Hà Nội: Kịp thời dập tắt đám cháy tại quán karaoke Idol

Tin ban đầu từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, khoảng hơn 17 giờ ngày 20/11, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhận tin báo từ Trung tâm thông tin 114 của Công an thành phố Hà Nội về sự cố cháy xảy ra tại tầng 6 của cơ sở karaoke Idol, số 4 Mai Hắc Đế, phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng). Ngay lập tức, Công an quận Hai Bà Trưng điều 2 xe chữa cháy và 14 cán bộ, chiến sỹ tới hiện trường. Trong khi đó, lực lượng tại chỗ cũng như quản lý cơ sở karaoke cũng đã chủ động dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đã nhanh chóng đến và phối hợp triển khai chữa cháy. Đến 17 giờ 20 cùng ngày vụ hỏa hoạn được dập tắt hoàn toàn. Tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Hai Bà Trưng phát hiện, ngọn lửa xuất phát từ khu vực ban công tầng 6, diện tích đám cháy khoảng 5 m2; tường nhà xung quanh khu vực cháy bị ám khói, không có vật dụng, thiết bị tại khu vực cháy. Vụ cháy không gây thương vong về người, thiệt hại về tài sản đang được thống kê. Nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Thời tiết ngày 21/11: Miền Bắc trời nắng, miền Trung có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, ngày 21/11, miền Bắc ngày nắng, nhiệt độ dao động từ 18 - 30 độ C, miền Trung có mưa dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Thời tiết đêm 20/11, ngày 21/11 tại Hà Nội nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió đông bắc đến đông cấp 2 - 3. Nhiệt độ thấp nhất 22 - 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28 - 30 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 20 - 23 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27 - 30 độ C, có nơi trên 30 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 20 - 23 độ C, vùng núi có nơi dưới 20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27 - 30 độ C.

Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế nhiều mây, phía Bắc (Thanh Hóa-Nghệ An) có mưa rào rải rác và có nơi có dông; phía Nam (Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 21 - 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26 - 29 độ C.

Từ Đà Nẵng Đến Bình Thuận nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22 - 25 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26 - 29 độ C, có nơi trên 29 độ C.

Tây Nguyên nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió đông đến đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19 - 22 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25 - 28 độ C.

Nam Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió đông bắc đến bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22 - 25 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26 - 29 độ C, có nơi trên 29 độ C.

Những thách thức đe dọa tương lai nhân loại khi Trái Đất 'gánh' 8 tỷ người

Thế giới đã có 8 tỷ người và được dự báo vẫn tiếp tục tăng trong ít nhất nửa thế kỷ tới, dẫn tới những áp lực đối với thiên nhiên và với chính xã hội loài người. Theo thống kê của giới khoa học, trong khoảng 50 năm trở lại đây, dân số thế giới tăng gấp đôi, kinh tế thế giới đã tăng gần gấp 4 lần và thương mại toàn cầu đã tăng tới 10 lần. Nhưng đi kèm với đó, thiên nhiên đang bị tàn phá với “tốc độ hủy diệt”. Cột mốc dân số thế giới đạt 8 tỷ người khiến việc tìm lời giải cho bài toán làm sao để loài người chung sống thân thiện với thiên nhiên, trong sự bình đẳng và đảm bảo những quyền sống cơ bản vì sự tồn vong của chính mình, càng trở nên cấp bách. Liên hợp quốc (LHQ) dự báo dân số thế giới sẽ vẫn tiếp tục tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, trước khi lên 9,7 tỷ người vào năm 2050 và thực sự đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080. Thế giới đông đúc hơn phản ánh sự đa dạng và những tiến bộ đã đạt được trong phát triển loài người, nhưng cũng là lúc cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm chung với Trái Đất. Thêm nhiều người là thêm nhiều áp lực cho thiên nhiên, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tài nguyên của con người. Con người vẫn phải lấn chiếm thiên nhiên hoang dã để có nguồn nước, nguồn thức ăn và không gian sinh sống, gây ra những thách thức lớn về môi trường, trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu, phá rừng và mất đa dạng sinh học. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp thức ăn, nước uống hay năng lượng sẽ ngày càng khan hiếm khi con người tiếp tục tiêu thụ các nguồn tài nguyên một cách thiếu bền vững. Các chuyên gia cảnh báo dân số tăng nhanh kết hợp với biến đổi khí hậu cũng dẫn tới tình trạng di cư trên diện rộng và thêm nhiều loại hình xung đột trong những thập niên tới. Đó là chưa nói tới lượng chất thải do con người tạo ra. Dân số tăng nhanh, tình trạng xâm lấn môi trường thiên nhiên xảy ra trên quy mô rộng hơn cũng tạo ra một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa quy mô dân số là các dịch bệnh nguy hiểm. Trong lịch sử, thời kỳ “Cái chết đen” ở thế kỷ XIV là do dịch hạch hoành hành ở châu Âu và châu Á, khiến 60% dân số ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi tử vong, kéo theo dân số thế giới giảm mạnh trong giai đoạn từ năm 1300 đến 1400 từ 429 triệu xuống 374 triệu người. Hay mới đây nhất, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới cả 3 yếu tố định hình sự thay đổi trong cấu trúc dân số. Theo đó, năm 2021, tuổi thọ trung bình của người dân thế giới lần đầu giảm sau nhiều năm tăng, xuống còn 71 tuổi. Ở một số quốc gia, các làn sóng dịch bệnh liên tiếp thậm chí đã dẫn tới những giai đoạn ngắn giảm số lượng phụ nữ mang thai và sinh con. Đáng lo ngại là những hậu quả về y tế trong dài hạn do ảnh hưởng của COVID-19 còn làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm khác khi nền tảng sức khỏe, đề kháng của con người phần nào bị ảnh hưởng. Ẩn bên trong sự tăng trưởng về số lượng dân là những dịch chuyển xu hướng “có vấn đề”, trong đó phải kể đến là tốc độ tăng trưởng dân số đang chậm dần và đến lúc nào đó sẽ giảm, kéo theo xã hội loài người thu hẹp dần. Tốc độ tăng dân số thường niên vào năm 2020 là 1%, giảm mạnh so với mức 2,1% trong giai đoạn 1962-1965 và dự báo sẽ giảm xuống còn 0,5% vào năm 2050 do tỷ lệ sinh giảm liên tục. Năm 2021, tỷ lệ sinh trung bình trên thế giới là 2,3 trẻ em/phụ nữ, tức là đã giảm hơn một nửa so với mức 5 trẻ em/phụ nữ vào năm 1950 và sẽ giảm xuống 2,1 trẻ em/phụ nữ vào năm 2050. Theo Quỹ Dân số thế giới của LHQ (UNFPA), thế giới đang đến giai đoạn mà đa số các quốc gia và đa số người dân đang sống ở một nước có tỷ lệ sinh thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 trẻ em/phụ nữ) để đảm bảo sẽ có vừa đủ số bé gái để thay thế những phụ nữ trong quá trình tái sinh sản dân số thế giới. Tuy nhiên, tại các nước nghèo hơn, tỷ lệ sinh vẫn liên tục duy trì ở mức cao trong khi các điều kiện chăm sóc sức khỏe giới tính và sinh sản rất thiếu thốn. LHQ ước tính hầu hết trong số 2,4 tỷ người tăng thêm để dân số thế giới đạt đỉnh vào năm 2080 sẽ được sinh ra ở vùng châu Phi phía Nam sa mạc Sahara. Để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu từ giáo dục, y tế cộng đồng, việc làm, nguồn nước và vệ sinh môi trường đều sẽ đòi hỏi chính phủ các nước này phải tăng đáng kể chi tiêu công. Trong khi đó, yếu tố chính đang thúc đẩy dân số tiếp tục tăng là do tuổi thọ trung bình của người dân tăng, dự báo sẽ đạt 77,2 tuổi vào năm 2050. Điều này kết hợp với tỷ lệ sinh giảm dẫn tới kết quả là tỷ lệ dân trên 65 tuổi sẽ tăng từ 10% vào năm 2002 lên 16% vào năm 2050. Xu hướng “xám hóa toàn cầu” hay già hóa dân số này sẽ tác động tới các thị trường lao động, các hệ thống lương hưu quốc gia và cần nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Theo UNFPA, hiện Việt Nam được xem là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. UNFPA đánh giá sự thay đổi này ở Việt Nam không chỉ là do giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Ngoài việc đặt ra các vấn đề mặt y tế, xã hội, có nguy cơ tình trạng già hóa dân số tác động tới nền kinh tế Việt Nam, giảm các lợi thế của Việt Nam về lao động. Đó là chưa kể những khoảng cách lớn về phát triển con người nếu nhìn vào từng khu vực. Khi thế giới có thêm nhiều người, thêm nhiều của cải và dịch vụ để giúp loài người sống khỏe mạnh hơn thì khoảng cách giàu-nghèo cũng tăng. Hiện của cải của nhóm một số tỷ phú giàu nhất tương đương với toàn bộ tài sản của một nửa dân số thuộc nhóm nghèo và nghèo nhất trên thế giới. Người dân các nước giàu có nhất cũng sống thọ hơn 30 năm so với nhóm ở các nước nghèo nhất. Độ tuổi trung bình ở những khu vực khác nhau cũng có sự chênh lệch, hiện ở châu Âu là 41,7 tuổi trong khi ở vùng châu Phi phía Nam sa mạc Sahara là 17,6 tuổi. Theo các chuyên gia, khoảng cách kỷ lục này thậm chí còn có thể tiếp tục nới rộng trong tương lai. Cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và quá trình phục hồi hậu COVID-19 diễn ra không đồng đều, bóng đen xung đột vẫn đe dọa nhiều khu vực, gây nguy cơ mất an ninh lương thực, năng lượng và tài chính, đặc biệt tại các nước đang phát triển, càng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh điều đáng tiếc là khi xã hội loài người đông đúc hơn cũng trở nên chia rẽ hơn. Ông cảnh báo nếu như không thể thu hẹp khoảng cách, thế giới 8 tỷ người có nguy cơ chất chứa đầy nghi kỵ, khủng hoảng và xung đột, cản trở những nỗ lực tìm tiếng nói chung để giải quyết những thách thức đe dọa sự tồn vong của nhân loại. LHQ tin rằng mối quan hệ giữa tăng trưởng dân số và phát triển bền vững rất phức tạp và đa chiều, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì song song với đó các chính phủ cần phải có những chính sách phát triển dân số phù hợp, linh hoạt điều chỉnh dựa trên những đòi hỏi thực tiễn, với nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng. Bên cạnh đó, như nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng người Ấn Độ Mahatma Gandhi từng nhấn mạnh: “Trái Đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người”, duy trì mối quan hệ hòa hợp giữa con người với thiên nhiên để phát triển bền vững phải là xu thế chủ đạo định hình tương lai loài người.

Vụ cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang: Một bị cáo tử vong trước phiên tòa sơ thẩm

Theo kế hoạch, sáng 21/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và các bị cáo khác trong vụ thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử tại vụ án này; trong đó có 5 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo của Bộ Y tế, gồm: Cao Minh Quang (sinh năm 1956, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế), Dương Huy Liệu (sinh năm 1948, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (sinh năm 1970, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, Phó Trưởng ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế), Phạm Thị Minh Nga (sinh năm 1972, chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, cựu Kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế) và Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1956, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế). Các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 285, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Bốn bị cáo còn lại gồm: Lương Văn Hóa (sinh năm 1957, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long), Nguyễn Thanh Tòng (sinh năm 1959, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long), Nguyễn Văn Thanh Hải (sinh năm 1967, cựu Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long), Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (sinh năm 1952, cựu Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tổng số có 16 luật sư đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Mời nhiều luật sư nhất là bị cáo Nguyễn Việt Hùng và bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa đều có 4 luật sư bào chữa. Bị cáo Cao Minh Quang có 2 luật sư bào chữa. Tuy nhiên, theo luật sư Võ Hồng Hiền (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Tòng) cho biết: Trước khi diễn ra phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (sinh năm 1959, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long) đã bị chết do mắc bệnh mãn tính. Để chuẩn bị cho phiên tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập đại diện Bộ Y tế tới phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự; triệu tập đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long, đại diện Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng 5 người liên quan trong vụ án. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir phòng, chống dịch cúm A(H5N1) tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thông báo giá thành sản xuất thuốc Oseltamivir của Bộ Tài chính, Bộ Y tế giao kế hoạch và đặt hàng Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (viết tắt là Công ty CPDP Cửu Long) sản xuất thuốc Oseltamivir từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu theo hình thức ký và thực hiện các Hợp đồng kinh tế. Về nguyên tắc, Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long phải chấp hành cơ chế quản lý giá và các mức giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất thuốc, Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu nhưng với động cơ vụ lợi, Lương Văn Hóa đã lợi dụng, chức vụ quyền hạn chỉ đạo Nguyễn Văn Thanh Hải hạch toán trái nguyên tắc kế toán; chỉ đạo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa lập thư giãn nợ để che giấu việc kiểm tra, thanh tra; đồng thời chỉ đạo Nguyễn Văn Thanh Hải, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu nhằm giữ lại số tiền giảm giá mua nguyên liệu 3.848.000 USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng) để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Các bị cáo: Dương Huy Liệu, Nguyễn Nam Liên và Phạm Thị Minh Nga được giao nhiệm vụ ký kết, theo dõi việc thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng sản xuất thuốc giữa Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, quá trình thực hiện hợp đồng và khi thanh lý hợp đồng đã không xem xét, kiểm tra việc thực hiện điều khoản đàm phán, giảm giá mua nguyên liệu được quy định trong hợp đồng (không kiểm tra chứng từ thanh toán mua nguyên liệu; không yêu cầu báo cáo việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá). Cáo trạng xác định, bị cáo Cao Minh Quang được giao nhiệm vụ chỉ đạo định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir và sản xuất thuốc dự trữ theo Quyết định số 92/QĐ-BYT ngày 11/1/2008, nhưng bị cáo Cao Minh Quang đã thiếu trách nhiệm không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không chỉ đạo kiểm tra để làm rõ số tiền 3.848.000 USD Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp nguyên liệu nên không phát hiện được Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long đã giữ lại gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Khởi tố 13 người của một công ty đòi nợ kiểu 'vu khống'

Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 người để điều tra làm rõ hành vi vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015.

Những người này gồm: Nguyễn Ngọc Thắng, Đỗ Trọng Đạt, Trịnh Ngân Bình, Phạm Hùng Dương Lâm, Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Trung Tín, Đỗ Thanh Tùng, Phạm Thị Bích Trang, Nguyễn Công Nghĩa, Phạm Nguyễn Ngân Hà và Nguyễn Công Tuấn, Lê Sanh, Trần Minh Tiến. Tất cả cùng là nhân viên Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mirae Asset. Theo điều tra ban đầu, Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mirae Asset Việt Nam là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở quận 1 và văn phòng đặt tại cao ốc H3 (đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4). Công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”. Khách hàng vay tiền của Công ty phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty; lãi suất vay từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hàng tháng. Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Đối với nhóm nợ từ 1 - 89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng; nhóm nợ từ 90 - 179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm, điện thoại, nhắn tin nhắc nợ khách thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động trả nợ. Đối với nhóm nợ trên 180 ngày, nhân viên sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt ghép hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... Sau đó, nhân viên gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ. Cơ quan điều tra xác định, hành động trên mà các nhân viên sử dụng để thu hồi nợ là bất hợp pháp. Hiện cơ quan Công an đang mở rộng điều tra vụ việc.

Bắt tạm giam 2 đối tượng mua bán trái phép hóa đơn, chiếm đoạt ngân sách

Bắt tạm giam Đỗ Minh Trọng và Trần Thị Thu Trinh về hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn" xảy ra năm 2020 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Sáng 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Long Xuyên cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Đỗ Minh Trọng (sinh năm 1991, ngụ ấp 4B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) và Trần Thị Thu Trinh (sinh năm 1991, ngụ ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) về hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn" xảy ra năm 2020 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (khóm Hòa Thạnh, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Các quyết định này đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê duyệt. Theo kết quả điều tra: Khoảng tháng 6/2020, Nguyễn Dạ Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Nguyễn Đoàn Bảo Như, nguyên kế toán của trường đã bàn bạc, tìm nơi mua hóa đơn để chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước. Nguyễn Đoàn Bảo Như được phân công tìm người mua hóa đơn và ký duyệt phần kế toán, còn Nguyễn Dạ Thảo ký duyệt phần chủ tài khoản. Sau đó, Nguyễn Đoàn Bảo Như đã liên hệ Đỗ Minh Trọng - nhân viên Công ty Phần mềm "DT SOFT" (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) để nhờ mua hóa đơn. Sau đó, Đỗ Minh Trọng liên lạc Trần Thị Thu Trinh - kế toán Công ty TNHH MTV Phan Đăng (phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) để mua tổng cộng 24 tờ hóa đơn giá trị gia tăng, với số tiền ghi trên hóa đơn hơn 161 triệu đồng.

Đỗ Minh Trọng tiếp tục bán 24 tờ hóa đơn này lại cho Nguyễn Đoàn Bảo Như với giá 10% nếu hàng hóa ghi trên hóa đơn là sách giáo khoa, sách tham khảo; 12% nếu hàng hóa ghi trên hóa đơn là dụng cụ, thiết bị dạy học. Để chiếm đoạt số tiền trên 161 triệu đồng từ 24 tờ hóa đơn giá trị gia tăng, Nguyễn Đoàn Bảo Như và Nguyễn Dạ Thảo đã chuyển tiền từ tài khoản của Trường Võ Thị Sáu tại Kho bạc Nhà nước tỉnh An Giang cho Đỗ Minh Trọng tổng cộng 24 lần, qua 12 số tài khoản khác nhau, trong đó có số tài khoản của Trọng. Ngoài ra, Nguyễn Đoàn Bảo Như và Nguyễn Dạ Thảo còn làm khống chứng từ, chuyển hơn 14 triệu đồng từ tài khoản của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu vào tài của Đỗ Minh Trọng. Sau khi nhận tổng cộng gần 175 triệu đồng, Đỗ Minh Trọng đã chuyển lại cho Nguyễn Đoàn Bảo Như gần 150 triệu đồng thông qua tài khoản cá nhân và giữ hơn 19 triệu đồng. Sau đó, Đỗ Minh Trọng đã chuyển cho Trần Thị Thu Trinh hơn 6 triệu đồng tiền mua 24 tờ hóa đơn của Công ty Phan Đăng. Đỗ Minh Trọng đã thu lợi bất chính gần 13 triệu đồng. Nhận tiền xong, Trần Thị Thu Trinh đã nộp thuế lại đối với những hóa đơn phải chịu thuế số tiền gần 4 triệu đồng, còn lại thu lợi bất chính hơn 2,2 triệu đồng. Liên quan đến vụ án, trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Dạ Thảo (sinh năm 1977, ngụ phường Đông Xuyên, thành phố Long Xuyên) - nguyên hiệu trưởng và Nguyễn Đoàn Bảo Như (sinh năm 1975, ngụ phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên) - nguyên kế toán Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, để điều tra hành vi "Tham ô tài sản" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Hiện vụ án đang được Công an thành phố Long Xuyên, An Giang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ XVIII bế mạc mở ra sự kết nối để đổi mới

Tin 24h ngày 20/11/2022
Tổng thống Tunisia Kais Saied phát biểu khai mạc hội nghị.

Sau hai ngày làm việc bận rộn nhưng hiệu quả, chiều ngày 20/11, Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ đã bế mạc với Tuyên bố Djerba, tái bổ nhiệm bà Louise Mushikiwabo làm Tổng thư ký của OIF trong nhiệm kỳ tiếp theo và chỉ định Pháp làm nước chủ nhà tiếp theo của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ XIX vào năm 2024.

Với chủ đề: "Kết nối trong đa dạng : Kỹ thuật số, yếu tố phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ", 88 phái đoàn từ các quốc gia thành viên và quan sát viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã tham dự sự kiện. Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu tham gia các hoạt động của Hội nghị. Các Nguyên thủ quốc gia và Chính phủ thành viên đã thông qua dự thảo Tuyên bố Djerba, các nghị quyết về tình hình khủng hoảng, giải quyết khủng hoảng và củng cố hòa bình ở khu vực nói tiếng Pháp, cũng như Tuyên bố về tiếng Pháp trong đa dạng ngôn ngữ của Pháp ngữ. Các nhà lãnh đạo cũng đã thông qua dự thảo Khung chiến lược của Cộng đồng Pháp ngữ giai đoạn 2023 - 2030, các quy định liên quan đến thủ tục gia nhập hoặc điều chỉnh tư cách Nhà nước hoặc Chính phủ trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF. Các cuộc tọa đàm đã tập trung thảo luận về những thách thức của cộng đồng Pháp ngữ để tìm kiếm và đề xuất những biện pháp tập trung vào hợp tác kinh tế trong khu vực nói tiếng Pháp, thúc đẩy việc sử dụng tiếng Pháp trên thế giới, việc làm cho thanh niên, sử dụng số hóa như một phương tiện để tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực nói tiếng Pháp... Hội nghị cũng đánh giá cao những kết quả công việc mà bà Louise Mushikiwabo đã thực hiện trên cương vị Tổng thư ký OIF nhiệm kỳ 2018 - 2022 cũng như ba đề xuất của bà về chương trình hành động trong thời gian tới. Theo các đại biểu, quá trình cải tổ OIF do bà Louise Mushikiwabo thực thi chặt chẽ và sát thực địa hơn nên phù hợp hơn, góp phần tăng tính hợp pháp trên trường quốc tế và tạo nên một quy trình quản lý, điều hành hiệu quả hơn. Đặc biệt, ba mục tiêu chính mà bà đề xuất để Pháp ngữ tập trung triển khai sau Hội nghị cấp cao này đã nhận được sự ủng hộ cao, đó là hành động vì thanh niên và phụ nữ xung quanh các dự án có tác động lớn, tăng cường ảnh hưởng trên trường quốc tế và tạo sức hấp dẫn của không gian Pháp ngữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Với những kết quả trên, hội nghị đã tái bổ nhiệm bà Louise Mushikiwabo giữ chức vụ Tổng thư ký OIF nhiệm kỳ tới. Phát biểu tại lễ bế mạc, bà Louise Mushikiwabo đã cảm ơn sự tín nhiệm của các nước thành viên, cảm ơn công tác tổ chức chu đáo của nước chủ nhà và hứa cống hiến nhiều hơn nữa kinh nghiệm và nhiệt huyết vì sự đổi mới của OIF, vì tương lai tốt đẹp hơn của cộng đồng Pháp ngữ. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí chỉ định Pháp là nước chủ nhà tiếp theo của Hội nghị Cấp cao lần thứ XIX dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2024.

Một hội nghị thành công mọi mặt

Mặc dù còn nhiều khó khăn do khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 và suy thoái kinh tế, nước chủ nhà Tunisie đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ XVIII, để lại dấu ấn tốt đẹp, không chỉ với người dân Tunisia mà cả với bạn bè quốc tế. Chị Selmi Sonbel, đại diện ngành du lịch Djerba cho rằng thành công của Hội nghị thể hiện ở sự tham gia của đông đảo đại biểu các nước và công tác tổ chức an toàn, chu đáo của nước chủ nhà. Sự kiện là một dịp để người dân bản địa khám phá sự phong phú của các nền văn hóa Pháp ngữ. Và thành công hơn cả là Tunisia nói chung và Djerba nói riêng có dịp giới thiệu với thế giới những hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa và tiềm năng du lịch. Anh Ben Fathallah Mohamed cũng cho rằng việc Djerba đón Hội nghị thượng đỉnh là một dịp tốt để giới thiệu văn hóa và di sản của hòn đảo Djerba, hiện đang đệ trình UNESCO để được công nhận. Còn với phóng viên Fratern Ndacyayisenga, đến từ kênh truyền hình Africa24, việc OIF quyết định đổi mới là rất kịp thời vì thế giới đang thay đổi mỗi ngày. Pháp ngữ là cộng đồng mạnh thứ hai trên thế giới, chỉ sau Liên hợp quốc, vậy nên việc cải tổ là rất cần thiết. Theo nhà báo người Rwanda này, dựa trên nền tảng cơ bản là hợp tác giữa các nước thành viên, cộng đồng Pháp ngữ cần tăng cường đối thoại, chia sẻ hiểu biết, khuyến khích sáng tạo, ưu tiên phụ nữ và giới trẻ. Đó cũng là những chủ đề quan trọng của thế giới ngày nay. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ XVIII tại Djerba, Tunisie, đã khép lại. Nhưng nó lại mở ra triển vọng kết nối trong đa dạng và ứng dụng kỹ thuật số, yếu tố phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ vì một tương lai tốt đẹp hơn. Các đoàn đại biểu tạm biệt hòn đảo Djerba xinh đẹp và thân thiện, nhưng không quên hẹn gặp lại ở Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ XIX dự kiến sẽ diễn ra tại Cộng hòa Pháp vào năm 2024.

Ai Cập: Xe buýt va chạm với xe đầu kéo, 39 người thương vong

Ít nhất 12 người thiệt mạng và 27 người khác bị thương trong một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ngày 20/11 ở miền Đông Ai Cập. Theo một quan chức y tế Ai Cập, tai nạn xảy ra khi một xe buýt chở khách của một công ty tư nhân va chạm với một xe đầu kéo trên đường cao tốc ở thành phố Ras Ghareb thuộc tỉnh Biển Đỏ. Nhà chức trách đã huy động 30 xe cấp cứu tới hiện trường tai nạn. Những người bị thương đã được đưa tới các biện viện thành phố Ras Ghareb và thành phố Hurghada ở gần đó. Trong số này có những người bị thương nặng như chấn thương sọ não và xuất huyết não. Mỗi năm, tai nạn giao thông khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại Ai Cập. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông là do các nguyên nhân như quá tốc độ, không tuân thủ luật giao thông và đường xấu. Trong những năm gần đây, Chính phủ Ai Cập đã đầu tư nâng cấp hệ thống đường bộ, xây cầu và đường mới, tu sửa những tuyến đường cũ giúp lưu thông tốt hơn và giảm tai nạn.