Triển khai chính sách viễn thông hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng bão Noru

Nhằm hỗ trợ người dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 4, ngày 28/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) quyết định triển khai ngay một số chính sách viễn thông. Cụ thể, Viettel sẽ tạm hoãn chặn một chiều, hai chiều từ ngày 28/9 đến 10/10/2022 với khoảng 54.000 thuê bao trả sau (di động, cố định, truyền hình..) chưa đóng cước tại 9 địa phương gồm Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum. Viettel đồng thời triển khai chính sách sử dụng internet di động thay thế cố định (tặng 14GB/tuần) cho khoảng 15.000 thuê bao sử dụng dịch vụ cố định băng rộng, thuê bao cung cấp dịch vụ đặc thù như khách sạn, quán cafe, cửa hàng tiện lợi, dạy học trực tuyến, khách hàng bị sự cố do ảnh hưởng của bão… Viettel cũng hỗ trợ miễn phí khoảng 1.000 sim data (5GB/ngày); cho mượn bộ kết nối Dcom (5GB/ngày) đối với các khách hàng không có thiết bị. Một số lượng lớn gồm hơn 16.000 thiết bị các loại như Dcom wifi, modem, camera, V-tracking, S-tracking… cũng đã được Viettel điều chuyển đến các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 4 nhằm hỗ trợ, ứng cứu thông tin, đảm bảo dịch vụ. Viettel cũng sẽ điều chỉnh tiền cước đối với các thuê bao cố định bị gián đoạn thông tin trong bão với số lượng dự kiến 226.000 thuê bao với chi phí khoảng 1,1 tỷ đồng. Viettel cũng liên tục cập nhật tình hình diễn biến sau bão số 4 và các khuyến cáo cần thiết qua tin nhắn thoại, tin nhắn SMS tới 3,2 triệu thuê bao di động và 1,1 triệu thuê bao cố định băng rộng. Tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel cũng trực liên tục, đảm bảo phục vụ xuyên suốt, kịp thời hỗ trợ tới tất cả các khách hàng, tăng cường 30% lượng nhân sự chăm sóc khách hàng tuyến đầu đảm bảo phục vụ 24/7. Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel là đơn vị đảm bảo thông tin cho Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4. Do đó, trước cơn bão, Viettel đã đưa vào hoạt động “Trung tâm điều hành mạng lưới dã chiến” tại 11 tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng của bão. Các trung tâm này thực hiện giám sát, cảnh báo, hỗ trợ trực tiếp cho việc chỉ đạo điều hành, ứng cứu khi xảy ra sự cố viễn thông. Viettel đã triển khai các đường chờ dự phòng cho mạng truyền dẫn, các đường cáp trục quốc gia, cáp liên tỉnh, liên huyện, điều động trên 2.000 nhân sự kỹ thuật và các trang thiết bị, vật tư đến các địa phương.

Mưa lớn tại Bắc Bộ, Hòa Bình và Bắc Trung Bộ từ tối 28 đến đêm 29/9

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 28/9, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tính từ 7 giờ đến 14 giờ ngày 28/9 có nơi trên 80 mm như: Xuân Thủy (Nam Định) 92 mm, Quảng Thịnh (Thanh Hóa) 83 mm, Hương Khê (Hà Tĩnh) 118 mm… Từ chiều tối 28 đến đêm 29/9, khu vực Bắc Trung Bộ, Hòa Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến ở khu vực Bắc Trung Bộ 70 - 150 mm, có nơi trên 150 mm; khu vực Hòa Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ 50 - 100 mm, có nơi trên 100 mm. Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 - 40 mm, có nơi trên 70 mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở cấp 1.

Cũng từ 28 đến 30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và hạ lưu sông Đăkbla (Kon Tum) có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3 - 7 m, hạ lưu từ 2 - 3 m. Đỉnh lũ trên sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và hạ lưu sông Đăkbla lên mức báo động 1 đến báo động 2. Các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu sông Mã, sông Cả ở dưới mức báo động 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum, đặc biệt tại các huyện Hướng Hóa, Đăkrông (Quảng Trị); Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế); Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam); Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum). Độ rủi ro thiên tai ở cấp 2.

Thời tiết các khu vực đêm 28, ngày 29/9:

Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; riêng Hòa Bình có mưa vừa, mưa to và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; nhiệt độ thấp nhất từ 21 - 24 độ C, có nơi dưới 21 độ C, cao nhất từ 27 - 30 độ C, có nơi trên 30 độ C. Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; riêng khu vực đồng bằng và ven biển có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2 - 3; nhiệt độ thấp nhất từ 22 - 25 độ C, vùng núi có nơi dưới 22 độ C, cao nhất từ 26 - 29 độ C, có nơi trên 29 độ C. Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa vừa và dông, có nơi mưa to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2 - 3; nhiệt độ thấp nhất từ 23 - 25 độ C, cao nhất từ 27 - 29 độ C. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; phía Nam đêm có mưa rào và dông vài nơi; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; ngày nắng; nhiệt độ thấp nhất từ 22 - 25 độ C, cao nhất ở phía Bắc từ 26 - 29 độ C, ở phía Nam từ 29 - 32 độ C. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng phía Nam chiều và tối có mưa rào và dông rải rác; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3; nhiệt độ thấp nhất từ 23 - 26 độ C, cao nhất từ 30 - 33 độ C. Khu vực Tây Nguyên nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3; nhiệt độ thấp nhất từ 18 - 21 độ C, cao nhất từ 26 - 29 độ C, có nơi trên 29 độ C. Nam Bộ nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3; nhiệt độ thấp nhất từ 22 - 25 độ C, cao nhất từ 28 - 31 độ C, có nơi trên 31 độ C.

Đề xuất giải pháp chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn xã hội NSG tổ chức Hội thảo với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin". Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ, trẻ em nói chung, trẻ em là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin nói riêng là những đối tượng rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành tình cảm, sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói chung và nạn nhân là trẻ em nói riêng, dù vậy, vẫn không thể chia sẻ hết được với những nỗi đau mà các nạn nhân và gia đình đang phải chịu đựng. Hội thảo "Chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin" được tổ chức nhằm tìm giải pháp, góp thêm tiếng nói, hành động cụ thể để chăm sóc tốt hơn cho nhóm đối tượng này. Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ, trao đổi về các chính sách liên quan đến trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; công tác chăm sóc, hỗ trợ cho nhóm đối tượng này tại các địa phương; đưa ra khuyến nghị, giải pháp nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thời gian tới, góp phần thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ. Theo Đại tá Nguyễn Bá Bồng, Trưởng Ban Tổ chức - Chính sách Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở nước ta, chất độc da cam đã di truyền sang thế hệ thứ 4. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 (con); 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 (cháu); 6.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4 (chắt). 136.000 hộ gia đình có 1-2 nạn nhân; gần 7.000 gia đình có 3 nạn nhân và hơn 1.200 gia đình có 4 nạn nhân trở lên. Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng/năm để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ngày càng có nhiều tiến bộ nhưng để hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam nói chung, nạn nhân là trẻ em nói riêng cần xây dựng tiêu chí nạn nhân chất độc da cam (hiện mới chỉ có tiêu chí với đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng); có kinh phí điều tra, khảo sát số lượng nạn nhân, mức độ thế nào để có sự trợ giúp. Về chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội, cần luôn xem xét nạn nhân chất độc da cam, nhất là trẻ em liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam là nhóm bảo trợ xã hội đặc thù, có mức hưởng cao hơn và được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn tại các cơ sở bảo trợ xã hội…, Đại tá Nguyễn Bá Bồng kiến nghị. Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thúy Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình kiến nghị, các cấp, ngành chức năng cần nghiên cứu, quy định rõ hơn nữa về nhóm là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3,4; nâng mức hưởng cho các nạn nhân này. Thực tế hiện nay cho thấy, các gia đình có đến 2,3,4 thế hệ là nạn nhân đều là những gia đình khó khăn nhất trong các gia đình khó khăn. Do vậy, việc nâng mức trợ cấp vừa giúp họ đảm bảo duy trì cuộc sống, vừa thể hiện sự tri ân đối với các đóng góp của gia đình với đất nước. Bà Nguyễn Thúy Hoàn kiến nghị Nhà nước có các cơ sở chăm sóc riêng cho các nạn nhân thế hệ thứ 3, 4. Thực tế từ trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng của tỉnh Hội Thái Bình cho thấy, nhiều gia đình và trẻ em muốn được đến trung tâm chăm sóc, làm nghề…, có những trẻ về đến gia đình là quậy phá, song đến trung tâm rất tự lập, chăm chỉ. Hơn nữa, các cháu được giao lưu với bạn bè, có chút thu nhập do chính tay làm ra, rất phấn khởi. Chính việc làm hàng ngày cũng là một phương pháp phục hồi chức năng rất hữu hiệu. Theo bà Trịnh Thị Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre, địa phương có trên 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có hàng ngàn trẻ em. Nhưng người được hưởng chính sách nạn nhân chất độc da cam rất ít, chỉ có 2.246 người và không có trẻ em. Phần lớn nạn nhân chất độc da cam là trẻ em bị dị tật, dị dạng, bại não, động kinh, tâm thần, mắc nhiều bệnh tật hiểm nghèo nhưng chỉ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội cho người khuyết tật. Đây là vấn đề thiệt thòi lớn cho các em và cũng là khoảng trống pháp lý cho cơ sở số liệu để đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân và thực hiện việc khắc phục hậu quả chất độc da cam". Bà Trịnh Thị Thanh Bình kiến nghị cần có chính sách cho nạn nhân da cam qua các thế hệ để giảm bớt khó khăn cho họ; hỗ trợ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng ô nhiễm chất độc da cam. Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng, can thiệp sớm dị tật, khuyết tật, xông hơi giải độc cho nạn nhân để cải thiện sức khỏe; có văn bản quy định tiêu chí, thủ tục, danh mục các bệnh, tật bẩm sinh của trẻ em để có cơ sở xác định trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Đồng thời, Nhà nước có đề án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em là nạn nhân da cam; tiếp tục có biện pháp ngoại giao để yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ các chương trình tẩy độc ô nhiễm chất độc hóa học, ngăn ngừa phơi nhiễm, phục hồi chức năng, sức khỏe cho nạn nhân da cam…

Hà Nội xử lý các trường hợp 'phớt lờ' cầu bộ hành, băng qua đường

Trước tình trạng người đi bộ “phớt lờ” cầu bộ hành, băng qua đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội giao Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn vi phạm. Toàn thành phố hiện có 70 cầu bộ hành phục vụ người đi bộ sang đường, chủ yếu ở các nút giao cắt và khu vực gần trường học, bệnh viện là những khu vực có mật độ giao thông đông đúc. Sau khi đưa vào hoạt động, các cây cầu này đã giúp người đi bộ sang đường thuận lợi an toàn. Tuy nhiên, do muốn rút ngắn thời gian sang đường, nhiều người đã “phớt lờ” cầu bộ hành, băng qua đường gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông trên đường. Điển hình như tại cầu bộ hành trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), đoạn gần nút giao Mai Dịch - Phạm Hùng và trước cổng Trường Đại học Quốc gia; nút giao thông Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), Bệnh viện K Tân Triều (huyện Thanh Trì); cầu vượt Xã Đàn, gần ngã tư Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch; cầu bắc qua đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai... Mặc dù các cây cầu này đi vào hoạt động đã lâu nhưng nhiều người, từ học sinh, sinh viên, đến cả người cao tuổi vẫn chưa xây dựng được thói quen tham gia giao thông đúng quy định. Vẫn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người dân băng qua đường, thậm chí trèo qua dải phân cách khi các phương tiện lưu thông trên đường đông đúc. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn khiến các cây cầu nhiều tỷ đồng xây xong không phát huy tác dụng, lãng phí ngân sách của nhà nước. Thời gian qua, khi phát hiện vi phạm, các lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn người dân đi đúng phần đường, không gây trở ngại cho người khác tham gia giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên dịp đầu năm học mới giúp các em hiểu rõ hơn về những quy tắc ứng xử thông qua các bài giảng trực quan, sinh động, từ đó giúp các em có thể bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia giao thông, để giảm thiểu tình trạng trên, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân cũng cần tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Trước đó, năm 2019, tại lễ khởi công đầu tư xây dựng 18 cầu dành cho người đi bộ tại các tuyến phố: Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Trần Khát Chân, Giải Phóng, Thái Hà, Ngọc Hồi thuộc dự án tăng cường an toàn giao thông, đại diện Ban quản lý dự án trọng điểm đô thị Hà Nội cho biết, mục tiêu của dự án là tăng cường an toàn trên các tuyến phố xây dựng cầu, hạn chế tai nạn giao thông của người đi bộ, cải thiện giao thông dọc những tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị Hà Nội, cải thiện môi trường sống của dân cư. Việc 18 cầu bộ hành trên được đưa vào khai thác đồng bộ với các dự án thành phần thuộc dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giai đoạn 1, bao gồm: Nút giao thông Ngã Tư Sở, Nút giao thông Ngã Tư Vọng, Nút giao thông Kim Lên; Nút Nam cầu Thăng Long, đường trên đê Hữu Hồng, đường vành đai 1 – đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa; góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho Thủ đô.

Bão Noru di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tan dần

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 28/9, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 4 - bão Noru) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Hồi 13 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tan dần. Từ chiều 28/9 đến đêm 29/9, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm. Khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 180 mm. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp. Tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ còn diễn biến phức tạp.

Thừa Thiên - Huế: Năm người bị thương, 190 nhà tốc mái do bão Noru

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế thống kê ban đầu trên địa bàn tỉnh có 5 người bị thương khi bão số 4 (bão Noru) đổ bộ. Bão số 4 đã khiến 1 nhà bị sập và 190 nhà bị tốc mái; khoảng 500 cây xanh gãy đổ gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường. Nhiều khu vực bị cắt điện, có 5 cột điện trung thế bị ngã đổ. Trên địa bàn tỉnh có 13 tuyến cáp quang bị đứt, 34 trạm thu phát sóng bị mất liên lạc do mất điện lưới. Ngay trong sáng 28/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đến kiểm tra tình hình sau bão số 4 tại thành phố Huế và huyện Phú Vang. Phó Thủ tướng kiểm tra tại tuyến đê chắn biển thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang; đồng thời thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 59 hộ với 180 nhân khẩu đang đang tránh, trú bão tại Trường Trung học Cơ sở Thuận An, thành phố Huế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các lực lượng chức năng cần tiếp tục bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương rà soát các điểm có thiệt hại, đặc biệt tại các khu dân cư, khu vực trọng yếu để có phương án hỗ trợ; hệ thống cây xanh ngã đổ cũng nhanh chóng khắc phục, đảm bảo lưu thông và thông tin liên lạc. Các ngành, địa phương khẩn trương hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống.

Bắt đối tượng tàng trữ 5.400 viên thuốc lắc

Ngày 28/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã tạm giữ đối tượng Lê Phước Thành (sinh năm 1996, quê tỉnh An Giang) để điều tra làm rõ hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.Theo điều tra, khoảng tháng 8/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, phát hiện đường dây vận chuyển ma túy tổng hợp (thuốc lắc) với số lượng lớn từ nước ngoài về Bình Dương để tiêu thụ. Các đối tượng đã ngụy trang ma túy trong các gói đựng bánh kẹo mang các nhãn hiệu nước ngoài chưa qua sử dụng và gửi qua đường bưu kiện hàng hóa vận chuyển về Việt Nam. Ngày 23/9, phát hiện đối tượng Thành đang tàng trữ ma túy trên đoạn đường Thuận Giao 24, khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Bình Dương, phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an bắt quả tang đối tượng Lê Phước Thành đang tàng trữ trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ 5.400 viên thuốc lắc có trọng lượng hơn 2,1 kg cùng nhiều tang vật khác. Qua làm việc ban đầu, đối tượng Lê Phước Thành khai nhận số ma túy trên có nguồn gốc từ nước ngoài nhập về Việt Nam để tiêu thụ trong nước. Vụ việc đang được công an Bình Dương tiếp tục mở rộng điều tra.

Tuyên án 20 bị cáo về tội 'Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước'

Trong hai ngày 27 và 28/9, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 20 bị cáo về tội “Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước”. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Đinh Thị Giang, Hoàng Trung Mạnh, Hoàng Thanh Thảo, Nông Thị Hòa (công chức Sở Nội vụ); Chúc Ngọc Huyền (công chức Phòng Nội vụ thành phố Lạng Sơn); Hoàng Thùy Hương, Phạm Thị Hường, Liễu Minh Tuấn (công chức Sở Lao động -Thương binh và Xã hội); Hoàng Văn Thắng (công chức HĐND - UBND huyện Bình Gia); Dương Trung Kiên, Hoàng Thị Nhụy (công chức Phòng Nội vụ huyện Bắc Sơn); Trịnh Thị Thủy (công chức Sở Xây dựng); Vi Anh Tuấn (công chức Văn phòng UBND tỉnh); Vi Văn Đạt, Đặng Văn Hiếu (công chức Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Chi Lăng); Lương Bích Hảo (viên chức Phòng Tài chính - Kế toán, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn); Lý Thị Bích Nhung (công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đình Lập); Nông Thị Vy Hương (công chức Ban Tuyên giáo Huyện ủy Chi Lăng); Trần Thu Thắm (giáo viên) và Trần Quốc Huệ (lao động tự do). Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận và thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau gần hai ngày xét xử, căn cứ các hồ sơ tài liệu, chứng cứ, kết quả phần tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 20 bị cáo phạm tội “Mua bán tài liệu bí mật Nhà nước”. Theo đó, bị cáo Đinh Thị Giang lĩnh án 4 năm 6 tháng tù, truy thu số tiền 480 triệu đồng còn lại do hưởng lợi bất chính mà chưa giao nộp cho cơ quan Nhà nước; Hoàng Trung Mạnh 3 năm 6 tháng tù; Hoàng Thanh Thảo 3 năm 6 tháng tù; Nông Thị Hòa 3 năm tù. Các bị cáo này đều bị phạt bổ sung 30 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ trong 3 năm sau khi chấp hành án. 16 bị cáo còn lại hưởng mức án treo, từ 1 năm 3 tháng đến 3 năm và chịu thời gian thử thách từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng. Trong đó, 15 bị cáo bị phạt bổ sung 20 triệu đồng, một bị cáo không áp dụng phạt tiền (do là lao động tự do, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn). Theo cáo trạng, các bị cáo đã có hành vi phạm tội trong hai kỳ thi là: Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức tỉnh Lạng Sơn và Kỳ thi tuyển dụng công chức tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Tại Kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức tỉnh Lạng Sơn năm 2021, khi biết Hoàng Thanh Thảo được tham gia Ban đề thi, Đinh Thị Giang, Hoàng Thanh Thảo, Hoàng Trung Mạnh và Nông Thị Hòa đã cùng trao đổi tìm cách để Thảo lấy đề thi chính thức môn Chuyên môn, nghiệp vụ cho Giang và Mạnh. Sau đó, Giang cho cả nhóm biết có một số thí sinh khác có nhu cầu nhờ giúp đỡ để thi đỗ kỳ thi này. Cả 4 bị cáo gồm Giang, Mạnh, Thảo, Hòa đã thống nhất sẽ lấy đề và đáp án đưa cho các thí sinh có nhu cầu mua để sử dụng và thu trước 50 triệu đồng/người. Người tìm được thí sinh có nhu cầu mua đề thi và đáp án sẽ được hưởng 25 triệu đồng; còn Thảo được hưởng 25 triệu đồng. Trong vụ án này, sau khi nhận được tiền, Giang đã gọi cho những người mua đề thi và đáp án đến nhà mình và một số địa điểm khác để nhận tài liệu thi. Tổng cộng, Đinh Thị Giang đã thực hiện hành vi mua bán đề thi và đáp án (thuộc tài liệu bí mật Nhà nước) cho các thí sinh để hưởng lợi 165 triệu đồng. Hoàng Thanh Thảo cũng thực hiện hành vi tương tự để hưởng lợi 170 triệu đồng; Nông Thị Hòa hưởng lợi 30 triệu đồng; Chúc Ngọc Huyền hưởng lợi 7,5 triệu đồng; Phạm Thị Hường hưởng lợi 12,5 triệu đồng. Trong Kỳ thi tuyển dụng công chức tỉnh Lạng Sơn (tháng 7/2021), biết Hoàng Trung Mạnh được làm thư ký Ban đề thi kiêm Tổ trưởng Tổ in sao tài liệu, Giang và Mạnh đã cùng trao đổi tìm cách để Mạnh chuyển đề thi, đáp án chính thức môn nghiệp vụ chuyên ngành từ khu vực cách ly làm đề thi ra bên ngoài để bán cho các thí sinh có nhu cầu với số tiền 300 triệu đồng/người. Người tìm được thí sinh có nhu cầu sẽ được hưởng 50% số tiền; số còn lại Mạnh được hưởng. Mạnh đã chủ động đề xuất lập tài khoản Gmail để sau khi có đề thi và đáp án chính thức, đối tượng sẽ chuyển vào tài khoản này để Giang tải về chỉnh sửa và in ra đưa cho Thảo, Hòa và Chúc Ngọc Huyền nhận rồi chuyển cho các thí sinh có nhu cầu. Tiếp đó, khi được Mạnh báo mã đề thi chính thức các môn thi, Giang đã gọi điện cho các đồng phạm biết để báo lại cho thí sinh. Trong vụ án này, Mạnh được hưởng lợi số tiền 650 triệu đồng, Đinh Thị Giang hưởng lợi 580 triệu đồng.

Đức cảnh báo về thiệt hại nghiêm trọng đối với Dòng chảy phương Bắc

Nhật báo Der Tagesspiegel ngày 28/9 dẫn các nguồn tin trong Chính phủ Đức cho biết các cơ quan an ninh nước này lo ngại rằng cả hai nhánh của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ vĩnh viễn không sử dụng sau các vụ rò rỉ khí đốt nghiêm trọng vừa qua. Các cơ quan an ninh Đức lý giải rằng nếu các nhánh dẫn khí đốt của các tuyến đường ống trên không được sửa chữa nhanh chóng, nước muối sẽ xâm nhập vào đường ống gây ra hiện tượng ăn mòn. Theo các chuyên gia của Bộ Ngoại giao Đức, một số bộ liên bang và Văn phòng Thủ tướng Đức đang thảo luận về hậu quả của vụ việc. Bước đầu tiên, theo Der Tagesspiegel, cảnh sát liên bang sẽ tăng cường kiểm soát lãnh hải Đức, theo đó các tàu của Đức sẽ giám sát chặt chẽ hơn các tuyến cơ sở hạ tầng quan trọng. Ngoài ra, các vùng của Đức cần tăng cường bảo vệ các khu vực ven biển ở phía Bắc và biển Baltic. Hiện cảnh sát Đan Mạch cũng đã thông báo mở cuộc điều tra về vụ rò rỉ khí đốt trong đường ống dẫn khí từ Nga đến châu Âu dưới biển Baltic. Trước đó, Cơ quan năng lượng Đan Mạch cho biết cơ quan hàng hải của nước này đã ban hành cảnh báo hàng hải và thiết lập vùng cấm trong phạm vi 5 hải lý xung quanh khu vực rò rỉ đường ống "vì gây nguy hiểm cho giao thông tàu thuyền". Các nước châu Âu cũng đang điều tra vụ rò rỉ 2 đường ống dẫn khí đốt từ Nga chảy qua Biển Baltic trong bối cảnh cả châu Âu và Nga đều nghi ngờ đây là kết quả của hành vi phá hoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga dự định kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhóm họp liên quan đến các hành động khiêu khích nhằm vào 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt trên. Các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 là tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng đang leo thang giữa châu Âu và Nga, vốn là một trong những nguyên nhân khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn của phương Tây.

Iraq triệu Đại sứ Iran để phản đối vụ tấn công vào miền Bắc

Hãng thông tấn nhà nước Iraq cho biết Bộ Ngoại giao Iraq ngày 28/9 đã triệu Đại sứ Iran tại Baghdad tới để trao công hàm phản đối liên quan tới các vụ tấn công của Iran vào các thành phố Erbil và Sulaimaniya thuộc khu tự trị người Kurd ở miền Bắc nước này. Giới chức Iraq cho biết cuộc tấn công của Iran đã khiến 9 người thiệt mạng.Trước đó, cùng ngày, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo đã tiến hành tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào "những kẻ khủng bố" tại khu vực người Kurd ở miền Bắc của Iraq. Iran đã cáo buộc những phần tử ly khai người Kurd có vũ trang ở miền Bắc Iraq liên quan đến tình trạng bất ổn và bạo loạn đang diễn ra ở nước này, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc. Đây là lần thứ 3 trong năm nay, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran tấn công "các căn cứ khủng bố" tại thành phố Erbil - thủ phủ của khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq. Chính quyền Baghdad đã nhiều lần yêu cầu phía Iran giải thích về các vụ tấn công này. Cũng trong ngày 28/9, hãng INA của Iraq đưa tin 3 tên lửa đã rơi xuống Vùng Xanh ở Baghdad trong khi nước này đang triệu tập một phiên họp Quốc hội. Theo INA, đã có 4 nhân viên an ninh bị thương sau vụ việc trên.