Cải cách tiền lương: Lương mới phải cao hơn lương cũ

Tin 24h ngày 8/5/2024
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024

Tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, trong đó có chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ về triển khai cải cách tiền lương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết: Hôm nay (ngày 4/5/2024), trong không khí phấn khởi, hào hùng hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 4 năm 2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện 3 CTMTQG; giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.

Trong tháng 4 và từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; kinh tế thế giới dự báo phục hồi chậm...

Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.

Trong đó tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Kỳ họp Trung ương 9, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật; tập trung chỉ đạo chuẩn bị, phối hợp tổ chức các hoạt động hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược; triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế quan trọng...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 5 quy hoạch vùng để hoàn thành toàn bộ 6 quy hoạch vùng KTXH theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Thảo luận tại Phiên họp, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thống nhất nhận định: Tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Nổi bật là, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Nông nghiệp phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%).

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,5%.

Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh,khách quốc tế4 tháng đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời.

Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó: Thu đủ chi. Tổng thu NSNN 4 tháng ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định, tạo dư địa chính sách tài khoá.

Xuất đủ nhập. Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá.

Tính chung 4 tháng tổng kim ngạch XNK đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó XK tăng 15%; NK tăng 15,4%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Làm đủ ăn. Xuất khẩu gạo đạt trên 3,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và 36,5% về trị giá so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15,65%).

Thu hút FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%(và cao nhất trong những năm qua).

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Trong4 tháng có 51.600 DN đăng ký thành lập mới (tăng 3,4% về số DN và 9,3% về vốn đăng ký với cùng kỳ); đồng thời có hơn 29.700 DN hoạt động trở lại, tăng 2,4%.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; trong tháng 4 có 94,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ (tăng 0,7% so với tháng 3). Trong 4 tháng, đã hỗ trợ cho người dân gần 18,5 nghìn tấn gạo.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên.

Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục.

Trong đó nổi lên là: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng, nhất là về tỷ giá, lãi suất, Số DN rút khỏi thị trường còn cao.

Thị trường BĐS bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắccòn chậm được giải quyết, chưa tháo gỡ được nút thắt trong vấn đề pháp lý; nợ xấu có xu hướng tăng.

Còn hơn 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 chưa phân bổ.

Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều địa phương.

An ninh, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…

Thủ tướng chỉ đạo triển khai một loạt giải pháp quan trọng để phát triển KTXH

Kết luận phiên họp, trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương 9 và Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý.

Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa; tăng cường áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu NSNN; đẩy mạnh thu thuế, lệ phí không dùng tiền mặt.

Bảo đảm hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, cung ứng đủ vốn tín dụng chonền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ an toàn hệ thống ngân hàng và tình hình nợ xấu.

Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi NSNN.

Sớm trình cấp có thẩm quyền về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu, BĐS, vàng…; xử lý nghiêm các vi phạm.

Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và các dịch vụ công.

Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Cụ thể, về đầu tư: Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tăng cường chuyển đổi số để giải quyết nhanh nhất thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; tăng cường các dự án hợp tác công tư, thu hút FDI có chọn lọc…

Về xuất khẩu: Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cũng ứng.Củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Trung đông, Mỹ latinh, sản phẩm Halal).

Về tiêu dùng: Tăng cường kết nối cung cầu;có gói khuyến mại kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, bao gồm: đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách; liên kết vùng; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; có phương án sớm phân bổ 33 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024. Triển khai quyết liệt hơn nữa các CTMTQG.

Kiên quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo cung ứng đủ cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, nhất là ở vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam.

Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ các Nghị định, thông tư thi hành các Luật về Đất đai, Tổ chức tín dụng, Kinh doanh BĐS, Nhà ở… để trình Quốc hội cho phép có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt;tập trung triển khai thực hiện Đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng Đề án thúc đẩy chuyển đổi số tương tự như Đề án 06 của Bộ Công an.

Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Trong đó: Về công nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại; thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ;bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống;

Về nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và vùng nguyên liệu; huy động hiệu quả sự tham gia của nhà đầu tư, nhà khoa học và ngân hàng trong phát triển nông nghiệp; chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân;

Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao;đẩy mạnh thu hút du lịch;tăng cường quản lý giá dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, nhất là trong mùa du lịch hè sắp tới.

Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, đời sống Nhân dân.

Chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm tổ chức thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 01/7/2024, nhất là công tác xây dựng thang bảng lương trên tinh thần lương mới phải cao hơn lương cũ.

Tổ chức triển khai quyết liệt Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2025.

Tăng cường bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Tập trung xây dựng các trung tâm xử lý nước thải, rác thải, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Chuẩn bị tổ chức tốt Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao. Nhanh chóng cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, nhất là truyền thông chính sách và những vấn đề quan trọng, dư luận xã hội quan tâm; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.

Từ 1/7, sinh trắc học mống mắt sẽ được thu thập tại cơ quan công an

Ngày 8/5, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an tổ chức triển lãm xác thực định danh sinh trắc học kết hợp với tuyên truyền sinh trắc học mống mắt trong quá trình thu nhận Căn cước, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc thu nhận sinh trắc học mống mắt. Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội.

Về thông tin sinh trắc học mống mắt quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 23, Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước. Theo đó, “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”. Như vậy, việc thu nhận thông tin sinh trắc học sẽ được cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu thập khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước.

Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024. Như vậy kể từ mốc này, tất cả người dân làm thủ tục để cấp thẻ căn cước sẽ được lấy dữ liệu sinh trắc học mống mắt.

Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...)

Tại triển lãm, đại diện Cục C06 cho biết: Dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng. Dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị các camera, tránh các trường hợp giả mạo khuôn mặt, video giả mạo khi định danh, xác thực cho các giao dịch.

Kết hợp với các yếu tố sinh trắc như khuôn mặt, dữ liệu sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (với các thiết bị di động hiện nay rất ít được trang bị modul xác thực vân tay) nên việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Theo C06, sinh trắc học mống mắt được thu thập tại cơ quan công an cùng với vân tay và ảnh mặt. Công dân cung cấp dữ liệu mống mắt khi làm thủ tục cấp Căn cước tại cơ quan Công an như: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cơ quan Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an cấp quận/huyện/thị xã thành phố thuộc tỉnh.

Thông tin từ C06 cho biết, việc thu thập sinh trắc học mống mắt ngoài việc giúp cơ quan chức năng quản lý cơ sở dữ liệu của người dân, còn giúp cho người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu... Giải pháp xác thực định danh và thanh toán sinh trắc học được EPAY giới thiệu tại sự kiện cho phép người dân chỉ cần thực hiện xác thực định danh một lần với các thiết bị/hệ thống được cấp phép. Sau đó sử dụng các thông tin sinh trắc học đã được đăng ký để thanh toán trên nhiều lĩnh vực: Ngân hàng, Giao thông, Y tế, Hành chính… một cách thuận tiện, nhanh chóng, an toàn. Ngay cả khi không mang theo bất cứ thiết bị hay hình thức thanh toán vật lý nào.

Giá xăng có thể giảm mạnh vào ngày mai

Giá xăng trong nước dự kiến quay đầu giảm mạnh vào ngày mai (9/5), trong đó mức giảm dự báo khoảng 1.100-1.200 đồng/lít.

Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào ngày mai (9/5).

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu phía Nam cho biết sau kỳ điều hành trước, giá dầu thô lao dốc mạnh, có thời điểm dầu thô WTI về dưới 78 USD/thùng. Vì vậy, nhiều khả năng giá xăng trong nước có thể giảm trong kỳ điều hành này.

Cụ thể, giá xăng dự kiến giảm khoảng 1.100-1.250 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm nhẹ hơn khoảng 650-750 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể giảm ít hơn.

Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng dự báo nhiều khả năng giá xăng sẽ giảm mạnh trong kỳ điều hành ngày mai, chiết khấu xăng dầu ngày 8/5 ở nhiều kho đang lên mức khoảng 2.000-2.200 đồng/lít.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ quay đầu giảm mạnh chỉ sau một phiên tăng nhẹ. Từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 95 đã có 11 lần tăng và 7 lần giảm.

40 chiếc xe điện du lịch bị thiêu rụi

40 xe điện chở du khách tham quan Hội An bị thiêu rụi sau đám cháy ở nhà xe trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, sáng 8/5.

Theo đó, khoảng 6h, lửa xuất phát từ nhà xe ở phía sau ký túc xá trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, đường Nguyễn Tất Thành, TP Hội An sau đó lan nhanh, sáng rực cả vùng. Cột khói đen bốc cao hàng trăm mét, kèm nhiều tiếng nổ lớn.

Nhà để xe rộng khoảng 500 m2, lợp mái tôn, dựng khung sắt, đang để 52 xe điện chở du khách của doanh nghiệp. Nhân viên nhà trường đã đưa 12 xe ra ngoài, trong đó 6 xe bị cháy một phần.

Cảnh sát đã điều 4 xe chữa cháy cùng hàng chục lính cứu hỏa đến phun vòi rồng vào dập lửa, chống cháy lan sang khu vực khác của trường.

Đến 7h, đám cháy được dập tắt. Nhà để xe đổ sập, bức tường xung quanh bị cháy sém, 40 xe điện bị thiêu rụi.

Ông Nguyễn Anh Tuyên, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, cho biết một doanh nghiệp kinh doanh xe điện chở khách tham quan phố cổ Hội An mượn sân phía sau ký túc xá của trường để nhờ xe điện qua đêm.

"Hỏa hoạn không gây hư hại tài sản cho trường, nhưng thiệt hại lớn cho doanh nghiệp", ông nói.

Cảnh sát đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân cháy.

Đồng Nai: đã xác định nguyên nhân khiến hơn 560 người ngộ độc tại Long Khánh

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở thành phố Long Khánh làm hơn 560 người phải nhập viện điều trị.

Theo phân tích bệnh phẩm và các thực phẩm sử dụng tại tiệm bánh mì, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.

Trước đó, ngày 6/5, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị cũng tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi, một trong những bệnh nhân của vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Long Khánh).

Theo thông tin ban đầu, ngày 30/4, tiệm bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) đã bán hơn 1 nghìn ổ bánh mì thịt cho khách hàng.

Đến sáng 1/5, nhiều người trước đó đã ăn bánh mì của tiệm Băng có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói nên nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.

Sau khi nhận được thông tin, UBND thành phố Long Khánh đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, ghi nhận tiệm bán bánh mì thịt trên phục vụ khoảng 1.000 ổ/ngày.

Thời điểm kiểm tra, các cơ quan chức năng kiểm tra, tiệm bánh mì không có Giấy phép kinh doanh, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Các lực lượng chức năng đã lấy mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì gồm: thịt nguội, dưa muối chua, chả lụa, thịt heo đã qua chế biến, pate gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại tiệm bánh mì này có 4 người làm việc trực tiếp không có Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, không có Giấy khám sức khỏe.

Liên quan đến vụ ngộ độc trên, ngày 7/5, ông Tăng Quốc Lập - Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh cho biết, UBND thành phố Long Khánh đã chuyển cơ quan điều tra xác minh làm rõ.

Đến sáng 7/5 chỉ còn 124 bệnh nhân còn nằm theo dõi tại bệnh viện Long Khánh và bệnh viện Cao su Đồng Nai. Tất cả đều ổn định không có dấu hiệu nặng. Riêng ca nặng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang theo dõi chưa có chuyển biến. Các ca ở bệnh viện Nhi Đồng Nai đều ổn định, 1 ca nặng đã có dấu hiệu hồi phục tích cực.

Vụ ngộ độc tập thể này đã khiến 568 trường hợp phải nhập viện khám và điều trị. Trong đó, hiện đang điều trị 300 trường hợp, chuyển viện 11 trường hợp, 138 trường hợp đã được xuất viện, cấp toa thuốc cho 119 trường hợp bị nhẹ điều trị tại nhà.

Được biết, vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm. Vi khuẩn này có thể gây ra bệnh tiêu chảy, thường xuất hiện qua đường ăn uống. Khi xâm nhập vào cơ thể, Salmonella sẽ sinh ra độc tố làm tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến các triệu chứng như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Thông thường, thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6-72 giờ sau khi ăn. Khoảng từ 18-36 giờ người nhiễm sẽ xuất hiện các triệu chứng như: đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, ói mửa. Các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần, trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Nhiều trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), ngộ độc Salmonella có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: mất nước nặng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngộ độc Salmonella do hệ miễn dịch của họ còn yếu.

Vi khuẩn Salmonella thường có trong thịt gia súc, gia cầm sống hoặc chưa được nấu chín. Ngoài ra, vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm qua rau củ quả chưa được rửa sạch hoặc sữa chưa được tiệt trùng.

Theo các chuyên gia, để phòng ngừa ngộ độc Salmonella, người dân cần lưu ý ăn chín, uống chín, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm, trứng và hải sản; rửa sạch tay trước khi chế biến và ăn uống; rửa sạch rau củ quả trước khi ăn; bảo quản thực phẩm đúng cách.

Đối với thực phẩm đã ướp lạnh, đóng băng thì thời gian đun nấu phải kéo dài hơn bình thường. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Trung Quốc: Cơ chế bệnh ung thư tiến triển từ vi khuẩn đường ruột do béo phì

Một nhóm nhà nghiên cứu ung thư Trung Quốc đã phát hiện một cơ chế mới, theo đó các vi khuẩn trong ruột liên quan đến bệnh béo phì có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh ung thư ở người bệnh.

Quá trình này liên quan đến việc giải phóng các hóa chất cụ thể vốn có thể gây tác động đáng kể đến sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư. Công trình nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ ngày 6/5.

Chế độ ăn nhiều chất béo (HFD) được coi là yếu tố nguy cơ đối với sự tiến triển của một số căn bệnh ung thư, phần lớn là do những tác động gây phá vỡ của chất béo đối với hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, vai trò chính xác của HFD trong sự tiến triển của ung thư chưa được tìm hiểu rõ trước đây.

Trong công trình nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Sun Yat-sen thực hiện, nhóm này đã thiết lập nhiều mô hình trên chuột mắc bệnh ung thư và phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật được nuôi dưỡng bằng chất béo đã giải phóng lượng leucine dồi dào. Đây là một loại axit amin có trong nhiều protein.

Theo nghiên cứu trên, nồng độ leucine tăng cao trong máu ngoại vi được phát hiện có liên quan đến kết quả lâm sàng kém ở bệnh nhân nữ mắc bệnh ung thư vú.

Bên cạnh đó, hệ vi sinh vật đường ruột bất thường có liên quan đến sự hình thành khả năng kháng hóa trị và một số liệu pháp miễn dịch đối với bệnh ung thư vú, ung thư phổi và khối u ác tính.

Các nhà nghiên cứu nhận định rằng những phát hiện nói trên mở ra hy vọng mới cho điều trị ngăn chặn ung thư bằng cách nhắm vào sự chuyển hóa bất thường của hệ vi sinh vật đường ruột./.

AstraZeneca sẽ thu hồi vaccine Covid-19 toàn cầu

AstraZeneca cho biết sẽ thu hồi vaccine Covid-19 của hãng trên toàn thế giới khi nhu cầu người dùng giảm, trong bối cảnh các loại vaccine thế hệ mới dư thừa.

Theo AstraZeneca, vaccine bị loại bỏ khỏi thị trường vì lý do thương mại. Công ty sẽ rút giấy phép tiếp thị vaccine này ở thị trường châu Âu. "Vì có nhiều loại vaccine Covid-19 đã được phát triển, nhu cầu đối với Vaxzevria (tên gọi khác của vaccine Covid) giảm", hãng cho biết ngày 8/5.

Hiện vaccine Covid-19 của AstraZeneca (thuộc thế hệ đầu tiên) đã không còn được sản xuất, trong khi các hãng khác tung ra nhiều loại vaccine được điều chỉnh để phù hợp hơn với biến chủng mới. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa đang diễn ra vì nhiều người không chủng ngừa.

Marco Cavaleri, người đứng đầu bộ phận vaccine tại Cơ quan Dược phẩm châu Âu, cũng cho biết sẽ thu hồi giấy cấp phép Vaxzevria. Lý do tương tự AstraZeneca đưa ra: vaccine đã không còn được sử dụng, nhu cầu sụt giảm.

Trước đó, AstraZeneca thừa nhận vaccine Vaxzevria gây ra tác dụng phụ hiếm gặp là đông máu và giảm tiểu cầu (TTS). Người bệnh sẽ phát triển huyết khối trong mạch máu não hoặc những bộ phận khác trên cơ thể, đồng thời có lượng tiểu cầu thấp. Cụ thể, huyết khối là sự hình thành của cục máu đông, có thể làm giảm lưu lượng máu bình thường trong mạch máu. Còn giảm tiểu cầu là tình trạng thiếu hụt tiểu cầu trong máu. Tác dụng phụ này có thể dẫn đến đột quỵ, tuy nhiên các cơ quan chức năng cho rằng rất hiếm gặp, chỉ 1 trên 250.000 người Anh gặp biến chứng này. Ngoài ra, đông máu còn do nhiều nguyên nhân khác, không chỉ do tiêm vaccine.

Theo Telegraph, ít nhất 81 trường hợp ở Anh đã tử vong, hàng trăm trường hợp gặp vấn đề sức khỏe sau khi tiêm chủng. AstraZeneca đang bị hơn 50 nạn nhân và gia đình kiện lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, hãng khẳng định việc thu hồi vaccine không liên quan đến các vụ kiện tại tòa án. Theo AstraZeneca, thời điểm đưa ra quyết định hoàn toàn là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

"Chúng tôi vô cùng tự hào về vai trò của Vaxzevria trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu. Theo ước tính độc lập, vaccine đã cứu sống hơn 6,5 triệu người trong năm đầu tiên", hãng nói.

Đơn vị này đang làm việc với các cơ quan quản lý trên thế giới và đối tác để thống nhất con đường rõ ràng để giải quyết vụ việc. Chính phủ Anh và các nước phần lớn sử dụng vaccine AstraZeneca vào mùa thu năm 2021. Sau đó, tại Anh, vaccine được thay thế bằng Pfizer và Moderna để kịp triển khai trong chương trình tiêm chủng tăng cường vào cuối năm.

Khi đại dịch xảy ra, Việt Nam đã mua 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca, kèm các đợt viện trợ. Đến giữa năm 2023, nước ta tiêm hơn 266,5 triệu liều gồm nhiều loại vaccine Covid-19 như Pfizer, Moderna, AstraZeneca... là một trong quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết cả nước ghi nhận rất ít trường hợp bị đông máu sau tiêm vaccine. Tác dụng phụ này chỉ xuất hiện trong 42 ngày sau tiêm và có thể điều trị. Cơ quan tiêm chủng cũng khuyến cáo về tác dụng phụ này từ năm 2021.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam chỉ còn hơn 400.000 liều vaccine Pfizer hạn đến tháng 9, tiêm nhắc lại cho các nhóm nguy cơ.

Phát hiện thứ khiến “Trái Đất thứ 2” biến đổi đáng sợ

Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học hành tinh Michael Chaffin từ Đại học Colorado Boulder (Mỹ) đã giải được một phần quan trọng của câu đố lớn: Vì sao Sao Kim - hành tinh được ví như phiên bản hoàn hào nhất của Trái Đất - bị mất nước?

Sao Kim cũng nằm trong vùng sự sống Goldilocks của hệ Mặt Trời. Hàng tỉ năm trước, thế giới trên hành tinh này cũng từng đầy nước và có môi trường ôn hòa như địa cầu.

Thế nhưng qua thời gian, nó dần khô cạn và chìm trong hiệu ứng nhà kính khắc nghiệt.

Tin 24h ngày 8/5/2024
Sao Kim hiện tại (trái) và trong quá khứ - Ảnh: NASA
"Sao Kim hiện có lượng nước ít hơn Trái đất 100.000 lần, mặc dù về cơ bản nó có cùng kích thước và khối lượng” - TS Chaffin nói.

Nghiên cứu mới chỉ ra một quá trình gọi là tái hợp phân ly, khiến hydro của sao Kim rò rỉ ra ngoài không gian, có thể là thủ phạm.

Đó là sự tái kết hợp của một phân tử có tên là HCO+, một ion dương bao gồm hydro, carbon và oxy, được hình thành thông qua sự kết hợp giữa carbon dioxide, nước và sự mất đi các electron mang điện tích âm.

Nghiên cứu cho thấy rằng khi các electron tái kết hợp với phân tử, khí hydro (H2) hình thành, nhanh chóng bị tách khỏi tổ hợp ra và bay vút vào không gian.

Không có hydro xung quanh, nước không thể hình thành được nữa.

Cơ chế này có thể giải thích lượng nước mất đi một cách khủng khiếp trong các lý thuyết trước đây, giải quyết gọn gàng vấn đề về sự khác biệt giữa nước trên Trái Đất và sao Kim.

"Có một chút khó khăn. Mô hình này yêu cầu khá nhiều HCO+ trong bầu khí quyển của Sao Kim, thứ cho đến nay vẫn chưa được phát hiện trên hành tinh này" - TS Chaffin thông tin.

Nhưng đó có thể là do chúng ta chưa nghĩ đến việc tìm kiếm nó nên không có tàu thăm dò Sao Kim nào nhắm mục tiêu vào phân tử này. Điều này có thể được giải quyết trong kế hoạch thiết kế cho các sứ mệnh sao Kim trong tương lai.

Theo bài nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, quá trình hóa học đặc biệt trên Sao Kim cũng chỉ ra những khác biệt cơ bản khiến một hành tinh có thể trở nên sống được và chết chóc.

Điều đó cho thấy Trái Đất đã may mắn như thế nào trong quá khứ, cũng như dự đoán các "bất trắc" có thể nảy sinh trong tương lai.

Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy "tử thần" HCO+ là thứ cần lưu tâm trong bầu khí quyển các ngoại hành tinh.

Cho đến nay, các thiết bị của NASA đã tìm thấy hơn 5.000 hành tinh ngoài hệ Mặt trời, nhiều cái nằm trong vùng sự sống của sao mẹ, kích cỡ tương đương Trái Đất.

Thế nhưng các nhà khoa học vẫn cần thêm các yếu tố giúp sàng lọc cụ thể hơn những hành tinh sống được, và HCO+ là một dấu hiệu cho thấy hành tinh đó nên bị loại trừ.