Từ ngày 15-17/9 sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép của các hộ kinh doanh cà phê đường tàu

Trong 3 ngày tới (từ ngày 15 – 17/9), quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt. Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) vừa đề nghị UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) và nhiều phường liên quan phối hợp xử lý tình trạng bán hàng, quay phim, chụp ảnh trên tuyến đường sắt chạy qua khu vực này. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, 100% các hộ kinh doanh tại đây vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Vì vậy, muộn nhất trong 3 ngày tới (từ ngày 15 – 17/9), quận Hoàn Kiếm tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt (các hộ kinh doanh này có hộ khẩu tại khu vực chắn 5 Trần Phú nhưng kinh doanh ở một vị trí khác).

Không đánh đổi an toàn của người dân lấy lợi ích kinh tế

Phố cà phê đường tàu chủ yếu nằm dọc theo ba phường: Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) thu hút rất đông du khách đến vui chơi, quay phim, chụp ảnh. Riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có trên 30 cửa hàng kinh doanh cà phê, giải khát. Trước khi dịch COVOD-19 diễn ra, vào năm 2018 – 2019, mô hình cà phê đường tàu xuất hiện phục vụ nhu cầu của du khách muốn check in khi đi du lịch. Không chỉ các bạn trẻ Hà Nội mà rất đông du khách các nơi tìm đến cà phê đường tàu khi về tham quan Thủ đô, đặc biệt có rất nhiều khách nước ngoài. Chính lẽ đó đã dấy lên những lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên đặt ra vấn đề vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại phố cà phê đường tàu, trước đó, đã nhiều lần các cơ quan quản lý đường sắt và chính quyền địa phương vào cuộc xử lý. Trước khi xảy ra dịch COVID-19, quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận thông tin, có nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động đến xử lý các hộ kinh doanh ở đây, kể cả với khách vi phạm an toàn hành lang đường sắt nên hiện tượng này đã giảm đi rất nhiều. Sau dịch bệnh, khi khách du lịch phục hồi trở lại thì dịch vụ này cũng tự phát theo. Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc tồn tại các hộ dân trong khu vực này là do lịch sử để lại. Các hộ dân ở đây đều sinh sống từ những năm 1990, trước khi Luật An toàn đường sắt có hiệu lực. Vì vậy, việc giải tỏa các hộ dân ở đây cần có thời gian, kinh phí và chủ trương lớn từ thành phố đến Trung ương mới có thể thực hiện được. Việc kinh doanh tại đây có phát sinh dịch vụ cà phê giải khát, trở thành điểm check-in cho du khách, quận Hoàn Kiếm khẳng định đó là vi phạm an toàn hành lang đường sắt cần phải giải quyết triệt để. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, quận Hoàn Kiếm nhận thức rất rõ việc giải quyết trật tự đô thị và an toàn giao thông đường sắt khu vực phố đường tàu là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của quận Hoàn Kiếm và các phường liên quan. Trước khi cơ quan quản lý đường sắt và UBND dân thành phố Hà Nội chỉ đạo, quận đã triển khai nhiều giải pháp xử lý, đặc biệt đã tổ chức rào chắn để ngăn du khách vào check in, tránh gây mất an toàn đường sắt. Quận Hoàn Kiếm thu ngân sách qua du lịch nhưng không đánh đổi với sự an toàn của người dân lấy bất kỳ lợi ích kinh tế nào– Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định.

"Mở lối" cho các hộ kinh doanh cà phê đường tàu

Trước nhiều ý kiến cho rằng, trong khi Hà Nội đang nỗ lực thu hút khách du lịch đến Thủ đô thì việc tạo ra những điểm đến đặc sắc, được du khách hưởng ứng cần được duy trì và quản lý tốt. Phố cà phê đường tàu có tên ở nhiều trang tin du lịch thế giới, được khách nước ngoài tìm đến rất đông. Tuy vậy, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định đặt vấn đề an toàn lên trên hết. "Chúng tôi trân trọng, ghi nhận những ý kiến mang tính xây dựng giúp quận Hoàn Kiếm thu hút khách du lịch nhiều hơn và đây là một trong những chỉ tiêu Hoàn Kiếm hết sức quan tâm. Tuy vậy, về xử lý vi phạm thì quan điểm của quận là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. 100% hộ dân đang kinh doanh khu vực đường tàu là vi phạm an toàn đường sắt nên thời gian tới chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh đã cấp và đình chỉ kinh doanh. Chúng tôi sẽ thu hồi trong 3 ngày (từ ngày 15 – 17/9) toàn bộ giấy phép đối với tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt"- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân khẳng định. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tổ chức rào chắn, tuyên truyền vận động dưới nhiều hình thức để cho người dân, đặc biệt là du khách không đến check-in gây mất an toàn giao thông, mất trật tự ở khu vực này. Quận Hoàn Kiếm cũng đang xây dựng đề án phát triển du lịch, thương mại gắn với tuyến đường sắt, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Đó là đề án phục hồi, khai thác 131 vòm cầu liên quan đến tuyến đường sắt. Quận cũng có đề án xuất phát từ nhu cầu, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của dân và du khách. Trên cơ sở đó, quận phối phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội và đơn vị quản lý đường sắt xây dựng đề án theo khung giờ, khoảng thời gian tàu chạy để có phương án phù hợp nhất...

Cháy tàu cá tại Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng

Khoảng 16 giờ, ngày 14/9, tại Âu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), vụ cháy tàu cá mang số hiệu NA90224TS đã xảy ra. Đám cháy đã làm thiêu rụi phần trên của tàu, rất may không gây thiệt hại về người. Nhận được tin báo cháy, hàng trăm chiến sĩ của các lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát Giao thông, Biên phòng, Cảnh sát Biển…và 4 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường. Với sự phối hợp tích cực của các lực lượng, sau 1 giờ đồng hồ, đám cháy đã được dập tắt, ngăn ngọn lửa không lan sang các tàu cá bên cạnh. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chủ tàu sơ ý để đổ dầu trên tàu, dẫn đến đám cháy. Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Quảng Trị: Rà phá hơn 275 triệu m2 đất ô nhiễm bom mìn

Từ năm 1995 đến giữa tháng 9/2022, tỉnh Quảng Trị đã rà phá được hơn 275 triệu m2 đất bị ô nhiễm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Diện tích bom mìn được rà phá này do các tổ chức phi chính phủ, thương mại và quân đội thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt những năm qua. Trong tổng số hơn 275 triệu m2 đất đã được rà phá bom mìn có hơn 152 triệu m2 là diện tích đất ô nhiễm bom chùm - loại bom có độ sát thương rất lớn còn sót lại sau chiến tranh, chiếm khoảng 23% tổng diện tích ô nhiễm bom chùm. Tỉnh đã xác định được trên 53.000 ha đất ô nhiễm bom chùm. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất bị ô nhiễm bom chùm được khảo sát đạt 62.000 ha, trong đó hoàn thành rà phá được 31.000 ha, tương đương 50%. Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã tập trung vận động nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn. Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) là tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đầu tiên được cấp phép (năm 1995) và triển khai hoạt động rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị. Đến nay, địa bàn tỉnh đã có 34 tổ chức phi chính phủ và 23 tổ chức quốc tế tham gia khắc phục hậu quả bom mìn. Tỉnh đã vận động được trên 146 triệu USD từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cho hoạt động này; trong đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ tỉnh thông qua các tổ chức phi chính phủ khoảng hơn 91 triệu USD để rà phá bom mìn. Một số dự án lớn đã và đang hỗ trợ tỉnh như “Liên lạc cộng đồng và rà phá vật liệu chưa nổ giai đoạn 2021 - 2025” với số vốn trên 29 triệu USD, do Tổ chức Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG) triển khai; “Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW) - Chương trình khảo sát và rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2022” do Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) thực hiện với kinh phí gần 13 triệu USD; “Rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nhằm giảm thiểu các mối nguy hiểm và hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025”, do Tổ chức Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam thực hiện với kinh phí 10,5 triệu USD. Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với gần 82% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở địa phương đã khiến trên 3.430 người chết, 5.100 người bị thương. Tỉnh đang hướng đến mục tiêu là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vào năm 2025. Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh, để đạt được mục tiêu này, địa phương tập trung hoàn thành khảo sát, lập bản đồ các khu vực bị ô nhiễm bom chùm để giám sát xử lý; 100% người dân được trang bị kiến thức và được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để sống và làm việc an toàn, giảm thiểu tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ gây ra...

Chủ động ứng phó với gió mùa Tây Nam và thời tiết nguy hiểm trên biển

Ngày 14/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 479/VPT gửi các tỉnh ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với gió mùa Tây Nam và thời tiết nguy hiểm trên biển. Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/9, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), Bình Thuận đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào, dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - 8. Chiều tối 14/9, khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8, biển động, sóng biển cao từ 1,5 - 2,5m. Để chủ động ứng phó với gió mùa Tây Nam đang hoạt động và thời tiết nguy hiểm trên biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương nêu trên triển khai theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo gió mùa Tây Nam và diễn biến thời tiết trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản và có kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Kiên quyết thu hồi giấy phép các cơ sở karaoke không đủ điều kiện về PCCC

Nhằm ngăn chặn các vụ cháy nổ xảy ra tại cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, nhất là kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát việc cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke; kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động các cơ sở karaoke không đủ điều kiện. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 7/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức rà soát công tác cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke; tăng cường hướng dẫn, tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành các cấp đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh. Sở tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke; quá trình cấp phép phải căn cứ vào điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự của cơ quan chức năng có thẩm quyền; đề xuất tăng mức chế tài xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã yêu cầu 11/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường thanh, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke. Các địa phương tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn; xử phạt nghiêm minh, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động các cơ sởkhông đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự. Nếu để xảy ra cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đủ điều kiện, hoạt động không phép trên địa bàn, Chủ tịch huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, các địa phương phải kiểm tra, yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…. Các cơ sở phải chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn. An Giang yêu cầu các sở, ngành liên quan có các giải pháp quản lý an toàn điện (sau công tơ điện) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát để hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trở thành hoạt động giải trí lành mạnh. Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh An Giang đã phối hợp với Công an các huyện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở kinh doanh karaoke. Quá trình kiểm tra, lực lượng Công an đều yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke xây dựng lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp; hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong thi công, cải tạo các công trình có nguy cơ cháy nổ cao. Phần lớn cơ sở đã xây dựng hồ sơ theo dõi phòng cháy, chữa cháy, phương án chữa cháy; hệ thống điện, thiết bị điện lắp đặt bảo đảm theo quy định. Từ đó, địa bàn tỉnh chưa xảy ra bất cứ vụ cháy, nổ nào tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

Thu giữ, tiêu hủy gần 4 tạ sản phẩm động vật đã bốc mùi

Tối 14/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, thu giữ gần 4 tạ xương, thịt lợn đông lạnh đã bốc mùi hôi thối. Vào lúc 16 giờ 30 cùng ngày, tại km 78, Quốc lộ 9, thuộc khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Đội Đặc nhiệm Phòng chống Ma túy và Tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 2 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Trị) tuần tra, kiểm soát địa bàn. Lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô tải có biển kiểm soát 75C-063.45 do tài xế Nguyễn Chí Pháp (51 tuổi), trú tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế điều khiển theo hướng từ Đông Hà lên Lao Bảo có dấu hiệu nghi vấn nên ra tín hiệu yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Tại đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe có 4 thùng xốp chứa gần 400kg xương, thịt lợn đông lạnh đã bốc mùi hôi thối. Tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý đối tượng và tiến hành tiêu hủy số hàng trên theo quy định của pháp luật…

Tây Ninh: Tuyên án tử hình 2 đối tượng vận chuyển ma túy và tàng trữ vũ khí

Ngày 14/9, tại phiên toà sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh tuyên án tử hình đối với hai bị cáo Nguyễn Lê Hồng Phúc (sinh năm 1996), trú tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, tạm trú tại phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh và bị cáo Huỳnh Thanh Tài (sinh năm 1994), trú tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh, tạm trú tại khu phố An Bình, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Lê Hồng Phúc còn bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” theo quy định tại khoản 1, Điều 304, Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Lê Hồng Phúc là đối tượng nghiện ma túy. Để có ma túy sử dụng và có tiền tiêu xài, Phúc tham gia vào việc vận chuyển ma túy trái phép. Phúc quen biết Huỳnh Thanh Tài là đối tượng từng đi cai nghiện ma túy bắt buộc trở về địa phương. Do Tài không có việc làm, không có tiền tiêu xài nên Phúc nói với Tài làm việc cho Phúc. Phúc trả tiền công cho Tài và dẫn Tài đi ăn nhậu, Tài đồng ý. Ngày 13/5/2021, có người đàn ông sử dụng mạng xã hội gọi vào số điện thoại của Phúc và giới thiệu tên Đen (không rõ họ tên thật, địa chỉ; đang sinh sống tại Campuchia). Người này trao đổi, thỏa thuận với Phúc về việc nhận 1 ba lô bên trong có chứa ma túy (khoảng 20 kg) từ khu vực TP Hồ Chí Minh mang cất giấu và chờ Đen điện thoại thì giao ma túy cho khách hàng của Đen với tiền công 40 triệu đồng. Phúc đồng ý. Ngày 14/5/2021, Phúc gọi cho Tài yêu cầu Tài đến khu vực huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh để chờ, khi nào Phúc liên lạc thì đi nhận ma túy. Tài đồng ý. Khoảng 12 giờ, ngày 15/5/2021, đối tượng Đen yêu cầu Phúc đến khu vực Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, thuộc quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh để nhận ma túy. Đen dặn Phúc sử dụng sim “rác” để liên lạc, sau khi liên lạc thì phải xóa hết thông tin trên máy điện thoại. Sau khi nhận ba lô chứa ma túy, Tài mang về nhà Phúc cất giấu theo hướng dẫn của Phúc. Kiểm tra ba lô chứa ma túy, Phúc còn phát hiện trong ba lô có 201 viên đạn quân dụng nên cất giữ số đạn này. Sau khi thực hiện việc giao ma túy theo hướng dẫn của đối tượng tên Đen, số ma túy còn lại được Phúc và Tài cất giữ. Ngày 17/5/2021, tại phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công an thị xã Hòa Thành, Công an phường Hiệp Tân kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Lê Hồng Phúc có hành vi tàng trữ trái phép 5,0444 gam Ketamine và 62,9321 gam MDMA. Từ lời khai của Phúc, Cảnh sát tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Phúc tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, thu giữ 6.984,6980 gram Ketamine và 4.020,2475 gram MDMA, 3 khẩu súng ngắn; 43 viên đạn bằng kim loại màu vàng, đầu cao su màu đen; 201 viên đạn các loại bằng kim loại màu vàng cùng một số đồ vật, tài sản liên quan. Khám xét nơi ở của Huỳnh Thanh Tài tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Cảnh sát thu giữ 8,6158 gam Ketamine và 346,9371 gram MDMA. Tổng số ma túy thu giữ là 6.998,3582 gram Ketamine và 4.430,1167 gram MDMA.

Khởi tố đối tượng dùng súng cướp hơn 900 triệu đồng

Ngày 14/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Lê Huy Dũng (sinh năm 1988, quê ở tỉnh Thanh Hóa; tạm trú xã An Phước, huyện Long Thành) về hành vi cướp tài sản, trong vụ án đối tượng dùng súng khống chế nhân viên để cướp tiền xảy ra vào chiều 8/9, tại Phòng Giao dịch Tam Phước - Ngân hàng Vietcombank Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Qua điều tra ban đầu, Cơ quan Công an xác định, đối tượng Lê Huy Dũng đã sử dụng súng bắn đạn cao su khống chế nhân viên ngân hàng tại Phòng Giao dịch Tam Phước để cướp hơn 900 triệu đồng rồi tẩu thoát. Nhận được tin báo, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các Phòng nghiệp vụ Bộ Công an tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra. Qua điều tra truy xét, sàng lọc đối tượng, địa bàn, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến rạng sáng 11/9/2022, lực lượng Công an tỉnh đã bắt giữ được đối tượng Lê Huy Dũng, thu giữ một khẩu súng rulo màu đen, môt xe mô tô hiệu Sirius, quần áo, mũ bảo hiểm và một số vật chứng liên quan nhằm phục vụ công tác điều tra. Đến nay, Cơ quan Công an đã thu hồi được hơn 700 triệu đồng mà đối tượng Dũng đã cướp của ngân hàng sau đó mang đi trả nợ.

Sự cố xe thang va chạm với tàu bay tại Nội Bài

Cục Hàng không Việt Nam cho biết vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về sự cố va chạm giữa xe thang mặt đất và tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, vào ngày 7/9 vừa qua, một chiếc xe thang phục vụ hành khách đã va chạm vào tàu bay VN-A564 tại ô số 56, bãi đỗ sân bay Nội Bài. Cả xe thang và máy bay đều của hãng hàng không Pacific Airlines. Vụ việc dẫn đến hậu quả làm vỏ cánh máy bay hư hỏng nhẹ. Tàu bay phải ngừng khai thác để sửa chữa. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết thời điểm trên, một máy bay vận tải dòng Antonov An-124 của Nga đang di chuyển trên đường băng để cất cánh. Có thông tin cho rằng sức gió từ động cơ đã làm dịch chuyển xe thang dẫn đến va chạm. Theo hình ảnh tại hiện trường, xe thang trong vụ việc là dòng xe đẩy bằng tay (không có động cơ) nên tương đối nhẹ. Sân bay Nội Bài hiện nay chủ yếu sử dụng dòng xe thang tự hành có người lái hoặc ống lồng để đưa khách vào máy bay. Liên quan đến tình trạng của xe thang khi đó (có được chốt chèn hay không, ai cảnh giới...), Cục Hàng không đang tiếp tục xác minh.

Bắt nhiều đối tượng buôn người đến châu Âu bằng máy bay riêng

Ngày 14/9, Cảnh sát Italy thông báo bắt giữ 5 người ở Rome (Italy) và Brussels (Bỉ) vì đưa người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang các nước Tây Âu bằng máy bay riêng, với chi phí 1 chuyến đi của mỗi người có thể lên tới 10.000 euro. Các đối tượng bị bắt giữ theo lệnh truy nã của giới chức Bỉ với cáo buộc tham gia một tổ chức tội phạm đưa người di cư nhập cảnh trái phép. Theo thông báo từ cảnh sát Italy, các đối tượng cung cấp giấy tờ giả mạo từ St.Kitts và Nevis, quốc gia ở Caribe, cho người di cư rồi đưa họ lên máy bay dự kiến đến nước này, trong đó có một chặng dừng chân ở châu Âu. Khi máy bay dừng ở châu Âu (có thể là một trong 5 điểm gồm Italy, Đức, Pháp, Áo và Bỉ), người di cư sẽ xuống máy bay, sử dụng giấy tờ tùy thân thật để xin tị nạn. Các nhà điều tra đã phát hiện ra mỗi người di cư phải trả khoảng 10.000 euro cho một chuyến đi như vậy. Giới chức 5 quốc gia EU đã phối hợp điều tra, với sự trợ giúp của Mỹ và các cơ quan Liên minh châu Âu (EU) gồm Europol và Eurojust, trước khi bắt giữ 5 đối tượng trên. 3 đối tượng, gồm 1 người Italy và 2 người Ai Cập, đã bị bắt ở Rome trong khi 2 người còn lại (1 người Ai Cập và 1 người Tunisia) bị bắt tại Brussels. Hiện còn 2 đối tượng khác vẫn đang lẩn trốn. Trong chiến dịch này, cảnh sát Bỉ cũng đã thu giữ 2 máy bay riêng trị giá 426.000 euro.

Singapore cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 đầu tiên có hiệu quả với nhiều biến thể

Singapore đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 1 loại vaccine phòng COVID-19 đã được điều chỉnh để có hiệu quả với nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 (bivalent) dùng cho mũi tăng cường. Đây là loại vaccine bivalent đầu tiên được cấp phép sử dụng tại quốc gia Đông Nam Á. Thông báo của Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA) nêu rõ vaccine Spikevax do Moderna phát triển có hiệu quả cả với virus gốc và dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron. HSA cấp phép sử dụng vaccine này để tiêm liều tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ các mũi cơ bản phòng COVID-19. HSA khẳng định đã thận trọng đánh giá các dữ liệu từ các nghiên cứu tiền lâm sàng của Moderna, các thử nghiệm lâm sàng trên người, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng.

Kết quả cho thấy việc sử dụng vaccine cho mũi tăng cường mang lại lợi ích vượt trội so với các nguy cơ tiềm tàng để bảo vệ con người trong bối cảnh virus vẫn tiếp tục biến đổi. HSA sẽ tiếp tục chủ động giám sát mức độ an toàn của vaccine và sẽ có hành động cần thiết nếu phát hiện những lo ngại nghiêm trọng về tính an toàn khi sử dụng sản phẩm này. Các chính phủ hiện đều khuyến khích người dân đi tiêm các mũi tăng cường nhằm tăng khả năng bảo vệ trước dịch bệnh. Giám đốc điều hành Cơ quan Dược phẩm châu ÂU (EMA) Emer Cooke đã kêu gọi người dân châu lục đi tiêm mũi tăng cường trong vài tháng tới với bất kỳ loại vaccine nào sẵn có vì nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng trong mùa Thu. Bà cho rằng các nước khác nhau trong Liên minh châu Âu (EU) có những chiến dịch tiêm mũi tăng cường khác nhau về thời gian và chiến lược nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là đại dịch vẫn chưa qua đi và người dân cần ưu tiên tiêm chủng EMA cũng đã cấp phép sử dụng vaccine đã qua điều chỉnh của Moderna và Pfizer/BioNTech, có hiệu quả bảo vệ trước virus gốc và dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron. Đầu tuần này, EMA cũng khuyến nghị sử dụng một loại vaccicne khác để tiêm mũi tăng cường chống lại các dòng phụ BA.4/5 của Omicron hiện đang lây lan rộng.