Tăng cường tuần tra, ghi hình xe vi phạm trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3

Từ 20/9, Phòng 7, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) sẽ phối hợp với Công an Hà Nội tăng cường tuần tra bằng mô tô, ghi hình xe vi phạm để kịp thời giải quyết ùn tắc trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3. Chiều 17/9, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông cho biết vừa ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3. Cụ thể, từ ngày 20/9 tới đây, lực lượng thuộc Cục và Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an Hà Nội) sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3. Lực lượng chức năng sẽ sử dụng mô tô, cơ động di chuyển dọc tuyến để phát hiện và kịp thời giải quyết các điểm nút gây ùn tắc tại cả đường trên cao và các nhánh đường xuống. Phân luồng hợp lý để hạn chế xung đột giữa các luồng phương tiện, chỉ huy điều khiển giao thông tránh ùn tắc trên các luồng đường chính, hạn chế xung đột các luồng giao thông. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ sử dụng thiết bị nghiệp vụ quay phim, ghi hình các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm các hành vi là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông như: Dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định, điều khiển phương tiện vào làn khẩn cấp, không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn… để làm căn cứ xử lý vi phạm. Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, các xe mô tô làm nhiệm vụ sẽ chạy đảo chiều nhau, liên tục khép kín tuyến đường trong giờ cao điểm. Lực lượng làm nhiệm vụ sẽ phối hợp nhịp nhàng với các Đội Cảnh sát Giao thông trên đường cao tốc để giải quyết ùn tắc ở các nút giao cao tốc với đường Vành đai 3. Thời gian thực hiện kế hoạch sẽ bắt từ ngày 20/9- 20/10. Cũng theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, sau thời gian thí điểm thực hiện kế hoạch này, lực lượng chức năng sẽ tổng kết đánh giá, nếu phát huy hiệu quả sẽ nhân rộng ra các tuyến đường ra vào cửa ngõ Thủ đô và các tuyến thường xuyên xảy ra ùn tắc tại các thành phố lớn. Lực lượng Cảnh sát Giao thông đưa ra khuyến cáo với người tham giao thông trên tuyến phát huy tinh thần nâng cao văn hóa giao thông, nhường nhịn nhau khi đến các điểm giao cắt lên xuống đường Vành đai 3 và tuân thủ theo chỉ huy điều khiển giao thông của lực lượng Cảnh sát Giao thông để tránh xung đột gây ùn tắc, không điều khiển phương tiện chuyển hướng rẽ xuống đường nối dành cho các phương tiện từ dưới đi lên. Khi giao thông trên tuyến thông suốt, các phương tiện đỡ phải dừng chờ lâu ảnh hưởng đến kinh tế và giảm khói bụi thải ra môi trường.

Nhiều khu vực trên cả nước có mưa dông, cục bộ mưa to

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 17/9, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20 - 40 mm, có nơi trên 70 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và tối). Mưa dông ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1. Trên biển, đêm 17/9, ngày 18/9, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan có mưa rào, dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 7-8. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2-3 m. Mưa dông và gió mạnh trên các vùng biển có khả năng duy trì trong những ngày tới. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, chiều 17/9, các sông suối khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có khả năng xuất hiện lũ. Biên độ lũ lên trên thượng lưu các sông từ 1-2m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ khu vực thượng lưu và các sông suối nhỏ sẽ lên mức báo động 1 - báo động 2, hạ lưu các sông chính dưới mức báo động 1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi phía Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất cấp 1. Đêm 17/9 và ngày 18/9, phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, đêm có mưa rào rải rác, có nơi có dông, ngày nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, có nơi dưới 23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C. Phía Đông Bắc Bộ có mây, đêm có mưa rào, dông vài nơi, ngày nắng; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C. Thủ đô Hà Nội có mây, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 25-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-34 độ C. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế nhiều mây, đêm có mưa rào, dông vài nơi, riêng phía Bắc có mưa rào rải rác, có nơi có dông, ngày nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, có mưa rào, dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mây, có mưa rào, dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Tây Nguyên có nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C. Nam Bộ có nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.

Quảng Trị: Điều tra, làm rõ nguyên nhân một tàu cá bị chìm trên biển

Trưa 17/9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan điều tra, làm rõ vụ việc một tàu cá bị chìm, 9 ngư dân rơi xuống biển. Trước đó, vào khoảng 22 giờ ngày 16/9, Đồn Biên phòng Cồn Cỏ nhận được tin báo về việc tàu QT 91252 TS của ông Trương Thanh Bình (49 tuổi), trú tại Xuân Ngọc, Gio Việt, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị chìm ở vị trí Đông – Nam đảo Cồn Cỏ, cách đảo khoảng 3 hải lý. Sau khi tàu chìm, 9 ngư dân trên tàu được một tàu khác cứu đưa vào huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó có 2 người bị thương. Đồn Biên phòng Cồn Cỏ tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho các ngư dân bị thương; đồng thời, phối hợp với tàu Cảnh sát biển 4033 truy đuổi tàu cá Quảng Ngãi liên quan đến vụ việc. Đến 2 giờ ngày 17/9, tàu Cảnh sát biển 4033 tiếp cận được tàu Quảng Ngãi có số hiệu Qng 66359 TS ở vị trí Đông Nam đảo Cồn Cỏ, cách đảo khoảng 23 hải lý. Sau khi lấy lời khai ban đầu các thuyền viên trên tàu Quảng Ngãi, tàu Cảnh sát biển 4033 đã lai dắt tàu Quảng Ngãi về khu vực cầu cảng Cảnh sát biển 202 để tiến hành các biện pháp tiếp theo. Thông tin ban đầu, nguyên nhân khiến tàu QT 91252 TS bị chìm liên quan đến tàu Quảng Ngãi. Theo lời kể của ngư dân trên tàu Quảng Trị, giữa 2 tàu có va chạm trên biển, rồi xảy ra xích mích. Tiếp đó, có tiếng nổ lớn phát ra, tàu Quảng Trị bị chìm còn tàu Quảng Ngãi bỏ chạy khỏi hiện trường. Hiện sức khỏe các thuyền viên trên tàu Quảng Trị đã ổn định. Nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tuyên Quang chủ động ứng phó với mưa lớn và xả lũ

Sáng 17/9, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn có mưa, có nơi mưa rất to. Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, từ 17/9 đến hết ngày 18/9, trên sông Lô và các sông suối nhỏ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang lũ tiếp tục lên với biên độ 3-5m, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng, đặc biệt là những nơi có địa hình dốc, ven sông, suối…Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, từ ngày 16/9 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xuất hiện mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt, cùng với đó là việc xả lũ của 2 nhà máy thủy điện: Thủy điện sông Lô 8A (huyện Hàm Yên) và Thủy điện sông lô 8B (huyện Yên Sơn), đã làm cho mực nước sông Lô lên cao, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng thấp. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị đã các địa phương, cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng để sẵn sàng phương án ứng phó. Để đảm bảo an toàn hạ du khi 2 Nhà máy thủy điện: Thuỷ điện sông Lô 8A (huyện Hàm Yên) xả lũ với lưu lượng 1.600m3/s (bắt đầu xả từ 10 giờ 30 phút ngày 16/9) và thuỷ điện sông Lô 8B (huyện Yên Sơn) xả lũ với lưu lượng 1.800m3/s (bắt đầu xả từ 12 giờ 30 phút 16/9), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đã đề nghị đề nghị các huyện, thành phố khu vực hạ du 2 Nhà máy thủy điện di dời các lồng bè, dân cư vùng trũng, thấp ven sông Lô để đảm bảo an toàn về người, tài sản, đặc biệt trong trường hợp mưa lớn bất thường xảy ra. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Tuyên Quang có thông tin cảnh báo tới các chủ phương tiện giao thông đường thủy, tổ chức kiểm soát người qua lại tại các khu vực cầu phao, cầu treo, các đập tràn, đường bị ngập, bến đò… đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Vụ Việt Á: Bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và ông Phạm Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Ngày 17/9/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng và ông Phạm Mạnh Cường về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước. Trước đó, ngày 16/9, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương cùng một số lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Trong đó, ông Phạm Xuân Thăng được xác định đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy chế làm việc, Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Ông Phạm Xuân Thăng chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; để nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Phạm Xuân Thăng cùng một số lãnh đạo Hải Dương đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, người dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm mất uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương và từng cá nhân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng.

Tây Ninh: Triệt xóa tụ điểm đánh bạc dưới hình thức số đề

Chiều 17/9, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Châu Thành triệt xóa đường dây tổ chức đánh bạc với hình thức thầu số đề xảy ra trên địa bàn huyện Châu Thành. Lúc 17 giờ ngày 16/9, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an huyện Châu Thành chia thành ba tổ công tác đột kích vào ba điểm (thuộc huyện Châu Thành) đang hoạt động tổ chức đánh bạc theo hình thức thầu số đề. Lực lượng chức năng đã bắt quả tang và mời làm việc 7 người có liên quan. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm: 19 triệu đồng, 11 điện thoại di động và 8 quyển tập ghi "phơi" số đề và nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan. Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng tháng 6 năm 2022, đối tượng Trần Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1980, ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) đứng ra tổ chức mua bán số đề trên địa bàn các xã Phước Vinh, An Cơ (thuộc huyện Châu Thành). Hằng ngày, từ khoảng 13 giờ đến 18 giờ 15 phút,Tuyết sử dụng điện thoại để nhận "phơi" số đề của nhiều tay em trên địa bàn huyện Châu Thành bằng nhiều hình thức khác nhau như tin nhắn SMS, Zalo; điện thoại trực tiếp để đọc số và được ghi âm lại… Mỗi ngày, số tiền trên "phơi" số đề mà các đối tượng giao nhận với nhau thấp nhất khoảng 70 triệu đồng, cao nhất khoảng 100 triệu đồng. Sau khi có kết quả xổ số, Tuyết tập hợp tất cả các "phơi" số đề của các tay em giao để tính tiền thắng thua (dựa vào kết quả xổ số). Việc giao nhận tiền thắng, thua đánh bạc theo hình thức chơi số đề được các đối tượng thực hiện chủ yếu bằng tiền mặt. Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Công an huyện Châu Thành tiếp tục điều tra, làm rõ.

Phạt tù hai cựu cán bộ công an, tịch thu số tiền ‘chạy án’

Sau một buổi sáng xét xử, trưa 17/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 6 bị cáo trong vụ lừa "chạy án" gần 60 tỷ đồng cho nguyên Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức Nguyễn Minh Quân.Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bùi Trung Kiên (sinh năm 1980, cựu cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03, Bộ Công an) 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4 - Bộ luật Hình sự. Tòa tuyên phạt 5 bị cáo còn lại gồm: Lê Thanh An (sinh năm 1976, cựu cán bộ Phòng 5, C03, Bộ Công an) 6 năm tù; Trần Văn Long (sinh năm 1976, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt) 3 năm tù; Nguyễn Ngọc Triệu (sinh năm 1973, cựu Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Thượng tọa Thích Đồng Huệ, Trụ trì Chùa Nôm, đã có Quyết định hoàn tục và thôi tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam) 5 năm tù; Bùi Thị Hồng Giang (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Bùi Gia và cộng sự) 9 năm tù và Hà Duy Tuấn (sinh năm 1985, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Cổ phần đầu tư Long Thịnh) 9 năm tù về cùng tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365, khoản 4 - Bộ luật Hình sự. Bản án sơ thẩm xác định, đầu năm 2021, khi C03 xác minh các hoạt động liên quan đấu thầu ở Bệnh viện thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Quân (khi đó là Giám đốc Bệnh viện) lo sợ bị phát hiện ra các sai phạm nên đã liên hệ nhờ các bị cáo trong vụ án “chạy án” giúp. Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2021 đến tháng 7/2021, ông Quân đã nhiều lần đưa cho Bùi Trung Kiên, Bùi Thị Hồng Giang và Trần Văn Long 2,67 triệu USD (tương đương gần 60 tỷ đồng) để chạy án. Bị cáo Bùi Trung Kiên mặc dù không được phân công nhiệm vụ xác minh sự việc liên quan Bệnh viện thành phố Thủ Đức, Kiên biết rõ bản thân không có khả năng và cũng không có ý định nhờ ai xin giúp nhưng vì muốn chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân nên vẫn nhận lời giúp ông Quân để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “giá” 2,2 triệu USD và Kiên đã nhận đủ số tiền này. Tháng 5/2021, thấy C03 vẫn kiểm tra quyết liệt, Kiên bị ông Quân đòi lại tiền. Kiên đã trả 1,15 triệu USD, còn chiếm đoạt 1,05 triệu USD (tương đương 23,5 tỷ đồng). Sau này, bị cáo Kiên đã nộp lại số tiền chiếm đoạt này. Không nhờ được Kiên, ông Quân tiếp tục nhờ các bị cáo còn lại và đưa cho họ tổng số hơn 1,5 triệu USD. Bị cáo Lê Thanh An (khi đó là cán bộ C03) nhận đủ số tiền này và nhờ Hà Duy Tuấn đi “lo lót” giúp. Tuấn lại cầm 970.000 USD đến nhờ bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu giúp đỡ. Bị cáo Triệu nhận lời và lại đi nhờ một người khác giúp đỡ ông Quân nhưng không được. Trong đó, bị cáo Kiên lừa đảo chiếm đoạt của ông Nguyễn Minh Quân hơn 23 tỷ đồng. Bị cáo Giang và Long môi giới hối lộ hơn 36 tỷ đồng, bị cáo An môi giới hơn 33 tỷ đồng, Tuấn hơn 22 tỷ đồng, Triệu hơn 8 tỷ đồng để giúp ông Nguyễn Minh Quân “chạy án”, nhưng không thành. Theo bản án sơ thẩm, đây là vụ án nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội. Các bị cáo đều nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, do vậy, cần cách ly các bị cáo mới có tác dụng cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung. Đối với bị cáo Kiên mặc dù không có khả năng giúp đỡ ông Quân nhưng đã nhiều lần nhận tiền của ông Quân với số tiền rất lớn, thể hiện ý chí thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Đây là tình tiết tăng nặng của bị cáo Kiên nên bị cáo Kiên phải chịu mức án cao nhất trong số các bị cáo trong vụ án. Hội đồng xét xử cũng cân nhắc việc các bị cáo trong vụ án đã thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, có ý thức bồi thường, khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền phạm pháp... nên quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo. Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trong vụ án này, ông Nguyễn Minh Quân không bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ nhưng bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa tuyên tịch thu toàn bộ số tiền đưa hối lộ để sung công quỹ Nhà nước. Trình bày tại tòa, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Minh Quân gửi lời xin lỗi của ông Quân đến các bị cáo trong vụ án vì giúp ông mà bị liên lụy, bị đưa ra xét xử về tội Môi giới hối lộ. Tuy nhiên, với vai trò ông Quân là người bị hại, luật sư đề nghị hoàn trả lại cho ông Quân số tiền đưa hối lộ. Hội đồng xét xử kết luận, số tiền đưa hối lộ này là tiền vi phạm pháp luật và tuyên tịch thu toàn bộ số tiền đưa hối lộ để sung công quỹ Nhà nước.

Xét xử sơ thẩm vụ lừa 'chạy án' cho nguyên Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức

Ngày 17/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 6 bị cáo trong vụ lừa "chạy án" gần 60 tỷ đồng cho nguyên Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức Nguyễn Minh Quân. Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Nguyễn Đăng Phong làm chủ tọa. Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (biệt phái về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) và một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Trong số 6 bị cáo ra hầu tòa tại vụ án này, bị cáo Bùi Trung Kiên (sinh năm 1980, cựu cán bộ Phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03, Bộ Công an) bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4 - Bộ luật Hình sự. Năm bị cáo còn lại gồm: Lê Thanh An (sinh năm 1976, cựu cán bộ Phòng 5, C03, Bộ Công an); Trần Văn Long (sinh năm 1976, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt); Nguyễn Ngọc Triệu (sinh năm 1973, cựu Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Thượng tọa Thích Đồng Huệ, Trụ trì Chùa Nôm, đã có quyết định hoàn tục và thôi tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam); Bùi Thị Hồng Giang (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Bùi Gia và cộng sự) và Hà Duy Tuấn (sinh năm 1985, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Cổ phần đầu tư Long Thịnh) bị truy tố về cùng tội “Môi giới hối lộ” theo quy định tại Điều 365, khoản 4 - Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Minh Quân (nguyên Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức, được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người bị hại), ông Nguyễn Văn Lợi (là bị can cùng với ông Nguyễn Minh Quân trong vụ vi phạm đấu thầu xảy ra ở Bệnh viện thành phố Thủ Đức, được triệu tập với tư cách là người liên quan) có đơn xin xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp thuận. Trong vụ án này, tổng số có 12 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu có tới 5 luật sư bào chữa. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Triệu chỉ chấp nhận mời 2 luật sư bào chữa và từ chối 3 luật sư bào chữa còn lại. Cáo trạng của Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Kiên lừa đảo chiếm đoạt của ông Nguyễn Minh Quân (nguyên Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức) hơn 23 tỷ đồng. Bị cáo Giang và Long bị cáo buộc môi giới hối lộ hơn 36 tỷ đồng, bị cáo An môi giới hơn 33 tỷ đồng, Tuấn hơn 22 tỷ đồng, Triệu hơn 8 tỷ đồng để giúp ông Nguyễn Minh Quân “chạy án”. Cụ thể, đầu năm 2021, khi C03 xác minh các hoạt động liên quan đấu thầu ở Bệnh viện thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Quân (khi đó là Giám đốc Bệnh viện) lo sợ bị phát hiện ra các sai phạm nên đã liên hệ nhờ Bùi Trung Kiên “chạy án” giúp. Kiên đồng ý giúp đỡ ông Quân và Nguyễn Văn Lợi (đang bị xác minh cùng vụ án với ông Quân) để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với “giá” 2,2 triệu USD và Kiên đã nhận đủ số tiền này. Tháng 5/2021, thấy C03 vẫn kiểm tra quyết liệt, Kiên bị ông Quân đòi lại tiền.

Liên hợp quốc lên tiếng về xung đột giữa Armenia và Azerbaijan

Liên hợp quốc vừa lên tiếng kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình để tháo gỡ căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan sau 2 ngày xung đột bùng phát khiến hơn 170 binh sĩ của hai bên thiệt mạng. Trình bày trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) phụ trách các khu vực châu Âu, Trung Á và châu Mỹ, ông Miroslav Jenca, cho rằng cộng đồng quốc tế phải duy trì cam kết đầy đủ về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, không ngừng nỗ lực để xoa dịu căng thẳng hiện tại, đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán và giúp họ đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Jenca nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, các bên phải tuân thủ nghĩa vụ triển khai đầy đủ lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 11/2020. LHQ kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán và thực hiện các bước đi cần thiết để ký kết một hiệp ước hòa bình lâu dài, HĐBA nên đưa ra thông điệp thống nhất để các bên tập trung vào giải pháp ngoại giao. Trong khi đó, 2 bên vẫn cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn tháng 11/2020. Tuy nhiên, LHQ chưa thể xác thực những thông tin cáo buộc từ cả 2 phía. Một số đại diện khác tham gia cuộc họp đã hoan nghênh việc 2 bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau 2 ngày xung đột và kêu gọi đối thoại. Đại sứ Mỹ tại LHQ Richard Mills cho rằng cần chấm dứt các hoạt động quân sự để nhường chỗ cho các hoạt động đàm phán hòa bình. Trong khi đó Đại sứ Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi các bên kiên trì giải quyết vấn đề và khúc mắc thông qua đối thoại chính trị, sử dụng các biện pháp tránh tiếp tục leo thang căng thẳng, tuân thủ lệnh ngừng bắn mới đạt được để xoa dịu tình hình. Các quan chức an ninh Armenia ngày 14/9 công bố một lệnh ngừng bắn với Azerbaijan sau 2 ngày pháo kích gần khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh khiến ít nhất 50 binh sĩ Azerbaijan và 49 binh sĩ Armenia thiệt mạng. Lần gần nhất giao tranh bùng phát nghiêm trọng tại khu vực này là vào cuối năm 2020, kéo dài 44 ngày trước khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian vào tháng 11 cùng năm. Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn ly khai để sáp nhập khu vực này vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước láng giềng mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra.

Động đất lớn làm rung chuyển khu vực Đông Nam Đài Loan (Trung Quốc)

Theo Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc, ngày 17/9, một trận động đất có độ lớn 6,5 đã xảy ra tại địa điểm cách địa phương Yujing của Đài Loan (Trung Quốc) 91 km về phía Đông với tâm chấn có độ sâu 7,3 km ở hạt Đài Đông. Hãng tin Reuters của Anh cho biết thêm trận động đất đã làm rung chuyển khu vực Đông Nam vùng lãnh thổ này. Hiện chưa có báo cáo thiệt hại về người và tài sản. Theo Cục Thời tiết Đài Loan, tâm chấn của trận động đất có độ sâu 7,3 km ở hạt Đài Đông, là khu vực dân cư thưa thớt. Các địa phương khác cũng cảm nhận được cơn địa chấn này. Các tòa nhà cao tầng ở Đài Bắc ghi nhận rung lắc nhẹ. Trước đó, Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc thông báo trận động đất có độ lớn 6,5 với với tâm chấn ở độ sâu 10 km. Do nằm ở khu vực giao nhau giữa hai mảng kiến tạo vỏ Trái Đất, Đài Loan thường chứng kiến các trận động đất. Năm 2016, một trận động đất xảy ra tại khu vực phía Nam Đài Loan vào năm 2016 khiến hơn 100 người thiệt mạng. Một trận động đất khác có độ lớn 7,3 xảy ra vào năm 1999 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người.