội đều ủng hộ mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn. Đây là thành tựu đáng kể trong quá trình hòa giải thời hậu chiến.

Nhiều năm qua, các tổ chức phi chính phủ cũng như các quỹ, các cá nhân là đối tác Mỹ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã hỗ trợ với giá trị ước tính hàng triệu USD chăm sóc nạn nhân chiến tranh ở các địa phương, xây nhà tình thương, các cơ sở văn hóa, thư viện, tặng quà, vật nuôi cho người dân các vùng sâu, vùng nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đoàn sinh viên Mỹ đã đến lao động tình nguyện cũng như ủng hộ tiền, phương tiện học tập cho người khuyết tật và các nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở các địa phương của Việt Nam.

Nhiều cựu binh hay con cái, thân nhân binh lính Mỹ tử trận tại Việt Nam từ chỗ thấu hiểu sự thật quá khứ đã đi đến những việc làm cụ thể giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Một số dự án đã đem lại hiệu ứng tốt về hòa giải sâu rộng, như tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa những người từng ở hai bên chiến tuyến, giữa thân nhân những người đã mất hoặc bị thương trong chiến tranh của cả hai bên, hay các dự án của những người Mỹ có người thân chết trong chiến tranh Việt Nam hỗ trợ xây nhà cho người nghèo ở Việt Nam...

Nhiều người Mỹ tận mắt chứng kiến những hậu quả nặng nề của chiến tranh mà sau gần nửa thế kỷ qua người dân Việt Nam vẫn đang phải chịu đựng, đã quyết định làm gì đó để đóng góp vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh và sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ hai nước.

Một số học giả, nhà nghiên cứu, phóng viên đến Việt Nam lấy tư liệu viết sách, báo, làm phim, ảnh đã phản ánh trung thực, khách quan về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và hậu quả của nó, cũng như thành tựu và khó khăn của Việt Nam trong phát triển, xây dựng đất nước.

Tin 24h ngày 30/4/2023
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975.
Cảm kích trước tấm lòng vị tha, hào hiệp của nhân dân Việt Nam trong việc giúp tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ mất tích, trong khi bao người mẹ, người vợ và gia đình Việt Nam chưa tìm ra dấu tích của người thân đã hy sinh, ngày càng có thêm nhiều cựu binh Mỹ và gia đình tới Việt Nam, mang theo hàng trăm hồ sơ, tài liệu, kỷ vật chiến trường để trao cho các cơ quan chức năng, gia đình liệt sỹ hoặc các bảo tàng của Việt Nam, giúp tìm kiếm hài cốt của bộ đội hy sinh, mất tích trên các chiến trường năm xưa.

Nhà nghiên cứu về an ninh quốc tế David Johnson thuộc Đại học Luật Stanford, đánh giá: "Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ là một ví dụ về việc hàn gắn vết thương của quá khứ, mà còn là một minh chứng cho sức mạnh của sự thấu hiểu và hợp tác trong ngoại giao."

Những năm gần đây, việc giảng dạy về chiến tranh Việt Nam trong các trường học Mỹ đã được quan tâm và chú trọng nhiều hơn, giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự kiện quan trọng này trong lịch sử hai nước, không chỉ về các diễn tiến chính của cuộc chiến, mà còn về những hậu quả và tác động xa hơn đến cả hai nước. Bài học từ chiến tranh Việt Nam mang những ý nghĩa sâu sắc về hòa bình, quyền con người và sự đa dạng văn hóa. Việc hiểu rõ về những sai lầm và hậu quả của cuộc chiến có thể giúp tránh những điều tương tự trong tương lai.

Việc đưa chiến tranh Việt Nam vào nội dung giảng dạy cũng giúp thế hệ trẻ ở Mỹ hiểu hơn về văn hóa và địa lý, con người Việt Nam, mở ra cánh cửa để hiểu biết sâu hơn về văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố quan hệ giữa hai nước. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người trẻ Mỹ đến Việt Nam để học và dạy tiếng Anh, góp phần xây dựng cầu nối nhằm thúc đẩy sự hiểu biết giữa hai nước.

Theo Tiến sỹ Andrew Wells-Dang, thế hệ trẻ của hai nước cần phải được biết rõ hơn về cuộc chiến tranh, sự tàn khốc và những mất mát từ cả hai phía, từ đó đóng góp nhiều hơn vào việc hòa giải và phát triển quan hệ hai nước.

Ông Ron Carver, Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Waging Peace in Vietnam, đã làm việc với một nhóm cựu chiến binh và nhà sử học tại Mỹ biên soạn hai cuốn sách, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Việt, nói về vai trò của những cựu chiến binh yêu hòa bình đã góp phần vào việc chấm dứt chiến tranh. Nhóm đã đưa tuyển tập này đi giới thiệu tại 19 trường đại học ở Mỹ và 8 trường đại học ở Việt Nam.

Ông Ron Carver cho biết đang cố gắng để tổ chức một hội thảo, nơi các nhà sử học Mỹ và Việt Nam có thể gặp gỡ và thảo luận về việc kết thúc chiến tranh và các chiến lược hợp tác trong tương lai. Sự kiện dự kiến tổ chức vào năm sau để kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh. Đây là một hình thức khác của sự hợp tác giữa nhân dân và nhân dân, tăng cường sự hiểu biết và ghi chép lại những ký ức của cuộc chiến tranh.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện phòng trưng bày về những nỗ lực chung của hai nước khắc phục hậu quả chiến tranh. Gian triển lãm chung này sẽ khai trương vào năm 2025.

Đáng chú ý, sẽ có một gian triển lãm cố định do các cựu chiến binh từ bang Kentucky biên soạn, trưng bày các tác phẩm của các nhiếp ảnh gia chiến tranh người Việt Nam và phương Tây.

Theo Giáo sư John Smith, Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Harvard, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã "trải qua một quá trình đáng kinh ngạc từ thời kỳ hậu chiến đến nay. Sự hợp tác và cùng nhau xây dựng lại mối quan hệ đã làm nền tảng cho một tương lai hứa hẹn."

Giáo sư chuyên nghiên cứu về ngoại giao và quan hệ quốc tế Sarah Brown, Đại học Columbia, đánh giá: "Việc Việt Nam và Mỹ xây dựng mối quan hệ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung đã tạo ra một điểm sáng trong bức tranh đa chiều của quan hệ quốc tế hiện đại."

Thời chiến tranh, ngay trong lòng nước Mỹ, làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam rầm rộ đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của những người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình. Sau chiến tranh, hoạt động đối ngoại nhân dân đã trở thành nhịp cầu giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển lên tầm cao mới.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan nhà nước

Nghị định 29/2024/NĐ-CP về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo quản lý trong cơ quan Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024.

Nghị định 29 áp dụng đối với các chức danh thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; vụ trưởng, cục trưởng, chánh văn phòng bộ, chánh thanh tra bộ; tổng cục trưởng và tương đương; phó tổng cục trưởng và tương đương; giám đốc sở, chánh văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, chánh văn phòng UBND cấp tỉnh, chánh thanh tra tỉnh, trưởng ban Ban Dân tộc…

Các chức danh nêu trên phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác và các tiêu chuẩn riêng đối với từng chức danh.

Trong đó, tiêu chuẩn chung về trình độ là tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định của cấp có thẩm quyền…

Giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024.

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, Quyết định 05/2024/QĐ-TTg nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành Nghị định mới về cải cách tiền lương

Ngày 5/1, Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được ban hành. Trong đó, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 5/2024. Đây là cơ sở để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp (CCN) được quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2024 của Chính phủ.

Nghị định quy định ưu đãi đầu tư đối với: CCN là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Nghị định quy định Ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các CCN đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, CCN phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống...

Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong CCN.

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của CCN.

UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền, quy định của pháp luật về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn.

Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/5/2024.

Xác cá voi hơn 10 tấn trôi dạt trên biển Cô Tô

Xác một con cá voi hơn 10 tấn đang trong quá trình phân hủy trôi trên biển đã được người dân huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) trục vớt và chôn cất theo nghi lễ của ngư dân miền biển.

Chiều 29/4, người dân và lực lượng chức năng huyện Cô Tô phát hiện một xác cá voi bị trôi dạt vào khu vực vùng biển trước bãi biển Tình Yêu (thị trấn Cô Tô).

Xác cá voi ước nặng khoảng hơn 10 tấn và không còn nguyên vẹn, phần đầu, phần đuôi và phần mang bụng đã bị phân hủy nặng.

Các lực lượng chức năng và người dân trên đảo đã huy động người và phương tiện trục vớt xác cá voi, tiến hành các nghi lễ chôn cất theo phong tục của người dân vùng biển.

Theo quan niệm dân gian, cá voi là vị phúc thần giúp đỡ ngư dân khi chẳng may gặp nạn trên biển nên khi phát hiện xác cá voi trôi dạt trên biển, người dân đều đưa vào bờ làm lễ chôn cất chu đáo theo phong tục thờ Cá Ông.

'Đà Lạt xảy ra biến lớn, bạo động' là thông tin sai sự thật

Chiều 30-4, Công an tỉnh Lâm Đồng đưa thông tin phản bác một số thông tin sai sự thật đang lan truyền trên mạng xã hội.

Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết qua công tác đm bảo an ninh mạng, đơn vị phát hiện trên không gian mạng lan truyền thông tin cho rằng “Đà Lạt xảy ra biến lớn”, “Đà Lạt xảy ra vấn đề, cấm người dân ra đường”, “Đà Lạt xảy ra bạo động, bắn súng...”

"Những thông tin này đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương" - theo Công an Lâm Đồng.

Đơn vị này cũng khẳng định các thông tin nêu trên là sai sự thật, vi phạm pháp luật.

Hiện Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh các trường hợp lan truyền, phát tán thông tin sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Trao đổi với PLO, một cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho hay: Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh bình thường. "Cứ vào các dịp lễ lớn của đất nước là các thế lực phản động tung tin xấu độc, tin giả gây hoang mang cho dân", người này nói.

Kon Tum: Xảy ra trận động đất có độ lớn 4.1 tại huyện Kon Plông

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sáng 30/4, trận động đất có độ lớn 4.1 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trận động đất trên xảy ra vào khoảng 8 giờ 5 phút 2 giây, ngày 30/4, tại tọa độ 14.818 độ Vĩ Bắc - 108.287 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 11km, không gây rủi ro thiên tai.

Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4.7, xảy ra vào chiều 23/8/2022.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0.

Mức độ động đất tại khu vực này dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro.

Viện Vật lý Địa cầu thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này; đồng thời các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.

Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh này; đồng thời thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.

Va chạm mạnh giữa hai ô tô khách ở Gia Lai, một người tử vong, 16 người bị thương

Vào khoảng 3 giờ ngày 30/4, tại ngã tư đường tránh Hồ Chí Minh giao với Quốc lộ 25, thị trấn Chư Sê (Gia Lai) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe khách làm một người tử vong tại chỗ, 16 người bị thương.

Theo thông tin ban đầu từ Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, xe khách giường nằm biển kiểm soát 51B-294.89 của nhà xe Cô Hai, chạy tuyến Hà Nội - Krông Pa, do tài xế Nguyễn Công Dân điều khiển đã va chạm mạnh với xe khách biển kiểm soát 47B-020.26 của nhà xe Quốc Cường do tài xế Đinh Văn Hùng điều khiển, chạy tuyến Đà Nẵng - Đắk Lắk.

Cú va chạm mạnh khiến hai xe hư hỏng nặng. Tại hiện trường la liệt các mảnh vỡ của xe; một cột đèn tín hiệu giao thông và dải phân cách bị húc văng, mảnh vỡ văng tung tóe khắp nơi. Xe khách Quốc Cường mất lái lao vào rẫy của người dân.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, triển khai công tác cứu hộ. Các nạn nhân được đưa ra khỏi xe và chuyển đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Theo thông tin từ bệnh viện, 16 người bị thương đang được điều trị tích cực, trong đó có nhiều trường hợp bị đa chấn thương. Nạn nhân tử vong tại chỗ đã được xác định danh tính.

Ông Lý Minh Thái, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã khẩn trương triển khai “báo động đỏ”, huy động đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm để tiếp nhận và cấp cứu nạn nhân.

Các y bác sĩ có chuyên môn cao thực hiện phân loại bệnh nhân ngay tại hiện trường và tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận, khám sàng lọc và điều trị cho nạn nhân. Hiện đang có 2 trường hợp chấn thương sọ não đã được ưu tiên cấp cứu và chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Gia Lai đang triển khai lực lượng điều tiết giao thông, bảo vệ hiện trường vụ tai nạn. Cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Thông tin mới vụ phát hiện thi thể chết khô trong căn hộ chung cư ở Hà Nội

Ngày 30/4, liên quan đến vụ việc phát hiện thi thể nữ chết khô ở một căn hộ chung cư trên địa bàn phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, đại diện UBND phường Tây Mỗ cho biết hiện thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình đưa về mai táng theo phong tục.

Lãnh đạo UBND phường Tây Mỗ cho biết, nạn nhân sinh năm 1995, quê quán tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đã mua căn hộ ở tòa S4-03 đứng tên mình cách đây 2 năm.

Trước đó, người nhà nạn nhân đã có đơn trình báo cơ quan chức năng. Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai nghi ngờ người mất tích ở Hà Nội nên đã phối hợp với Công an Hà Nội để tìm kiếm.

"Tại thời điểm phát hiện, thi thể đã trong tình trạng phân hủy và khô đang nằm trên ghế sofa, điện thoại của nạn nhân bị tháo sim. Lực lượng chức năng cũng tìm kiếm ô tô của nạn nhân ở khu vực bãi đỗ xe nhưng không thấy. Hiện lực lượng công an cũng đang xác minh về việc nạn nhân có ở cùng với ai hay không", vị lãnh đạo phường thông tin.

Theo thông tin từ người dân, giữa năm 2022 căn hộ chung cư (nơi xảy ra vụ việc) này có hai người ở, một người đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi. Cũng vào thời điểm này từng xuất hiện tiếng cãi nhau giữa hai người, một số đồ đạc bị ném xuống sân chung cư, bảo vệ phải nhắc nhở, sau đó một thời gian không có người ra vào.

"Vì ở chung cư và các gia đình không có mối quan hệ, nhiều căn hộ thì cho thuê không cố định nên người dân không mấy khi quan tâm đến nhau. Năm ngoái có thời điểm ở khu vực phát ra mùi hôi thoang thoảng nhưng mọi người chỉ nghĩ mùi hôi của khu rác", chị T.L. ở khu chung cư kể lại.

Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí

Trong các nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Nhật Bản đã xác nhận sự hiện diện của vi nhựa trong bầu khí quyển, trong mây, trong tuyết, do đó rất có thể chúng sẽ được hấp thụ vào cơ thể người thông qua đường thở, từ đó xâm nhập vào mạch máu.

Hạt vi nhựa có kích thước dưới 5mm, được sản sinh ra khi rác thải nhựa phân hủy dưới tia cực tím và các tác động tự nhiên như sóng và gió. Vi nhựa được coi là mang tính hóa học có hại cho các sinh vật, vì sau khi xâm nhập chúng sẽ giải phóng ra các hóa chất có thể xuất hiện trong các chuỗi thức ăn của con người thông qua các loại cá hoặc động vật có vỏ, gây tổn hại cả hệ sinh thái tự nhiên và con người,

Qua những quan sát thực tế được tiến hành trong giai đoạn 2021-2022, Giáo sư Hirochi Okochi thuộc Đại học Waseda của Nhật Bản lần đầu tiên chứng minh được rằng vi nhựa có trong nước thu được trực tiếp từ mây tại 3 địa điểm, trong đó có đỉnh núi Phú Sĩ. Do quá trình phân hủy bởi tia cực tím, các vật chất trong không khí trở nên chống bám nước, vì thế sẽ tồn tại dưới dạng nguyên tử cô đặc trong nước và băng thu được từ mây. Vi nhựa cũng phát thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình phân hủy dưới tia UV. Theo các nhà nghiên cứu, vi nhựa có thể đẩy nhanh quá trình hình thành mây, khiến cho tia Mặt trời khó tiếp cận bề mặt Trái Đất, từ đó can thiệp vào các mô hình mang tính dự báo về tình trạng ấm lên toàn cầu.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Hiroshi Ono thuộc Học viện Kỹ thuật Kitami ở Hokkaido đã phát hiện hạt vi nhựa trong tuyết. Đây là kết quả phân tích tuyết thu được từ 9 địa điểm ở Hokkaido trong giai đoạn 2021-2023. Ở những khu vực hẻo lánh, đa số vi nhựa tìm thấy có kích thước dưới 0,06mm, tương đối nhỏ, thuộc dạng polyethylene vốn được dùng trong các hộp đựng bằng nhựa. Ở khu vực thành thị, các hạt vi nhựa tìm thấy chủ yếu có kích thước tương đối lớn, là nhựa cao su tổng hợp và được cho là từ những nguồn như lốp xe.

Theo Giáo sư Okocho, vi nhựa trong khí quyển có kích thước dưới 0,1mm, nhỏ hơn so với vi nhựa trong đại dương, tuy nhiên chúng phân hủy nhanh hơn do tiếp xúc với các tia UV mạnh. Đối với sức khỏe con người, những hạt vi nhựa được hấp thụ vào cơ thể người chủ yếu tích tụ ở phổi, sau đó những hạt mịn hơn có thể đi khắp cơ thể qua đường máu. Tuy nhiên rất khó loại bỏ những hạt này như các loại nhựa được hấp thu qua thực phẩm và đồ uống nhiễm nhựa.

Nghiên cứu đầu tiên về vi nhựa trong không khí được đưa ra năm 2016, nhưng từ đó đến nay không có nhiều tiến triển trong việc xác định mức độ trầm trọng của vấn đề do lĩnh vực nghiên cứu này còn tương đối mới và không có các phương pháp chuẩn. Giáo sư Okochi cho biết vẫn còn nhiều điều cần làm rõ để xác định những ảnh hưởng về sức khỏe từ vi nhựa trong không khí cũng như cách thức đối phó với nguy cơ này./.