Tây Nguyên và Nam Bộ mưa dông kéo dài, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tối 12/9 đến ngày 13/9, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm (mưa dông tập trung vào khoảng thời gian đêm và sáng). Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 60mm. Cảnh báo, mưa dông có khả năng kéo dài đến ngày 14/9; trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét cấp 1. Dự báo thời tiết các khu vực đêm 12/9 và ngày 13/9: Phía Tây Bắc Bộ, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Gió nhẹ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C. Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội, có mưa rào và dông vài nơi; riêng vùng núi phía Bắc nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác. Gió nhẹ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, vùng núi có nơi dưới 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C. Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C. Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió nhẹ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất2 22-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 32 độ C. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Gió nhẹ trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.

Ngạt khí trong hầm chứa cá khiến 1 người tử vong, 4 người hôn mê

Chiều 12/9, lãnh đạo UBND huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, một vụ ngạt khí vừa xảy ra khi các lao động làm vệ sinh trong hầm chứa cá của tàu cá mang số hiệu NT-91360 làm 1 người tử vong, 4 người khác bị bất tỉnh. Theo báo cáo của UBND huyện Ninh Hải, khoảng 8 giờ 30 ngày 12/9, chủ tàu cá Hải Đăng là ông Nguyễn Dân (sinh 1971, ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) có yêu cầu 5 thuyền viên đánh cá trên tàu xuống vệ sinh hầm chứa cá để phục vụ cho chuyến đi biển tiếp theo gồm: Võ Minh Toản (sinh năm 2002), Nguyễn Nhân (sinh năm 2000), Lê Thành Lanh (sinh năm 2002), Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1981), cùng thường trú tại thôn Mỹ Tân 1 và Đào Duy Luân (sinh năm 2000) thường trú tại thôn Mỹ Tân 2, thuộc xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải. Khi 5 thuyền viên vừa xuống khu vực lòng hầm số 2 thì có triệu chứng bị ngạt. Do thành hầm cao nên các thuyền viên không thể tự ra ngoài được. Vì vậy, cả 5 người đều bị bất tỉnh. Các thuyền viên còn lại trên tàu thấy sự việc, đã cùng nhau đưa các thuyền viên bị ngạt ra khỏi hầm, đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu, chữa trị. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, thuyền viên Đào Duy Luân đã tử vong; 4 người còn lại vẫn đang hôn mê và đang được thở bằng máy. Khi sự việc xảy ra, Công an huyện Ninh Hải đã phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi thuyền viên Đào Duy Luân; đồng thời tiến hành thu mẫu khí và mẫu nước tại hầm chứa số 2 để phục vụ công tác giám định. Theo Công an huyện Ninh Hải, trong quá trình khám nghiệm hiện trường cho thấy, hầm chứa cá số 2 có chiều cao 2,7 m, miệng hầm kích thước 1,1 x 1,1 m và có nắp đậy kín (hiện tại chưa đo được kích thước của lòng hầm do trong hầm vẫn còn khí độc), trong hầm có chứa hơn 100 kg cá đang bị phân hủy và mực nước trong hầm là 15 cm. Quá trình làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh xác định, cả 5 nạn nhân khi được đưa đến bệnh viện đều trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh do thiếu oxy lên não. Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Công an huyện Ninh Hải nhận định: Hầm chứa cá số 2 của tàu cá Hải Đăng có hơn 100 kg cá đang trong quá trình phân hủy và giải phóng khí độc. Do nắp hầm không được mở trong quá trình tàu di chuyển lâu ngày nên lượng khí độc không được giải phóng ra bên ngoài. Lượng oxy trong hầm cũng không đủ cho hoạt động hô hấp của người khi vào hầm. UBND huyện Ninh Hải đang chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định trách nhiệm của cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền huyện Ninh Hải đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên các gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn trước mắt.

Hơn 2 tháng cao điểm, xử lý trên 625 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT

Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau hơn 2 tháng thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (từ ngày 20/6 đến ngày 10/9), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, lập biên bản trên 625,3 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1.000 tỷ đồng, tước 106,6 nghìn giấy phép lái xe, tạm giữ 153,3 nghìn phương tiện. Trong đó, thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý gần 90 nghìn trường hợp vi phạm (có 92 tài xế xe khách, 589 tài xế xe tải, 5.52 tài xế xe con, 35 tài xế xe container, trên 83,5 nghìn người điều khiển xe mô tô và 198 phương tiện khác), phạt tiền hơn 400 tỷ đồng, tước 55,7 nghìn giấy phép lái xe, tạm giữ gần 90 nghìn phương tiện. Trong số này, có 1.244 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm về nồng độ cồn cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Bắc Giang, Tây Ninh, Phú Thọ. Thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm về "cơi nới" thành thùng xe, chở quá tải trọng quy định, Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 39.053 trường hợp (23.352 lái xe vi phạm và 15.701 chủ phương tiện vi phạm); phạt tiền hơn 200 tỷ đồng, tước 20.287 giấy phép lái xe, tạm giữ 976 phương tiện, yêu cầu hạ tải đối với 12.076 trường hợp. Trong đó, có hơn 20 nghìn trường hợp chở hàng quá trọng tải; 6.872 trường hợp quá khổ giới hạn; hơn 4.600 trường hợp tự ý cải tạo phương tiện. Cơ quan chức năng đã yêu cầu tháo, cắt thùng xe đã cơi nới đối với 7.272 trường hợp; thông báo tới cơ quan đăng kiểm 678 trường hợp. Thanh Hóa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Phú Thọ, Bình Định, Đồng Nai, Bắc Ninh , Vĩnh Phúc, Khánh Hòa là những địa phương có kết quả xử lý cao. Đối với chuyên đề xử lý vi phạm về tốc độ, Cảnh sát giao thông đã xử lý trên 86,4 nghìn trường hợp (gồm 3.243 xe khách, 36.761 xe con, 9.506 xe tải, 410 xe container, 36.437 mô tô), phạt tiền hơn 150 tỷ đồng, tước 21.185 giấy phép lái xe, tạm giữ 2.829 phương tiện. Các địa phương có kết quả xử lý cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Thuận, Nghệ An, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bắc Giang, Khánh Hòa và lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông… Đối với chuyên đề xử lý vi phạm trên đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy và Cảnh sát giao thông các địa phương đã lập biên bản đối với trên 13 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 30 tỷ đồng, tước bằng, chứng chỉ chuyên môn 168 trường hợp, tạm giữ 47 phương tiện. Trong đó, vi phạm chở quá vạch mớn nước an toàn là hơn 9.800 trường hợp; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy là 266 trường hợp; vi phạm về đăng ký, đăng kiểm có 848 trường hợp và một số vi phạm khác. Cục Cảnh sát giao thông cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai cao điểm, tai nạn giao thông giảm rõ rệt trên cả 3 tiêu chí. Tính từ ngày 20/6 đến ngày 8/9, cả nước xảy ra 2.250 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.205 người, bị thương 1.640 người. So sánh với thời gian trước liền kề (từ ngày 31/3 - 19/6/2022), giảm 305 vụ (11,94%), giảm 208 người chết (14,72%), giảm 62 người bị thương (3,64%). Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 2.213 vụ, làm chết 1.174 người, bị thương 1.629 người. So sánh với thời gian trước liền kề, giảm 316 vụ (12,50%), giảm 219 người chết (15,72%), giảm 69 người bị thương (4,06%). Đạt được kết quả trên có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an các tỉnh cùng sự nỗ lực của toàn lực lượng Cảnh sát giao thông. Kế hoạch cao điểm sẽ kết thúc vào ngày 20/9/2022. Theo Cục Cảnh sát giao thông, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, khi kết thúc cao điểm, toàn lực lượng vẫn sẽ tiếp tục thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín địa bàn 24/24 giờ để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sau khi kết thúc cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần quyết liệt như thực hiện cao điểm về xử lý các vi phạm để tránh tình trạng các vi phạm tái diễn...

3 địa phương 'top đầu' cả nước về xử phạt hành vi vi phạm quy định giao thông

Sau hơn 2 tháng thực hiện cao điểm tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng toàn quốc đã xử lý hơn 600.000 trường hợp vi phạm quy định pháp luật về giao thông, phạt tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương là 3 tỉnh thành có nhiều trường hợp bị xử lý nhất. Chiều ngày 12/9, thông tin đến báo Tin tức, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, kết quả sau hơn 2 tháng lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc ra quân thực hiện cao điểm tuần tra kiểm soát (từ ngày 20/6 đến ngày 8/9), tai nạn giao thông (TNGT) cả nước giảm trên cả 3 tiêu chí. Theo đó, từ ngày 20/6 đến ngày 08/9, cả nước xảy ra 2.250 vụ TNGT, làm chết 1.205 người, bị thương 1.640 người. So sánh với thời gian trước liền kề (từ ngày 31/3/2022 đến ngày 19/6/2022), giảm 305 vụ, giảm 208 người chết và giảm 62 người bị thương. Sau hơn 2 tháng thực hiện cao điểm CSGT toàn quốc đã phát hiện lập biên bản 625.351 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1.000 tỷ đồng, tước 106.619 giấy phép lái xe (GPLX), tạm giữ 153.320 phương tiện. Riêng về kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 89.978 trường hợp (92 xe khách, 589 xe tải, 5.529 xe con, 35 xe container, 83.535 mô tô, 198 phương tiện khác), phạt tiền hơn 400 tỷ đồng, tước 55.736 GPLX, tạm giữ 89.978 phương tiện. Trong đó có 1.222 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Ba địa phương có kết quả xử lý cao nhất là TP Hồ Chí Minh (13.500 trường hợp), Hà Nội (5.949 trường hợp), Bình Dương (3.900 trường hợp). Một số tỉnh thành khác cũng nằm trong "top" xử lý nhiều trường hợp vi phạm giao thông là Hải Phòng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Bắc Giang, Tây Ninh, Phú Thọ …. Với nội dung việc kiểm tra vi phạm về "cơi nới" thành thùng, quá tải, lực lượng chức năng đã xử lý 39.053 trường hợp, (xử lý lái xe vi phạm: 23.352 trường hợp; xử lý chủ phương tiện vi phạm: 15.701 trường hợp); phạt tiền hơn 200 tỷ đồng, tước 20.287 GPLX, tạm giữ 976 phương tiện, yêu cầu hạ tải 12.076 trường hợp. Trong đó chở hàng quá trọng tải: 20.118 trường hợp; Quá khổ giới hạn: 6.872 trường hợp; Tự ý cải tạo phương tiện: 4.603 trường hợp; Yêu cầu tháo, cắt thùng xe đã cơi nới: 7.272 trường hợp; thông báo tới cơ quan đăng kiểm: 678 trường hợp. Trong nội dung kiểm tra này, địa phương phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp nhất cả nước là Thanh Hóa, với 2.903 trường hợp. Kiểm tra vi phạm về tốc độ, có 86.442 trường hợp vi phạm. Lỗi này, lượng vi phạm chủ yếu là xe con (với gần 40.000 trường hợp), xe mô tô (36.437 trường hợp), xe tải (9.506 trường hợp) và xe khách (3.243 trường hợp). Phạt tiền hơn 150 tỷ đồng, tước 21.185 GPLX, tạm giữ 2.829 phương tiện. Đáng chú ý, có 197 trường hợp vi phạm từ trên 35km/h trở lên. Trên phạm vi đường thuỷ nội địa, lực lượng chức năng đã lập biên bản 13.149 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 30 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã tước bằng, chứng chỉ chuyên môn 168 trường hợp, tạm giữ 47 phương tiện. Trong đó, hành vi vi phạm nhiều nhất là chở quá vạch mớn nước an toàn 9.811 trường hợp; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, PCCC 266 trường hợp, vi phạm về đăng ký, đăng kiểm 848 trường hợp và một số vi phạm khác. Kế hoạch cao điểm của Bộ Công an sẽ được tiếp tục thực hiện đến ngày 20/9. Sau khi kết thúc cao điểm, lực lượng CSGT toàn quốc vẫn sẽ tiếp tục thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín địa bàn 24/24h, trên tinh thần quyết liệt để tránh tình trạng tái diện các hành vi vi phạm.

Khởi tố Phó Tổng Giám đốc một Công ty cổ phần Xây dựng

Nguyễn Thiện Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, Kế toán trưởng Công ty Xây dựng FLC Faros giai đoạn từ năm 2015-2016, vừa bị bắt giữ vì có hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 12/9, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Thiện Phú (Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, Kế toán trưởng Công ty Xây dựng FLC Faros giai đoạn từ năm 2015-2016) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, quá trình điều tra mở rộng vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT ngày 23/9/2022, Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-VPCQCSĐT ngày 23/8/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, xác định Nguyễn Thiện Phú có hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, niêm yết trên sàn chứng khoán bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng trên 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt. Ngày 12/9/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) đã ra các Quyết định phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên đối với Nguyễn Thiện Phú. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định tố tụng theo quy định của pháp luật.

Khởi tố 4 bị can vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

Chiều 12/9, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau cho biết. Theo đó, các bị can bị khởi tố là: Nguyễn Hoàng Quảnh (58 tuổi) nguyên quyền Chủ tịch UBND xã; Huỳnh Thanh Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Thị Son (40 tuổi) nguyên Kế toán và Nguyễn Thị Mừng (36 tuổi) nguyên là Thủ quỹ UBND xã Tân Phú. Bốn bị can trên bị khởi tố để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; hiện được cho tại ngoại. Theo điều tra ban đầu, từ tháng 1/2013 đến tháng 8/2016, các bị can Nguyễn Hoàng Quảnh, Huỳnh Thanh Hoàng, Nguyễn Thị Son, Nguyễn Thị Mừng đã lợi dụng chức vụ, trách nhiệm được giao lập, ký chứng từ khống, giả mạo chứng từ, thanh toán tiền sai nguyên tắc, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 832 triệu đồng. Trước đó, tháng 5/2017, Thanh tra huyện Thới Bình đã có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về công tác quản lý thu chi ngân sách và các nguồn khác tại UBND xã Tân Phú (giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 2/2017). Kết luận thanh tra thể hiện, tổng số tiền sai phạm gần 1,8 tỷ đồng; trong đó, có các khoản chi và quyết toán sai như: quyết toán không có chứng từ kèm theo; chi không hết nguồn nhưng đã quyết toán với ngân sách; chi sai nguyên tắc. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau đang tiếp tục điều tra vụ án, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tiến hành truy tố theo quy định.

Lâm Đồng: Điều tra làm rõ vụ việc hai học sinh lớp 7 bị đánh nhập viện

Ngày 12/9, Công an thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, đang phối hợp với các đơn vị điều tra, làm rõ vụ việc hai học sinh lớp 7 trên địa bàn bị đánh, sau đó phải nhập viện trong ngày 5 và 6/9 vừa qua. Cụ thể, hai học sinh nam là em L.N.Đ.K và N.Q.K, học chung lớp 7A7, Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Tây Sơn (đóng tại Phường 3, thành phố Đà Lạt) bị một nhóm học sinh đánh hội đồng, quay clip và tung lên mạng xã hội. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, hiện hai học sinh này vẫn đang điều trị tại bệnh viện, chưa đi học trở lại. Trao đổi về vụ việc, ông Trần Quang Phương (cậu ruột của em N.Q.K) cho biết, việc hai học sinh lần lượt bị đánh xảy ra vào ngày 5 và 6/9 vừa qua, nguyên nhân có thể do hai em này bênh vực bạn nữ học cùng trường nên xảy ra mâu thuẫn với nhóm học sinh khác. Trong vài ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài gần 5 phút ghi lại vụ việc một nhóm học sinh mặc đồng phục các trường: Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng, Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Tây Sơn, Trung học Cơ sở Quang Trung, hành hung, tra hỏi, đánh vào đầu hai nam sinh mặc đồng phục Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Tây Sơn. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, một trong hai nạn nhân đã gọi điện cho người nhà để kêu cứu, đưa đi bệnh viện điều trị. Vụ việc hiện đang được Công an thành phố Đà Lạt phối hợp với các nhà trường để xác minh, điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tai nạn đường thủy tại Madagascar khiến nhiều người thiệt mạng, mất tích

Tối 11/9 (giờ địa phương), một vụ tai nạn đường thủy giữa tàu chở khách và tàu chở hàng đã xảy ra trên sông Loza, gần thành phố Antsohihy, phía Tây Bắc Madagascar. Hậu quả là có ít nhất 9 người thiệt mạng và nhiều người mất tích. Cơ quan hải cảng và sông (APMF) của nước này ngày 12/9 cho biết tại thời điểm xảy ra tai nạn, tàu chở khách chở 35 người, trong đó có nhiều trẻ em. Chiếc tàu này đã chìm ngay khi va chạm với tàu chở hàng. Nguyên nhân tai nạn được cho là tàu chở khách thiếu đèn chiếu sáng, khiến lái tàu không thể kiểm soát tầm nhìn. Sau khi tàu chìm, một số hành khách đã bơi vào bờ song chưa rõ con số cụ thể. Trong khi đó, tàu hàng đã tìm cách tẩu thoát sau vụ va chạm song lực lượng chức năng Madagascar đã kịp thời ngăn chặn. Cảnh sát hiện đang thẩm vấn thủy thủ tàu hàng. Tháng 12 năm ngoái, 1 tàu chở khách đã đắm tại khu vực bờ biển phía Đông Bắc Madagascar, khiến 88 người thiệt mạng.

Nga tuyên bố tấn công chính xác phá hủy kho vũ khí 45.000 tấn của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc tấn công chính xác của lực lượng Nga đã phá hủy kho đạn 45.000 tấn của Ukraine ở miền Nam nước này. Theo đài RT, Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/9 tuyên bố các lực lượng quân sự của nước này đã phá hủy một kho đạn khổng lồ ở miền nam Ukraine khi tiếp tục tiến hành "các cuộc tấn công chính xác cao" vào lực lượng của Kiev. Theo bộ trên, cuộc tấn công đã loại bỏ một kho chứa 45.000 tấn đạn dược gần thị trấn Voznesensk, vùng Nikolaev. Tuyên bố cũng cho hay những thiệt hại bên phía Kiev là "hơn 300 quân nhân thiệt mạng và tới 1.000 người bị thương" trong 24 giờ qua tại khu vực. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng các lực lượng của họ cũng đã nhắm mục tiêu vào quân đội của Kiev ở khu vực Kharkiv, nơi binh sĩ Nga gần đây đã rút lui khỏi một số khu định cư để tập hợp lại, trong bối cảnh Ukraine đang mở cuộc phản công. Theo tuyên bố, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công vào đơn vị Kraken theo chủ nghĩa dân tộc, Lữ đoàn 113 Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ và Lữ đoàn Cơ giới 93, khiến 250 quân nhân Ukraine thiệt mạng và loại bỏ hơn 20 phương tiện quân sự. Nga đã liên tục nhắm mục tiêu vào các kho đạn của Ukraine kể từ khi phát động cuộc tấn công quân sự vào ngày 24/2, trong nỗ lực phá hủy vũ khí và đạn dược do phương Tây cung cấp, cũng như làm giảm khả năng quân sự tổng thể của Kiev.Các cuộc tấn công mới của Nga xảy ra sau một cuộc phản công của quân đội Ukraine ở khu vực Kharkiv. Tổng thống Zelensky của Ukraine ngày 10/9 đã ca ngợi việc lực lượng của ông giành lại quyền kiểm soát 2.000 km2 lãnh thổ. Tiếp đó, theo tờ Wall Street Journal, Nga đã rút thêm lực lượng khỏi khu vực Kharkiv trong ngày 12/9, thoái ​​lui khỏi một vùng rộng lớn ở đông bắc Ukraine khi binh sĩ Ukraine tiếp tục tiến mạnh vào lãnh thổ do Nga kiểm soát. Chính phủ ở Kiev tuyên bố sẽ giành lại tất cả các khu vực mà Moskva chiếm giữ. Cơ quan tình báo SBU của Ukraine cùng ngày 12/9 đã công bố các bức ảnh cho thấy quân đội đang kiểm tra một nhà kho chứa đầy vũ khí và đạn dược của Nga ở Izyum, một thành phố ở đông nam Kharkiv từng là nơi đồn trú của lực lượng Nga trong nhiều tháng. SBU cho biết: “Lực lượng Nga đang rút chạy quá nhanh dưới áp lực từ các binh sĩ Ukraine đến mức họ bỏ lại toàn bộ kho vũ khí đạn dược”. Kể từ khi bắt đầu cuộc phản công hồi đầu tháng 9 này, Ukraine cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 9.000 km 2 lãnh thổ từ các lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv. Con số này tương đương 1/10 toàn bộ các khu vực mà Nga giành được kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy vậy, cuộc tiến công đã chậm lại trong ngày 12/9, khi người Ukraine bắt đầu củng cố quyền kiểm soát tại những vùng đất mới giành lại. Giờ đây, Kiev phải đối mặt với thách thức trong việc tìm kiếm nhân lực và đạn dược cần thiết để củng cố và sau đó là mở rộng những vùng lãnh thổ kiểm soát được. Nga đưa quân vào Ukraine vào ngày 24/2, với lý do Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt của Ukraine. Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass, miền Đông Ukraine, là các quốc gia độc lập và yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập, không bao giờ gia nhập bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ.