Hà Nội: Học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10°C

Ngày 19/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản gửi thủ trưởng các đơn vị, trường học trực thuộc Sở; trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã về việc phòng, chống rét cho học sinh. Theo đó, để bảo đảm sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; thủ trưởng các đơn vị, trường học; giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thường xuyên theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời của khu vực Hà Nội trong những ngày trời rét đậm, rét hại được phát tại bản tin dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1); Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (kênh H1) vào 6 giờ hằng ngày. Căn cứ vào thông tin này, trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học. Học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10°C; học sinh trung học cơ sở nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7°C. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học kiểm tra, sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Các trường có tổ chức bán trú cần đặc biệt quan tâm bảo đảm cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ trưa đủ ấm. Các trường, nhóm lớp mầm non cần bảo đảm có nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ em. Các đơn vị, trường học lưu ý, không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày trời rét. Trong những ngày rét đậm, rét hại, căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các trường có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt để học sinh được vào học.

Bạc Liêu: Một người ngã sông tử vong do say rượu

Chiều tối 19/12, sau gần 1 giờ tìm kiếm, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Bạc Liêu đã tìm thấy thi thể của nạn nhân Đường Văn Phước, sinh năm 1968, ngụ đường Lò Rèn, khóm 7, phường 5, thành phố Bạc Liêu. Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 19/12, ông Đường Văn Phước được người dân phát hiện rơi xuống sông (kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau) khu vực cầu Kim Sơn. Người dân ngay lập tức báo cho lực lượng chức năng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn đã điều một ca nô; các chiến sĩ đã xuống mò vớt và tìm thấy thi thể nạn nhân tại khu vực đoạn từ cầu Kim Sơn đến cầu Võ Thị Sáu. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, ông Phước là người nghiện rượu, thường xuyên ngủ nghỉ ở khu vực xung quanh và trên cầu Kim Sơn. Thời điểm xảy ra tai nạn, không có ai ở gần ông Phước. Ông Ngô Quốc An, Chủ tịch UBND phường 5 cho biết, địa phương đã liên hệ với gia đình ông Phước để lo hậu sự. Nếu gia đình khó khăn, địa phương sẽ hỗ trợ lo mai táng.

Cháy cửa hàng điện gia dụng ở Cần Thơ làm hai trẻ em tử vong

Rạng sáng 19/12, trên địa bàn huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 2 trẻ em bị ngạt khói dẫn đến tử vong. Cụ thể, khoảng 1 giờ cùng ngày, ngọn lửa bốc lên tại căn nhà cũng là cửa hàng kinh doanh của vợ chồng ông Phạm Thanh Hùng, 42 tuổi, ở trung tâm xã Trường Long, huyện Phong Điền. Ngọn lửa sau đó bùng lên dữ dội kèm nhiều tiếng nổ. Người dân phát hiện hô hoán, chạy đến đập cửa báo động. Ông Hùng cùng vợ thức dậy và tìm cách cứu hai con nhỏ (bé trai 11 tuổi và bé gái 8 tuổi) ngủ trong phòng nhưng do cửa khóa trái, ngọn lửa quá lớn nên không thành công. Vợ chồng ông đành chạy ra ngoài kêu cứu. Nhận được tin báo, Công an huyện Phong Điền cùng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Cần Thơ) đã huy động 6 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ được đến hiện trường tham gia dập lửa. Ngọn lửa sau đó được khống chế. Lực lượng chức năng đưa được hai nạn nhân ra ngoài nhưng các bé đã tử vong. Vụ cháy cũng thiêu rụi cửa hàng kinh doanh của vợ chồng ông Phạm Thanh Hùng, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân hỏa hoạn.

Khẩn trương ứng phó với rét đậm, rét hại diện rộng và kéo dài

Các ngành, địa phương trong tỉnh Nghệ An đang khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại diện rộng và kéo dài, trong đó, chú trọng thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh. Ngành chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người. Cùng với đó, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt để đảm bảo an toàn; che phủ, tưới nước, bón phân, giữ ẩm đối với sản xuất lúa, rau màu; rà soát điều chỉnh lịch gieo mạ, gieo sạ tránh thời tiết rét đậm, rét hại. Tỉnh Nghệ An yêu cầu, các ngành Du lịch, Giao thông, chính quyền địa phương chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách du lịch biết, tăng cường cảnh báo trên tuyến đường thường xảy ra sương mù, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông. Tại Nghệ An đang xảy ra đợt rét đậm, rét hại diện rộng, với nhiệt độ phổ biến từ 8 - 11 độ C, vùng núi cao có nơi xuống thấp hơn 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại lớn nhất trong vòng 2 năm qua tại địa phương. Tại xã Na Ngoi (huyện miền núi Kỳ Sơn) đã xuất hiện băng tuyết phủ trắng cây cối và mái nhà của người dân. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, do đặc thù địa bàn nên mỗi khi xảy ra rét đậm, rét hại, nếu không triển khai kịp thời biện pháp ứng phó gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, ảnh hưởng tới hoạt động dân sinh, kinh tế xã hội khác. Thực tế, những năm trước đây, tại Nghệ An, khi rét đậm, rét hại xảy ra làm nhiều diện tích lúa, hoa màu khác bị hư hỏng, thiệt hại. Tại các huyện miền núi, do thói quen, tập tục nuôi thả gia súc tự do trong rừng, ít được trông coi, chăm sóc nên vào đợt rét đậm, rét hại, xuất hiện trâu bò chết nhiều, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Đã khởi tố 2 vụ án và 27 bị can trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Chiều 19/12, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an năm 2022. Đại diện cơ quan điều tra đã thông tin nhiều vụ án lớn, dư luận quan tâm như vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ Công ty Việt Á, vụ án tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, vụ Công ty AIC. Tại buổi họp báo, Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an), đã cung cấp thêm những thông tin liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án và 27 bị can để điều tra sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Vụ án này đang trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng chưa công bố thông tin cụ thể. Trước đó, đầu tháng 10/2022, C03 đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, C03 khởi tố vụ án, thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan. C03 cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can: Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của người dân trong thời gian 2018 - 2019. Đề cập tiến độ điều tra vụ Việt Á, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, hiện đã khởi tố 29 vụ án và 102 bị can, trong đó, Bộ Công an khởi tố 29 bị can. Bộ Quốc phòng khởi tố 5 bị can, còn lại do cơ quan điều tra các địa phương thực hiện các thủ tục tố tụng. Theo đại diện C03, một số nội dung liên quan vụ án đang được điều tra triệt để. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ và thu thập thêm tài liệu. Đối với vụ Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, ngày 9/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 36 bị can. Đại diện C03 khẳng định hoạt động tố tụng này đảm bảo tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Với diễn biến bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty AIC) cùng 7 bị can khác đã bỏ trốn và bị truy tố, C03 nhấn mạnh việc điều tra thu thập chứng cứ không chỉ phụ thuộc lời khai các bị can, mà còn căn cứ nhiều tài liệu, chứng cứ khác. Đối với vụ "giải cứu chuyến bay" xảy ra tại Bộ Ngoại giao và các đơn vị, địa phương liên quan, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đến nay đã khởi tố 35 bị can. Bên cạnh đó, Cơ quan an ninh đã nhận được các thông tin, tài liệu do các tỉnh, thành cung cấp. Trong thời gian tới, quá trình điều tra, nếu trường hợp vi phạm phải xử lý hình sự, cơ qua Công an cũng sẽ khởi tố công bố công khai.

Liên tiếp phát hiện tàu vận chuyển dầu DO trái phép trên vùng biển Cà Mau

Tối 19/12, tin từ Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho biết, lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển vừa phát hiện 2 tàu đánh cá đang vận chuyển một lượng lớn dầu DO không rõ nguồn gốc. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ phối hợp Hải đội Biên phòng 2 khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Trước đó, đêm 18/12, tàu tuần tra của Hải đội Biên phòng 2 đã phát hiện tàu KG 90412 TS và tàu KG 94707 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên 2 tàu có nhiều bồn chứa dầu DO dưới khoang hầm. Tuy nhiên, toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Do đó, lực lượng làm nhiệm vụ đưa người, phương tiện về cửa biển Sông Đốc, Cà Mau điều tra làm rõ. Làm việc với cán bộ điều tra Bộ đội Biên phòng, ông Tô Hoàng Phong (42 tuổi, ngụ Tây Yên, An Biên, Kiên Giang; thuyền trưởng tàu cá KG 90412 TS) và ông Danh Bền (33 tuổi, ngụ Vĩnh Tuy, Gò Quao, Kiên Giang; thuyền trưởng tàu cá KG 94707 TS) khai nhận toàn bộ số dầu DO kể trên của 2 tàu là mua trên biển từ tàu khác với giá rẻ, với số lượng còn lại trên 15 ngàn lít. Chỉ tính từ cuối tháng 10/2022 đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Cà Mau liên tiếp phát hiện, bắt giữ 4 vụ mua bán dầu lậu trên biển. Đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu trên 70 nghìn lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc.

Khởi tố, bắt tạm giam hiệu trưởng trường dân tộc bán trú tham ô tài sản

Ngày 19/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Như Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học Cơ sở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La để điều tra về hành vi tham ô tài sản. Theo thông tin ban đầu, năm học 2019 - 2020 và 2021 - 2022, Nguyễn Như Thành đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo bộ phận kế toán, thủ quỹ lập hồ sơ, chứng từ rút tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho học sinh nhà trường theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập... Sau khi rút tiền ngân sách hỗ trợ về nhà trường, Nguyễn Như Thành đã không chi trả đầy đủ cho học sinh mà trực tiếp quản lý, lập khống chứng từ chi, báo cáo quyết toán hàng năm của nhà trường; qua đó, đã chiếm đoạt, sử dụng cá nhân tổng số tiền trên 2,016 tỷ đồng. Hành vi của Nguyễn Như Thành đủ yếu tố cấu thành tội "Tham ô tài sản" được quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự. Việc khởi tố, bắt giữ đối tượng đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La tiếp tục điều tra mở rộng.

Đề nghị tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện tù chung thân, buộc bồi thường hơn 2.462 tỷ đồng

Ngày 19/12, tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," "Rửa tiền" xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã luận tội và đề nghị mức án đối với 23 bị cáo trong vụ án. Theo Viện Kiểm sát, căn cứ vào hồ sơ chứng cứ có trong vụ án, kết quả xét hỏi công khai tại tòa, khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, quá trình điều tra, xét xử cho thấy, các bị cáo biết và buộc phải biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội tới cùng. Theo đó, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp. Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách dùng pháp nhân của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập ra 58 dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy đồng tiền từ khách hàng. Tính đến ngày khởi tố vụ án là ngày 13/9/2019 (hơn 3 năm kể từ ngày thành lập), Công ty Alibaba triển khai bán hàng trên 58 dự án nhưng chưa có dự án nào tiến hành xin cấp phép, dù chỉ là thủ tục cấp phép; chưa một pháp nhân nào thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Điều này minh chứng các bị cáo không có ý định xin cấp phép đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Theo đại diện Viện Kiểm sát, diễn biến vụ án cho thấy thủ đoạn của Luyện rất tinh vi, tận dụng triệt để sự nhiệt huyết tuổi trẻ của một số bị cáo trong vụ án, thiếu chín chắn, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm để phục vụ cho mục đích của bị cáo. Đối tượng khách hàng mà bị cáo nhắm đến để chiếm đoạt tiền đa số có điều kiện trung bình hoặc hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít hiểu biết về pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất... Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 19 bị cáo với mức án từ thấp nhất là 12 -13 năm tù, cao nhất là 20 năm tù. Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị đề nghị 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 - 14 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt phải chịu là 30 năm tù; Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) 20 năm tù vì lừa đảo, 10 - 12 năm tù vì rửa tiền, tổng hợp là 30 năm tù. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị tuyên phạt 5 - 6 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Buộc vợ chồng Nguyễn Thái Luyện phải bồi thường cho khách hàng

Về hành vi rửa tiền của bị cáo Võ Thị Thanh Mai, đại diện Viện Kiểm sát nhận định, bị cáo Mai giữ chức vụ Giám đốc tài chính Công ty Aibaba. Nhiệm vụ của bị cáo tại Công ty Alibaba là người quản lý tài chính; quản lý hoạt động của bộ phận kế toán, giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty Alibaba. Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều do bị cáo Mai duyệt chi. Bị cáo xác định nguồn tiền thu của Công ty Alibaba là tiền thu của các khách hàng mua đất, Công ty không có nguồn thu nào khác. Ngoài ra, bị cáo là Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Alibaba Law Firm, chủ đầu tư 28 Dự án không có thật. Bị cáo Mai đã chỉ đạo Nguyễn Thái Lực rút 13 tỷ đồng tiền mặt từ ngân hàng để giao cho mình khi Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án. Điều này nhằm che dấu nguồn gốc tiền, bản chất thực sự, quyền sở hữu đối với tiền mà bị cáo biết rõ đây là số tiền do phạm tội mà có. Từ giúp sức nêu trên của bị cáo Lực, bị cáo Mai đã tẩu tán 13 tỷ đồng của các khách hàng nộp mua đất và đến nay Cơ quan điều tra vẫn chưa thu hồi được. Khai tại tòa, bị cáo Mai cho rằng, không thể công khai danh tính người bị cáo giao số tiền 13 tỷ đòng vì đây là khoản tiền bị cáo trả nợ người vay trước đó, nếu bị cáo khai báo có thể ảnh hưởng đến tính mạng con và gia đình bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, lời khai này của bị cáo là không có cơ sở chấp nhận. Nguồn gốc số tiền này được hình thành từ các sổ tiết kiệm, từ tiền từ khách hàng mua đất nền tại Công ty Alibaba. Do đó, lời khai của bị cáo Mai chỉ thể hiện mục đích thu lợi đến cùng số tiền bất chính 13 tỷ đồng của khách hàng đã nộp. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Võ Thị Thanh Mai nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính 13 tỷ đồng. Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát khẳng định, với việc rao bán cái mình không có, lừa dối người mua bằng thủ đoạn lập hệ thống tổ chức các công ty để che dấu hành vi gian dối, Nguyễn Thái Luyện đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 2.462 tỷ đồng của 4.550 khách hàng. Viện Kiểm sát đề nghị Luyện và vợ là bị cáo Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường số tiền trên cho các khách hàng. Về xử lý vật chứng, Viện Kiểm sát đề nghị duy trì tạm giữ hơn 9,2 tỷ đồng tiền mặt phát hiện trong quá trình khám xét và hơn 45 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản của 49 cá nhân là nhân viên và pháp nhân thuộc Công ty Alibaba, tiếp tục kê biên với 652 thửa đất nông nghiệp... Tất cả những tài sản này đề đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo. Phiên tòa bước sang phần tranh tụng. Dự kiến, tòa tuyên án vào ngày 6/1/2023.

Băng tuyết làm gián đoạn nhiều hoạt động giao thông tại Đức

Tin 24h ngày 19/12/2022

Tuyết bao phủ dày đặc tại Lengenwang, miền nam nước Đức.

Sau nhiều ngày tuyết rơi và đóng băng, áp suất thấp đang di chuyển từ Đại Tây Dương qua khu vực miền Bắc châu Âu, khiến băng tan chảy sau đó đông lại, hình thành các lớp băng đen nguy hiểm và khó nhìn. tình trạng băng đen đã khiến hoạt động giao thông trên toàn nước Đức gặp khó khăn. Không chỉ đường bộ, đường sắt bị ảnh hưởng, nhiều chuyến bay đã bị hủy trong ngày 19/12. Băng tuyết trơn trượt cũng là nguyên nhân gây tai nạn khiến một tài xế tử vong trên đường cao tốc nối Hanover với Bremen. Sân bay Frankfurt, nơi có lưu lượng hành khách đông nhất ở Đức, đã thông báo tạm ngừng hoạt động và hủy nhiều chuyến bay để bảo dưỡng đường băng. Người phát ngôn của sân bay cho biết trong số 1.100 chuyến cất cánh và hạ cánh theo kế hoạch trong ngày 19/12, có tới 176 chuyến bị hủy trong sáng cùng ngày. Số chuyến bay được phép hạ cánh mỗi giờ cũng phải giảm do đường băng không đủ điều kiện vận hành. Riêng đường băng phía Tây Bắc đã phải đóng cửa hoàn toàn trong sáng cùng ngày để phục vụ việc dọn dẹp và cạo tuyết. Giới chức hàng không đề nghị hành khách tìm hiểu thông tin xem chuyến bay đã đặt chỗ có được phép cất cánh hay không và đến quầy làm thủ tục càng sớm càng tốt. Trong khi đó, Cơ quan dự báo thời tiết Đức (DWD) cũng cảnh báo hoạt động của một số tuyến đường bộ và đường sắt có thể bị gián đoạn do các phương tiện không thể đi qua. Tại bang Niedersachsen, chính quyền các thành phố như Hanover, Osnabrück và Gottingen đã cho học sinh nghỉ học sáng 19/12 do đi lại khó khăn. Trên phạm vi cả nước, DWD khuyến cáo người dân không nên ở ngoài trời lâu, đặc biệt lưu ý việc đi lại khi hoạt động giao thông trên nhiều tuyến bị gián đoạn do băng tuyết.

Thử nghiệm thành công phương pháp mới đóng băng và lưu trữ ấu trùng san hô

Các nhà khoa học tham gia chương trình cứu rạn san hô Great Barrier của Australia đã thử nghiệm thành công phương pháp mới, theo đó đóng băng và lưu trữ ấu trùng san hô, nhằm giúp khôi phục những rạn san hô bị biến đổi khí hậu đe dọa. Các nhà khoa học đang nỗ lực bảo vệ các rạn san hô trong bối cảnh nhiệt độ đại dương tăng, làm mất ổn định các hệ sinh thái mong manh. Trong 7 năm qua, rạn san hô Great Barrier đã 4 lần bị tẩy trắng, trong đó lần tẩy trắng đầu tiên xảy ra do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, thường làm giảm nhiệt độ. San hô đóng băng có thể được lưu trữ và sau đó đưa trở lại môi trường tự nhiên, tuy nhiên quy trình này đòi hỏi trang thiết bị tinh vi, trong đó có tia laser. Các nhà khoa học cho biết có thể sản xuất một lưới làm lạnh mới, nhẹ, với chi phí thấp và bảo quản san hô tốt hơn. Trong thử nghiệm tại phòng thí nghiệm hồi trong tháng 12 - lần thử nghiệm đầu tiên trên thế giới, với rạn san hô Great Barrier, các nhà khoa học sử dụng lưới làm lạnh để đóng băng ấu trùng san hô tại Viện khoa học biển Australia (AIMS). Công nghệ lưới làm lạnh, giúp lưu trữ ấu trùng san hô ở nhiệt độ -196 độ C, được một nhóm các nhà khoa học thuộc Khoa khoa học và công nghệ của Đại học Minnesota (Mỹ) phát minh. Công nghệ này lần đầu tiên được thử nghiệm đối với san hô. Giới chuyên gia khẳng định công nghệ mới này sẽ cho phép các nhà khoa học can thiệp phục hồi và nuôi trồng thủy sản. Lưới làm lạnh trước đây được thử nghiệm trên các loại san hô nhỏ hơn và lớn hơn của Hawaii, song đã thất bại khi thử nghiệm trên các san hô lớn hơn. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục thử nghiệm với các loại san hô lớn hơn của rạn san hô Great Barrier. Các thử nghiệm có sự tham gia của các nhà khoa học từ AIMS, Vườn thú quốc gia Smithsonian và Viện sinh học bảo tồn, Quỹ Rạn san hô Great Barrier và Hội bảo tồn Taronga Australia. Đây là một phần trong Chương trình thích nghi và phục hồi san hô.