Chi trả hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Công tác chi trả gói hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng quy định của Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 (về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15), được người lao động, người sử dụng lao động ghi nhận, đánh giá cao.

Giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người lao động

Ngay sau khi Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động đã nộp hồ sơ đúng thời hạn theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chỉ đạo toàn ngành chuẩn bị các nguồn lực để tổ chức hiệu quả gói hỗ trợ theo đúng kế hoạch đặt ra. Cơ quan này đã kịp thời ban hành Công văn số 2216/BHXH-CSXH chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai Nghị quyết; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành đến cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện và quán triệt tinh thần thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo nhanh chóng, chính xác, thuận tiện cho người lao động. Trong quá trình thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn bám sát tình hình thực tế, kịp thời chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố sẵn sàng huy động mọi nguồn lực, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin, chú trọng thông tin, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng gói hỗ trợ đúng thời hạn được chi trả nhanh chóng. Đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của Bảo hiểm xã hội các địa phương để số tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến đúng - đủ - kịp thời tới người lao động. Với sự nỗ lực, chủ động, tích cực triển khai chính sách hỗ trợ tới người lao động, tính đến ngày 10/9/2022 (hạn cuối triển khai gói hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người lao động, với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng. Trong số này, đã chi trả hỗ trợ cho 362.522 người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ theo quy định với tổng số tiền hơn 1.028 tỷ đồng. Còn 2.693 người lao động thuộc đối tượng đã nộp hồ sơ và được cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết hưởng theo đúng quy định nhưng chưa nhận hỗ trợ với số tiền tương ứng hơn 5,67 tỷ đồng. Nguyên nhân là do người lao động đăng ký nhận tiền nhưng chưa đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận hỗ trợ; có những trường hợp, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chuyển ngân hàng để chi qua tài khoản cho người lao động, song số tài khoản người lao động cung cấp sai nên việc chi trả chưa thực hiện được… Đối với các trường hợp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, người lao động sẽ nhận được hỗ trợ ngay sau khi cung cấp lại thông tin số tài khoản hoặc đến nhận tại cơ quan Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, còn một số trường hợp người lao động không đủ cơ sở, điều kiện thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ; đề nghị hưởng hỗ trợ cùng lúc ở nhiều nơi hoặc không có nguyện vọng nhận hỗ trợ… Có thể thấy, với số lao động được hỗ trợ trên quy mô lớn, khoản hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (được đánh giá là khoản hỗ trợ bằng tiền lớn nhất từ trước tới nay và chưa có trong tiền lệ) đã góp phần bù đắp một phần thu nhập, hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống khi gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

Đảm bảo quyền lợi của người tham gia

Cùng với việc quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nỗ lực, tập trung cao độ, phát huy lợi thế sẵn có từ cơ sở dữ liệu quản lý đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp của ngành để nhanh chóng xác định số đơn vị sử dụng lao động cùng số tiền (dự kiến) được giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 01/10/2021 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ. Kết quả, tính đến hết ngày 31/8 vừa qua, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 347 nghìn đơn vị, tương ứng 11,98 triệu lao động, với số tiền giảm đóng trong 11 tháng là 8.385 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 9/2022, số tiền giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng đối với người sử dụng lao động khoảng 9.200 tỷ đồng. Đánh giá về kết quả triển khai gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, việc ban hành các nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hỗ trợ kịp thời, trực tiếp, thiết thực đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt qua khó khăn do những ảnh hưởng của đại dịch. Việc triển khai nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời gói hỗ trợ này của ngành Bảo hiểm xã hội cũng cho thấy vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; được người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Bám sát thực tiễn, nắm bắt khó khăn của người lao động và người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đồng hành cùng các bộ, ngành và các địa phương, tham mưu, đề xuất Chính phủ kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống, góp phần phục hồi kinh doanh, sản xuất, củng cố và phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đã góp phần củng cố niềm tin của người lao động, người sử dụng lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đó tiếp tục chủ động tham gia, góp phần hiệu quả trong việc phát triển người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Sập tường đang thi công tại Bình Định làm 3 người tử vong, 6 người bị thương

Tối 15/9, ông Phan Viết Hùng, Phó ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Bình Định xác nhận, tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm 3 người chết, 6 người bị thương. Cụ thể, vụ việc xảy ra vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 15/9, tại Nhà máy chế biến thực phẩm - Công ty Savvy Seafood Việt Nam. Trong lúc các công nhân đang thi công tường nhà máy, thì xuất hiện mưa dông, gió mạnh, làm bức tường đổ sập, gây tai nạn cho các công nhân đứng dưới. Ông Lê Ngọc Phi, công nhân làm sắt (quê quán Phú Yên) đang lắp giàn giáo gần đó cho biết: Thời điểm xảy ra vụ sập tường, ông cùng mấy anh em nghe tiếng ầm. Lúc này, gió đang rất mạnh. Ông cùng mọi người hô hoán chạy lại kéo người ở phía dưới ra. Theo đại diện chính quyền thị xã An Nhơn, tính đến thời điểm 19 giờ, lực lượng chức năng xác nhận có 3 người tử vong (2 nam, 1 nữ), 6 người bị thương vẫn đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Hiện lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, khẩn trương điều tra nguyên nhân.

Điều tra nguyên nhân vụ cháy khiến đôi vợ chồng thiệt mạng trong căn nhà thuê

Sáng 15/9, các cơ quan chức năng thành phố Cam Ranh và tỉnh Khánh Hòa phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân vụ hoả hoạn xảy ra vào chiều 14/9 tại một căn nhà ở tổ dân phố Phú Sơn, phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh, khiến hai vợ chồng thiệt mạng. Thông tin ban đầu cho biết: Khoảng 17 giờ ngày 14/9, một số người dân ở tổ dân phố Phú Sơn phát hiện tại ngôi nhà nói trên có khói bốc lên và nghi ngờ bị cháy. Thấy cửa chính ra, vào ngôi nhà bị khóa bên trong, người dân đã hô hoán, tìm cách phá cửa và chữa cháy. Khi vào được bên trong, mọi người đã tổ chức dập lửa; sau đó phát hiện tại phòng ngủ có hai thi thể gồm 1 nam và 1 nữ trên giường. Lực lượng Công an thành phố Cam Ranh đã có mặt, phong tỏa hiện trường và tiến hành các bước điều tra ban đầu, qua đó xác định các nạn nhân là hai vợ chồng anh Trần Văn Th. (sinh năm 1990) và chị Trần Thủy T. (sinh năm 2000), cùng đăng ký thường trú tại phường Cam Phú), có 2 con nhỏ nhưng các cháu không có mặt tại căn nhà nói trên ở thời điểm xảy ra vụ cháy. Căn nhà được vợ chồng này thuê để ở. Khi vụ cháy xảy ra, nhiều người phát hiện có mùi xăng bốc lên khá nặng tại phòng ngủ. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Bắt tạm giam một chủ tịch xã ở Ninh Bình để phục vụ điều tra

Ngày 15/9, đại diện lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ban hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với một chủ tịch UBND xã trên địa bàn huyện Hoa Lư. Các quyết định, lệnh trên đã được chuyển tới Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Cụ thể, ông Đinh Vạn Nam, Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra về hành vi thông đồng với các nhà thầu để nghiệm thu, thanh toán khối lượng công trình không đúng thực tế theo hướng nhiều hơn thực tế đã thực hiện. Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra, trong thời gian từ năm 2018 - 2019, với chức vụ là Chủ tịch UBND xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, ông Đinh Vạn Nam đã câu kết với đơn vị thi công, đơn vị tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng công trình cải tạo Nghĩa trang liệt sỹ xã và Nhà văn hóa xã Ninh Khang để lập hồ sơ nghiệm thu đề nghị thanh toán khối lượng hoàn thành công trình sử dụng vốn Nhà nước trái với quy định của pháp luật. Trong quá trình thi công các công trình trên, ông Nam đã thông đồng với các nhà thầu để nghiệm thu khối lượng công trình đã thi công không đúng với thực tế. Công trình thi công không đúng thiết kế nhưng vẫn nghiệm thu. Nhiều khối lượng công trình chưa thực hiện nhưng vẫn nghiệm thu để thanh toán; gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền trên 588 triệu đồng. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư cho biết, hiện mọi hoạt động của UBND xã được giao cho một đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách. Huyện Hoa Lư đang chờ thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra, làm căn cứ để kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với ông Đinh Vạn Nam.

Lừa đảo gần 38 tỷ đồng, cựu nhân viên ngân hàng lĩnh án 17 năm tù

Ngày 15/9, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Phượng Linh - là cựu nhân viên hành chính làm việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) - Chi nhánh Tây Ninh, Phòng giao dịch Long Hoa, thị xã Hòa Thành, mức án 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 16 người, với số tiền gần 38 tỷ đồng. Theo cáo trạng, bị cáo Lê Phượng Linh (sinh năm 1990, ngụ số 363, đường Cách Mạng Tháng 8, khu phố 1, phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) làm việc tại Ngân hàng ACB - Chi nhánh Tây Ninh, Phòng giao dịch Long Hoa từ năm 2017 đến tháng 9/2020, do nợ tiền của nhiều người nên Linh nghỉ làm việc tại ngân hàng này. Vào thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020, Lê Phượng Linh không còn khả năng thanh toán các khoản nợ của nhiều người và khoản vay 500 triệu đồng tại Ngân hàng Nam Á - Chi nhánh thị xã Hòa Thành. Để có tiền trả nợ, Lê Phượng Linh tự giới thiệu có quen thân với Giám đốc Ngân hàng ACB - Chi nhánh Tây Ninh, Phòng giao dịch Long Hoa; gia đình bên chồng làm công an. Linh đi xe ô tô, khoe có nhiều nhà đất và nói dối vay tiền để cho khách hàng vay đáo hạn ngân hàng, hứa hẹn lãi suất cao, thời hạn vay ngắn chỉ từ 5 đến 7 ngày. Nhiều người đã tin tưởng và cho Linh vay tiền. Để tạo lòng tin với những người cho vay, thời gian đầu, Linh trả tiền đúng hẹn, nhưng ngay sau đó tiếp tục vay lại khoản vay khác. Khi người cho vay yêu cầu thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay, Linh đề nghị họ đến phòng công chứng ký hợp đồng vay tiền, đưa Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ giữ làm tin, nhưng sau đó tìm cách lấy lại và tiếp tục giao cho người khác hoặc chuyển nhượng cho người khác cấn trừ nợ. Lê Phượng Linh sử dụng số tiền vay được để thanh toán các khoản nợ trước và tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn trên, Lê Phượng Linh đã chiếm đoạt tiền của 16 người, với tổng số tiền gần 38 tỷ đồng.

Hòa Bình: Khởi tố, bắt tạm giam ba lãnh đạo xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn

Ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và các Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ba lãnh đạo xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn. Theo đó, Bùi Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã; Đặng Thị Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; Bùi Văn Dén, Phó Chủ tịch UBND xã, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3, điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình phê chuẩn. Căn cứ kết quả điều tra ban đầu xác định, do biết các hộ dân khu vực Đống Úng, xóm Ngải, xã Xuất Hóa có mong muốn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đang sử dụng, đến khoảng cuối tháng 8/2021, bị can Đặng Thị Sơn bàn với bị can Bùi Văn Dén lợi dụng việc này để thu tiền của các hộ dân đang đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để thực hiện mục đích trên, bị can Đặng Thị Sơn đã bàn với bị can Bùi Văn Hạnh thu tiền của các hộ dân. Tổng số tiền các bị can thu của các hộ dân là 987 triệu đồng. Một phần số tiền thu được các bị can dùng để chia nhau, mỗi người 100 triệu đồng. Bị can Đặng Thị Sơn khai số tiền còn lại được sử dụng để chi trả cho các khoản nợ của nhiệm kỳ trước đó. Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục điều tra làm rõ.

Giẫm đạp tại Guatemala làm hàng chục người thương vong

Các nhân viên cứu hộ Guatemala xác nhận ít nhất 9 người thiệt mạng và 20 người bị thương rạng sáng 15/9 trong một vụ giẫm đạp sau buổi hòa nhạc nhân 201 năm Ngày Độc lập ở miền Tây nước này. Trong thông báo trên Twitter, Hội Chữ thập Đỏ Guatemala cho biết các nhân viên cứu hộ và các tình nguyện viên đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ giẫm đạp tại thành phố Quetzaltenango. Truyền thông địa phương đưa tin vụ việc đáng tiếc xảy ra khi hàng nghìn người ùn ùn rời khỏi địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc ngoài trời, gây ra cảnh nhốn nháo và hỗn loạn. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua Guatemala kỷ niệm ngày độc lập (15/9/1821) do 2 năm trước không thể tổ chức vì đại dịch COVID-19.

WB viện trợ 30 tỷ USD giải quyết tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) sẵn sàng cung cấp tới 30 tỷ USD để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Giám đốc phụ trách hoạt động cứu trợ của WB Axel van Trotsenburg đã đưa ra thông báo trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng Reuters khi thực hiện chuyến thăm thủ đô Sarajevo của Bosnia-Herzegovina. Theo ông Trotsenburg, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này, vốn là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt của thế giới, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu. Đây là một trong những lý do khiến WB sẵn sàng viện trợ tài chính tới 30 tỷ USD để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới trong vòng 12 tháng tới. Riêng đối với Ukraine, ông Trotsenburg cho biết đến nay, WB đã giải ngân gần 10 tỷ trong số 13 tỷ USD mà thể chế tài chính này đã cam kết viện trợ cho Ukraine. WB đang hỗ trợ người dân Ukraine ở trong và ngoài nước, cũng như những nước láng giềng của Ukraine và những nước đang phát triển không thuộc châu Âu đang chịu tác động của tình trạng gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc. Trước đó, ngày 13/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xác nhận kế hoạch mở rộng viện trợ khẩn cấp cho những quốc gia bị ảnh hưởng của giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu lương thực do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kế hoạch sẽ cho phép IMF cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp bổ sung và vô điều kiện tới các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề cuộc khủng hoảng lương thực và lạm phát toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Giá lương thực - vốn đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát - đã tăng vọt trên toàn thế giới do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, giá lương thực bắt đầu giảm sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm dỡ bỏ phong tỏa các cảng của Ukraine và nối lại vận chuyển thực phẩm, cũng như phân bón từ các cảng của Ukraine đến thị trường quốc tế qua Biển Đen.

Tây Ban Nha bắt giữ một trong những tội phạm rửa tiền lớn nhất châu Âu

Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) ngày 15/9 cho biết một trong những đối tượng rửa tiền lớn nhất châu Âu đã bị bắt giữ trong chiến dịch quốc tế do cảnh sát Tây Ban Nha chỉ huy ở miền Nam nước này. Thông báo của Europol cho biết nghi phạm mang 2 quốc tịch Anh và Ireland, là "mục tiêu giá trị cao" bị tình nghi đã chuyển hơn 200 triệu euro (200 triệu USD) tiền mặt bất hợp pháp. Đối tượng này bị bắt giữ ngày 12/9 trong chiến dịch có sự phối hợp của cảnh sát Tây Ban Nha, Hà Lan, Irelan và Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh, trong khi Europol tham gia điều phối. 3 đồng phạm của đối tượng trên cũng bị bắt giữ, trong đó 2 người bị bắt tại Tây Ban Nha, 1 người tại Anh. Europol không công bố danh tính nghi phạm, tuy nhiên báo chí Ireland và một số nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết nghi phạm là Frances Morrissey, 62 tuổi, một thành viên nổi tiếng của tổ chức tội phạm Kinahan khét tiếng. Morrissey và các đồng phạm bị cáo buộc nhận những khoản tiền mặt lớn từ các tổ chức tội phạm và sau đó chuyển cho các tổ chức tội phạm khác ở các nước khác qua hệ thống ngân hàng ngầm được gọi là hawala, hoạt động trên cơ sở các giao dịch trực tiếp.